Nhân kỷ niệm 65 năm ngày giải phóng Thủ đô Hà Nội (10.10.1954 – 10.10.2019), từ ngày 10 đến ngày 15.10 Bảo tàng Hà Nội sẽ mở cuộc triển lãm mang tên Mỹ thuật Đông Dương và nghệ thuật ứng dụng tại Hà Nội – nửa đầu thế kỷ 20 để phục vụ công chúng.
Triển lãm sẽ trưng bày hơn 200 tư liệu, hiện vật, tác phẩm hội họa, điêu khắc, kiến trúc của nhiều tác giả với nhiều chất liệu khác nhau mang dấu ấn sáng tạo của trường Mỹ thuật Đông Dương trong giai đoạn nửa đầu thế kỷ 20 - nơi đào tạo ra nhiều họa sĩ, kiến trúc sư, nhà điêu khắc đã làm rạng danh nền mỹ thuật Việt Nam trong quá khứ và cả hiện tại.
Lớp hội họa và điêu khắc năm 1930 - Ảnh: Bảo tàng Hà Nội
Những năm đầu thế kỷ 20 cũng chính là giai đoạn mỹ thuật Việt Nam có bước đột phá chuyển mình từ nền mỹ thuật dân gian truyền thống sang mỹ thuật hiện đại. Trong đó trường Mỹ thuật Đông Dương đã góp phần to lớn trong việc đào tạo và bồi dưỡng về kỹ thuật và kiến thức cho các nghệ sĩ Đông Dương thông qua việc tương hợp những nghệ thuật truyền thống của các nước Đông Dương với nhau. Song song với việc hướng các nghệ sĩ bản địa tìm hiểu những kỹ thuật cũng như giá trị thẩm mỹ mới của phương Tây là việc hỗ trợ họ phát huy những bản sắc và giá trị nghệ thuật truyền thống của đất nước mình.
Áp phích triển lãm đấu xảo ở Hà Nội từ thế kỷ trước - Ảnh: Bảo tàng Hà Nội
Thông qua triển lãm lần này người xem sẽ được tiếp cận với nhiều hiện vật độc đáo quý hiếm như hai bức phù điêu trên giảng đường của trường Đại học Mỹ Thuật Việt Nam của Georges Khánh và danh Vũ Cao Đàm; bức tranh Bà đầm xòe của Victor Tardie, bộ sưu tập tem do các cựu học sinh trường Mỹ thuật Đông Dương sáng tác...
Tiểu Vũ