Trả lời khi nhận được tin nhắn không chỉ là phép lịch sự, mà còn là thước đo độ tin cậy

07/06/2019 08:40
Trả lời khi nhận được tin nhắn không chỉ là phép lịch sự, mà còn là thước đo độ tin cậy

Không biết trong cuộc sống, liệu bạn có thường xuyên gặp phải những người không thích trả lời lại tin nhắn?

01

Bạn thông báo công việc trong nhóm chat, họ không trả lời, khiến bạn không biết được rằng nhiệm vụ có được chuyển đi thành công hay không; bạn tìm đối phương hỏi về một vấn đề, họ "vờ" như không thấy tin nhắn của bạn, nhưng lần sau nhờ bạn, lại "vờ" như mọi thứ chưa xảy ra; bạn tìm đối phương nói chuyện, mãi không thấy trả lời, nhưng quay ngoắt lại một cái đã thấy họ đang nhắn tin vào một nhóm nào đó…

Trên mạng có một câu hỏi, loại người nào là đáng tin cậy nhất? Một trong câu trả lời nhận được nhiều lượt thích nhất đó là "người nhận được tin nhắn và trả lời". Đáng để suy ngẫm!

Một lần, sếp giao nhiệm vụ, yêu cầu tôi, đồng nghiệp A và đồng nghiệp B cùng nhau hoàn thành. Đồng nghiệp A chịu trách nhiệm thu thập và hoàn thiện các tài liệu của kì trước. Tôi đã gửi cho anh ấy một tin nhắn trong nhóm, mong rằng anh ấy có thể gửi tài liệu vào thời gian sớm hơn, để công việc của tôi với đồng nghiệp B sau đó có thể diễn ra suôn sẻ hơn.

Bởi vì thời gian khá là gấp, nên khi không thấy anh ấy trả lời trong nhóm, gửi tin nhắn riêng cũng không trả lời, tôi đã hơi lo lắng và gọi cho anh ấy. Phải mất một lúc sau anh ấy mới nhấc máy và nói, "Tôi thấy tin nhắn đó rồi. Tôi sẽ hoàn thành nó đúng thời gian dự kiến. Đó không phải là vấn đề lớn gì nên tôi không trả lời."

Sau khi nghe xong, tôi ngay lập tức cảm thấy người này rất không đáng tin cậy. Đối với anh ta, miễn là nhiệm vụ có thể hoàn thành, việc trả lời hay không không phải là vấn đề lớn. Nhưng, anh ta quên mất, khi ai đó nói một điều gì đó với anh ta thì đây không chỉ là việc riêng của anh ta, mà còn liên quan tới những người làm việc chung với anh ta nữa.

Trả lời khi nhận được tin nhắn đôi khi không chỉ là phép lịch sự, mà còn là thước đo độ tin cậy của một người.

Nhìn việc nhỏ đoán đại cục, xem chi tiết đoán nhân phẩm: Trả lời khi nhận được tin nhắn không chỉ là phép lịch sự, mà còn là thước đo độ tin cậy của con người - Ảnh 1.

02

Cách đây một thời gian, tôi đã "unfriend" một người bạn có mối quan hệ khá tốt với mình. Cậu bạn này khi có thời giản rảnh sẽ nhận vẽ tranh cho người khác. Một lần, vì muốn tặng cho một người bạn sắp phải đi lính một bức tranh chân dung để làm kỉ niệm, tôi đã tìm đến cậu ta.

Sau khi bàn bạc xong về giá cả, yêu cầu và thời gian lấy tranh, vì tin tưởng cậu bạn này nên tôi đã trả trước toàn bộ số tiền cho bức tranh. Đến ngày lấy tranh, cậu ta vẫn chưa xuất hiện. Tôi đi tìm cậu ta, lúc đó cậu ta mới nói gần đây khá bận, mấy hôm nữa sẽ đưa cho tôi.

Sau đó, tôi lại nhắn tin hỏi tới ba, bốn lần, mỗi lần đều phải mấy ngày sau cậu ta mới trả lời lại, còn có rất nhiều lý do: Tôi vẫn đang có mấy bức bị giục, vẽ xong mấy bức đó sẽ vẽ cho cậu ngay; tôi đi học ở ngoại tỉnh rồi, mấy hôm nữa đưa cậu; mấy hôm nay tôi chuyển nhà, chuyển xong sẽ vẽ cho cậu. Cuối cùng, bất luận là tôi có gửi tin nhắn gì, cậu ta đều nhất quyết không trả lời lại tin nhắn của tôi.

Trước sự việc, tôi có ấn tượng rất tốt về cậu bạn này, hài hước, tài năng và đẹp trai, nhưng tôi đã ngay lập tức "unfriend" cậu ta sau sự việc đó. Những người có nhân cách không tốt, không xứng đáng để kết giao.

Trò chuyện bằng âm nhạc: Vượt qua ranh giới Đông và Tây - ảnh 4

Nhìn việc nhỏ đoán đại cục, xem chi tiết đoán nhân phẩm. Trả lời tin nhắn của đối phương một cách kịp thời, hứa rồi thì phải cố gắng mà làm cho bằng được, những điều này không phải chuyện lớn gì, nhưng lại phản ánh rất rõ tính cách của một người. Nhân cách có tốt thì mới mong đi xa được.

Nhìn việc nhỏ đoán đại cục, xem chi tiết đoán nhân phẩm: Trả lời khi nhận được tin nhắn không chỉ là phép lịch sự, mà còn là thước đo độ tin cậy của con người - Ảnh 2.

03

Nhận được tin nhắn và trả lời lại là một biểu hiện của lịch sự và tôn trọng người khác.

Sẽ thật là thô lỗ khi ai đó bắt chuyện hoặc chào bạn, nhưng bạn lại không có phản ứng lại hoặc giả vờ không thấy, nó tương tự như khi nhận được tin nhắn trên Facebook vậy.

Có người từng nói, khi giao tiếp với người khác họ ghét nhất hai điều, đầu tiên, họ nói chuyện, bạn nghe thấy nhưng lại không đáp lại họ; thứ hai, họ gửi cho bạn một tin nhắn, bạn "đã xem" nhưng không trả lời.

Chân tình đổi lấy chân tình. Chúng ta cần phải biết rằng, giữa người với người, tình cảm, sự tôn trọng trước giờ đều là "tương hỗ", đều phải đến từ cả hai phía, bạn bỏ ra bao nhiêu, bạn sẽ thu lại được bấy nhiêu.

Trong công việc, trả lời kịp thời, giúp bạn nhận được sự tin tưởng của lãnh đạo và đồng nghiệp, công việc cũng có thể được hoàn thành tốt hơn.

Trong giao tiếp với bạn bè, nếu vốn dĩ đã có ít cơ hội gặp gỡ, lại còn không trả lời tin nhắn nữa, vậy thì bạn bè sớm muộn gì rồi cũng sẽ trở người dưng.

Bận tâm về bạn nhất luôn là cha mẹ, trả lời tin nhắn của họ kịp thời, đừng để họ tay lúc nào cũng cầm chiếc điện thoại rồi chờ đợi và nhớ mong bạn.

Hãy kiểm tra điện thoại của bạn trước khi đi ngủ mỗi tối. Nếu có tin nhắn quan trọng chưa được trả lời, hãy cố gắng dành ra một chút thời gian quý báu của bạn để trả lời. Đừng để một điều nhỏ nhặt như vậy làm ảnh hưởng tới công việc hay làm phai nhạt dần đi tình cảm của bạn với những người xung quanh.

Theo Trí Thức Trẻ


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025