Ngày 4.12, Luật sư Phan Vũ Tuấn - Trưởng văn phòng Phan Law Vietnam - người đại diện pháp lý của ông Trương Minh Nhật xác nhận với phóng viên Một Thế Giới, Tòa án Nhân dân TP.HCM đã chính thức thụ lý vụ tranh chấp bản quyền sở hữu trí tuệ bài thơ/nhạc Gánh mẹ giữa ông Trương Minh Nhật (nguyên đơn) và ông Đoàn Đông Đức (tức nhạc sĩ Quách Beem).
Thông báo số 250/TB - TLVA của TAND TP.HCM về việc thụ lý vụ án đã được gửi đến các đương sự có liên quan đến vụ kiện vào ngày 28.11.2019. Phía nguyên đơn là ông Trương Minh Nhật cũng đã nộp tiền án phí cho Cục thi hành án TP.HCM và chuẩn bị đầy đủ các hồ sơ chứng cứ cần thiết nhằm bổ sung cho đơn kiện khi có yêu cầu của tòa án. Đồng thời ông Nhật cũng đã nộp đơn yêu cầu hủy bỏ giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả của Quách Beem cũng như gửi yêu cầu tháo dỡ tất cả các sản phẩm thương mại liên quan đến bài hát đang được khai thác dưới mọi hình thức.
Thông báo thụ lý vụ án của TAND TP.HCM và giấy nộp án phí ông Nhật
Như Một Thế Giới đã thông tin, vụ tranh chấp bản quyền bài thơ Gánh mẹ giữa ông Trương Minh Nhật và nhạc sĩ Quách Beem bắt đầu nổi lên vào tháng 9.2019 khi ông Trương Minh Nhật phát hiện bài hát Gánh mẹ của nhạc sĩ Quách Beem đăng tải trên mạng Youtube có phần ca từ mà ông cho rằng lấy trái phép từ bài thơ Gánh mẹ của ông.
“Lập tức trong chiều hôm đó, tôi lên Facebook Quách Beem tìm số điện thoại và liên lạc thì gặp quản lý của nhạc sĩ Quách Beem tên Trần Ngọc Diễm Châu. Tôi thông báo cho họ biết phải gặp tôi tức thì. Tôi yêu cầu họ hiệu chỉnh tôi chính là cha đẻ bài thơ Gánh mẹ vì họ đã sử dụng bài thơ trái phép không qua ý kiến tôi", ông Nhật nói với phóng viên Một Thế Giới.
Ông Trương Minh Nhật tuyên bố mình là tác giả phần thơ ca khúc Gánh mẹ
Cũng theo ông Nhật, sau khi có ý kiến phản hồi, bà Trần Ngọc Diễm Châu (quản lý của nhạc sĩ Quách Beem) đã đến gặp ông để bàn bạc giải quyết vấn đề. Theo đó, hai bên đã soạn thảo một văn bản có nội dung: “Ông Trương Minh Nhật chính là tác giả chính gốc bài thơ Gánh mẹ mà lâu nay ông Đoàn Đông Đức (tức nhạc sĩ Quách Beem) chỉ ký âm và sử dụng cho cá nhân mình để biểu diễn chưa được sự đồng ý của ông Trương Minh Nhật, ông Đoàn Đông Đức phải công khai xin lỗi ông Trương Minh Nhật, ông Hà Đông Đức phải hiệu đính lại tất cả các ấn phẩm có bài hát Gánh mẹ, mà cụ thể là điền tên Trương Minh Nhật vào phần tác giả thơ”.
Ông Trương Minh Nhật khẳng định bài thơ Gánh mẹ được ông sáng tác vào những ngày mẹ ông hấp hối trong bệnh viện. Sau đó cho đăng lên nhóm Thơ văn Facebook do nhà thơ Thanh Trắc Nguyễn Văn làm quản trị từ ngày 13.6.2014 và trên trang cá nhân vào ngày 31.7.2014.
Văn bản được cho là làm việc giữa ông Nhật và Quách Beem
Ngược lại, khi vụ tranh cãi diễn ra, trên trang Facebook cá nhân, Quách Beem vẫn khẳng định bài hát Gánh mẹ do anh sáng tác và ký âm vào ngày 25.10.2013 và được Cục Bản quyền tác giả cấp bản quyền chứng nhận vào ngày 28.11.2014, và sẵn sàng đối chất trước tòa.
Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới về tính chất của vụ kiện, Luật sư Phan Vũ Tuấn cho biết đây sẽ là vụ án cực kỳ lý thú, khi Giấy chứng nhận đăng ký Quyền tác giả không giúp cho người đăng ký (ở đây là Quách Beem) chứng minh được quyền của mình mà lại trở thành chứng cứ quan trọng của một hành vi xâm phạm quyền tác giả cực kỳ nghiêm trọng (K1 Điều 28 Luật SHTT).
Giấy chứng nhận bản quyền bài hát Gánh mẹ mang tên Đoàn Đông Đức (Quách Beem) - Ảnh: FB Quách Beem
“Tháng 9.2018, Quách Beem đã tự ý đi đăng ký bản quyền cho ca khúc Gánh mẹ (bao gồm nhạc và lời) cho chính cá nhân anh này. Sau đó, anh này cho đăng tải hình ảnh giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả đã được che ngày cấp, bản sao tác phẩm đăng ký tại Cục, và tự điền thêm dòng chữ 25.10.2013. Chính thông tin không xuất phát từ Cục bản quyền tác giả này, đã gây ra sự nhiễu loạn thông tin trong thời gian vừa qua”, LS Phan Vũ Tuấn nói.
Theo quy định tại Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ, khác với Nhãn hiệu và 1 số quyền sở hữu công nghiệp khi văn bằng bảo hộ là cơ sở làm phát sinh quyền sở hữu trí tuệ, thì Quyền tác giả phát sinh ngay từ khi tác giả định hình sáng tạo của mình. Nên Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả dù rất có giá trị, nhưng không phải là cơ sở làm phát sinh Quyền tác giả. Văn bản này có giá trị chứng minh rất cao, và hoàn toàn phụ thuộc vào lời khai của người nộp đơn, không có thủ tục xét nghiệm nội dung như đăng ký nhãn hiệu. Nên văn bản này chỉ có giá trị khi người khai đơn trung thực.
Ngược lại, khi người nộp đơn kê khai thiếu trung thực thì văn bản này lại trở thành chứng cứ rõ ràng và hữu hiệu nhất về hành vi xâm phạm Quyền tác giả, mà cụ thể trong trường hợp này là hành vi chiếm đoạt Quyền tác giả theo quy định tại Khoản 1 Điều 28 Luật sở hữu trí tuệ.
Việc đăng ký quyền tác giả là một hoạt động văn minh, phù hợp với khung pháp lý Quốc tế, đòi hỏi tính trung thực rất cao của người nộp đơn, nên bên cạnh việc khuyến khích các chủ sở hữu Quyền đi đăng ký, các cơ quan Pháp luật luôn khuyến cáo người nộp đơn cần trung thực trong hoạt động kê khai và làm thủ tục.
Luật sư Phan Vũ Tuấn (Trưởng văn phòng Phan Law Vietnam)
Tiểu Vũ