Cát-sê hát sự kiện, đám cưới... là chủ yếu
Sau đại dịch COVID-19, mọi thứ đều khó khăn. Hoạt động văn hoá - giải trí cũng không nằm ngoài guồng quay đó. Mặc dù, nhiều nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên, người mẫu, MC… đã dần trở lại với công việc nhưng show diễn vẫn không thể dày đặc được như trước. Kèm theo đó là mức thù lao trong mỗi show cũng có sự xê dịch đáng kể.
Ca sĩ Hồ Quang 8 cho biết, sau đại dịch, ở miền Bắc không có nhiều chương trình biểu diễn doanh thu (chương trình ca nhạc có bán vé). Vì thế, ca sĩ ít có nguồn thu từ các chương trình này. Chỉ có sống nhờ vào hát sự kiện, đám tiệc, đám cưới, sinh nhật…
“Các sự kiện vẫn mời ca sĩ nhưng kiểu “lựa cơm, gắp mắm” chứ không chi bạo tay như trước. Ca sĩ có hát cho các doanh nghiệp cũng lấy với giá quan hệ và hỗ trợ chứ không dám “hét” giá cao. Riêng đám cưới, đám tiệc thì khi được mời ca sĩ vẫn ra giá cũ nhưng sẽ tuỳ mối quan hệ mà có những mức giá khác nhau.”, ca sĩ Hồ Quang 8 cho biết.
Ca sĩ T.N cho biết, dòng nhạc truyền thống của anh đã bắt đầu có show diễn sau một thời gian dài "ngủ đông" vì đại dịch. Tuy nhiên, do mọi thứ vẫn đang khó khăn nên anh cũng không đưa ra mức giá mà bầu show đưa như thế nào thì sẽ cầm thế đó. Tất nhiên, các bầu show đều là chỗ thân quen nên họ cũng không để ca sĩ phải chịu thiệt.
"Thời gian qua, tôi diễn sự kiện là chủ yếu. May mắn, các tỉnh có các sự kiện kỷ niệm hoặc chào mừng ngày lễ lớn nên ca sĩ cũng có công ăn việc làm. Bây giờ, được đi hát là vui vì nghỉ hát bao lâu chúng tôi rất nhớ sân khấu. Về chuyện cát-sê thì mình cũng chịu khó giảm xuống để đơn vị tổ chức họ đỡ chút khó khăn", ca sĩ T.N nói.
Theo một ông bầu, căn cứ mức phụ thu phòng trà hiện nay, có thể đoán ra thu nhập và độ “hot” của ca sĩ. Theo đó, tiền phụ thu của ca sĩ ở phòng trà (thường tính 100% hay tỉ lệ chia 2-8, 3-7...) sẽ thể hiện được cát-sê của họ.
Một phòng trà ở phố Thái Hà - Hà Nội đang “hot” nhất với khoảng 200 khách, nếu kín chỗ với mức phụ thu khoảng 1,4 triệu/khách thì cát -sê ca sĩ sẽ dao động khoảng 230 - 250 triệu đồng. Đó là mức cát-sê cao nhất đối với các ca sĩ "hot" thời điểm chưa có dịch. Tuy nhiên, với bối cảnh sau đại dịch các ca sĩ sẽ chấp nhận mức thù lao thấp hơn nhiều và không có tư tưởng phải lấy "đến đầu đến đũa" mới chịu.
Nhiều ca sĩ chủ động giảm cát-sê
Đạo diễn Vạn Nguyễn, trên thực tế, cả 3 show diễn lớn sau đại dịch do công ty anh tổ chức đều không xin giảm cát- sê từ phía ca sĩ nhưng nhiều ca sĩ vẫn chủ động “chia sẻ” khó khăn với nhà sản xuất.
“Đa phần ca sĩ đều biết, sau đại dịch, mọi thứ đều khó khăn. Các dịch vụ cho đêm diễn đều cao hơn ngày xưa, trong khi không thể tăng thêm ghế ngồi hoặc tăng giá vé. Vì lẽ đó, nhiều ca sĩ đã chủ động chia sẻ với nhà sản xuất dưới nhiều hình thức khác nhau. Có người giảm hẳn một nửa tiền cát -sê, có người chủ động tăng số lượng ca khúc trong chương trình.
Chẳng hạn, ca sĩ Cẩm Vân lúc tôi gọi điện mời chị đã rất thấu hiểu tình cảnh của nhà sản xuất nên giảm hẳn một nửa tiền cát-sê. Danh ca Giao Linh, ca sĩ Uyên Linh cũng có những sự chia sẻ đáng kể. Ca sĩ Quang Dũng cũng chủ động tăng thêm bài hát trong liveshow của mình, lúc đầu kịch bản là 15 bài nhưng anh ấy đã hát đến 22 bài. Nói chung, tinh thần anh chị em nghệ sĩ sau đại dịch đều có sự chia sẻ với đơn vị và sản xuất và làm việc khá dễ chịu”, đạo diễn Vạn Nguyễn chia sẻ.
Theo nam đạo diễn, cát -sê cụ thể của mỗi ca sĩ trong từng chương trình là điều nhạy cảm nên không thể tiết lộ. Tuy nhiên, có thể nói, cát-sê của ca sĩ tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Giá vé, địa điểm và quy mô chương trình.
“Cát-sê hát ở chương trình có sức chứa 3000 chỗ sẽ khác nơi 300 chỗ, chương trình có nhãn hàng khác với không có nhãn hàng. Ca sĩ có tên tuổi thường có mức cát-sê từ 100 triệu trở lên, cá biệt có người trên 200 triệu.
Tuy nhiên, cát-sê cao hay thấp không phải vấn đề lớn, sự ủng hộ của khán giả và sự đồng hành của các nhãn hàng mới là điều đáng bận tâm. Thậm chí, một ca sĩ ra giá mấy chục nghìn đô la nhưng được khán giả yêu mến và khả năng bán vé tốt thì nhiều nhà sản xuất vẫn chấp nhận mời”, đạo diễn Vạn Nguyễn tiết lộ thêm.
Một nhà sản xuất ở phía Nam cho biết, sau đại dịch, các nhãn hàng và khán giả cũng rón rén hơn trong việc mở hầu bao mua vé xem ca nhạc. Đây là điều không thể tránh khỏi khi dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống.
Chính lẽ đó mà các nhà sản xuất vẫn chưa dám tổ chức các chương trình bán vé vì sợ lỗ. Riêng ca sĩ thì nhiều người thậm chí sẵn sàng hạ mức cát-sê xuống 2/3 hoặc 1/2 so với trước đây để lấy mối quan hệ và thể hiện sự chia sẻ với đơn vị tổ chức.
“Bây giờ tổ chức chương trình chỉ sợ hai điều, sợ dịch tái bùng phát giữa chừng sẽ không bán được vé và đêm diễn sẽ phải dời lại. Cái sợ thứ hai là “set-up” xong mọi thứ ca sĩ lại đột ngột huỷ show vì một lí do khách quan nào đó”, người này cho biết.