Thức tỉnh điều vô hình - Cuộc tìm kiếm tâm linh đầy hoài nghi

10/12/2021 08:30
Thức tỉnh điều vô hình - Cuộc tìm kiếm tâm linh đầy hoài nghi

Qua “Thức tỉnh điều vô hình” - cuộc tìm kiếm tâm linh đầy hoài nghi của Sam Harris - ta có thể đến gần hơn với cụm từ này, hay chí ít, biết được những gì không-phải-là-tâm-linh.

Một người nằm mơ, một giấc mơ kỳ lạ, thức dậy và tự xưng mình đã đắc đạo. Một giáo sư khoa học thần kinh sống sót sau cơn thập tử nhất sinh, từ những ảo ảnh nhìn thấy được trong cơn cận tử, tự cho rằng mình đã “giác ngộ”, đã “thức tỉnh” hơn hẳn người thường. Nhưng không gì trong những trải nghiệm huyền bí ấy thuyết phục được Sam Harris tin rằng đó là tâm linh.

Cẩn thận với “tâm linh bịp bợm”

Có nhiều hiện tượng thường khiến cho người ta tin vào sức mạnh siêu nhiên, nhưng đối với Harris, mọi thứ đều có cơ sở khoa học để lý giải. Chẳng hạn như ông chỉ ra rằng déjà vu - hiện tượng mơ trước tương lai - hay một trải nghiệm cận tử là do sự can dự của các chất hóa học lên não bộ, tạo nên những cảm giác lâng lâng. Thế nhưng, có rất nhiều “guru giả mạo” lại đang biến tướng những trạng thái này thành tâm linh và lừa phỉnh hàng trăm nghìn người, thậm chí chính bản thân mình về sự giác ngộ.

Càng thẳng thừng hơn nữa khi Sam Harris đề cập đến những lý luận thường “được vẽ ra” về mối liên kết bề mặt giữa niềm tin chủ quan với những lý thuyết trong giới hạn vật lý. Nghĩa là nếu có ai đó giải thích về sự tồn tại của các linh hồn hay luật nhân quả bằng lý thuyết năng lượng học của vật lý, thì bạn có quyền nghi ngờ, bởi đó đơn giản là sự so sánh giữa hai hiện tượng khác biệt. Riêng Harris thì xem đó là ngụy khoa học.

Giải mã tâm linh bằng thuật ngữ lý trí

“Nói về tâm linh bằng các thuật ngữ lý trí” là nhiệm vụ mà triết gia, thiền sinh và kẻ hoài nghi nổi tiếng người Mỹ Sam Harris đặt ra cho mình. “Thức tỉnh điều vô hình”, vì thế, không gì hơn một cuộc truy tìm hình thái tâm linh đáng tin cậy, và có thể lý giải được thông qua lý luận và khoa học.

Với Harris tâm linh chính là cách ta thành thục tâm trí của mình. “Một bậc thầy tinh thần sẽ trở thành bậc thầy của điều gì? Tối thiểu, người đó sẽ không còn cảm thấy đớn đau vì những ảo tưởng trong nhận thức lẫn cảm xúc”, Sam Harris viết. Chẳng hạn, ông lập luận, các lời dạy của Phật giáo chỉ cho thấy Ngài là “một con người bình thường nhưng đã thấu đạt bản chất của tâm trí mình”.

Ý thức, bản ngã và thiền là những thuật ngữ Harris dẫn ra để nói về sự thành thục tâm trí nêu trên. Một trải nghiệm tâm linh là một trải nghiệm của tâm trí, mà trong đó, con người “liên tục cắt xuyên qua ảo tưởng về bản thân”. Cái cốt yếu ở đây là nhận ra ảo ảnh về bản ngã. Và theo Harris, có một sự kết nối giữa cảm giác về bản ngã và thiền tập, rằng thiền tập có thể giúp mỗi người giảm nhẹ “ảo tưởng về bản thân”.

Tất cả những điều đó được chứng minh thông qua khoa học như thế nào? Sam Harris rất nhọc công đi khai quật những dấu tích khoa học về ý thức, bản ngã và thiền. “Bản ngã ở đâu trong bộ não người?”, “Thiền làm giảm nhẹ cảm giác về bản ngã theo cơ chế nào?”… là những gì tác giả đặt ra và giúp ta tìm được câu trả lời. Đây là phần mang nhiều công sức nhất của Harris, cũng là những gì giá trị nhất mà ông đã đóng góp.

Chỉ riêng khả năng thiền - an nghỉ về mặt ý thức trong một vài khoảnh khắc trước khi ý nghĩ kế tiếp trỗi dậy - đã có thể mang tới một sự giải thoát nỗi khổ đau tinh thần”, Harris viết. Kết quả của những nỗ lực thiền định, vì thế có thể dẫn đến điều mà tác giả dẫn ra ngay từ đầu sách, “sự điềm tĩnh tuyệt đối và sự trong trẻo về cảm xúc và đạo đức khác hết thảy những gì tôi đã từng biết”, và tất nhiên, đem đến cả hạnh phúc nữa.

Sam Harris có một lý tưởng ban đầu rất hay và dũng cảm. Cái lý tưởng ấy đã đưa độc giả đi qua một hành trình thú vị về bộ não và ý thức của con người, nhằm giúp bạn đọc có cái nhìn rộng hơn về tâm linh.

Thảo Thảo


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025