Tôi thấy phải thay đổi lại từ đầu. Trước tiên là khâu giáo án. Không thể có ngôi nhà đẹp nếu khâu thiết kế không hoàn hảo. Dĩ nhiên, không thể có tiết dạy tốt nếu khâu soạn giáo án không tối ưu.
Vậy vấn đề tôi cần khắc phục là gì? Tôi chưa đầu tư nhiều cho khâu soạn bài chăng? Không, trăm lần không. Thực tế, bất cứ bài dạy nào tôi cũng soạn rất công phu, bài bản. Tôi coi mỗi giáo án là mỗi công trình khám phá khoa học, mỗi tiết dạy là một thử thách, một đỉnh Everest cần vượt qua.
Tôi không chỉ soạn những câu hỏi mà soạn cả những câu trả lời học sinh sẽ nói. Đặc biệt, những ý cần diễn giảng tôi luôn chỉn chu từng từ, từng ý, từng câu trong giáo án sao cho thật đủ, thật rõ, nhưng thật ngắn gọn, giàu hình ảnh, hình tượng và sắc thái biểu cảm.
Song khi thực thi những giáo án đó, tôi lại thấy có gì không ổn. Vô tình những trang giáo án quá chi tiết, quá chỉn chu nặng lòng ấy đã khiến tôi không sao thoát ra khỏi được cái bóng của mình đã lập trình sẵn.
Quy trình giảng, cả những lời diễn giảng gần như được lặp nguyên xi những gì đã viết trong giáo án. Hóa ra, tôi không còn là thầy giáo lên lớp đúng nghĩa nữa mà đã thành một diễn viên “diễn” lại đúng kịch bản mà đạo diễn đã dàn dựng, dù đạo diễn là chính mình. Cảm hứng sáng tạo, không gian sáng tạo với người thầy trong lúc đứng trên bục giảng gần như bị triệt tiêu.
Một hệ lụy nữa khiến tôi gặp rắc rối nhiều là phải dùng chân giơ lên bàn mở giáo án khá nhiều lần trong quá trình giảng. Mỗi lần gặp cơn gió mạnh từ cửa lớp ào vào khiến các trang giáo án bị lật mở “vô tổ chức” thì tôi lại phải “nín gan” dùng chân mở tìm lại “mệt muốn chết”. Tiết dạy bỗng chốc bị ngắt quãng. Cảm hứng sư phạm mất hết không khí tự nhiên, cuốn hút.
Nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký. Ảnh: Hồ Sơn/SGGP. |
Chính vì vậy, tôi quyết định sẽ đầu tư lại quy trình soạn giáo án. Thế là tôi quyết định sẽ soạn tới ba giáo án mỗi bài dạy. Giáo án thứ nhất là bản phác thảo những ý tưởng, cảm xúc nảy sinh trong quá trình đọc hiểu bước đầu về tác phẩm.
Giáo án thứ hai là toàn bộ quy trình và những công việc cụ thể chi tiết sẽ thực thi trong tiết lên lớp. Giáo án này tôi soạn khá dài. Thường mỗi bài tới mươi trang giấy khổ lớn.
Giáo án thứ ba với tên gọi nôm na là “Dàn ý cơ bản cần thực thi trong tiết dạy”. Ở đó chỉ là những ý chính cần khắc sâu và những câu hỏi tình huống chủ chốt cần phát vấn. Loại này, tiết nào dài nhất cũng chỉ gói gọn trong một trang giấy khổ lớn. Với giáo án gọn gàng này sẽ giúp tôi không phải bận tâm việc dùng chân lật mở nhiều lần giáo án trong tiết dạy nữa.
Kể ra, cách soạn theo mô hình “một - ba” này khá công phu và tiêu tốn nhiều thời gian, tâm lực, chắc chẳng có giáo viên nào làm như tôi. Song bù lại, nó giúp tôi nhiều cơ hội đi sâu tìm hiểu khám phá một cách tận cùng mọi cung bậc ngõ ngách của tác phẩm; tìm ra con đường lạ nhất, mới mẻ, sáng tạo nhất mà đơn giản, thu hút hứng thú tò mò thích khám phá của học sinh trong mỗi tiết dạy.
Ở bài thơ Lượm của Tố Hữu, trong quá trình đọc - hiểu khi tiếp cận khổ thơ: “Cháu đi liên lạc / Vui lắm chú à / Ở đồn Mang Cá / Thích hơn ở nhà / Cháu cười híp mí / Má đỏ bồ quân / Thôi chào đồng chí!/ Cháu đi xa dần”, tôi nảy ra một câu hỏi thật gần gũi giản đơn mà rất giàu tính tình huống: “Thầy đố em nào biết, đây là lời chào tạm biệt của ai? Tác giả chào Lượm hay Lượm chào tác giả?”.
Câu hỏi đầy bất ngờ này khiến cả lớp xôn xao. Một nửa lớp cho là lời chào của Lượm. Còn nửa kia lại khẳng định là của tác giả. Quá trình biện minh của hai bên tạo ra không khi tranh luận sôi nổi hào hứng.
Tiết dạy vì thế càng trở nên sống động, cuốn hút. Song cái quý hơn là từ đây, ý đồ giúp học sinh cảm hiểu tiến trình sự phát triển của hình tượng cảm xúc trữ tình bài thơ thêm cơ hội bừng sáng, chiếm lĩnh một cách tự nhiên.
Từ chỗ mê thích sự hồn nhiên, nhí nhảnh của Lượm: “Như con chim chích / Nhảy trên đường vàng”, càng tiếp xúc chuyện trò với Lượm, đặc biệt khi nghe em khoe: “Cháu đi liên lạc / Vui lắm chú à / Ở đồn Mang Cá / Thích hơn ở nhà” thì cảm xúc của tác giả bỗng òa lên niềm cảm phục sâu sắc khiến ông không thể không thốt lên lời tạm biệt: “Thôi chào đồng chí”.
Trong suy nghĩ của ông, giờ đây Lượm từ một chú bé loắt choắt, dễ thương đã vụt trở thành một chiến sĩ, một chiến hữu, một người đồng chí thân thiết của ông.
[...]
Những khám phá sáng tạo nho nhỏ đó trong quá trình đào sâu tìm hiểu kỹ từng tác phẩm khi soạn giáo án đã giúp tôi dễ dàng có cơ sở bung nở cảm xúc và nuôi cảm hứng trước mỗi giờ lên lớp. Chính điều đó đã gieo trong tôi tâm trạng háo hức chờ đợi tiết lên lớp từng giờ từng phút như một khát khao sớm được thể nghiệm, được chinh phục những điều mình vừa khám phá.
Song mọi sự chuẩn bị dù chu đáo mấy vẫn chỉ là màu xám của lý thuyết. Để có màu xanh của sắc lá, hương vị của mùa hoa thơm trái ngọt, cái quyết định vẫn là ở mỗi cây đời, ở thực tế mỗi tiết dạy.