Tại sao người thông minh không làm việc một mình?

07/05/2020 15:16
Tại sao người thông minh không làm việc một mình?

Đâu là bí quyết của một số cuộc kết đôi thành công, dù là khi đi làm, yêu đương, chơi thể thao, và cái gì đã khiến một số sự hợp tác chưa làm gì đã 'toang'?

Trong cuốn Sapiens, tác giả Harari cho rằng bí quyết lớn nhất khiến con người thống trị Trái Đất này là khả năng hợp tác. Tuy nhiên, những ngày dịch này cũng cho thấy một nguy hiểm khác: chính bí quyết thành công đó cũng là điểm tử huyệt khi Covid-19 khiến chúng ta phải tạm dừng đáng kể các hoạt động tương tác trong đời thật. 

Kinh tế là sự hợp tác giữa người mua và người bán. Đi làm cũng là sự hợp tác giữa nhân viên, sếp, khách hàng. Đi học cũng là một sự hợp tác giữa học sinh, giáo viên, và nhà trường. Thậm chí, đến cả tình yêu cũng là giao kèo mà thái độ của người chơi là thứ quyết định tất cả.

Nhưng không phải cứ hô hào ‘Đoàn kết’, ‘Đừng bắt tớ gánh Team’, ‘Ở nhà là yêu nước’ là tự nhiên con người sẽ có thể phối hợp với nhau trơn tru. Để nghiên cứu câu hỏi quan trọng này, cuốn sách The Power of 2 – Người thông minh không làm việc một mình, dựa trên những nghiên cứu đột phá của Gallup sẽ cho chúng ta một công thức hoàn hảo để hợp tác với bất cứ ai.

Nhưng khoan, tại sao bạn lại cần phải hợp tác? Chẳng phải cứ làm một người anh hùng cô đơn như Iron Man, một thiên tài dị biệt như Leonardo da Vinci, hay trí thông minh khác thường như Einstein thì bạn chẳng cần phải tựa vào ai sao? Được, nếu bạn đủ giỏi để có thể làm tất cả mọi việc và không có một điểm yếu nào. Tuy nhiên, là người ai cũng có những điểm bất toàn, và vì vậy điểm yếu của bạn sẽ luôn là điểm mạnh của một ai khác và hai người có thể bù đắp cho nhau.

Dựa trên 5 năm nghiên cứu dày công, 2 tác giả Rodd Wagner và Gale Muller đã xác định và phân tích 8 nhân tố chính của một cặp đôi hoàn hảo: cho dù là trong kinh doanh, thể thao, học thuật... Từ tưởng tượng (Nobita và Doremon; Naruto và Sasuke), phim ảnh (Bộ đôi cảnh sát cùng phá án, Loki và Thor), đến đời thực (Steve Jobs & Steve Wozniak; Hewlett & Packard), chúng ta ám ảnh với hình ảnh các cặp đôi với những khuyết điểm và thể mạnh bổ sung cho nhau, để cùng đi đến thành công.

Nhưng chính xác cái gì khiến mối quan hệ của họ nở hoa trong khi những kết đôi khác thất bại. Hai tác giả chỉ ra 8 yếu tố chính sau đây.

1 – Sức mạnh cộng hưởng: Nếu theo bất cứ một trường phái phân loại tính cách nào (Tử vi, Chiêm tinh, MBTI...) thì bạn sẽ thấy bất cứ cung nào, mệnh nào, mẫu người cũng có điểm mạnh và điểm yếu. “Chìa khóa thành công không nằm ở chỗ bạn phải cố gắng để trở thành một người nào khác, phấn đấu để tài giỏi như người cộng sự hay tìm kiếm sự hoàn hảo. Điều quan trọng là bạn phải nhận ra đâu là khả năng nổi bật và điểm yếu của bản thân, đồng thời hiểu được rằng khả năng của người khác có thể bổ sung cho bạn.”

3 câu hỏi bạn nên kiểm tra với đồng sự của mình là:

  • Chúng tôi có bổ sung những điểm mạnh cho nhau?
  • Chúng tôi có cần nhau để hoàn thành công việc?
  • Liệu có những việc anh, chị ấy làm tốt hơn tôi và ngược lại?

2 – Sứ mệnh chung: Thuyền không thể đi nếu mỗi người chèo một hướng; một sự hợp tác sẽ sớm thất bại nếu mỗi người có trong đầu một định nghĩa khác nhau về đích đến. “Sự hợp tác còn hơn cả tình bạn hay sự bình đẳng về quyền hạn, hơn cả việc làm cùng một văn phòng hay cùng một công ty, hơn cả sự thân cận hay đánh giá cao lẫn nhau. Khi bạn và người cộng sự cùng phấn đấu vì một mục tiêu thì giữa hai người sẽ nảy sinh mối quan hệ hợp tác. Khi đó, các bạn sẽ cùng chia sẻ công việc, cùng suy nghĩ, cùng thực hiện nhiệm vụ mà mỗi người không thể đơn độc hoàn thành. Vì thế, mối quan hệ đó sẽ là độc nhất. Nó tồn tại để phục vụ cho mục tiêu được đặt ra và chỉ kéo dài cho đến khi nhiệm vụ kết thúc.”

3 câu hỏi để kiểm tra tiêu chí này là?

  • Chúng tôi cùng chia sẻ mục tiêu chung?
  • Chúng tôi có cùng mục đích đối với việc mình làm?
  • Chúng tôi có cùng sứ mệnh trong cuộc sống?

3 – Công bằng: Để khiến 2 đứa trẻ cãi nhau, bạn chỉ cần cùng giao chúng một việc, nhưng lại trao thưởng chênh lệch: Con được 2 cái kẹo, còn con được 5 cái kẹo. Chúng ta ám ảnh với sự công bằng: Thà tất cả không được ăn gì còn hơn là cùng bỏ ra sức như nhau nhưng phần thưởng lại khác nhau.

“Trong những mối quan hệ hợp tác thành công, dù trách nhiệm phân chia không đồng đều, nhưng phần thưởng được hưởng phải tương xứng với công sức đã bỏ ra. Bạn và cộng sự không cần chia việc bằng nhau, song bạn phải đảm bảo phần thưởng tương xứng với lượng công việc. Nếu mối quan hệ cộng tác được xây dựng theo tỉ lệ công việc 70-30 thì phần thưởng cũng nên là 70-30.”

3 câu hỏi để kiểm tra tiêu chí này là:

  • Chúng tôi chia sẻ lượng công việc bằng nhau?
  • Chúng tôi không theo dõi xem ai làm gì và ai nhận được thứ gì?
  • Chúng tôi xem mỗi người đều như nhau – không ai giỏi hơn ai?

4 – Tín nhiệm: Không tin tưởng ai, bạn chẳng thể kết hợp lâu dài với ai, và cũng không ai muốn làm ăn lâu dài với bạn. “Sự tín nhiệm là chất keo gắn kết các mối quan hệ hợp tác. Nhờ nó mà cả hai có thể chuyên tâm hoàn thành trách nhiệm riêng. Một nghiên cứu về bộ não khám phá ra rằng một khi có niềm tin, bộ não của con người sẽ xử lý động thái hợp tác của cộng sự anh ta trước khi nó thật sự diễn ra.

Nếu không có sự tín nhiệm, tốt hơn hết bạn nên làm một mình. Khi cả hai nghi ngờ lẫn nhau, phải kiểm chứng hành động của nhau, hay phải lập kế hoạch dự phòng trong trường hợp cộng sự không hoàn thành nhiệm vụ, thì lúc đó nỗi thất vọng còn gây bực bội hơn việc tự mình đảm nhận toàn bộ công việc. Không có tín nhiệm thì không có sự hợp tác.”

3 câu hỏi để kiểm tra tiêu chí này là:

  • Chúng tôi tin tưởng lẫn nhau?
  • Chúng tôi tin vào lời nói lẫn hành động của nhau?
  • Chúng tôi đều kể với người khác rằng người cộng sự của mình tài giỏi ra sao?

Các bạn có thể tìm đọc các tiêu chí còn lại trong cuốn sách này với rất nhiều ví dụ thú vị đời thực từ chuyện kinh doanh, kinh tế học hành vi, lý thuyết trò chơi... Ngoài ra, một yếu tố khác có thể khiến bạn bất ngờ khi đọc 'Người thông minh không làm việc 1 mình' đó là đây cũng chính là các tiêu chuẩn vàng cho một cuộc tình bền lâu và thương yêu nhau.

Bạn cần một người có tính tương hợp (Chàng là người biết lắng nghe và nàng nói rất nhiều), hai người đều cần có sứ mệnh chung (Chàng thì muốn yêu chân thành nhưng nàng chỉ muốn vui đùa thì cũng dễ ‘toang), quyền lợi và nghĩa vụ nên được phân chia công bằng (Ai trả tiền ăn? Thế ai làm việc nhà?), hai người đều cần tin tưởng lẫn nhau (Mạo hiểm đặt trái tim cho người kia giữ, dù biết có thể họ sẽ làm mình đau lòng).

Cả hai cũng cần chấp nhận sự khác biệt của nhau (Anh chấp nhận rằng em sẽ mãi không biết xem Google Maps). Tha thứ cũng là điều cần thiết cho dù sai lầm có lớn đến đâu (Cho dù anh lừa dối em hôm đi công tác đó, nhưng em vẫn sẽ cho anh một cơ hội cuối cùng). Trao đổi thông tin cũng là một kĩ năng mà cả hai cần phải học để tránh cãi vã trong hiểu lầm (Hãy nhớ rằng anh không thể đọc suy nghĩ của em. Vì vậy, nếu giận, đừng im lặng mà hãy nói cho anh biết suy nghĩ của em là gì). Và cuối cùng cả hai đều sẵn sàng cho đi (Không phải ai yêu nhiều hơn là người đấy thua. Bạn chỉ thua khi bạn còn cố gắng thắng.)

Loài người thành hay bại là nhờ sự đoàn kết. Nhưng hợp tác thành công hay không sẽ phụ thuộc ít nhất vào việc liệu bạn có tuân thủ bộ công thức trên hay không. Như lời mở đầu của tác giả trong cuốn sách: “Chúng ta sinh ra để hợp tác cùng nhau. Hãy nhận thức điều đó. Nó sẽ giúp ích cho các mối quan hệ của bạn." 

Các bạn có thể tìm mua cuốn sách "Người thông minh không làm việc một mình" tại Đây


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025