"Quân đội Vương Bài" là một bộ phim mới của Trung Quốc lấy đề tài về quân đội nước này. Chuyện sẽ chẳng có gì nếu như nội dung của nó không bị cho là đã xuyên tạc lịch sử một cách trắng trợn về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Việt Nam.
Với sự góp mặt của dàn diễn viên đình đám như Hoàng Cảnh Du, Chung Sở Hi… và đặc biệt là "ngôi sao lưu lượng" Tiêu Chiến, bộ phim này là một trong những dự án được khán giả quan tâm. Thế nhưng, ngay khi trailer phim được tung ra vào cuối tháng 9, lập tức đã tạo nên làn sóng phẫn nộ trong cộng đồng khán giả ở Việt Nam.
Theo thông tin giới thiệu từ Baidu (một công cụ tìm kiếm của Trung Quốc, tương tự như Google), bối cảnh bộ phim này vào khoảng đầu những năm 1980, các nhân vật tham gia chiến đấu và rà phá bom mìn tại Quảng Tây - một tỉnh giáp biên giới với Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh của Việt Nam.
Trong trailer phim có phân cảnh quân đội Trung Quốc giáp lá cà với đối phương là những người "ngụy trang trong lớp lá cây, cỏ", "dùng súng tiểu liên AK" còn các diễn viên Trung Quốc mặc trang phục trùng khớp với quân phục giai đoạn nước này tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược biên giới Việt Nam năm 1979.
Đối chiếu với lịch sử, nhiều người cho rằng bộ phim có những chi tiết liên quan đến cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Việt Nam.
Thậm chí, một số blogger của Trung Quốc viết trên mạng xã hội Weibo của nước này rằng, bối cảnh bộ phim diễn ra trong thời kỳ "quân đội Việt Nam ngày càng lớn mạnh, có ý đồ với lãnh thổ Trung Quốc, phát động các cuộc xâm lấn Trung Quốc ở biên giới..." (tài khoản Yundanfengqing).
Tóm lại không phải nói nhiều, đây rõ ràng là bộ phim "lèo lái" lại lịch sử, "đổi trắng thay đen" rất trắng trợn.
Chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979 đã trôi qua 42 năm. Với tinh thần yêu chuộng hòa bình, chúng ta có thể gác lại hận thù để hợp tác cùng phát triển. Thế nhưng, việc "tẩy trắng" và bịa đặt lịch sử là hành động không thể nào chấp nhận.
Sự bịa đặt và bôi nhọ lịch sử đó một lần nữa khơi gợi lại đau thương, là sự xúc phạm đối với xương máu những người lính Việt Nam đã ngã xuống, xúc phạm cả những nạn nhân trong cuộc chiến năm xưa.
Việc cho lưu hành một bộ phim như vậy chẳng khác nào đã đi ngược lại nỗ lực của hai quốc gia trong việc "khép lại quá khứ, hướng tới tương lai".
Đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên các sản phẩm phim ảnh của Trung Quốc có hành động cài cắm các nội dung sai sự thật về lịch sử và địa lý. Bản đồ "đường lưỡi bò" phi pháp rất nhiều lần đã bị khán giả Việt vạch trần và phản đối.
Những nhà làm phim Trung Quốc, họ đang có ý đồ gì? Rằng một kiến thức sai lệch nếu nói đi nói lại nhiều lần sẽ nghiễm nhiên được cộng đồng chấp nhận và công nhận là đúng hay sao?
Tuy nhiên, tôi tin rằng, khán giả trẻ sẽ không dễ dãi, "mắt nhắm, mắt mở" mà ủng hộ những bộ phim có nội dung lệch lạc như vậy. Nhiều người đã bày tỏ ý kiến ngay trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội của Trung Quốc, kêu gọi tẩy chay bộ phim này bất chấp diễn viên là "thần tượng" của họ.
Việc yêu quý một diễn viên, một bộ phim hay văn hóa Trung Quốc không đồng nghĩa với thỏa hiệp, đi ngược lại với tinh thần yêu nước, tôn trọng sự thật lịch sử, bảo vệ lẽ phải. Đó chính là ứng xử văn minh và trưởng thành của thế hệ trẻ.
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao vào chiều ngày 7/10, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã chú ý tới bộ phim này.
"Chủ trương nhất quán của Việt Nam đối với các vấn đề thuộc về lịch sử là gác lại quá khứ, hướng tới tương lai; nhìn nhận lịch sử một cách đúng đắn và khách quan, có các việc làm thiết thực để tăng cường sự hiểu biết, hữu nghị giữa người dân, đóng góp cho quan hệ hữu nghị, hợp tác và phát triển giữa các quốc gia trên thế giới" - bà Hằng nêu rõ.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng nhấn mạnh quan điểm đề nghị phía Trung Quốc thực hiện nghiêm nhận thức chung giữa lãnh đạo cấp cao hai nước; tăng cường tuyên truyền, hữu nghị, khách quan, củng cố cơ sở xã hội, thuận lợi cho phát triển quan hệ hai nước.
Trước khi đối phương có những hành động sửa sai, hi vọng các cơ quan chức năng như Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông… cũng như đơn vị có thẩm quyền khác hành động kịp thời và cứng rắn. Đối với những hành vi vi phạm chủ quyền và bịa đặt lịch sử thì không thể nào nhân nhượng!
Bích Diệp