Nhật Bản không chỉ có sushi hay shashimi... mà còn có Shiokara vô cùng khó ngửi.
Trong văn hóa ẩm thực truyền thống của Nhật Bản không chỉ có sushi hay shashimi… mà còn có Shiokara – món mắm mực của Nhật khiến nhiều người phải bịt mũi, nhắm mặt lại… mỗi khi thưởng thức chỉ vì mùi vị tanh nồng vô cùng khó ngửi của nó.
Nếu như người Việt Nam có món mắm tôm, mắm cáy, mắm Thái… thì người Nhật có món Shiokara, hay còn gọi là Ika no shiokara. Shiokara được chế biến từ hải sản.
Để làm món Shiokara, người ta sử dụng mực ống cắt nhỏ rồi ngâm với nội tạng của chính nó. Sau đó, thành phần hải sản này được ướp với muối và một số gia vị khác như hỗn hợp ớt shichimi, mù tạt và một chút bột gạo. Tất cả hỗn hợp này sau đó được ủ trong một hủ thủy tinh đậy kín và sau 1 tháng thì có thể sử dụng được. Tuy nhiên, để có được món Shiokara ngon và “thơm” nhất thì thời gian ủ đẹp nhất là 6 tháng. Khi đó, món Shiokara thành phẩm có màu nâu, sệt, dính và nhớt, thêm mùi vị mặn, cay và tanh nồng vô cùng khó ngửi.
Mặc dù "khó ngửi" vậy nhưng với người Nhật, Shiokara được dùng với cơm trắng và rượu sake sẽ tạo thành hương vị đặc biệt.
Dù là món ăn vô cùng khó ngửi và không phải ai cũng “nuốt nổi” song Shiokara được xem là món ăn giàu dinh dưỡng. Trong cuốn sách “Food Sake Tokyo”, tác giả Yukari Sakamoto mô tả rằng: “Shiokara là món ăn khó nuốt với nhiều thực khách. Mực sống được lên men cùng với nội tạng của chính nó nên là món ăn vô cùng khó ngửi, tuy nhiên, nó lại giàu dinh dưỡng”.
Món ăn truyền thống này có mặt từ thế kỷ thứ 11 ở xứ mặt trời mọc, gắn liền với lịch sử đánh bắt hải sản lâu đời của người dân Nhật. Shiokara được xem là món ăn chứa nhiều đạm, vitamin và khoáng chất tốt cho sức khỏe, giảm nguy cơ béo phì, đột quỵ hay cao huyết áp. Món ăn này thường được người Nhật trữ để sử dụng cho qua mùa Đông khắc nghiệt, khi không thể đi đánh bắt cá được.
Mặc dù món ăn giàu dinh dưỡng nhưng vì mùi vị chua tanh khó ngửi của Shiokara nên không phải ai cũng ăn được, nhất là với khách du lịch. Trong ẩm thực hiện đại Nhật Bản, Shiokara được biến tấu thêm nhiều thành phần hải sản đa dạng và có tên gọi khác nhau như Shuto với nguyên liệu là cá ngừ; Ganzuke làm bằng cua và Mefun từ cá hồi, Uruka làm từ cá nước ngọt. Và tùy khẩu vị mỗi người mà có thể thêm bớt hoặc gia giảm đường, ớt, gừng hoặc mù tạt… cho dễ ăn với mình hơn.
Nếu có dịp du lịch đến xứ hoa anh đào, du khách có thể thưởng thức món mắm… “kinh dị” này ở các nhà hàng truyền thống của Nhật.
Nhật Hạ