Khi phụ nữ 30 tuổi chia sẻ tiêu chí chọn bạn đời
Phụ nữ bước sang tuổi 30 có nhiều thay đổi trong lý tưởng yêu và kết hôn. Với chị Quách Tuyết, tiêu chí để chọn một người chồng ở tuổi 30 đã khác xa với những tiêu chí đặt ra khi chị còn ở độ tuổi 20.
"Hai mươi mấy tuổi, những lý tưởng về tình yêu trong mình còn non nớt lắm. Không chỉ riêng mình mà có lẽ người phụ nữ nào ở độ tuổi ấy cũng vậy. Người ta nói đùa là "những tấm chiếu chưa từng trải" đó. Mình từng nghĩ, để đi đến kết hôn chỉ cần cả hai yêu nhau là đủ, anh ấy có ngoại hình một chút, ăn nói có duyên, hài hước là được. Nhưng giờ tiêu chuẩn chọn chồng của mình khác nhiều rồi.
Một người đàn ông nên chọn làm chồng nhất định phải là người đàn ông "trong đầu có kiến thức trong lòng có trách nhiệm", đủ vững vàng để mình có thể dựa vào khi cần. Bởi nói gì thì nói, dù chị em mình có độc lập, mạnh mẽ tới đâu cũng có lúc yếu đuối và cần một bờ vai vững chãi để dựa vào.
Còn nếu như không thể kiếm cho mình một người đàn ông đủ bản lĩnh để dựa vào thì tốt hơn hết chị em đừng vội kết hôn, sẽ chỉ đem về thêm gánh nặng và mệt mỏi mà thôi", chị Quách Tuyết bày tỏ.
Khi nhắc tới vấn đề tiềm lực kinh tế của một người đàn ông, chị Quách Tuyết cho rằng, đó không phải là tiêu chí hàng đầu mà chị em nên đưa ra khi lựa chọn bạn đời. Kinh tế không phải là tất cả nhưng lại là một trong những yếu tố quan trọng không thể thiếu trong đời sống hôn nhân.
Quách Tuyết cho hay: "Có một thực tế rất rõ ràng là người có tiềm lực kinh tế lớn hơn trong gia đình sẽ là người sức ảnh hưởng lớn hơn và tất nhiên, cánh mày râu không ai muốn bản thân mình thua thiệt vợ về mặt tài chính. Vậy nên nếu như được chọn, mình cũng sẽ chọn người đàn ông ít nhất có nguồn thu nhập tài chính ngang bằng với mình.
Tài chính không chỉ đơn thuần là mức thu nhập mà còn cho thấy sự đồng đều trong tư duy và thói quen, lối sống của cả hai. Ngay cả khi người đàn ông có mức thu nhập quá cao so với bạn cũng sẽ khiến bạn cảm thấy khập khiễng".
Cùng chung quan điểm với chị Quách Tuyết, chị Trần Huyền Nga (32 tuổi, Hải Phòng) cũng cho rằng, phụ nữ dù ở độ tuổi nào cũng không nên "nhắm mắt lấy đại" một người chồng cho có.
"Mình vẫn luôn ám ảnh một câu nói rằng: "Con bạn sinh ra không có quyền lựa chọn bố mẹ, nhưng bạn có thể lựa chọn người làm cha của con mình". Vậy nên mình vẫn mong muốn tìm cho con mình một người bố thật tốt chứ không chỉ tìm cho mình một người chồng.
Mình là một người phụ nữ hiện đại, có đủ tiềm lực kinh tế vững vàng, ngay cả khi làm mẹ đơn thân mình vẫn có đủ khả năng vậy thì lý do gì khiến mình phải lựa chọn một người đàn ông thấp kém hơn mình để làm chồng? Không chỉ riêng về vấn đề kinh tế mà ngay cả học vấn, tư duy và đối nhân xử thế cũng là điều mà phụ nữ mình quan tâm", chị Huyền Nga thẳng thắn nói.
Với chị Huyền Nga, đó là một tư tưởng thực tế. Phụ nữ dù ở độ tuổi nào cũng có quyền lựa chọn và ngay cả đàn ông cũng có quyền lựa chọn cho mình một người bạn đời phù hợp. Vậy nên việc cho rằng, tư tưởng chọn chồng có tiềm lực kinh tế, tư duy ngang bằng của người phụ nữ là sự ích kỷ và khiến cánh mày râu thêm gánh nặng là không đúng.
Chuyên gia Xã hội học nói gì?
Chuyên gia Xã hội học, Th.s Phạm Thị Minh Tâm (Khoa Xã hội học, Trường ĐH KHXH&NV) đã từng tiếp cận một số nghiên cứu xã hội học về tiêu chuẩn lựa chọn bạn đời. Chuyên gia chia sẻ, kết quả nghiên cứu cho thấy, các bạn trẻ ngoài việc mong muốn bạn đời của mình "biết quan tâm, chia sẻ", "có trách nhiệm", "chung thủy"... thì còn mong muốn tương đồng về học vấn, lối sống, hoàn cảnh kinh tế, văn hóa... Mỗi người sẽ đưa ra những yêu cầu và sự lựa chọn mà họ cho là hợp lý đối với mình.
"Tôi cho rằng, việc lựa chọn ai làm bạn đời với mình là một lựa chọn mang tính cá nhân và tôi không phán xét về điều đó", chuyên gia bày tỏ.
Th.s Phạm Thị Minh Tâm cho biết thêm, mỗi một cá nhân sẽ có những tiêu chí chọn bạn đời cho riêng mình để phù hợp với chính họ. Người đề cao về tình cảm, người đề cao vật chất, có người lại đề cao về ngoại hình... Thậm chí ở mỗi người, qua mỗi giai đoạn cũng sẽ đề cao những giá trị khác nhau.
"Các bạn hỏi tôi như thế nào là người đàn ông tốt. Điều này phụ thuộc vào mỗi người xem người ta quan niệm "đàn ông tốt" là như thế nào. Có người quan niệm rằng "đàn ông tốt" là người biết quan tâm, chăm sóc vợ con; người lại có quan niệm "đàn ông tốt" là người lo được cho vợ con một cuộc sống đầy đủ, sung sướng. Chính vì thế, "đàn ông tốt" là người phù hợp với mình, với nhu cầu của mình.
Và như chuyên gia đã nói, mỗi người sẽ có một quan điểm chọn bạn đời riêng, nên sẽ không có chuyện vì một người phụ nữ đề cao tiêu chí lựa chọn bạn đời mà làm mất đi cơ hội kết hôn của nam giới.
Với câu hỏi: "Liệu việc phụ nữ hiện đại ngày càng đề cao tiêu chí chọn chồng như vậy có gây thêm áp lực lên phái mạnh hay không, khi vốn họ đã bị xã hội đưa lên vai rất nhiều áp lực làm việc lớn?", chuyên gia Phạm Thị Minh Tâm một lần nữa khẳng định:
"Trong cuộc sống hiện tại chắc hẳn chúng ta ai cũng có áp lực, mỗi giới sẽ có một áp lực riêng. Nền văn hóa bao lâu nay của chúng ta luôn đặt gánh nặng lên vai người đàn ông phải làm "trụ cột", làm những việc "lớn", biết gánh vác kinh tế; trong khi đó người phụ nữ cũng phải "tam tòng tứ đức", "công, dung, ngôn, hạnh", nội trợ việc nhà, nuôi dạy con cái. Đó là những định kiến mà những người làm nghề "xã hội" như chúng tôi đang cố gắng thay đổi sao cho có được một xã hội công bằng, văn minh nhất".
Ngọc Linh