"Khán giả đôi khi xấu hổ thay nghệ sĩ chúng tôi rồi… chê bai"
NSƯT Thành Lộc đã chia sẻ một số suy nghĩ của mình về chuyện nghệ sĩ và dịch Covid-19 trong chương trình "Chuyện ngại nói" với Xuân Lan. Trong thời gian dịch bệnh vừa qua, nhiều nghệ sĩ vì không có show nên chuyển qua bán hàng online để mưu sinh.
"Người thì làm chân gà, người thì làm khô cá, tôm khô bán; người nấu bún bò… rao trên mạng thì đồng nghiệp, khán giả vào mua ủng hộ, đó là mưu sinh, tôi nghĩ không có gì phải xấu hổ", Xuân Lan kể.
Thành Lộc thì cho rằng, anh thán phục các nghệ sĩ đó vì anh không biết làm, không thể làm được như họ: "Tôi thán phục các bạn đó, bởi tôi không làm chuyện đó được. Tôi không biết làm. Tôi chỉ lanh lợi cái miệng trên sân khấu thôi, chứ bảo tôi livestream quảng cáo, bán hàng tôi không làm được. Tôi tin vào tử vi lắm. Tôi tin rằng mình không có số làm chuyện đó.
Tôi thấy nhiều bạn nghệ sĩ rao bán hàng trên mạng rất giỏi. Tôi tự nhủ họ làm hay quá, rất nể họ. Tôi thán phục họ. Họ truyền cho tôi cảm hứng tích cực, rằng họ có thể bươn chải bằng mọi cách để duy trì cuộc sống của mình ổn định.
Và điều tôi nể các nghệ sĩ đó ở chỗ không xấu hổ. Bởi có khán giả đôi khi… xấu hổ dùm nghệ sĩ chúng tôi. Từ đó, họ chê bai: "Trời ơi, nghệ sĩ mà đi bán khô gà, nghệ sĩ mà đi bán đồ tạp hóa".
Tôi nghĩ, nghệ sĩ cũng là con người mà. Người ta cũng cần nuôi bản thân, người ta cũng cần nuôi con cái, nuôi cha mẹ và không tự ái về chuyện đó.
Chuyện nghệ sĩ chúng tôi lao động trên sân khấu hay đi bán hàng trên mạng thì suy cho cùng vẫn là đem công sức của mình ra để kiếm tiền. Đó là lao động và là kiếm tiền chân chính.
Tôi không làm được điều đó nên rất ngưỡng mộ, rất nể và quý trọng những người bạn nghệ sĩ của tôi đã làm được."
Trước đó, NSƯT Thành Lộc từng chia sẻ về thời điểm giãn cách xã hội vì dịch Covid- 19, sân khấu đóng cửa, bản thân anh "chết cứng vì không có thu nhập". "Trong thời gian giãn cách, có người em diễn viên chuyển qua bán hàng online để kiếm sống. Còn tôi không có cách gì khác ngoài việc bán bớt đồ trong nhà đi…", anh kể.
Nam diễn viên phim "Nước mắt học trò" chia sẻ thêm rằng, bản thân không dám ra đường vì không có tiền. Mỗi tháng anh phải gánh các khoản trả góp, tiền nhà, xe, các chi phí khác. Mới đây, Thành Lộc phải bán đi một số món đồ giá trị trong nhà để trả lãi ngân hàng…
"Nếu không bị dịch bệnh, chị em tôi ít nói chuyện lắm…"
Theo NSƯT Thành Lộc, chưa một quốc gia nào dám tuyên bố hết dịch. Dịch có thể đến bất cứ lúc nào, bùng phát không ai biết trước và tất cả mọi người đều có thể trở thành nạn nhân của nó.
"Nếu nghĩ theo hướng tích cực thì tôi nghĩ thời điểm mọi người ở chung nhà có thể quan tâm đến nhau nhiều hơn. Tôi nghĩ, đôi khi người mẹ suốt ngày bươn chải ngoài đường, chỉ biết đem tiền về để cho con có tiền đi học, có ăn có mặc. Nhưng đôi khi đứa con lại cần bàn tay người mẹ xoa lên trán xem mình có bị sốt hay không, mà người mẹ lại quên mất việc đó. Không phải người mẹ vô trách nhiệm mà vì người mẹ đó không có thời gian.
Nhưng trong thời gian giãn cách xã hội, ở nhà, người mẹ có thể làm được chuyện đó. Họ quan tâm đến nhau, đến mẹ, đến cha mình.
Nói đâu xa, mẹ tôi đã qua đời trước thời điểm dịch bệnh. Tôi nhớ lại quãng thời gian mẹ tôi bắt đầu già yếu, tôi cũng không có thời gian thăm hỏi mẹ. Cả ngày tôi đi đến khuya mới về. Mẹ ngủ thì thôi, mẹ còn thức thì giỏi lắm mới hỏi thăm được vài câu rồi đi lên lầu.
Trong thời gian giãn cách xã hội, nhiều người con mới có thời gian để ý xem hôm nay mẹ có sốt không, ba có ốm không, có khó khăn trong vấn đề thở hay không bởi vì lo lắng chuyện virus tấn công người già yếu.
Dù không nói ra hay ngại nói nhưng tôi biết có người con thời điểm dịch bệnh mới giật mình nhận ra mối quan hệ người thân trong gia đình, chú ý, quan tâm nhau nhiều hơn", Thành Lộc chia sẻ.
Nam nghệ sĩ cũng tiết lộ: "Nói đâu xa, các chị lớn của tôi, người thì sống ở nước này, người sống ở nước kia. Trong thời gian giãn cách xã hội, chúng tôi lại có nhiều thời gian trò chuyện trên mạng xã hội, hỏi thăm, quan tâm nhau lắm. Nếu không bị dịch bệnh, chị em tôi ít nói chuyện lắm, ai cũng lo bươn chải cuộc sống của mình…".
Nguyễn Hằng