Nỗi đau này không thuộc về bạn - Tâm trí chúng ta có khả năng tự chữa lành bằng hình ảnh

TRẦN MẶC27/01/2024 09:00
Nỗi đau này không thuộc về bạn - Tâm trí chúng ta có khả năng tự chữa lành bằng hình ảnh

Trong các nghiên cứu của mình, Mark Wolynn phát hiện rằng nền tảng của quá trình chữa lành chính là giúp mọi người tìm ra một hình ảnh có thể khơi gợi được sự đồng cảm ở họ nhiều nhất.

Trong nhiều trường hợp, những sang chấn tâm lý chưa được hóa giải sẽ không bao giờ ngủ yên mà luôn tìm cách quay lại các thế hệ sau, kể cả khi người trải qua sang chấn đã qua đời. Nhưng may mắn thay, con người vốn dĩ linh hoạt và có khả năng chữa lành hầu như mọi loại sang chấn. Quá trình chữa lành này có thể diễn ra vào bất cứ thời điểm nào trong đời, chỉ cần ta hiểu đúng và sử dụng đúng công cụ.

Một biện pháp then chốt mà chúng ta có thể áp dụng là chủ động để bản thân bị tác động mạnh bởi một trải nghiệm hoặc một hình ảnh xúc động, đủ để xóa nhòa những cảm xúc và cảm giác tổn thương vẫn đang sống bên trong mình. Trong “Là bạn nhưng vạn lần tốt hơn”, Mark Wolynn lý giải: “Bởi vì tâm trí chúng ta có khả năng tự chữa lành mạnh mẽ bằng hình ảnh. Khi chúng ta tưởng tượng ra khung cảnh tha thứ, an ủi hay buông bỏ, hay đơn giản mường tượng ra hình ảnh người mà chúng ta yêu thương, những hình ảnh đó đều có thể ngấm sâu vào cơ thể và khắc sâu vào tâm trí chúng ta.”

Ý tưởng cho rằng hình ảnh có sức mạnh chữa lành đã được công nhận từ trước khi được chứng minh bằng phương pháp quét não. Năm 1913, nhà tâm lý học Carl Jung đã sáng tạo ra thuật ngữ sự tưởng tượng chủ động (active imagination) – một kỹ thuật sử dụng hình ảnh (thường là từ một giấc mơ) để bước vào đối thoại với tâm trí vô thức, đưa những gì từng bị bao trùm trong bóng tối ra ánh sáng.

Trong công trình nghiên cứu được công bố vào năm 1949, Donald Hebb - nhà tâm lý học thần kinh người Canada - đúc kết: “Những tế bào thần kinh nào hoạt động cùng nhau thì sẽ kết nối với nhau”. Theo đó, khi các tế bào não được kích hoạt cùng nhau, kết nối giữa chúng sẽ trở nên vững chắc hơn. Nói một cách đơn giản, mỗi lần chúng ta lặp lại một trải nghiệm cụ thể, trải nghiệm này sẽ được khắc sâu hơn trong ta. Nếu được lặp đi lặp lại nhiều lần, nó có thể trở thành một phản ứng tự động.

Để áp dụng nguyên lý của Hebb, chúng ta cần thực hành những trải nghiệm mới có tính tích cực, bổ ích hoặc ý nghĩa đối với mình. Đây có thể là trải nghiệm mang đến cảm giác được an ủi, ủng hộ, đồng cảm hoặc biết ơn – tóm lại là bất cứ điều gì giúp chúng ta tìm được cảm giác mạnh mẽ, bình an trong chính mình.

Khi ta thường xuyên tìm lại những cảm xúc và cảm giác gắn liền với trải nghiệm mới này, không chỉ các cấu trúc trong não ta bắt đầu kết nối với nhau mà ta còn có thể kích hoạt sự giải phóng các chất truyền dẫn thần kinh giúp tạo ra cảm giác dễ chịu như serotonin và dopamine, hay những hoóc-môn giúp tạo cảm giác thoải mái như oxytocin…

Như thế, một khi bản đồ não mới được thiết lập, những ý tưởng, cảm xúc và hành vi mới có thể nảy sinh một cách tự nhiên, giúp mở rộng phạm vi phản ứng của ta khi những nỗi sợ cũ trỗi dậy.

Theo Mark Wolynn, khi lập được mối liên hệ với những gì ẩn đằng sau các nỗi sợ hãi và các triệu chứng mình gặp phải, ta cũng đang mở ra những khả năng hóa giải mới. Đôi khi, chỉ riêng những hiểu biết mới mà ta có được cũng đã đủ để giúp ta buông bỏ những hình ảnh đau đớn mà trước giờ ta khư khư ôm lấy, và khởi đầu một sự giải thoát mà ta có thể cảm nhận được từ tâm can.


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 23/11/2024