Không phải ai bị chia tách với mẹ trong giai đoạn đầu đời cũng sẽ chối bỏ mẹ. Nhưng hệ quả thường gặp về sau là bạn sẽ luôn có cảm giác lo âu ở một mức độ nào đó mỗi khi thử gắn bó với một người trong mối quan hệ lứa đôi. Nỗi lo âu này có thể khiến bạn gặp khó khăn trong việc duy trì mối quan hệ hoặc thậm chí khiến bạn hoàn toàn không muốn gắn bó với ai. Nó cũng có thể chuyển hóa thành quyết định không có con. Ngoài mặt, bạn có thể than thở rằng nuôi dạy một đứa trẻ đòi hỏi quá nhiều thời gian và công sức. Nhưng trong thâm tâm, bạn cảm thấy mình không được trang bị đầy đủ để có thể trao cho con mình những gì mà chính bản thân chưa bao giờ nhận được.
Một sự đứt đoạn trong liên kết đầu đời giữa mẹ và con ở những thế hệ trước cũng có thể ảnh hưởng đến sự liên kết giữa bạn và mẹ. Mẹ hoặc bà ngoại của bạn có từng trải qua sự gián đoạn trong kết nối với mẹ của họ không? Tàn dư của những sang chấn đầu đời này có thể được truyền lại cho các thế hệ sau. Thêm vào đó, mẹ của bạn cũng sẽ gặp khó khăn khi không thể trao cho bạn những gì chính bà đã không nhận được từ mẹ của mình.
Nhìn chung, những gián đoạn gắn bó diễn ra trong giai đoạn đầu đời thường khó được nhận diện, vì não bộ của chúng ta không được trang bị để có thể truy xuất những ký ức trong những năm đầu đời. Phải một thời gian sau khi ta tròn hai tuổi thì đồi hải mã, phần não chuyên trách việc hình thành, sắp xếp và lưu trữ ký ức mới phát triển đầy đủ các kết nối với vùng võ não trước trán (phần não giúp ta diễn giải các trải nghiệm của mình). Hệ quả là những sang chấn xảy ra do sự chia tách trong giai đoạn đầu đời sẽ được lưu trữ dưới dạng những mảnh ghép rời rạc thay vì những ký ức rõ ràng mà ta có thể chắp nối lại thành một câu chuyện. Khi không có câu chuyện, ta khó có thể lý giải những cảm giác và cảm xúc này.
Đôi khi sự chia cắt này không diễn ra theo nghĩa vật lý, mà nghiêng về mặt năng lượng. Mẹ có thể có mặt ngay bên cạnh ta nhưng hoàn toàn xa cách về mặt cảm xúc, hoặc bà có thể lúc thế này, lúc thế khác. Sự diện hiện và chú tâm trọn vẹn mà người mẹ dành cho con trong những năm đầu đời của con chính là phương tiện giúp trẻ trở nên khỏe mạnh về mặt tâm lý và cảm xúc. Nhà phân tâm học Heinz Kohut đã miêu tả cái cách mà “ánh sáng trong mắt mẹ” khi bà nhìn đứa con bé bỏng sẽ trở thành phương tiện giúp đứa trẻ cảm thấy mình có giá trị và được công nhận, và nhờ đó mà nó có thể khôn lớn theo cách lành mạnh.
Nếu từng trải qua sự chia cắt với mẹ khi còn nhỏ, ta có thể cần phải chắp nối lại một số manh mối hiện ra từ quá khứ của mẹ cũng như của chính ta. Hãy nhìn lại và tự hỏi: Liệu từng có biến cố gây sang chấn nào xảy đến với mẹ khiến mẹ không thể tận tâm chăm sóc con cái không? Mẹ đang thật sự dành tâm trí cho ta hay vẫn đang bận lòng chuyện gì khác? Khi mẹ chạm vào ta, trong cách mẹ nhìn ta hay giọng điệu của mẹ khi bà nói chuyện với ta, ta có nhận thấy sự mất kết nối nào không? Trong các mối quan hệ tình cảm, ta có gặp khó khăn trong việc gắn bó với đối phương không? Ta có khép mình, thoái lui hoặc né tránh sự thân mật không?
Khi sự gắn bó với mẹ bị gián đoạn, đứa trẻ có thể trở nên ngần ngại khi phải xây dựng lại kết nối với mẹ mình. Cách mối liên kết này được khôi phục có thể tạo ra một khuôn mẫu, định hình sự gắn bó cũng như rạn nứt trong những mối quan hệ về sau của đứa trẻ đó. Nếu mối liên kết này không được hàn gắn một cách trọn vẹn thì về sau đứa trẻ có thể sẽ ngần ngại trong nỗ lực gắn bó với một người bạn đời.
Thuở sơ sinh, mẹ chính là cả thế giới đối với chúng ta. Khi bị tách khỏi mẹ, ta sẽ có cảm giác như đang bị tách khỏi sự sống. Cảm giác trống rỗng, mất kết nối, bơ vơ, tuyệt vọng hay niềm tin rằng có điều gì đó hết sức không ổn trong bản thân sự sống… tất cả những điều này có thể sẽ nảy sinh khi ta bị tách khỏi mẹ quá sớm. Vì ta còn quá nhỏ nên không thể xử lý được sang chấn, nên những cảm xúc, niềm tin và cảm giác cơ thể mà ta trải nghiệm vào thời điểm đó sẽ còn sống mãi trong ta, trong khi câu chuyện kết nối chúng với quá khứ thì lại thiếu mất. Những trải nghiệm này rồi sẽ dẫn đến những tổn thương, mất mát, cảm giác thất vọng và sự mất kết nối mà ta gặp phải trên đường đời về sau.
Ngày còn nhỏ, chúng ta trải qua cả những lúc êm đềm lẫn những khi trắc trở. Tuy nhiên, những kỷ niệm êm đềm, như khi được mẹ ôm ấp, lúc được mẹ cho ăn, tắm rửa hay ru ngủ… thường bị phong tỏa. Thay vào đó chúng ta dường như chỉ nhớ được mỗi những kỷ niệm đau buồn. những khi không có được những gì mình muốn hay không nhận đủ sự yêu thương.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Là một đứa trẻ, những khi cảm thấy sự an toàn hoặc bình yên của mình bị đe dọa, cơ thể chúng ta sẽ phản ứng lại bằng cách dựng lên một hàng rào phòng vệ. Thế rồi các phản ứng phòng vệ vô thức này dần trở thành cơ chế mặc định, khiến ta chỉ tập trung để ý đến những khó khăn sóng gió mình gặp phải, thay vì ghi nhận những niềm vui trong đời. Cứ như những kỷ niệm hạnh phúc của ta đều nằm cách ta một bức tường, nơi ta không cách nào chạm tới được. Ta chỉ có thể đứng ở bên này bức tường, và sống với niềm tin rằng từ trước tới giờ cuộc đời ta chưa từng trải qua điều gì tốt đẹp.
Như thể chúng ta đã viết lại quá khứ, chỉ giữ lại những ký ức nào có thể củng cố cơ chế phòng vệ nguyên thủy của mình, một cơ chế đã ở với ta quá lâu và dần trở thành chính con người chúng ta. Nằm ẩn bên dưới lớp hàng rào vô thức mà ta dựng lên chính là khát khao sâu kín muốn được cha mẹ yêu thương. Thế nhưng, không ít người giờ đây không thể tiếp cận những cảm xúc đó được nữa. Bởi khi nhớ ra những giây phút êm đềm, thân thương cùng cha mẹ, ta sẽ cảm thấy bản thân yếu mềm và có nguy cơ bị tổn thương lần nữa. Vậy nên, chúng ta thường vô thức phong tỏa chính những ký ức lẽ ra có thể giúp chữa lành cho bản thân.
Đôi khi, dù có mối quan hệ khăng khít và đầy yêu thương với cha mẹ, ta vẫn cứ mang theo trong lòng những cảm xúc rối bời không cách nào giải thích được. Ta thường cho rằng vấn đề này phát sinh từ chính bản thân và chỉ cần đào xuống đủ sâu, ta sẽ tìm ra được nguồn cơn của nó. Thế nhưng chừng nào còn chưa khám phá ra được biến cố nào trong lịch sử gia đình mới là căn nguyên thật sự của vấn đề, ta có thể vẫn phải sống lại những nỗi sợ hãi và cảm xúc vốn không thuộc về bản thân – những mảnh vụn vô thức của một sang chấn – và ta cứ cho rằng những nỗi sợ hãi và cảm xúc ấy là của mình.
Tôi muốn nhắc lại một điều quan trọng: không phải mọi hành vi chúng ta biểu hiện ra ngoài đều xuất phát từ bản thân chúng ta. Rất có thể, chúng vốn thuộc về một thành viên gia đình ở các thế hệ trước. Có thể ta chỉ đang gánh vác những cảm xúc này thay cho họ, hoặc chia sẻ với họ những cảm xúc đó. Chúng tôi gọi đó là những “cảm xúc đồng nhất hóa”.
Một trong những trở ngại chính trong quá trình hóa giải sang chấn là việc gốc rễ của sang chấn thường nằm ngoài tầm quan sát của chúng ta. Khi không có bối cảnh giúp lý giải cảm xúc của bản thân, ta thường không biết mình cần phải làm gì tiếp theo. Ngôn ngữ lõi có thể giúp ta nhìn ra được ngọn nguồn của sang chấn, từ đó ta có thể giải thoát bản thân khỏi những phản ứng khiến ta cứ lặp lại những nỗi đau quá khứ.