Nỗi đau này không thuộc về bạn - Chọn ra lộ trình tốt nhất cho chuyến đi của mình

Quang Thanh20/01/2024 09:00
Nỗi đau này không thuộc về bạn - Chọn ra lộ trình tốt nhất cho chuyến đi của mình

Chúng ta sẽ tìm hiểu về bốn khuynh hướng vô thức thường cản trở bước tiến trong đời mỗi người, bốn con đường có thể khiến các mối quan hệ tình cảm, quá trình tìm đến thành công và sức khỏe của ta bị ngăn trở.

Bạn có hợp nhất với cảm xúc của cha/mẹ?

Trong chúng ta có nhiều người vô thức nhận lấy nỗi đau của cha mẹ. Khi ta còn nhỏ, cảm thức về cái tôi trong ta được phát triển dần theo thời gian. Khi đó, ta còn chưa học được cách vừa tách mình ra khỏi cha mẹ nhưng đồng thời vẫn kết nối với họ. Trong giai đoạn ngây thơ này, có lẽ ta đã tưởng rằng mình có thể làm vơi bớt nỗi bất hạnh của cha/mẹ bằng cách sửa chữa hoặc san sẻ nỗi đau đớn ấy. Nhưng đây chỉ là một suy nghĩ viển vông và chỉ càng đưa đến nhiều bất hạnh hơn mà thôi.

Cha mẹ không bao giờ muốn con cái phải khổ sở thay cho mình. Chúng ta đã khá tự phụ và ngạo mạn khi nghĩ rằng chúng ta, với tư cách con cái, được trang bị tốt hơn cha mẹ nên có thể xử lý được những thống khổ của đấng sinh thành. Không chỉ vậy, suy nghĩ này cũng không khớp với trật tự cuộc đời. Cha mẹ hiện diện trên đời trước ta. Họ chăm lo và nuôi nấng ta để ta được sống, còn ta, khi đó còn nhỏ dại, không thể chăm lo cho họ.

Khi một đứa trẻ nhận lấy gánh nặng của cha hoặc mẹ – dù có ý thức hay trong vô thức, nó đang đánh mất trải nghiệm “được cho”, và trong các mối quan hệ về sau nó có thể sẽ gặp khó khăn trong việc “đón nhận”. Một đứa trẻ phải chăm sóc cha mẹ thường sẽ sống trong tâm thế căng thẳng quá mức suốt cả đời và tạo ra một khuôn mẫu của việc thường xuyên cảm thấy bị choáng ngợp. Khi cố gắng san sẻ hoặc nhận lấy gánh nặng của cha/mẹ, ta khiến nỗi thống khổ của gia đình cứ mãi tiếp diễn và vô tình ngăn trở dòng chảy sự sống vốn dành cho ta và cả con cháu ta sau này.

Kể cả khi đang chăm sóc cho cha mẹ lớn tuổi hoặc ốm đau, lo liệu cho họ mọi thứ mà họ không thể tự làm cho mình, ta vẫn cần duy trì và tôn trọng tính toàn vẹn trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, thay vì xem nhẹ vai trò và phẩm giá của cha mẹ.

Bạn có từng cắt đứt liên hệ với cha/mẹ?

Cha mẹ không chỉ cho ta sự sống, là một phần không thể tách rời của con người ta, mà còn là cánh cửa dẫn ta đến với sức mạnh tiềm ẩn và lực sáng tạo, cũng như những thách thức – những gì vốn là một phần di sản của tổ tiên ta. Dù cha mẹ ta còn sống hay đã mất, dù ta thấy xa cách hay gần gũi, thân thiết với họ, thì họ – cùng những sang chấn họ từng hứng chịu hoặc được kế thừa từ gia đình – cũng nắm giữ chiếc chìa khóa để ta có thể chữa lành.

Những mối quan hệ tan vỡ thường bắt nguồn từ những sự kiện đau lòng trong lịch sử gia đình và có thể lặp đi lặp lại suốt nhiều thế hệ. Vòng lặp này chỉ chấm dứt khi nào ta lấy hết can đảm buông bỏ tâm trí phán xét, mở rộng con tim hẹp hòi của mình và bắt đầu nhìn nhận cha mẹ, cũng như các thành viên khác trong gia đình, dưới ánh sáng của lòng trắc ẩn. Chỉ khi làm được như vậy, ta mới có thể hóa giải được nỗi đau đang ngăn ta đón nhận trọn vẹn cuộc đời mình.

Phương pháp này có thể đi ngược lại với những gì bạn thường được nghe. Hầu hết các liệu pháp trò chuyện thông thường đều tập trung đổ lỗi cho cha mẹ, xem họ là căn nguyên của nỗi thống khổ mà ta chịu đựng. Giống như lũ chuột cứ mãi quanh quẩn trong một mê cung, nhiều người dành hàng chục năm để nhai đi nhai lại những câu chuyện cũ rích về cách cha mẹ họ đã không nuôi dạy họ đến nơi đến chốn và khiến cuộc đời họ khốn khổ khốn nạn.

Giả sử bạn buộc tội hoặc chối bỏ mẹ mình vì bà đã không mang đến cho bạn đầy đủ những gì mà bạn cảm thấy lẽ ra mình phải nhận được. Nếu đây đúng là sự thật, có bao giờ bạn tự hỏi chuyện gì đã xảy ra với mẹ mình hay không? Có thể mẹ bạn đang mang trong mình vết thương đến từ bà ngoại bạn nên bà không thể trao cho bạn những gì mà bản thân bà không nhận được. Kỹ năng làm mẹ của bà bị giới hạn bởi những gì bà không từng nhận được từ cha mẹ mình.

Cũng có khả năng bạn đang trách mẹ vì đã không đáp lại tất cả tình yêu thương mà bạn từng trao cho bà ngày bạn còn nhỏ. Vì thế bạn tách mình khỏi mẹ và trách cứ bà vì đã không trao cho bạn những gì bạn cần, trong khi thật ra bạn đang cảm thấy rằng dù mình có trao đi bao nhiêu tình yêu thương đi nữa bạn cứ vô hình trong mắt mẹ, hoặc bạn cảm thấy nản lòng khi mẹ không trao lại cho bạn tình yêu thương theo đúng cách bạn đã cho đi.

Bạn nên biết rằng trong quá khứ chắc chắn đã có một chuyện gì đó xảy ra, và sự kiện này đã ngăn trở tình yêu thương trong tim bạn hoặc mẹ bạn, hoặc cả hai người. Việc của bạn lúc này là kết nối lại với tình yêu thương bản năng mà bạn từng dành cho mẹ ngày còn nhỏ. Bằng cách này, bạn có thể buông bỏ những gì bạn vẫn đeo mang trước nay – những nỗi đau thật ra vốn thuộc về mẹ của bạn.

Mối quan hệ gần gũi với cha mẹ không chỉ giúp ta thấy khuây khỏa và có chỗ dựa trong đời, mà còn được chứng minh là có liên quan chặt chẽ đến tình trạng sức khỏe thể chất. Một nghiên cứu kéo dài 35 năm tại Đại học Harvard đã tìm ra bằng chứng cho thấy chất lượng mối quan hệ của chúng ta với cha mẹ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của ta vào giai đoạn sau của cuộc đời.

Cụ thể, những người tham gia được yêu cầu miêu tả mối quan hệ của mình với cha rồi đến mẹ theo thang đo như sau: “rất gần gũi”, “ấm áp và thân thiện”, “chịu đựng”, “căng thẳng và lạnh nhạt”. Trong số những người cho biết mối quan hệ của họ với mẹ mang lại cảm giác “chịu đựng” hoặc “căng thẳng và lạnh nhạt”, có đến 91% được chẩn đoán gặp phải một vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe (ung thư, bệnh tim mạch, tình trạng căng thẳng quá mức…) khi đến tuổi trung niên. Trong khi đó, tỷ lệ này chỉ là 45%, chưa đầy một nửa, ở những người cho biết mối quan hệ giữa họ và mẹ mang lại cảm giác ấm áp hoặc gần gũi.

Quá trình khảo sát chất lượng mối quan hệ với cha cũng cho ra kết quả tương tự. 82% những người có mối quan hệ “chịu đựng” hoặc “căng thẳng” với cha đều gặp vấn đề sức khỏe nghiêm trọng vào tuổi trung niên, so với tỷ lệ 50% ở nhóm người có mối quan hệ ấm áp hoặc gần gũi với cha. Với nhóm người tham gia có quan hệ căng thẳng với cả cha lẫn mẹ, kết quả thật choáng váng: 100% những người này gặp phải vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe, so với tỷ lệ 47% ở nhóm người miêu tả mối quan hệ của mình với cả cha lẫn mẹ là ấm áp và gần gũi.

Nếu mối quan hệ của bạn với cha mẹ ở trong trạng thái căng thẳng thì cũng đừng lo lắng. Tôi sẽ cung cấp những công cụ có thể giúp bạn chữa lành liên kết này. Điều quan trọng là bạn đừng kỳ vọng cha mẹ mình sẽ khác đi – sự thay đổi, nếu có xảy ra, nằm ở chính bạn. Các động lực trong mối quan hệ có thể vẫn như cũ, song cách nhìn nhận của bạn sẽ thay đổi. Bạn không liều lĩnh quăng mình vào trước một đoàn tàu đang lao đến; việc bạn làm là chọn ra lộ trình tốt nhất cho chuyến đi của mình.

Kỳ tới, chúng ta sẽ tìm hiểu tiếp 2 khuynh hướng vô thức khiến chúng ta mất kết nối với cha, mẹ.


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025