Những hỉ, nộ, ái, ố ấy tưởng chừng là tính cách được hình thành từ môi trường sống, nhưng từ góc nhìn của Tiến sĩ Ian Pretyman Stevenson - tác giả của cuốn sách Những đứa trẻ nhớ được tiền kiếp, chúng được xem là “di truyền” tính cách qua nhiều kiếp sống.
Đúc kết từ 3000 trường hợp nghiên cứu và kiểm chứng về những đứa trẻ nhớ được tiền kiếp, tác giả đã giúp độc giả có được góc nhìn tổng quan nhất, cùng những kiến thức mới mẻ trong lĩnh vực khoa học tâm linh. Điển hình như một đứa trẻ 2,5 tuổi đã từ chối khi được mẹ yêu cầu dọn ly nước mà một vị khách của gia đình đã uống và tự nhận mình thuộc tầng lớp cao quý của Ấn Độ. Hay đứa trẻ thấy lo sợ mỗi lần xe buýt chạy ngang qua vì di chứng ám ảnh từ cái chết của chính mình ở kiếp trước.
Khía cạnh này được tác giả Ivan Stevenson lý giải, “tính cách” mà ta đề cập tới, với tư cách là sự hiện hữu của luân hồi, vốn không “di truyền” toàn bộ. Nó có thể biến đổi, thậm chí bị bào mòn tùy vào môi trường và định hướng giáo dục nơi bản thể mới được nuôi dạy.
Từ vấn đề này, Ian Stevenson đã mở rộng phạm vi và bàn luận mối quan hệ giữa người với người, đặc biệt là sợi dây liên kết chặt chẽ (tương đối) về gia đình. Như trường hợp một người phụ nữ mang thai đứa trẻ và có ý định muốn bỏ nó bởi nhiều yếu tố. Tuy nhiên bà đã thay đổi ý kiến sau khi được một người họ hàng đã khuất về báo mộng hãy giữ lại đứa trẻ. Và khi được sinh ra, đứa trẻ sở hữu một vài tính cách “sao chép” từ người họ hàng ấy khiến mọi người trong gia đình bất ngờ. Đây không những là điều kỳ diệu vượt ngoài sức tưởng tượng mà còn là lời giải đáp thú vị cho câu nói: cha mẹ sinh con, trời sinh tính.
Có thể nói dù khai thác một đề tài không phải ai cũng hứng thú, nhưng Những đứa trẻ nhớ được tiền kiếp giúp người đọc có thể thay đổi cách nhìn nhận bản chất của cái chết và sự tồn tại của con người. Cũng như khám phá thế giới tái sinh, luân hồi bí ẩn mà cho đến nay vẫn chưa có lời giải đáp hợp lý từ tâm lý học và y học.