Phan Vũ, một tên tuổi lớn trong làng nghệ thuật Việt Nam vừa ra đi ở tuổi 94 tại TP.HCM. Tên tuổi của ông cũng gắn liền với cụm từ Em ơi, Hà Nội phố, tựa một bài trường ca bất hủ viết về Hà Nội với những ngôn từ vừa đẹp lại vừa buồn và ám ảnh về một Hà Nội trong những năm tháng chiến tranh ác liệt. Một đoạn trong trường ca này cũng được nhạc sĩ Phú Quang phổ thành ca khúc cùng tên, bài hát cũng đã thành bài hát ở lại mãi trong tim của người yêu nhạc, yêu Hà Nội.
Nhà thơ Phan Vũ tại buổi khai mạc triển lãm 'Em ơi, Hà Nôi phố' tại TP.HCM (2018) - Ảnh: Tiểu Vũ
Không chỉ là nhà thơ mà Phan Vũ còn là nhà báo, họa sĩ, chiến sĩ, nhà biên kịch, đạo diễn, suốt chặng đường hơn 60 năm làm nghệ thuật, cho đến ngày qua đời ông đã sáng tác rất nhiều loại hình nghệ thuật và cho ra đời những tác phẩm có giá trị. Song, ít ai biết rằng, ngoài làm thơ, biên kịch, vẽ tranh Phan Vũ còn viết văn xuôi. Những tháng cuối đời, Phan Vũ có dự định xuất bản một tập văn xuôi có tên Ly rượu trần gian. Tác phẩm đang ở giai đoạn chuẩn bị ra mắt bạn đọc thì vào sáng ngày 17.7.2019 Phan Vũ đã về cõi vĩnh hằng ở tuổi 94. Ông mất mà chưa kịp nhìn được tác phẩm cuối cùng của mình đến với công chúng.
Tri ân tác giả Phan Vũ cùng những đóng góp đồ sộ và cống hiến không ngừng nghỉ của ông cho nền văn học nghệ thuật nước nhà, cuối tháng 7.2019, Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam đã cho ra đời tập sách Ly rượu trần gian, sách là tập hợp những bài viết đã đăng trên một số báo, tạp chí cùng những bản thảo viết tay chưa từng được công bố của cố nhà thơ Phan Vũ.
Nhà thơ, họa sĩ Phan Vũ năm 93 tuổi (2018) - Ảnh: Tiểu Vũ
Đọc tập văn xuôi Ly rượu trần gian của Phan Vũ, chúng ta sẽ cảm nhận được sự khác biệt giữa thơ và văn của Phan Vũ thấy đươc bút pháp tài tình độc đáo của ông.
Văn chương của Phan Vũ là tâm hồn ông – một nghệ sĩ đa tài. Nếu như ở thơ Phan Vũ thường đi sâu vào diễn tả những cảm xúc nội tại tâm hồn của mình bằng những câu từ mềm mại bay bướm trữ tình và đầy ẩn dụ thì trong văn xuôi ông lại giàu tính tự sự bằng cách kể chuyện rất bình dị chân thành đưa người đọc cùng ông lui về những sự kiện đã từng xảy ra trong quá khứ một cách rõ nét nhất.
Mỗi câu chữ của ông luôn có sự tương phản sáng –tối về cuộc sống, về nhân sinh quan mà ông cảm nhận thẩm thấu. Đọc văn của của Phan Vũ ta có cảm giác như đang nhìn vào một bức tranh tổng thể có chiều sâu lẫn chiều rộng qua góc nhìn từng trải của ông. Đó là những người bạn văn cùng thời trải qua khốn khó, là những ký ức về một giai đoạn lịch sử nghiệt ngã mà ông và bạn bè từng hứng chịu, là nhưng bóng hồng từng đi qua cuộc đời của một Phan Vũ lãng tử tài hoa… Và dĩ nhiên với một người yêu Hà Nội như Phan Vũ thì trang viết của của ông không thể thiếu những chuyện buồn vui với thành phố này, và cả câu chuyện đằng sau bài thơ “Em ơi! Hà Nội phố” cũng được tiết lộ trong trang sách.
Tập văn xuôi "Ly rươu trần gian" của nhà thơ Phan Vũ
Nhà báo Nguyễn Trong Chức, một người bạn vong niên của nhà thơ Phan Vũ chia sẻ: “Trong nhiều năm làm thư ký tòa soạn của tờ tuần báo Tuổi trẻ Chủ nhật, những lần gặp Phan Vũ tôi luôn gợi ý “cây bút trẻ” hãy viết cho báo những câu chuyện hấp dẫn ông đã chia sẻ, viết về những người và việc mà qua góc nhìn của ông thật sinh động, thú vị. Cho dù có nhân vật được ông trải lên trang giấy nay đã khuất và có thể còn xa lạ với người đọc trẻ hôm nay, song họ là một phần đời của tác giả bài thơ Em ơi! Hà Nội phố được nhiều thế hệ người đọc biết đến…”.
Chỉ tiếc rằng khi tác phẩm Ly rượu trần gian đến với bạn đọc thì người nghệ sĩ tài hoa Phan Vũ đã đi xa. Thân xác của nghệ sĩ Phan Vũ đã về với cát bụi, nhưng di sản văn học nghệ thuật của ông để lại cho hậu thế sẽ mãi mãi tồn tại với thời gian, và hơn thế nữa hình ảnh của Phan Vũ lãng tử tài hoa vẫn còn mãi mãi trong lòng công chúng.
Tiểu Vũ