Nhà báo Vũ Kim Hạnh: Tôi thích cách 'làm gì làm thật và đi đến cùng' của Đặng Lê Nguyên Vũ

29/05/2019 13:46
Nhà báo Vũ Kim Hạnh: Tôi thích cách 'làm gì làm thật và đi đến cùng' của Đặng Lê Nguyên Vũ

Từ 5 cuốn sách mà Trung Nguyên coi là nền tảng, trang bị cho thanh niên lập chí lập thân, tôi nghĩ, với riêng tôi có 3 bài học mà thanh niên cần quan tâm..." - nhà báo Vũ Kim Hạnh chia sẻ.

Hành trình Từ Trái tim - Hành trình lập chí vĩ đại, khởi nghiệp kiến quốc do Tập đoàn Trung Nguyên Legend khởi xướng đang tiếp nối những hành trình của năm thứ 7 liên tiếp, mang những cuốn sách nền tảng đổi đời trao tặng cho hàng triệu thanh niên, đồng bào cả nước.

Nhà báo Vũ Kim Hạnh là một trong những người có ảnh hưởng xã hội đóng vai trò truyền cảm hứng, cổ vũ cho Hành trình. Bà từng giữ chức Tổng Biên tập báo Tuổi Trẻ, Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Tiếp Thị, người khởi xướng chương trình "Hàng Việt Nam chất lượng cao", và hiện giữ chức Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao.

Mới đây, chúng tôi đã có buổi trò chuyện với bà Vũ Kim Hạnh để lắng nghe những chia sẻ tâm huyết của bà về Trung Nguyên - Đặng Lê Nguyên Vũ cũng như chương trình tặng sách Hành trình Từ Trái Tim.

Tôi thích cách làm "Làm gì làm thật và đi đến cùng" của Đặng Lê Nguyên Vũ

Phóng viên: Thưa nhà báo Vũ Kim Hạnh, bà từng nói: "Doanh nghiệp bây giờ có bao chuyện khổ phải lo. Xã hội vun vào giúp họ cạnh tranh đi, họ phải sống được thì nền kinh tế mới đứng được!” Vậy đối với Trung Nguyên và đặc biệt là Hành trình tặng sách của họ, bà dành cho cả hai sự ủng hộ như thế nào?

Nhà báo Vũ Kim Hạnh: Hôm trước, tôi có đọc trên báo Tuổi Trẻ (ngày 13.5.2019) thấy người kinh doanh trường tư phải khóc vì hoang mang khi đọc dự thảo luật. Gọi là kinh doanh, vì mở trường tư thì phải có lợi nhuận ít nhất là tái đầu tư. Làm nghề kinh doanh tri thức càng khổ vì có những luật nghiêm ngặt tự thân ngành giáo dục.

Làm kinh doanh ở nước mình đều phải chấp nhận thực tế: chính sách thay đổi bất chừng, môi trường kinh doanh nhiều rủi ro vì việc diễn giải luật và áp dụng luật rất "linh hoạt", tùy thuộc cấp chính quyền và địa phương. Mà doanh nghiệp là trung tâm nền kinh tế, họ đóng thuế, làm ra của cải cho xã hội, không cho họ sống thì nền kinh tế làm sao mạnh được? Nhưng khi làm chính sách, có bao nhiêu chính sách được tham khảo doanh nghiệp?

Doanh nghiệp chỉ lo làm ăn đã vất vả rồi mà còn biết san sẻ lợi nhuận của mình như làm trách nhiệm xã hội và có sáng tạo trong thực hiện trách nhiệm xã hội ấy là điều đáng trân trọng, nếu không muốn nói là kính trọng.

Tôi nghĩ về chương trình bền bỉ tặng sách cho thanh niên của Trung Nguyên như vậy.

Phóng viên: Nhưng lý do cụ thể khiến bấy lâu nay bà chọn tham gia truyền cảm hứng cho chương trình tặng sách của một doanh nghiệp tư nhân này là gì? Trong khi nhiều người hoài nghi đây là chương trình nhằm quảng bá thương hiệu là chính. Một số khác lại cho đó là khát vọng viển vông của cá nhân Đặng Lê Nguyên Vũ?

Nhà báo Vũ Kim Hạnh: Tôi tham gia "việc xã hội" với Trung Nguyên từ năm 2004, khi anh Đặng Lê Nguyên Vũ cùng Thời báo Kinh tế Sài Gòn lập CLB Xây dựng thương hiệu nông sản. Tôi nhớ có những hội thảo đã vạch ra chương trình thiết thực: Xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu cho các loại nông sản như cam Tam Bình Vạn Xuân, xoài cát Hòa Lộc Sông Hậu, vú sữa Lò Rèn, sầu riêng Cái Mơn Chín Hóa, kẹo dừa Bến Tre và thanh long Hoàng Hậu.

Tôi hào hứng chia sẻ tầm nhìn của anh ấy khi nhìn thấy triển vọng rất lớn của nông sản Việt và những gì mà nông sản Việt bị yếu, bị thiếu. Sau đó, tôi cũng tham gia các chương trình xã hội của nhiều doanh nghiệp tư nhân khác như chương trình "Chiếc thìa vàng" của Công ty Gốm sứ Minh Long.

Chương trình tặng sách của Trung Nguyên cũng là một chương trình có tầm nhìn, mục tiêu, kế hoạch rõ ràng và với cái tâm của người luôn nghĩ mình phải cống hiến cho xã hội và chương trình tặng sách đã diễn ra bền bỉ hiếm thấy.

Tôi cũng thích cách làm "Làm gì thì làm thật và đi đến cùng" của anh ấy nên tôi cùng tham gia, nhất là mang tri thức đến cho lớp trẻ là điều luôn có ý nghĩa và cần thiết.

Phóng viên: Bà có thể chia sẻ một kỷ niệm nào bà nhớ nhất khi tiếp xúc với Đặng Lê Nguyên Vũ hoặc khi tham gia đồng hành cùng chương trình tặng sách của Trung Nguyên?

Nhà báo Vũ Kim Hạnh: Năm 2000, khi đó tôi tổ chức cuộc khảo sát đầu tiên ở Việt Nam "Đánh giá nhận thức và đầu tư của DN Việt cho thương hiệu" để bắt đầu đưa khái niệm "thương hiệu" vào đời sống kinh doanh của doanh nghiệp Việt. Sáng hôm đó tôi đến văn phòng ông Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển thì anh Vũ cùng ekip xây dựng hệ thống G7 Mart cũng được ông Tuyển mời đến gặp.

Phải nói tôi rất phục anh Vũ bởi tầm nhìn và quyết tâm khi phát hiện nhu cầu thị trường về xây dựng mạng lưới bán lẻ, vì mãi mấy năm sau tôi mới nêu vấn đề phải tập trung xây dựng hệ thống và đội ngũ phân phối cho doanh nghiệp.

Phóng viên: Đối với dự án tặng sách của Trung Nguyên, theo bà, nhà nước, các ban ngành, xã hội cần có sự chung tay như thế nào để chương trình lan tỏa hơn, đóng góp nhiều giá trị hơn trong việc giúp hàng triệu thanh niên lập chí vĩ đại, khởi nghiệp kiến quốc?

Nhà báo Vũ Kim Hạnh: Tôi tin chính anh Vũ chắc không trông mong nhà nước trợ giúp tài chính hay điều gì ngoài việc hỗ trợ về tinh thần. Một sự chia sẻ về tính cần thiết, hữu ích, về mục đích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp cùng nhà nước chăm lo cho tốt trách nhiệm xã hội thì nhà nước có tốn kém gì, quan trọng là có thấy cần và có muốn làm hay không.

Phóng viên: Vậy theo bà, Nhà nước nên có những chính sách như thế nào để khuyến khích doanh nghiệp phát triển? Còn nhớ bà từng nói: "Trong khi doanh nghiệp chính là một thành tố của nền kinh tế. Gây khó cho doanh nghiệp chính là gây khó khăn cho nền kinh tế"...

Nhà báo Vũ Kim Hạnh: Phải tạo chính sách thuận lợi không phải vì mình "thương" doanh nghiệp chung chung mà vì họ là nhân tố chính của nền kinh tế. Họ đóng thuế, họ làm ra của cải, việc làm của người lao động, và họ còn gánh vác trách nhiệm xã hội nữa.

Như vậy, việc đối xử công bằng qua quan điểm, hệ thống chính sách nhà nước đối với họ là điều hiển nhiên. Sau trách nhiệm hiển nhiên đó của nhà nước thì mới tính đến những sự hỗ trợ tận tâm và khôn ngoan.

Tại sao tôi nói đến sự hỗ trợ tận tâm, và khôn ngoan? Hãy nhìn Trung Quốc và các nước Asean. Họ đều tìm mọi cách hỗ trợ doanh nghiệp họ một cách hiệu quả, sát sườn và đồng thời việc hỗ trợ cũng rất khôn ngoan vì có sự kiểm soát của các qui định về bình đẳng thương mại quốc tế (WTO). Ví dụ, nước nào cũng có hỗ trợ qua cung cấp thông tin cặn kẽ, kịp thời về chính sách và thị trường, qua đào tạo xây dựng nguồn nhân lực, qua việc tạo mọi cơ hội cho doanh nghiệp tiếp thị chung, là những điều WTO không cấm.

Đáng tiếc, ta không làm tốt những điều này, cái tâm không sâu mà kỹ năng chuyên nghiệp của cán bộ chuyên trách cũng thiếu. Chưa kể không thiếu cơ quan, cán bộ coi doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân như... con bò sữa.

Người có niềm vui đọc sách là người có một cuộc đời cân bằng, sâu sắc và rộng mở

Phóng viên: Vậy suy rộng ra, theo bà, muốn giúp đất nước hùng mạnh, trường tồn, mỗi công dân Việt cần trang bị những gì? Trong quá trình xây dựng những phẩm chất tốt đẹp đó, việc đọc sách đóng vai trò như thế nào?

Nhà báo Vũ Kim Hạnh: Bây giờ đã có mạng có ông chuyên gia Gúc Gồ, nhiều người nói, có sẵn ông ấy, cần gì thì hỏi, lúc nào chả được mà phải đọc sách, tích lũy tri thức, kiến thức. Tôi cho nghĩ vậy là sai.

Những ký hiệu, tín hiệu của thông tin, nếu không được mỗi người tiếp nhận, tiêu hóa thì nó mãi mãi nằm ngoài trí não con người. Tiếp thu, nghiền ngẫm, ứng dụng và phát hiện những vấn đề mới cần cho cuộc sống, cuộc kinh doanh, cho xã hội là một quá trình mà ngày nay các phương tiện nghe nhìn lấy mất khá nhiều niềm vui và tính hữu ích của việc đọc sách.

Dù vậy, tôi cho rằng ai biết sống với niềm vui đọc sách là có một cuộc đời cân bằng, sâu sắc và mở rộng với thế giới thiên nhiên và con người hơn, chưa kể họ cần đọc để thường xuyên làm mới, tự giáo dục mình và chia sẻ cho mọi người món quà quí của cuộc sống là tri thức.

Phóng viên: Bà có thể chia sẻ về chuyện đọc sách của mình và gia đình? Bà thường làm gì để khuyến khích các con và người thân mình đọc sách có hiệu quả?

Nhà báo Vũ Kim Hạnh: Nhà tôi, may quá, ông chồng và con trai là hai con mọt sách. Tôi thấy ông xã, cũng là nhà báo, dù về hưu lâu rồi, vẫn rất siêng khuân sách về. Còn con trai, vài ngày lại thấy một "cục" bưu phẩm mua từ Amazon.

Tôi bận nhiều sự vụ, đọc những sách cần trực tiếp cho các chủ đề nghiên cứu thì ông xã điểm sách nhiều thể loại, lãnh vực cho nghe mỗi tối và ông con trai, mỗi tuần, sáng chủ nhật, coffee time lại hào hứng điểm cuốn sách mới mà chàng ấy đọc trong tuần.

3 quyển sách thanh niên Việt ai cũng nên đọc

Phóng viên: Theo bà 5 đầu sách: Đắc Nhân Tâm, Khuyến Học, Nghĩ giàu và làm giàu, Không bao giờ thất bại tất cả là thử thách, Quốc gia khởi nghiệp mà Trung Nguyên đã và đang tặng suốt 7 năm qua có ý nghĩa như thế nào đối với lớp trẻ Việt Nam?

Nhà báo Vũ Kim Hạnh: Trong 5 đầu sách, tôi thường nghĩ, nói với các bạn trẻ và doanh nghiệp nhiều nhất là 3 cuốn: Nghĩ giàu làm giàu, Khuyến học và Quốc gia khởi nghiệp. Tôi có dự một trong những chuyến nghiên cứu về khởi nghiệp ở Israel do Trung Nguyên tổ chức cho nhiều bạn trẻ Việt ở các ngành nghề và địa phương.

Chuyến đi ấy tôi học được nhiều và cũng gặp tác giả cuốn Quốc gia khởi nghiệp, ông Saul Singer, hiểu sâu thêm về khởi nghiệp và nhiều vô kể những bài học thực tế rất hay, chiêm nghiệm từ quốc gia khởi nghiệp này.

Nghĩ giàu và làm giàu cũng là cuốn sách rất nhiều kinh nghiệm thực tiễn. 5 năm tôi xây dựng và cùng hoạt động với trung tâm BSA một chương trình khởi nghiệp là "Khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo của thanh niên nông thôn - SKC" của BSA, tôi có nhiều dịp đi kể chuyện sách cho SV, nhiều dịp lại đi cùng Trung Nguyên và tôi cũng thường xuyên nói kinh nghiệm rất đời mà tôi thu thập khi đồng hành cùng doanh nghiệp, đối chiếu với 3 cuốn sách này.

Nói là chúng có ích cũng chưa đủ, tùy cách mình vận dụng mà thấy nó rất thiết thực và trở nên nguồn cảm hứng cho chính mình.

Phóng viên: Bà có lời khuyên gì dành cho các bạn trẻ đang trên con đường lập thân, lập nghiệp?

Nhà báo Vũ Kim Hạnh: Tôi lấy được từ nhiều cuốn sách các bài học. Từ 5 cuốn sách mà Trung Nguyên coi là nền tảng, trang bị cho thanh niên lập chí lập thân, tôi nghĩ, với riêng tôi có 3 bài học mà thanh niên cần quan tâm:

- Mình phải là chủ cuộc đời mình, không ỷ lại, trông chờ ai, dù cha mẹ. Tự lập thân, lập chí rồi mới góp sức cho xã hội cho cộng đồng được. Vì vậy, tự lập là điều quan trọng nhất.

- Học và hành. Luôn tìm thấy điều phải học, từ sách, từ công việc, từ người khác. Và học phải hành, đừng trả bài, khoe kiến thức mà phải đem kiến thức làm mới làm tốt hơn cuộc sống mình qua thực hành.

- Khổ luyện, không ngại khó và rủi ro. Tất nhiên không liều mạng kiểu "điếc không sợ súng" mà không sợ rủi ro có nghĩa đã lường trước hết được mọi rủi ro để hành động.

Phóng viên: Xin cảm ơn những chia sẻ tâm huyết của bà!

"Tủ sách nền tảng đổi đời" gồm hơn 100 đầu sách quý được CHỦ TỊCH Tập đoàn Trung Nguyên Legend ĐẶNG LÊ NGUYÊN VŨ tâm huyết, cẩn trọng tuyển chọn từ hàng triệu cuốn sách, từ hàng ngàn tấm gương danh vĩ nhân thành công nhất của nhân loại. Tủ sách thấm đẫm tư duy biện chứng, tuần hoàn liên thông từ lập thuyết đến thực hành, hợp nhất tinh hoa của toàn nhân loại để giúp học hỏi toàn diện và đúng đắn về 12 lĩnh vực căn cốt nhất: Khoa Học, Triết Học, Huyền Học, Y Học, Võ Học, Kinh Tài Học, Chính Trị Học, Đạo Đức Học, Xã Hội Học, Mỹ Học, Âm Thanh Học và Ngôn Ngữ Học. Trong đó, 5 cuốn sách "Nghĩ Giàu Làm Giàu", ‘Khuyến Học", "Quốc Gia Khởi Nghiệp", "Đắc Nhân Tâm", "Không Bao Giờ Là Thất Bại – Tất Cả Chỉ Là Thử Thách" là những cuốn sách mở đầu của "Tủ Sách Nền Tảng Đổi Đời".


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025