Người trẻ bước ra thế giới: Tham vọng thôi chưa đủ, còn cần tri thức và kỹ năng

21/01/2020 08:00
Người trẻ bước ra thế giới: Tham vọng thôi chưa đủ, còn cần tri thức và kỹ năng

Cuốn sách Bước ra thế giới của Giáo sư John Vũ sẽ là câu trả lời đầy đủ cho những ai từng thất bại trong thị trường việc làm cạnh tranh gay gắt hiện nay.

Kỹ năng và tri thức toàn cầu

Alex Young là quản lý cấp cao của một công ty tài chính lớn tại New York. Trong lần phỏng vấn nọ, ông đã hỏi ứng viên tốt nghiệp từ một trường tài chính hàng đầu Trung Quốc: “Cô nghĩ gì về thế giới phẳng?”.

Cô gái trẻ nghĩ ông đang hỏi mẹo nên trả lời: “Thế giới tròn chứ có phẳng đâu”.

Tôi bảo cô ấy rằng điều tôi muốn ngụ ý là định nghĩa của Thomas Friedman về “thế giới là phẳng” và tôi muốn biết toàn cầu hóa tác động thế nào đến việc kinh doanh ngân hàng.

Cô ấy nói: “Tôi chưa bao giờ nghe đến Thomas Friedman và chẳng biết gì về thế giới phẳng vì nó chẳng bao giờ được dạy trong trường”.

Alex kể chuyện này với Giáo sư John Vũ trong một lần cả hai bàn về chất lượng nguồn lao động tri thức. Với một người rời Việt Nam sang Hoa Kỳ du học từ năm 1968 như John Vũ, đây là chuyện khó tin.

Bởi trong thời đại mà điều xảy ra ở một nước có thể tác động đến phần còn lại của thế giới thì “việc người lao động chỉ chú tâm vào tri thức chuyên môn là chưa đủ”, ông kinh ngạc.

Giáo sư John Vũ.

Trong cuốn Bước ra thế giới, John Vũ viết, với nền kinh tế tri thức, nhu cầu về nhân công có khả năng sử dụng tri thức và kỹ năng mới ngày càng tăng nhằm thay thế lực lượng có trình độ kỹ năng thấp.

Để sống còn trong thị trường việc làm năng động này, người trẻ cần học những điều mới ngoài những thứ được giảng dạy trên trường.

Alex lắc đầu, đó là vấn đề của nhiều sinh viên châu Á hiện nay. Họ học hành chăm chỉ, họ làm việc cần cù nhưng lại thiếu tri thức về những thứ xảy ra bên ngoài lãnh thổ.

Ngay cả những điều đơn giản như xu hướng toàn cầu hóa, khủng hoảng tài chính, hay tan chảy kinh tế châu Âu… nhiều người còn không biết chúng là gì. “Trong khi họ bảo với tôi rằng họ muốn làm việc cho công ty quốc tế và đi ra thế giới”, ông nhớ lại. 

Chưa kể, việc không tìm hiểu các kỹ năng yêu cầu của nghề nghiệp tương lai cũng là nguyên nhân khiến người trẻ tự đánh mất lợi thế cạnh tranh của mình.

Đa phần các công ty ngày nay đều cần người có kỹ năng chuyên môn, kỹ năng mềm cùng năng lực am hiểu xu thế toàn cầu.

Đây là điều mà các sinh viên Mỹ và châu Âu đang làm rất tốt, trong khi sinh viên châu Á thì ngược lại. “Nếu không sớm thay đổi, họ sẽ bị bỏ lại phía sau”, Alex cảnh báo.

Liên tục học tập không phải là điều gì đó bạn làm khi bạn có thời gian, mà là việc bạn phải làm để sống còn. Nếu không làm được điều đó, người khác sẽ nắm lấy cơ hội việc làm của bạn.

Người châu Phi có câu ngạn ngữ: Mỗi sáng ở châu Phi, linh dương thức dậy. Nó biết nó phải chạy nhanh hơn con sư tử nhanh nhất, nếu không nó sẽ bị chết. Mỗi sáng, sư tử thức dậy. Nó biết nó phải chạy nhanh hơn con linh dương chậm nhất, nếu không nó sẽ đói đến chết.

Thái độ học tập suốt đời

Thống kê cho thấy, 60% dân số các nước phát triển hiện nay đang làm việc trong lĩnh vực tri thức. Ngành công nghiệp này chiếm khoảng 80% GDP Mỹ và khoảng 60% GDP của nhóm G8, trải dài trong các lĩnh vực công nghệ, y tế và chăm sóc sức khỏe, kinh doanh và tài chính… Và tất cả đều yêu cầu quá trình đào tạo từ vài năm giáo dục đại học hoặc cao hơn.

Điều này cho thấy, việc học chưa kết thúc khi bạn tốt nghiệp, mà bạn vẫn phải học thêm để duy trì công việc trong môi trường cạnh tranh gay gắt này.

Trong thế giới được dẫn lái bởi công nghệ, phần lớn các công việc đều đòi hỏi nâng cao trình độ chuyên môn mỗi năm. Trong khi đó, chúng ta lại thường ít chú ý đến nhu cầu thay đổi của thị trường việc làm trong quá trình làm việc.

Một kỹ sư phần mềm phàn nàn: “Tôi đã từng ở vị trí hàng đầu với mức lương cao, nhưng sau 7 năm làm việc, mọi thứ đã thay đổi. Tôi lập gia đình, có con, bận rộn với các hoạt động gia đình và không thể bắt kịp với sự thay đổi công nghệ.

Khi công ty không cần kỹ năng mà tôi có, họ sa thải tôi. Tôi không thể tìm được việc gì khác vì không ai có nhu cầu với kỹ năng mình đang có”.

Ở góc độ nhà quản lý, họ có cách lý giải riêng: “Tại sao phải thuê người có kỹ năng lỗi thời với mức lương 180.000 đô-la trong khi có thể thuê người tốt nghiệp đại học với mức lương 80.000 đô-la?

Những người mới tốt nghiệp có kỹ năng mới nhất, làm việc chăm chỉ, nhiệt tình, sáng tạo hơn và ở lại làm việc muộn để hoàn thành công việc. Trong khi người có gia đình thì về sớm và không có kỹ năng đúng”.

Theo một khảo cứu của chính phủ Mỹ, có mối tương quan giữa học tập và việc làm ổn định. Những nhân công liên tục học hỏi có khả năng thích nghi với môi trường thay đổi và vẫn còn duy trì được sự cạnh tranh trong môi trường việc làm. Họ chứng tỏ việc sẵn lòng tiếp thu những điều mới.

Về điểm này, John Vũ khuyên cho dù đã có việc làm tốt, bạn vẫn cần nói chuyện với người quản lý để tìm lời khuyên về tri thức và kỹ năng mới mà bạn sẽ cần cải tiến. 

Cuốn sách Bước ra thế giới.

Bước ra thế giới là tập hợp các bài viết của Giáo sư John Vũ trên blog được First News tuyển chọn và biên tập lại theo từng chủ đề.

Nếu như trong hai tập Khởi hành  Kết nối, Giáo sư đề cập đến phương pháp học tập tích cực và định hướng phát triển cho sinh viên trong trường đại học và khi ra trường, thì với Bước ra thế giới, các bạn trẻ vẫn nhận được những lời khuyên hữu ích nhưng với bối cảnh sâu rộng hơn: Thế giới đang thay đổi mạnh mẽ trong thời đại công nghệ thông tin.

Với lối viết khoa học tập trung vào những chủ đề đơn giản được giải thích ở tầm vĩ mô, cuốn sách mở ra một góc nhìn toàn diện về thời đại tri thức, khái quát những tiến bộ công nghệ tạo ra xu hướng việc làm của tương lai...

Giáo sư John Vũ tên thật là Vũ Văn Du. Ông được biết đến như một nhà khoa học, kỹ sư phần mềm có nhiều đóng góp đến lĩnh vực Công nghệ Thông tin thế giới. Ông tốt nghiệp cao học ở hai ngành Sinh vật học và Điện toán.

Ngoài công việc chính là một kỹ sư cao cấp tại Boeing trong hơn 20 năm, ông vẫn tiếp tục nghiên cứu trong vai trò nhà khoa học tại Đại học Camegie Mellon và Đại học Seattle.

 Ông còn giảng dạy ở một số trường đại học quốc tế tại Trung Hoa, Hàn Quốc, Nhật Bản về lĩnh vực công nghệ phần mềm.

Song song với vai trò một nhà khoa học, Giáo sư John Vũ còn là dịch giả nổi tiếng với bút danh Nguyên Phong.

Ông là người thực hiện loạt sách về văn hóa và tâm linh phương Đông, chuyển thể từ nhiều tác phẩm của các học giả phương Tây như: Hành trình về phương Đông, Ngọc sáng trong hoa sen, Bên rặng Tuyết sơn, Hoa sen trên tuyết, Hoa trôi trên sóng nước, Huyền thuật và đạo sĩ Tây Tạng, Trở về từ cõi sáng, Đường mây qua xứ tuyết.

VÂN THẢO

 


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025