Có câu chuyện thế này:
Thời điểm mới thành lập, công ty luật của Park Nine ở Hoa Kỳ còn vô cùng sơ khai, đến mức một chiếc máy in ông cũng không thể mua được. Lúc ấy làn sóng người nhập cư tràn vào vùng đất màu mỡ Hoa Kỳ, Park Nine nhận làm luật sư cho rất nhiều người nhập cư, nhiều lúc nửa đêm còn bị gọi đến cục di dân. Ông không lấy đó làm phiền toái, trái lại vẫn hào hứng, cặm cụi làm việc. Chiếc xe tróc sơn của ông vẫn len lỏi khắp ngõ ngách thành phố, tìm tới những nơi cần giúp đỡ. Park Nine quan điểm: Lấy chữ Nhẫn làm trọng, khi làm việc quyết không một phàn nàn, không một lời ca thán
Chính nhờ sự kiên trì này, cuối cùng sự nghiệp của ông cũng được mở rộng: Từ một đường dây điện thoại liên lạc đã đổi thành bốn đường; mở rộng văn phòng; ông không còn phải ôm đồm làm tất cả mọi việc mà tìm thêm cho mình những phụ tạ mới, gồm một thư ký toàn thời gian, một người thụ lý án, xe cũng đã đổi thành loại sang trọng hơn...
Tuy nhiên, cuộc đời của Park Nine không dễ dàng, bằng phẳng. Một lần nữa số phận thử thách ông khi ông mất toàn bộ tài sản bao năm làm lụng chăm chỉ vào việc đầu tư cổ phiếu, càng không may là luật nhập cư thay đổi khiến số lượng hạn ngạch nhập cư nghề nghiệp giảm, ảnh hưởng trực tiếp tới công việc của ông. Chỉ sau một đêm, tất cả vinh quang bao năm ông gầy dựng đã biến mất như bọt biển.
Đúng lúc đứng bên bờ vực thẳm, ông nhận được thư của chủ tịch một công ty nói rằng sẵn sàng chuyển 30% vốn cổ phần của công ty cho ông, và thuê ông làm đại diện pháp lý trọn đời cho công ty và hai chi nhánh khác. Lá thư ấy giống như chiếc phao cứu sinh cho cuộc đời Park Nine. Ngay sáng hôm sau, ông tìm tới công ty đó và chỉ gặp một người đàn ông Ba Lan chừng 40 tuổi.
Thấy Park Nine, người đàn ông trung niên cất giọng hỏi: "Ông còn nhớ tôi không?".
Ông lắc đầu, chủ tịch công ty nở nụ cười và lấy ra một tờ tiền 5 đô la nhàu nát từ ngăn kéo của cái bàn lớn. Danh thiếp trên đó được in địa chỉ và số điện thoại của luật sư Park Nine. Nhưng ông vẫn chưa thể nhớ lại được chuyện này.
Chủ tịch công ty liền nói tiếp: "10 năm trước, ở Cục Di dân, khi tôi đang xếp hàng làm thẻ làm việc, thì Cục chuẩn bị đóng cửa. Lúc đó, tôi không hề biết phí làm thẻ làm việc là 5 đô La, họ không chấp nhận séc cá nhân còn tôi thì chẳng có tiền mặt. Nếu hôm đó, tôi không làm được thẻ làm việc, thì chủ lao động sẽ thuê người khác, nhưng thật may mắn ông đã ở phía sau đưa cho tôi 5 đô la, tôi muốn xin thông tin của ông, thì ông đưa cho tôi tấm danh thiếp này".
Park Nine cũng dần dần nhớ lại chuyện đó, nhưng vẫn tò mò hỏi tiếp: "Sau đó thì sao?".
"Sau đó, tôi đến công ty này làm việc. Không lâu sau tôi phát minh ra hai bằng sáng chế độc quyền. Đến công ty ngày đầu tiên, tôi đã muốn trả lại ông số tiền này, nhưng không trả được. Tôi một thân một mình đến Mỹ kiếm sống, đã trải qua rất nhiều cực khổ, tờ 5 đô này đã thay đổi thái độ với cuộc sống của tôi vì thế tôi không thể tuỳ tuỳ tiện tiện gửi trả lại nó".
Quả thật anh ấy đã không trả lại số tiền một cách tùy tiện mà bằng tất cả sự biết ơn, trân trọng.
Hành động lương thiện nhỏ của một người đã thay đổi vận mệnh của một người khác, người được giúp đỡ lại hiểu được sự biết ơn mà vì thế tờ 5 đô đã thay đổi vận mệnh của cả hai người.
Một người có tấm lòng lương thiện sẽ được trời đất ban phước lành. Lòng tốt còn khó có được hơn cả trí thông minh, vì trí thông minh là một món quà, còn lòng tốt là sự lựa chọn.
Chúng ta làm việc tốt, có thể không được đền đáp ngay lập tức, nhưng đời người là một ván cờ lớn, cứ tích luỹ dần thì lòng tốt ấy sẽ biến thành sức mạnh.
Tất nhiên chúng ta làm việc tốt không phải vì mong nhận lại đền đáp, mà bởi vì đó là xuất phát từ thiện tâm. Ở hiền thì sẽ gặp lành, lòng tốt sẽ có phúc báo. Giữ gìn sự lương thiện của bản thân thì cuộc sống của chúng ta sẽ trở nên tốt đẹp và hạnh phúc hơn.
Abraham Lincoln là một trong những tổng thống vĩ đại nhất trong lịch sử nước Mỹ. Chúng ta đã nhìn thấy thành tựu và những vinh quang của ông khi ông trở thành tổng thống Mỹ, nhưng ít ai biết được ông đã gặp phải rất nhiều thất bại trong cuộc sống.
9 tuổi, ông mất mẹ;
21 tuổi gặp thất bại trong kinh doanh;
22 tuổi chuyển từ kinh doanh sang chính trị, kết quả là thất bại trong bầu cử nghị sĩ tiểu bang;
24 quay lại với kinh doanh, nhưng làm ăn thất bại và ông nợ một khoản tiền lớn;
26 tuổi, vợ ông qua đời, ông nằm liệt giường 6 tháng trời vì đau khổ;
34 tuổi thất bại trong tranh cử quốc hội;
45 tuổi lại thất bại trong tranh cử nghị sĩ;
46 tuổi thất bại trong tranh cử phó tổng thống;
49 tuổi, một lần nữa thua cuộc bầu cử thượng nghị sĩ.
Nỗ lực vô số lần, thất bại cũng nhiều vô số lần, trải qua những lần “càng nỗ lực, càng thất bại”, cuối cùng ông trở thành tổng thống Mỹ ở tuổi 52.
Đối mặt với khó khăn, nhiều người lựa chọn từ bỏ, nhưng những người có thái độ tích cực thì sẽ không ngừng đánh giá và đúc kết từ thất bại, suy xét xem bản thân thực sự cần thứ gì, và phải hành động như thế nào mới có thể biến thất bại thành thành công. Rõ ràng, nếu Abraham Lincoln sớm từ bỏ sau những lần thất bại ê chề, chắc chắn đã không có một Tổng thống Mỹ đi vào lịch sử.
Đó chỉ là một câu chuyện điển hình cho thấy khi đối mặt với thất bại, nếu bạn có thái độ tích cực và kiên nhẫn vượt qua thì sẽ có một ngày trải nghiệm được "khổ tận cam lai".
Thực tế, những người có thái độ ôn hòa dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng có thể bình tĩnh phân tích, không tự ti cũng không kiêu ngạo, ung dung đối phó, xoay hướng điều chỉnh cho phù hợp với khả năng và tư duy. Còn những người có thái độ không tốt, khi gặp phải những khó khăn, ngay lập tức rơi vào hoảng loạn, mất bình tĩnh, không đủ tỉnh táo để phân tích tình huống và đưa ra phương án giải quyết phù hợp.
Thái độ tiêu cực và do dự không quyết chỉ khiến bản thân mình bỏ qua những cơ hội, bởi vì bỏ qua cơ hội mới dẫn đến thất bại, bởi vì thất bại, mới khiến cho thái độ của bản thân trở nên bi quan… Một vòng luẩn quẩn lan rộng qua tất cả các giai đoạn của cuộc đời, và vì vấn đề tâm lý này, toàn bộ cuộc đời bạn rơi vào hố sâu.
Thái độ thường quyết định cảnh giới của một người, cũng quyết định cao độ mà một người có thể đạt được! Hãy nhớ điều đó, bạn nhé!
Theo Trí Thức Trẻ