Ông Phạm Đức Quang (56 tuổi, xã Tịnh Hòa, TP Quảng Ngãi) được mọi người gọi thân mật là Đa. Ông bảo, ông thích cái tên Đa bởi vợ ông là Phùng Thị Thủy. "Cây đa mà gặp nước sẽ xanh tốt mãi", ông nói rồi cười vang.
Ông Đa mất một cánh tay do tai nạn bom mìn vào năm lớp 6. Bù lại, thời thanh niên, ông khá đẹp trai, hát hay nhất vùng. Có điều, chỉ có một tay nên ông Đa dè dặt khi thầm thương trộm nhớ và muốn tìm hiểu một người con gái. Ông thường giấu cánh tay không lành lặn trong ống tay áo.
Lúc đầu, bà Thủy không biết chàng trai có ý tán tỉnh mình mất một tay. Đến khi chuyện tình của hai người chớm nở bà mới biết ông Đa không lành lặn.
"Hồi đó cô cũng đấu tranh lắm. Cô nghĩ, mình có nhiều người theo đuổi trong khi chú Đa không lành lặn. Nhưng rồi sự kiên trì, chân thật của chú khiến cô xiêu lòng. Lúc đã yêu thương nhau rồi thì đâu còn quan trọng chuyện chú chỉ còn một tay", bà Thủy nói.
Chuyện tình của ông Đa, bà Thủy khá trắc trở nên cũng có đôi lần hợp tan. Song như duyên trời định, ông bà cuối cùng cũng trở thành vợ chồng. Trải qua 25 năm, tình cảm của ông Đa, bà Thủy vẫn vẹn nguyên như lúc mới yêu. Tiếng cười nói của hai người vẫn rộn rã trong ngôi nhà nhỏ giữa sông. Ngôi nhà mà chính hai vợ chồng cũng không biết nó có hình trái tim khi nhìn từ trên cao. Ngôi nhà được ông Đa kiên trì xây dựng cách đây 15 năm.
Hồi đó, giữa sông Diêm Điền có một mô đất nhỏ. Ông Đa bàn với vợ bồi đắp thêm rồi ra đó dựng nhà nuôi vịt, nuôi trâu. Dựng nhà giữa sông với người thường đã khó, với ông Đa còn khó hơn. Ròng rã 10 năm, ông chèo đò chở đất từ bờ ra bồi đắp gò nhỏ giữa sông. Sự kiên trì của ông đã tạo nên gò đất rộng khoảng 400 m2 với ngôi nhà đơn sơ giữa dòng sông xanh biếc.
Ông Đa cùng vợ ra ngôi nhà giữa sông chăn nuôi. Hàng ngày ông chèo thuyền lùa đàn trâu bơi qua sông ăn cỏ. Xong việc, ông về nhà cùng vợ chăm đàn vịt. Chỉ còn một cánh tay nhưng ông Đa thuê thêm đất trồng lúa, nhận quản lý cửa đập điều tiết nước kiếm thêm thu nhập.
"Chú làm rất nhiều việc, siêng năng, hay cười nên ai cũng thương. Chính vậy nên lúc trước cô mới xiêu lòng đấy chứ", bà Thủy nói rồi hai vợ chồng nhìn nhau cười vang cả khúc sông.
Hạnh phúc đơn sơ của vợ chồng ông Đa cứ êm đềm trôi qua trên dòng sông Diêm Điền. Ông bà không ngờ đến một ngày ngôi nhà của mình trở nên nổi tiếng khắp thế giới.
Khoảng 2 năm trước, nhiếp ảnh gia Alex Cao vô tình phát hiện ra ngôi nhà của vợ chồng ông Đa. Ở góc nhìn trên cao, ngôi nhà có hình trái tim với đàn trâu, bầy vịt giữa dòng sông tạo nên hình ảnh tuyệt đẹp.
Bức ảnh "The Buffalo Man" (Người đàn ông chăn trâu) của nhiếp ảnh gia Alex Cao sau đó đạt giải "Highly Commended" trong cuộc thi ảnh quốc tế - Drone. Đây là một trong những cảnh đẹp chụp từ trên cao được các hãng thông tấn lớn trên thế giới đăng tải.
Từ ngày vô tình nổi tiếng, ngôi nhà nhỏ giữa sông của ông Đa, bà Thủy thường xuyên có khách ghé thăm. Ông Đa, với sự hồn hậu vốn có, sẵn lòng chèo thuyền đón khách đến nhà.
"Các cháu sang đấy thế nào bà ấy cũng kể chuyện tình yêu thời xa xưa", ông Đa đùa vui khi con thuyền từ từ cập bến ngôi nhà hình trái tim.
Quốc Triều