Cá thòi lòi (hay cá leo cây) thuộc họ cá bống trắng, được tìm thấy tại khu vực cửa sông, hạ lưu sông và biển ở vùng nhiệt đới trải dài từ Seychelles, Ấn Độ, Bangladesh, Australia, Đông Nam Á (Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam). Tại Việt Nam, tỉnh Cà mau được ví như “thủ phủ” của loài cá này. Ngoài ra, bạn cũng có thể tìm kiếm loài cá này ở nhiều vùng biển ngập mặn khác như Cần Giờ, Nhơn Trạch, Gò Công…
Theo tạp chí National Geographic và Tổ chức Sinh vật thế giới, cá thòi lòi được xếp vào 1 trong 6 sinh vật “kỳ lạ nhất hành tinh”, bao gồm: cá cóc (Axopotl), chó chăn cừu hung (Hungarian sheeping dog), heo vòi (Tapir), thỏ Angora (Angora rabbit), khỉ hoàng đế (Emperor tamarin) và cá thòi lòi (Mudhopper).
Sở dĩ, loài cá này lọt vào danh sách các sinh vật ‘kỳ lạ nhất hành tinh’ là bởi chúng có những đặc điểm có một không hai của mình. Có kích thước chỉ bằng 2-3 đầu ngón tay, loài cá này có cặp mắt khá to, phình hơn cả đầu nên có hình dáng rất lạ.
Điểm thú vị của loài cá này chính là chúng có thể sống dưới nước, trong bùn lầy hoặc chạy nhảy trên cạn, thậm chí còn leo cây để kiếm thức ăn. Cơ thế của chúng có thể trữ nước trong mang để hô cấp và trao đổi khí qua da như ếch. Nó có 2 vây trước làm nhiệm vụ như một đôi tay nhờ thế mà có khả năng leo trèo trên cây và nhảy từ cành này sang cành khác một cách rất điêu luyện. Do đó, cá thòi lòi còn có một tên dân gian khác là “cá leo cây”.
Cá thòi lòi thường chọn những khu rừng ngập mặn, đất bãi bồi ven biển, ven sông để sinh sống và chọn những nơi rậm rạp, nhất là dưới tán rừng, gốc cây để đào hang trú ngụ. Thông thường hang của chúng có thể sâu đến 2m, với nhiều ngóc ngách.
Loài cá này rất tinh ranh và nhanh nhẹn trong việc trốn thoát khỏi sự tấn công của kẻ thù. Thông thường khi nước xuống thì cá thòi lòi chui vào hang trú ẩn và khi nước lớn thì chúng ta ngoài kiếm ăn.
Để bắt được loại cá này, người dân địa phương phải sử dụng nhiều phương pháp như đặt bẫy, cắm câu vào ban ngày hoặc soi đèn vào ban đêm. Khi bị đèn pha chiếu vào mắt, chúng sẽ nằm yên bất động nên rất dễ bắt.
Tuy nhiên ở vùng đất mũi Cà mau, người dân thường bắt loài cá này bằng cách dùng sa vì. Vật dụng này còn được gọi là hom, được kết bằng lá dừa nước, tựa như chiếc lọp, đặt vào miệng hang. Khi trồi ra khỏi miệng hang chui lên mặt đất, chúng sẽ lọt vào hom. Người dân nhanh tay nhấc bẫy, gom cá mang về.
Có hình thù kỳ lạ, lại sống quanh năm ở nơi sình lầy nhưng thịt của cá thòi lòi lại không tanh. Thịt cá chắc và ngọt, có thể chế biến được nhiều món ngon. Loại cá này được xem là đặc sản “trời ban” cho người dân vùng nước ngập mặn Cà Mau.
Cá thòi lòi là nguyên liệu làm nên nhiều món ăn hấp dẫn như kho tiêu, lẩu cá, chiên xù, nướng muối ớt… Mỗi món có một cách chế biến và hương vị khác nhau nhưng đều để lại dấu ấn đậm nét trong lòng thực khách.
Với món cá nướng muối ớt, người ta đem cá làm sạch rồi xiên vào các que tre dài. Cá được nướng trên bếp than để dậy mùi thơm. Nướng đến đâu, đầu bếp sẽ quệt liên tục hỗn hợp muối, ớt và dầu điều lên đến đó để cá ngấm đều các gia vị cũng như có màu sắc đẹp mắt. Khi một mặt cá chín thì lật mặt còn lại lên nướng tiếp.
Món cá nướng có lớp da vàng, giòn rụm, thơm nức mũi. Thịt cá trắng, săn chắc và mềm. Khi thưởng thức, thực khách chỉ cần dùng đũa tách thịt cá ra khỏi xương rồi chấm với muối tiêu chanh hoặc nước mắm chua cay, ăn kèm rau thơm. Vị ngọt thơm của cá kết hợp với các gia vị đi kèm tạo thành món ngon lạ miệng "hút" khách.
Người miền Tây thường có những món ăn kho tiêu rất "tốn cơm" nên cá thòi lòi cũng được chế biến theo cách này. Cá được làm sạch, tẩm ướp gia vị vừa ăn. Khi kho, người ta thường cho thêm tiêu, nước cốt dừa và mỡ lợn để cá có độ béo ngậy và dậy mùi thơm. Cá phải được kho trong nồi đất, để lửa liu riu đến khi cạn thì mới chín nhừ, đậm đà hương vị.
Ngoài nướng, kho tiêu, cá thòi lòi còn phơi khô. Món này thường được dân nhậu yêu thích vì giòn, thơm, ăn lai rai và có thể bảo quản, sử dụng lâu dài. Nhưng để làm được món này, cần tới 4-5kg cá tươi mới làm được 1kg cá khô. Theo khảo sát, 1kg cá thòi lòi khô có giá từ 500.000-600.000 đồng/kg.