Rabindranath Tagore đã diễn tả tuyệt đẹp tất cả sắc thái về nỗi thất vọng mà con người cảm thấy đối với quyền mưu cầu hạnh phúc trong đời qua bài thơ:
Tôi ngủ mơ
thấy đời là niềm vui.
Tôi tỉnh dậy
thấy đời là bổn phận.
Tôi làm việc – và ô kìa,
bổn phận là niềm vui.
Cuộc sống theo nghĩa nào đó, là bổn phận, một nghĩa vụ to lớn đơn nhất. Chắc chắn là cũng có cả niềm vui trong cuộc sống, nhưng đó là thứ ta không thể theo đuổi, chúng ta không thể ước niềm vui diễn ra, đúng hơn, nó phải khởi sinh một cách tự phát, và trên thực tế nó cũng luôn khởi sinh một cách tự phát như một kết cục ắt phải đến: hạnh phúc không nên, không cần và không bao giờ có thể trở thành một mục tiêu mà chỉ có thể là kết quả; kết quả của việc hoàn thành điều mà trong bài thơ của Tagore gọi là bổn phận, và đó là điều chúng ta sẽ cố gắng định nghĩa chi tiết hơn nữa ở phần sau.
Trong mọi trường hợp, toàn thể nhân loại cố gắng có được hạnh phúc, xét trong hoàn cảnh này, đều sẽ phải chịu thất bại, bởi lẽ vận may chỉ có thể vô tình gõ cửa ai đó, nó không phải là thứ có thể săn lùng được. Triết gia Kierkegaard đã kể một câu chuyện ngụ ngôn thâm thúy về việc cánh cửa dẫn lối đến hạnh phúc luôn mở “hướng ra ngoài”, điều đó nghĩa là nó sẽ tự đóng lại ngay lúc ai đó cố đẩy cánh cửa hạnh phúc “hướng về bên trong”, có thể nói như vậy.
Như thể có duyên sắp đặt, tôi đã từng ngồi đối diện hai người chán đời – một người đàn ông và một người phụ nữ. Cả hai đều khẳng định một cách nhất trí – từng-từ-một, rằng cuộc đời họ thật vô nghĩa, họ “không còn trông mong gì vào cuộc sống”. Phần nào đó, cả hai dường như đều có lý. Tuy nhiên, hóa ra sự thể hoàn toàn ngược lại, có điều gì đó đang chờ đợi mỗi người: với người đàn ông, đó là công trình khoa học còn dang dở; với người phụ nữ, đó là đứa con sống ở nước ngoài xa xôi, không liên lạc được.
Đến đây, ta có thể dùng cách nói của Kant là hai người vừa “thực hiện một cuộc cách mạng Copernicus'” khi nhận thức của họ đã thay đổi 180 độ, câu hỏi sau đó không còn là: “Tôi có thể trông đợi gì từ cuộc đời?” mà chỉ có thể là: “Cuộc đời trông đợi gì ở tôi?”. Nhiệm vụ nào mà cuộc đời đã phó thác cho tôi?
Sau khi đã xem xét mọi thứ, giờ đây chúng ta đã nhận ra câu hỏi về lẽ sống đã không được đặt ra đúng cách: ta không phải là người được quyền hỏi về ý nghĩa cuộc đời, mà ngược lại, chính cuộc đời đặt ra câu hỏi nhắm trực tiếp tới chúng ta – chúng ta mới là những người bị chất vấn! Chúng ta là những người phải trả lời, phải đưa ra lời đáp cho câu hỏi bất biến, liên tục của cuộc sống, những “câu hỏi cuộc sống” thiết yếu. Bản chất việc sống không có ý nghĩa gì khác hơn là bị tra vấn; toàn bộ hành động tồn tại của chúng ta không gì khác hơn là đưa ra câu trả lời với ý thức trách nhiệm hướng về cuộc sống.
Từ quan điểm trí tuệ này, không gì có thể khiến ta sợ hãi nữa, không tương lai hay cảm thức vô ích nào hiện hữu rõ ràng nữa. Vì bây giờ, hiện tại là tất cả, bởi lẽ nó nắm giữ câu hỏi đời đời mà cuộc sống đặt ra cho chúng ta. Bây giờ mọi thứ đều phụ thuộc vào việc cuộc sống mong đợi gì ở chúng ta. Đối với những gì đang chờ ta ở tương lai, ta không cần phải biết vì cũng không thể biết được.
Để liên hệ đến vấn đề này, tôi thường kể câu chuyện xuất hiện trong một bản tin vắn nhiều năm về trước. Một người da đen chịu án tù chung thân bị đày đến Đảo Quỷ. Khi con tàu Leviathan đang lướt biển thì một đám cháy bùng lên. Trong tình huống ngặt nghèo, người tù được tháo xiềng để tham gia giải cứu. Anh đã cứu được mười mạng người. Kết quả là sau đó anh được ân xá.
Tôi hỏi các bạn: nếu có ai đó hỏi người đàn ông này trước khi lên tàu, cứ cho cụ thể là ở bến cảng Marseilles, rằng việc tiếp tục sống có thể có ý nghĩa nào với anh không, anh ta ắt hẳn sẽ lắc đầu: còn có điều gì có thể chờ đợi anh cơ chứ? Nhưng không một ai trong chúng ta biết được điều gì đang chờ đợi mình, khoảnh khắc trọng đại nào, cơ may duy nhất nào sẽ đến để ta hành động theo cách phi thường, cũng giống như việc người đàn ông da đen cứu được mười sinh mạng trên chiếc thuyền Leviathan.
Câu hỏi mà cuộc đời đưa ra cho chúng ta – và với việc trả lời nó, ta nhận ra ý nghĩa của khoảnh khắc hiện tại – không chỉ thay đổi từng giờ từng khắc mà còn thay đổi từ người này sang người kia: câu hỏi là hoàn toàn khác biệt trong khoảnh khắc, đối với mỗi cá nhân.
Do đó, ta có thể thấy rằng câu hỏi về lẽ sống được đặt ra quá đơn giản, trừ khi nó được đặt ra một cách chi tiết, trong bối cảnh cụ thể về không gian và thời gian. Với chúng ta, việc hỏi về “lẽ sống” theo cách này dường như cũng ngây ngô không kém gì câu hỏi của người phóng viên với một nhà vô địch cờ vua thế giới rằng “Đại kỳ thủ, xin hãy cho tôi biết ông nghĩ nước cờ nào là hoàn hảo nhất?”. Liệu có thể tồn tại một nước cờ đặc biệt hữu hiệu, hoặc thậm chí hoàn hảo, nếu không xét nó trong một tình huống trận đấu rất cụ thể, chi tiết, hay trong một thế cờ riêng biệt được chăng?
Nhiều năm về trước, có một hôm, một chàng trai cũng ngây thơ không kém khi hỏi tôi, lúc tôi sắp bắt đầu buổi hội thảo có quy mô nhỏ ở đâu đó, về lẽ sống. Những lời cậu nói được tuôn ra một cách thiếu tế nhị như thế này: “Frankl ơi, đừng giận tôi, chuyện là tôi có cái hẹn đến nhà vợ tương lai tối nay. Tôi thật sự phải đi nên không thể ở lại nghe bài diễn thuyết của ông; ông làm ơn có thể nói tôi nghe thật ngắn gọn lẽ sống là gì được không?”.
Bất cứ điều gì đang chờ đợi chúng ta bây giờ, cái “thử thách trong thời khắc” cụ thể này đòi hỏi những câu trả lời khác nhau trong mỗi ý thức khác nhau. Trước hết, câu trả lời của chúng ta có thể là một câu trả lời chủ động, ta đưa ra câu trả lời thông qua hành động, hồi đáp những câu hỏi cuộc sống cụ thể bằng điều ta đã hoàn thành hoặc những công trình ta đã kiến tạo. Nhưng đến đây, chúng ta cũng có một số điều cần phải suy xét.
Và điều tôi muốn nói ở đây có lẽ sẽ được truyền đạt hiệu quả nhất bằng cách dẫn chứng trải nghiệm sau đây: có lần, một người thanh niên ngồi trước mặt tôi đã chất vấn tôi về vấn đề ý nghĩa hay sự vô nghĩa của cuộc đời. Lý lẽ của anh ta như sau: “Ông nói thì dễ, ông đã thành lập những trung tâm tư vấn, ông giúp đỡ mọi người, ông vực người ta dậy; nhưng tôi – tôi là ai, là cái thá gì chứ, chỉ là một tay phụ tá thợ may. Tôi có thể làm gì, làm sao tôi có thể khiến cho đời mình có ý nghĩa thông qua những hành động tôi thực hiện?”. Người đàn ông này đã quên rằng vấn đề không bao giờ nằm ở vị thế của một người trong xã hội hay nghề nghiệp của anh ta, vấn đề chỉ là anh ta vẽ ra vòng tròn cuộc sống của mình và lấp đầy nó như thế nào.
Một cuộc đời có viên mãn hay không chẳng hề phụ thuộc vào việc bán kính hành động của một người có phạm vi rộng lớn như thế mà hầu hết chỉ phụ thuộc vào việc liệu vòng tròn đó có được lấp đầy hay không. Trong hoàn cảnh cuộc đời riêng biệt, mọi cá thể con người đều là không thể thay thế và không thể sao chép, điều này đúng với tất cả mọi người. Những nhiệm vụ mà cuộc sống đã giao phó cho anh ta là của riêng anh và chỉ anh mới có thể hoàn thành. Kiếp sống của một người có vòng tròn cuộc đời (tương đối) lớn hơn nhưng lại không thể lấp đầy vòng tròn ấy sẽ tồn đọng nhiều điều bất mãn hơn so với kiếp sống của người có vòng tròn cuộc đời dù nhỏ hơn nhưng đã thật sự đáp ứng được những nhiệm vụ anh ta tìm thấy trong vòng tròn của mình.
Trong hoàn cảnh cụ thể của người phụ tá thợ may này, anh ta còn có thể đạt được nhiều điều hơn, và qua những việc đã làm cùng những việc còn dở dang, anh ta có thể hướng đến một cuộc sống ý nghĩa hơn những người anh ghen tỵ, nếu người đó không nhận thức được trách nhiệm to lớn hơn của mình trong cuộc sống và không dốc hết sức mình cho trách nhiệm ấy.