Trong môi trường công việc, chúng ta chắc chắc sẽ đối mặt với những thời điểm phải cạnh tranh, ganh đua với đồng nghiệp, với đối thủ, cũng như với chính bản thân mình. Cơ hội không có nhiều, chỉ những ai đủ năng lực nắm bắt mới có thể đạt được thành tựu cho riêng mình. Dù gì, thời đại của chúng ta cũng tuân theo xu hướng "mạnh được, yếu thua". Chỉ có những ai đủ khả năng và luôn nỗ lực phát triển, ngày một tiến bộ mới có thể tiếp tục trên chặng đường của riêng mình.
Tuy nhiên, một người dù có giỏi đến mấy thì cũng có giới hạn riêng mà không thể vượt qua được. Giống như dù bạn rất cao, có thể với tới tận 2 mét rưỡi, thì vẫn thua hai người thấp hơn nhưng kết hợp với nhau, cùng với tới độ cao 3 mét. Đó chính là giới hạn của một cá nhân. Tới thời điểm đó, chúng ta sẽ nhận ra rằng, mỗi người đều có hai bàn tay, một tay dùng để đỡ chính mình và một tay có thể giúp đỡ người khác. Và khi chúng ta đã có thể trợ giúp thật nhiều người, những người đó cũng vươn tay giúp đỡ ngược lại cho mình. Đó là sức mạnh "win-win", đôi bên cùng có lợi mà không một cá nhân nào có thể vượt qua bằng cách cạnh tranh.
Thời xưa, trong lịch sử từng có một vị quan lớn họ Hồ vô cùng được lòng dân chúng. Người người nhà nhà đều yêu mến ông, họ chen lấn tới trước mặt ông để tặng những món quà dân dã của gia đình. Đó không chỉ là sự ngưỡng mộ với tài năng, mà còn là sự tôn kính với nhân phẩm và đạo đức của vị quan này.
Được biết rằng, khi đó có một vị thương nhân có chút quen biết đang làm ăn thua lỗ, cần một số lượng lớn tiền tài để kịp thời quay vòng, nếu không, có bán cả ruộng vườn nhà cửa đi hết cũng chẳng đủ để bù vào. Thế là vị thương nhân này hết cách, bèn tìm tới nhà của đại quan họ Hồ để cầu xin giúp đỡ, hi vọng ông có thể ra giá mua lại một số sản nghiệp giá trị của mình. Thậm chí, vị thương nhân còn không tiếc hạ thấp giá cả xuống một phần để nhanh chóng thuyết phục đại quan kia.
Thế mà khi vừa được nghe về tình hình, vị quan lớn họ Hồ lập tức đồng ý giao dịch luôn một lượng lớn tiền bạc cho người đàn ông thương nhân. Bên cạnh đó, ông còn khăng khăng chi trả theo đúng giá cả thị trường bấy giờ mà không hề chấp thuận hạ giá hay đưa ra yêu cầu chèn ép gì cả.
Vị thương nhân vui mừng khó tin, nhưng đồng thời cũng nghi hoặc khi có người từ chối nhận một món hời như thế. Phải biết rằng, sản nghiệp này làm ăn rất khấm khá, thu nhập hàng tháng cũng đủ cho cả gia đình ăn sung mặc sướng nửa năm rồi, nếu không đến bước đường cùng thì ông không dại gì mà bán đi cả. Do đó, giá cả khi bán đi cũng rất cao, dù chỉ giảm 1 phần trong số đó cũng là một con số không hề nhỏ. Sau khi suy nghĩ một hồi, vị thương nhân chủ động hỏi ra thắc mắc của mình.
Vị đại quan họ Hồ mới cười và nói với ông ta: "Ta chỉ coi đây là tài sản thế chấp để ông mượn tiền làm ăn mà thôi. Chờ đến khi ông vượt qua giai đoạn khó khăn này rồi, hãy tới mà chuộc lại sản nghiệp về. Nghề từ tổ tông truyền lại thì đừng tùy tiện hạ giá xuống, thế là bất kính, không hay".
Vị thương nhân cảm động tới không nói nên lời. Sau khi ký vào giấy chuyển giao và đem tới cửa quan để đóng dấu xác nhận, người đàn ông lại cúi chào một cái thật sâu để bày tỏ lòng tôn kính từ tận đáy lòng trước vị đại quan họ Hồ.
Những người xung quanh vị đại quan này đều chê ông ngốc, có lợi trước mắt mà còn không biết đường nhận. Chẳng những không thể mua về sản nghiệp tốt với giá thấp mà còn cho thêm người ta bao nhiêu là bạc, đúng là phí hoài. Đối mặt với sự chỉ trích của mọi người, ông kể lại rằng:
"Khi ta tuổi còn nhỏ, chỉ là một tiểu nhị bé tí trong cửa tiệm ven đường, thường xuyên bị ông chủ sai bảo đi khắp các nơi để đòi nợ. Trong một lần đi ngang qua thôn kế bên, ta bất chợt gặp mưa to gió lớn, may mà ta lúc nào cũng chuẩn bị để mang sẵn một cây dù. Lúc đó vừa vặn cũng có một người đàn ông khác phải chịu cảnh mưa gió bên cạnh, ta cũng gọi ông ấy tới che cùng luôn. Thế là người nọ chủ động cầm dù giúp ta, che cho ta không ít mưa gió dọc đường vất vả.
Sau này, mỗi lần gặp mưa, ta đều chủ động chia sẻ dù với một người xa lạ bên cạnh. Lâu dần, tất cả những người trên con đường đều đã từng được ta giúp đỡ. Có khi gặp mưa, dù ta không mang dù cũng chẳng phải sợ nữa, vì sẽ có rất nhiều người tới chủ động chia sẻ cây dù với ta, chẳng để ta ướt lấy một giọt. Đó mới là song thắng, đôi bên cùng có lợi.
Sức mạnh của cạnh tranh mãi mãi thua xa sự hợp tác.
Thấy không, khi ta chịu trả giá vì người khác thì người khác mới nguyện ý trả giá vì chúng ta. Sản nghiệp của vị thương nhân lúc nãy ta tìm hiểu là do tổ tông truyền lại từ bao đời, chậm rãi tích lũy mãi mới được như hôm nay. Nếu ta tùy tiện cạnh tranh, cướp lấy phần lợi thì họ chắc chắn sẽ lụn bại vì ta. Ngược lại, nếu ta cho ông ấy một cơ hội, ngày sau thay đổi ra sao, sẽ dựa vào chính ông ấy mà thôi. Đây không chỉ là giúp đỡ, mà còn là cứu người. Nếu gặp người có hoàn cảnh khó khăn nằm trong tầm giúp đỡ của mình thì đừng ngại vươn tay, cho họ một cơ hội. Chúng ta không chỉ thu hoạch được một nhân duyên tốt, mà còn không làm thất vọng chính lương tâm của bản thân."
Quả đúng như những gì vị đại quan họ Hồ nói, nhờ có sự khẳng khái giúp đỡ của ông, vị thương nhân kia đã gây dựng lại được nền tảng của mình vững vàng hơn. Hai năm sau, khi ông ta một lần nữa gõ cửa, ông không chỉ xin chuộc lại sản nghiệp của mình mà còn tặng cho đại quan rất nhiều món quà quý hiếm có tiền cũng không mua được, do chính tay ông thu nhặt được trên con đường buôn bán ngược xuôi tại nhiều nơi.
Nghĩa cử tốt đẹp của vị đại quan họ Hồ cũng được nhiều người biết đến và tôn kính không thôi. Trong sự nghiệp, dù là kinh thương buôn bán hay công tác chốn quan trường, ông cũng luôn có người tới ủng hộ, khi khó khăn có bàn tay vươn ra giúp đỡ mọi lúc mọi nơi.
Vì vậy, đừng chỉ khoanh tay đứng nhìn khi người khác khó khăn. cũng đừng bỏ đá xuống giếng khi người khác gặp nạn. Vào những ngày đông giá rét nhất, chỉ một viên than sưởi ấm cũng đủ làm nên chân tình. Khi chúng ta chịu trả giá vì người khác vào thời điểm quan trọng nhất, chắc chắn họ sẽ ghi nhớ ân tình của bạn đến tận cuối đời.
Trí thức trẻ