Chính quyền Sài Gòn đã gửi thư cho Đại sứ Mỹ Graham Martin. Văn thư chính thức mang số 033TT/VT, đề ngày 28.4.1975: “Tôi trân trọng yêu cầu ông đại sứ vui lòng ra chỉ thị cho các nhân viên cơ quan tùy viên quân sự DAO rời khỏi Việt Nam trong 24 giờ đồng hồ kể từ ngày 29.4.1975 để vấn đề hòa bình Việt Nam sớm được giải quyết1”.
Bài diễn văn nhậm chức của ông Dương Văn Minh kết thúc lúc 17 giờ 50 ngày 28.4.1975. Trong diễn văn này, ông Dương Văn Minh với cương vị Tổng thống chính quyền Sài Gòn chính thức công nhận trên thực tế Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam với “đề nghị ngưng bắn ngay và họp hội nghị hòa bình trong khuôn khổ Hiệp định Paris với tinh thần chấm dứt chiến tranh2”.
Tổng thống Dương Văn Minh cũng hứa thành lập chính phủ có nhiều nhân vật độc lập, nhất quyết hòa hợp. Ông Dương Văn Minh khẳng định: “Việc tôi làm trước hết là thả những người bị bắt giam vì lý do chính trị3”. Cùng lúc ông Dương Văn Minh đã cử 2 phái đoàn vào trại David trong sân bay Tân Sơn Nhất để thương lượng việc bàn giao chính quyền cho phía Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Đoàn đi buổi sáng do kỹ sư Tô Văn Cang (tình báo của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam), trong đoàn có các ông Nguyễn Đình Đầu, Nguyễn Văn Diệp. Đoàn buổi chiều do luật sư Trần Ngọc Liễng dẫn đầu và trong đoàn có linh mục Chân Tín, giáo sư Châu Tâm Luân.
Chiều 29.4.1975, Phó tổng thống Nguyễn Văn Huyền thay mặt Tổng thống Dương Văn Minh phát đi nhiều lần trên Đài phát thanh Sài Gòn một tuyên bố ủng hộ Tuyên bố ngày 26.4.1975 của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Sáng 29.4.1975, Đại sứ Pháp Merillon đến thông báo với hai ông Dương Văn Minh, Nguyễn Văn Huyền về việc Bộ Ngoại giao Pháp đã liên hệ với Hà Nội về việc thương thuyết và Hà Nội đã trả lời “quá trễ”. Mặc dù vậy, Tổng thống Dương Văn Minh vẫn tiếp tục thăm dò việc thương thuyết và lệnh “phải giữ cho được trung tâm phát tín Quán Tre để liên lạc với phía Mặt trận Dân tộc giải phóng4”.
10 giờ (giờ Hà Nội) ngày 29.4.1975, ông Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Trung ương Đảng Lao động Việt Nam thay mặt Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam gửi điện cho lực lược quân giải phóng Miền Nam Việt Nam (với tên BA) cho biết “Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đang họp thì được tin Dương Văn Minh ra lệnh ngừng bắn, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chỉ thị… tiếp tục tiến công vào Sài Gòn theo kế hoạch (…); giải phóng và chiếm lĩnh toàn bộ thành phố, tước vũ khí quân đội địch, giải tán chính quyền các cấp của địch…6”.
5 giờ sáng 30.4.1975, quân giải phóng mở màn trận cuối cùng của chiến dịch Hồ Chí Minh.
8 giờ sáng 30.4.1975, tại Phủ thủ tướng chính quyền Việt Nam Cộng hòa, Tổng thống Dương Văn Minh, Phó tổng thống Nguyễn Văn Huyền và Thủ tướng Vũ Văn Mẫu thống nhất triệu tập cuộc họp để quyết định đơn phương ra tuyên bố thành phố Sài Gòn bỏ ngỏ để giao chính quyền cho Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Tại cuộc họp này, Tổng thống Dương Văn Minh đã phát biểu: “Để tránh cho người dân Sài Gòn những tai họa đã xảy ra như tại Đà Nẵng, mà có thể còn tồi tệ hơn, tôi quyết định trao quyền cho Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam6”.
Lúc 9 giờ 30 ngày 30.4.1975, Đài phát thanh Sài Gòn phát đi lời tuyên bố của Tổng thống Dương Văn Minh: “Đường lối chủ trương của chúng tôi là hòa giải và hòa hợp dân tộc để cứu sinh mạng đồng bào. Tôi tin tưởng sâu xa vào sự hòa giải của người Việt Nam để khỏi thiệt hại xương máu của người Việt Nam. Vì lẽ đó, tôi yêu cầu tất cả anh em chiến sĩ Việt Nam Cộng hòa hãy bình tĩnh, ngưng nổ súng và ở đâu ở đó. Chúng tôi cũng yêu cầu anh em Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ngưng nổ súng. Chúng tôi ở đây chờ gặp Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam để cùng nhau thảo luận bàn giao chánh quyền trong vòng trật tự, tránh sự đổ máu vô ích cho đồng bào7”.
Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh - lúc này gần như là quyền Tổng tham mưu trưởng quân đội Sài Gòn bởi trước đó Tổng tham mưu trưởng Vĩnh Lộc đã di tản - đã đề nghị và được Tổng thống Dương Văn Minh chấp thuận ra “nhật lệnh” cho quân đội Sài Gòn đơn phương ngừng bắn, án binh bất động: “Thưa quý vị tư lịnh sư đoàn, quân binh chủng, địa phương quân, nhân dân tự vệ. Tôi, chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, Phụ tá Tổng tham mưu trưởng, thay mặt trung tướng Vĩnh Lộc (Tổng tham mưu trưởng, vắng mặt), yêu cầu tất cả quý vị tướng lãnh và quân nhân các cấp hãy triệt để thi hành lệnh của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa về ngừng bắn. Các cấp chỉ huy quân lực Việt Nam Cộng hòa hãy sẵn sàng liên lạc với các cấp chỉ huy quân đội của Chánh phủ Lâm thời miền Nam Việt Nam để thực hiện ngưng bắn một cách không đổ máu8”.
Sau khi phát tuyên bố, Tổng thống Dương Văn Minh, Phó tổng thống Nguyễn Văn Huyền, Thủ tướng Vũ Văn Mẫu cùng nội các đến dinh Độc Lập (phủ tổng thống) để chờ bàn giao chính quyền cho cách mạng. 11 giờ 30 ngày 30.4.1975, quân giải phóng miền Nam Việt Nam hạ cờ của chính quyền Sài Gòn và treo cờ Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trên nóc dinh Độc Lập.
Lúc 13 giờ 30 ngày 30.4.1975, Đài phát thanh Sài Gòn chính thức phát đi lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện của Tổng thống Dương Văn Minh: “Tôi, đại tướng Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn, kêu gọi quân lực Việt Nam Cộng hòa hạ vũ khí đầu hàng không điều kiện quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Tôi tuyên bố chính quyền Sài Gòn từ trung ương đến địa phương phải giải tán hoàn toàn, từ trung ương đến địa phương trao lại cho Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam9”.
Sau phát biểu của Tổng thống Dương Văn Minh, luật sư Vũ Văn Mẫu, Thủ tướng của chính quyền Sài Gòn phát biểu trực tiếp trên Đài phát thanh Sài Gòn: “Trong tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc, tôi, Giáo sư Vũ Văn Mẫu, Thủ tướng kêu gọi tất cả các tầng lớp đồng bào vui vẻ chào mừng ngày hòa bình của dân tộc và trở lại sinh hoạt bình thường. Các nhân viên của các cơ quan hành chính quay trở về vị trí cũ theo sự hướng dẫn của chính phủ cách mạng10”.
Đại diện quân giải phóng miền Nam Việt Nam, trung tá Bùi Văn Tùng, Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203 phát biểu chấp thuận lời đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh: “Tôi, đại diện lực lượng quân giải phóng miền Nam Việt Nam long trọng tuyên bố thành phố Sài Gòn đã được hoàn toàn giải phóng, chấp nhận sự đầu hàng không điều kiện của tướng Dương Văn Minh - Tổng thống chính quyền Sài Gòn11”.
Cuộc kháng chiến chống xâm lược ròng rã 30 năm vì mục tiêu đôc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc Việt Nam hoàn thành.
Tối 2.5.1975, tại dinh Độc Lập đã diễn ra buổi lễ trả tự do cho nội các Dương Văn Minh. Trong buổi lễ này, ông Trần Văn Trà, Chủ tịch Ủy ban Quân quản Sài Gòn - Gia Định của phía quân giải phóng đã phát biểu: “Trong cuộc chiến đấu lâu dài này không có ai là thắng, ai là kẻ bại… Toàn quân và toàn dân Việt Nam là người chiến thắng12”.
Sau tuyên bố này, ông Trần Văn Trà cũng tuyên bố 16 thành viên của Chính phủ Dương Văn Minh được tự do trở về nhà. Đáp lại tấm chân tình này, ông Dương Dương Văn Minh phát biểu: “Ngày hôm nay, đại diện cho các anh em có mặt tại đây, tôi nhiệt liệt hoan nghênh sự thành công của Chính phủ cách mạng trong công cuộc vãn hồi hòa bình cho đất nước. Với kỷ nguyên mới này, tôi mong rằng tất cả anh em có mặt tại đây, cũng như các tầng lớp đồng bào, sẽ có dịp đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng đất nước… Tôi nghĩ rằng với hành động của mình, tôi đã góp phần tránh một cuộc đổ máu vô ích cuối cùng cho Sài Gòn. Đó là phần đóng góp cụ thể của tôi trong cuộc chiến đấu này. Riêng cá nhân tôi, hôm nay tôi rất hân hoan khi được 60 tuổi, trở thành một công dân của một nước Việt Nam độc lập13”.
Không chỉ tin vào việc mình làm, ông Dương Văn Minh còn đặt niềm tin vào những người chiến thắng. Trưa 30.4.1975, khi gặp nhà báo người Đức Borries Gallasch - phóng viên nước ngoài duy nhất có mặt ở dinh Độc Lập, đại tướng Dương Văn Minh đã nói với nhà báo Đức rằng: “Anh sẽ chứng kiến sự chuyển đổi đất nước tôi vào tay những người xứng đáng hơn14”.
Lịch sử 21 năm chia cắt đất nước Việt Nam đã đặt các gia đình người Việt ở miền Nam Việt Nam có cả người phía bên này và phía bên kia. Bà Nguyễn Thị Bình cho biết ở miền Nam Việt Nam “ước tính 90% gia đình có người ở cả hai phía16”. Ngay trong gia đình ông Dương Văn Minh “có người em ruột là đại tá quân đội nhân dân Việt Nam; ông Trần Văn Hương, Tổng thống chế độ Sài Gòn có con trai là đại úy quân đội nhân dân Việt Nam và đã từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ…17”.
Có lẽ, khát vọng hòa bình và thống nhất đã viết nên những trang sử đẹp, hạn chế đến mức thấp nhất mất mát, hy sinh trong những ngày tháng 4.1975, kết thúc chiến tranh Việt Nam.
Tài liệu tham khảo:
[1] Lịch sử Nam bộ kháng chiến, sđd, tr. 963
[2] Lịch sử Nam bộ kháng chiến, sđd, tr. 962
[3] Lịch sử Nam bộ kháng chiến, sđd, tr. 962
[4] Lịch sử Nam bộ kháng chiến, sđd, tr. 974
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam (2005), Đại thắng mùa Xuân 1975 - Văn kiện Đảng, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 324
[6] Lịch sử Nam bộ kháng chiến, sđd, tr. 979
[7] Lịch sử Nam bộ kháng chiến, sđd, tr. 980
[8] Trần Bạch Đằng (2010), sđd, tr. 980
[9] Lịch sử Đảng bộ Thành phố hồ Chí Minh (1930-1975), sđd, tr. 913-914 (có sửa vài chữ để đúng với băng ghi âm)
[10] Lịch sử Nam bộ kháng chiến, tr. 994
[11] Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh, sđd, tr. 914
[12] Nguyễn Hữu Thái (2018), Sài Gòn có một thời như thế, NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 301
[13] Nguyễn Hữu Thái, sđd, tr. 302
[14] Lịch sử Nam bộ kháng chiến, sđd, tr. 991
[15] Nguyễn Thị Bình, sđd, NXB Tri thức, tr. 211
[16] Vũ Trung Kiên, tlđd, tr. 4