Kỷ luật trong nụ cười - Để con chúng ta 'ngoan thực sự'

24/05/2020 08:00
Kỷ luật trong nụ cười - Để con chúng ta 'ngoan thực sự'

Ai cũng muốn con mình trở thành đứa trẻ ngoan ngoãn, nhưng đáng tiếc không nhiều bậc phụ huynh định nghĩa được một đứa trẻ “ngoan ngoãn” và phát triển toàn diện là như thế nào.

        

Nếu hỏi các bậc cha mẹ điều gì họ mong mỏi nhất ở con cái mình, có lẽ hầu hết sẽ thừa nhận rằng đó là sự “ngoan ngoãn”. Đúng, không phải hạnh phúc, thông minh, giỏi giang… mà chính ngoan ngoãn mới là điều cha mẹ muốn có ở con mình. Bởi “nghề” làm cha mẹ mỗi ngày vất vả, cực nhọc quá nên ai cũng chỉ ước ao về nhà con cái biết nghe lời, không gây chuyện, cư xử đúng mực cho cuộc sống nhẹ bớt, để có sức tiếp tục cố gắng những ngày sau.

Nhưng khái niệm về sự ngoan ngoãn như vậy lại là một sai lầm đáng tiếc!

Trong cuốn Kỷ luật trong nụ cười, Giáo sư Nobuyoshi Hirai đã chỉ ra một sự thật được đúc kết từ cả cuộc đời cống hiến cho nền giáo dục Nhật Bản của ông, rằng khi mong muốn con cái ngoan ngoãn theo cách đó, vô tình cha mẹ đã kiềm hãm khả năng phát triển của con mình. Thậm chí phần nhiều còn khiến chúng bùng nổ, muốn chống đối cả thế giới khi vào tuổi dậy thì. Bởi vì trẻ con phải được hiếu động, khám phá, sai lầm và tự sửa chữa sai lầm… thì mới bình thường, mới là nền tảng để phát triển bản thân toàn diện. Như vậy, trẻ ngoan phải được hiểu theo nghĩa rộng mở hơn, đó là những đứa trẻ được sống đúng với suy nghĩ của mình, với ước muốn của bản thân mình.

Theo định nghĩa của Giáo sư Hirai, muốn trẻ em “ngoan thực sự” thì điều căn bản nhất là phải giúp chúng luôn được ổn định cảm xúc bằng môi trường gia đình thấu hiểu nhau, không kỳ vọng hay áp đặt, mọi người từ trên xuống dưới đều tôn trọng bản thể thật của nhau, đồng thời luôn chia sẻ và thông cảm cho những thiếu sót của nhau.

Giáo sư Hirai đã vẽ một biểu đồ hình tam giác đơn giản biểu thị 4 bước mấu chốt để nuôi dạy trẻ em phát triển toàn diện nhất: Ổn định cảm xúc – Phát triển tính tự giác – Phát triển khả năng thích ứng – Khả năng về trí tuệ. Tuy nhiên, nếu nhìn vào biểu hiện của trẻ em hiện nay, ta sẽ thấy rằng các em đang bị “ép” phát triển ngược. Bởi ai cũng muốn con mình là thiên tài, phải giỏi mọi thứ, không được thua kém bạn bè. Những đứa trẻ bị “ép” phát triển trí tuệ không dựa vào nền móng ổn định cảm xúc thế này khi gặp phải chuyện khó khăn sẽ rất dễ bị suy sụp, chán nản, từ đó sinh tiêu cực chống đối hoặc mặc kệ, không đi tiếp nữa. Trường hợp tệ nhất là muốn kết thúc đời mình.

Những năm gần đây, bên cạnh chỉ số tư duy trí tuệ (IQ) thì các nhà giáo dục và dinh dưỡng cũng đã xem trọng chỉ số tư duy cảm xúc (EQ) ngang bằng trong việc nuôi dạy trẻ em phát triển toàn diện. Tuy nhiên, những kiến thức và câu chuyện từ cuốn Kỷ luật trong nụ cười của Giáo sư Hirai đã khẳng định rằng, không phải là ngang bằng, mà sự ổn định cảm xúc phải đóng vai trò nền móng thì trí tuệ mới phát triển tối đa và mạnh mẽ được. Mà muốn như vậy, đứa trẻ cần có một môi trường gia đình cũng phải ổn định về cảm xúc, tất cả các thành viên cần thực sự quan tâm và có trách nhiệm với nhau.

Đặc biệt bố và mẹ phải cùng chia sẻ vai trò trong việc nuôi dạy con cái, không phó mặc cho người kia hoặc ai khác. Có lẽ điều này là rất khó, nhất là trong thời buổi công nghệ phát triển vượt bậc như hiện nay khiến chúng ta dần quên cách chăm sóc và trò chuyện trực tiếp với nhau mỗi ngày, nhưng nếu bây giờ không quay lại, thì sẽ có lúc chúng ta vuột mất nhau thực sự. Như bao gia đình hiện đại đã vuột mất nhau!

Dù bên ngoài có sóng gió thế nào thì gia đình vẫn là tổ ấm để quay về, đó là lý do bất cứ quốc gia nào cũng xem gia đình là yếu tố xã hội đặc biệt quan trọng. Mọi người trong gia đình cần chăm sóc kỷ luật cho cảm xúc của bản thân và của nhau, để có thể tặng nhau món quà quý giá nhất, đó là những nụ cười hồn nhiên và chân thật – sức mạnh nền tảng giúp chúng ta sống một cuộc đời xứng đáng nhất.

Cát Tiên


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 5, 21/11/2024