Kiến Phật kỳ 2: Cách hít thở đẹp, êm đềm và hồi phục sinh lực

03/11/2018 11:18
Kiến Phật kỳ 2: Cách hít thở đẹp, êm đềm và hồi phục sinh lực

Khi nghe tiếng chó sủa, hãy hít vào, thở ra; tiếng chuông cửa, liền hít vào, thở ra; nghe thấy tiếng còi báo động, hít vào, thở ra; tiếng của máy bay đang bay ngang qua đầu, hít vào, thở ra… cứ thế… Hãy đi theo hơi thở của anh chị, nhận thức về nó thực sự.

Nhà sư ngừng lại, hít thở sâu rồi nói tiếp:

- Chúng ta chú ý cảm nhận hơi thở đi vào lỗ mũi; chúng ta cảm nhận luồng hơi mát đi sâu xuống phổi; chúng ta lại cảm nhận nó quay lên, tuôn qua lỗ mũi đi ra ngoài. Chúng ta không cố kiểm soát nó dưới bất kỳ hình thức nào, chúng ta mặc kệ nó – một hơi thở đẹp, êm, có tác dụng phục hồi và chữa lành.

Trong khi chúng ta tập trung vào đó, rất tự nhiên chúng ta đang chánh niệm, bởi vì hành động thở đang chiếm lĩnh chúng ta. Trong quy trình thở đó, chúng ta làm sạch tâm mình. Chúng ta cảm thấy yên ổn và cảm thấy mạnh mẽ vào khoảnh khắc này. Chúng ta đang hoàn toàn hiện diện ở đây, vào đúng lúc này.

Chúng ta cùng thực hiện nào. Hãy thực hành chánh niệm bằng việc quan sát hơi thở.

Nhà sư đợi một lúc. Chúng tôi cục cựa một chút để chuẩn bị. Nhà sư hô lớn:

- Hít vào. Cảm nhận không khí đi vào qua lỗ mũi và thâm nhập vào phổi; sau đó để ý nó trở ra ngoài.

Tôi làm theo. Chúng tôi dành ra một, hai phút hít thở. Tôi lập tức cảm thấy yên bình hơn, cảm thấy mình nối kết hơn với thực tại, và cảm thấy chạm đến sức mạnh của mình hơn. Tôi kinh ngạc trước tác động của kỹ thuật đơn giản này.

- Tại sao mình không làm thế này thường xuyên? – Tôi tự hỏi.

Mẹ tôi đã từng dạy tôi hít thở sâu trước khi tôi phải thực hiện bất kỳ thử thách cam go nào. Nhưng nó không giống với kiểu hít thở này – tâm của tôi không gắn vào hơi thở; đấy là kiểu thở gấp, lồng vào hơi thở là nỗi sợ hãi và e dè. Nhưng hít thở sâu theo cách của nhà sư mang lại cảm giác rất khác. Nó thực sự làm tôi bình tâm, và theo một cách lạ lẫm nào đó, giúp tôi liên hệ được với chính mình.

- Nếu tâm của anh chị đi lan man, cứ nhẹ nhàng đưa nó trở về hơi thở của mình. – Nhà sư nói.

Tôi nhận ra mình vừa mới ngưng tập trung vào hơi thở, bèn lại kéo tâm trở về. Khi cảm nhận không khí đi qua mũi, tôi lập tức cảm thấy yên bình trở lại, giống như được neo chặt lại.

- Anh chị cảm thấy thế nào? – Nhà sư hỏi sau vài quãng thở nữa, trong giọng thầy có pha lẫn tiếng cười.

- Tốt, tốt lắm. – Gwyn đáp.

- Tôi không thể cảm nhận được khi nào nó đi qua lỗ mũi mình. – Ed bình luận.

Nhà sư giải thích:

- Hãy cứ chú ý đến nó ở bất kỳ điểm nào cũng được. Chánh niệm là những gì bản thân ta cảm nhận, không phải những gì ta được bảo phải cảm nhận. Khi luyện tập, anh chị thấy rõ rằng sự nhận thức về hơi thở của mình thay đổi.

Cùng lặp lại nào. Chánh niệm là hoàn toàn tập trung vào khoảnh khắc hiện tại và cảm nhận những gì đang diễn ra ngay lúc này, không để dòng suy nghĩ bứt ta ra khỏi đó và khiến ta bị xao nhãng. Đó là “cảm nhận” mà không “bình luận”, không phán xét dưới bất kỳ phương diện nào. Cứ là hiện tại thôi.

Chúng ta có thể thực hiện bằng cách nhận biết cơ thể mình đang cảm thấy thế nào, hoặc bằng cách tập trung hoàn toàn vào việc mình đang làm vào lúc này. Đưa tâm trở lại khi những ý nghĩ khác xâm lấn, và trên hết, hãy đi theo hơi thở của mình.

 Nhà sư hỏi:

- Chúng ta hít thở bao nhiêu lần trong một ngày? Vậy chúng ta có bao nhiêu cơ hội chánh niệm trong một ngày? Chánh niệm hơi thở là một công cụ tuyệt vời. Càng vận dụng thì nó càng trở nên sắc bén và chúng ta càng yêu quý, cũng như đề cao giá trị của nó.

Chánh niệm hơi thở dễ dàng và đơn giản đến mức một khi đã quen, anh chị có thể thực hiện bất cứ lúc nào nhớ đến nó và ở bất cứ nơi đâu. Hầu như anh chị không nhận ra mình đang thực hiện nó, mà chỉ cảm thấy mình càng lúc càng yên bình, hạnh phúc hơn, cảm thấy hài lòng về mình và về cuộc sống hơn. Chính vì thế mà nó rất đáng để ta thực tập phải không?

Nhà sư ngừng lời và mỉm cười:

- Rốt cuộc lúc nào ta cũng phải thở, thế thì tại sao ta không biến mỗi hơi thở thành một hơi thở chánh niệm. Khi làm điều đó, ta sẽ biết được cảm giác yên bình thực sự.

Ta còn có thể cảm nhận niềm vui từ nó nữa. – Thầy cười chân phương. – Ta có thể thiết lập một “hệ thống nhắc nhở” cho chính mình. Hãy biến tất cả những âm thanh ồn ào ta nghe thấy thành “lời nhắc nhở” ta thực hiện hít thở chánh niệm, hít thở đẹp, êm đềm và hồi phục sinh lực. Chẳng hạn như, khi nghe tiếng chó sủa, hãy hít vào, thở ra. Hãy đi theo hơi thở của anh chị, nhận thức về nó thực sự. Hay khi nghe thấy tiếng chuông cửa, liền hít vào, thở ra; nghe thấy tiếng còi báo động, hít vào, thở ra; tiếng của máy bay đang bay ngang qua đầu, hít vào, thở ra… cứ thế…

Phải công nhận là cuộc sống hiện đại sẽ cung cấp cho ta vô số cơ hội để luyện tập hơi thở chánh niệm! – Thầy bật cười lớn.

Ta cũng có thể làm như vậy đối với những ý nghĩ lo lắng. Mỗi lần lo lắng nổi lên trong tâm, hãy chuyển nó thành lời nhắc nhở mình thực hiện vài hơi thở chánh niệm. Hít vào, thở ra, mặc kệ nó, mặc kệ nó; hít vào, thở ra, mặc kệ nó, mặc kệ nó. Càng thực hiện nhiều, nó càng trở nên tự nhiên và càng vun đắp thêm nhiều lợi ích cho ta.

>> Kiến phật kỳ 3: Hành thiền chánh niệm là tập trung vào hơi thở

Trích Kiến Phật


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 23/11/2024