Thầy tự giới thiệu là Thượng Tọa Bhante và nói:
- Tôi có mặt ở đây ngày hôm nay nhằm giải thích thật sáng tỏ hành thiền là gì với các anh chị. Mọi người có thiên hướng hay phức tạp hóa nó. Chúng ta không bị bắt buộc phải ngồi thiền trong phòng tối, trong im lặng tuyệt đối, có thắp nến hay đốt nhang, mặc dù có nhang, nến thì rất dễ chịu.
Thầy hướng đầu về phía chiếc bàn.
- Thật ra, hành thiền không phải mất nhiều năm luyện tập.Bất kỳ ai cũng có thể luyện. Cho nên chúng ta cứ làm từng bước một, rồi cuối khóa tu này anh chị sẽ hành thiền giống như những thiền sư.
Nhà sư cười, rồi hít một hơi thật chậm. Thầy nhìn quanh và tuyên bố: "Tất cả hãy bắt đầu bằng chánh niệm".
- Vậy chính xác chánh niệm có nghĩa là gì?
Thầy nêu câu hỏi, rồi trả lời luôn:
- Chánh niệm vừa là danh từ vừa là động từ. Chánh niệm đơn giản có nghĩa là nhận thức hoàn toàn khoảnh khắc hiện tại – nhận thức đầy đủ ta đang cảm thấy thế nào, ta đang nhìn vào cái gì, ta đang nhìn thấy gì, nghe thấy gì và chấp nhận hoàn toàn nó là như thế, không phán xét, không so sánh, chỉ trích hay ước mong nó khác đi. Đơn giản chỉ tập trung vào sự vật hiện tượng đang xoay vần ngay trong khoảnh khắc hiện tại, ngay bây giờ, không cố thay đổi nó theo bất kỳ kiểu gì. Chánh niệm tức là ở ngay lúc này.
Nhà sư ngưng lại, rồi tiếp:
- Nghe thì chẳng có gì ghê gớm, nhưng học chánh niệm và thực hành chánh niệm là một trong những phương thức hữu ích nhất và hiệu quả nhất mà anh chị từng thực hiện – bất kỳ ai cũng có thể thực hiện. Trong những năm gần đây, y học đã nhận ra giá trị của chánh niệm và áp dụng vào rất nhiều ca trị liệu. Nhưng ta không cần phải đợi đến lúc bị bệnh mới hưởng được ích lợi của chánh niệm; thực hiện chánh niệm có thể mang lại lợi ích cho mọi người, cho bất kỳ ai.
Thầy nhìn quanh nhóm:
- Do vậy, bao nhiêu lần chúng ta đang làm việc này nhưng lại nghĩ đến việc khác, hoặc ước mong chúng ta đang ở nơi nào khác, hoặc cảm thấy lo lắng, sợ sệt không biết chuyện gì sẽ xảy đến với mình tiếp theo?
Thầy dừng lời và lại nhìn khắp chúng tôi. Tôi bảo đảm mọi người hiểu thầy đang nói về cái gì. Cả tôi cũng hiểu luôn.
- Khi chúng ta để mặc cho ý nghĩ của mình đi lang thang, tức là chúng ta không hiện diện ở khoảnh khắc này, chúng ta không chánh niệm. Không chừng ý nghĩ của chúng ta đang ở cách xa hàng ngàn dặm; có khi chúng ta đang phiêu bạt trong quá khứ nhiều năm trước, hoặc bơi tít tắp vào tương lai – suy tư về những việc đã xảy ra hoặc những việc có lẽ sẽ xảy ra.
Ý nghĩ của chúng ta lang bạt muôn nơi, có thể gây rắc rối và phiền toái, bất an cho ta, có thể làm cho cơ thể ta cảm thấy căng cứng. Chúng có thể khiến ta vụt lỡ mất việc thưởng thức khoảnh khắc hiện tại, bởi vì ta đang bận buồn phiền chuyện mình đã bỏ lỡ nhiều thứ và chả biết nó đã trôi qua khi nào.
Khi nhà sư giảng đến đó, tôi bỗng hồi tưởng rõ mồn một thời điểm mình đang ở Hy Lạp, đang bơi dưới làn nước biển xanh trong vắt giữa một ngày nắng đẹp, nhưng lòng buồn trĩu nặng vì kỳ nghỉ sắp hết và tôi sợ lại phải trở về. Vậy là niềm vui trong khoảnh khắc hiện tại đã bị ố nhòe bởi nỗi buồn. Những ngày nghỉ còn lại của tôi cũng đượm màu tiếc nuối.
Nhà sư giảng tiếp:
- Nhưng với chánh niệm, ta không cần phải như vậy. Khi học cách chánh niệm, ta tập trung vào những gì ta đang thật sự làm lúc này, vào ngay tích tắc này, ta trải nghiệm tính đặc trưng của khoảnh khắc hiện tại: cơn gió nhẹ mơn man phả vào mặt ta, hương hoa hồng thoang thoảng, tiếng chim hót, vị thức ăn trong miệng… và ta thật sự đang cảm nhận tất cả.
Dĩ nhiên, rất khó mà duy trì được sự tập trung hoàn toàn như thế. Khi ta luyện chánh niệm, chẳng bao lâu sau ta nhận ra rằng biết bao nhiêu lần ý nghĩ của ta chẳng ăn nhập gì với khoảnh khắc hiện tại, biết bao lần ta bị xao lãng vì những ý nghĩ sợ hãi, lo lắng, phán xét v.v…
Nhưng chỉ cần nhận ra được như thế đã là một bước tiến tích cực, và càng tu luyện chánh niệm, ta càng kiên nhẫn đưa tâm trí mình trở về đúng khoảnh khắc hiện tại, và ta lại càng thực hiện chánh niệm một cách tự nhiên và dễ dàng hơn. Vui thay, không giống với hầu hết những bài luyện tập khác, chánh niệm không đòi hỏi phải có trang thiết bị, phải di chuyển hay tốn kém gì, chỉ cần ý định muốn làm mà thôi.
Nhà sư dừng lại thoáng chốc rồi giảng tiếp.
- Một trong những cách tốt nhất để đi vào chánh niệm là nhận biết cơ thể ta đang cảm thấy thế nào vào đúng khoảnh khắc hiện tại này. Vậy, chúng ta hãy thực hiện điều đó ngay bây giờ. Hãy ghi nhận cảm giác về cái gối hay chiếc chiếu thiền, hay mặt ghế gỗ bên dưới anh chị; nhiệt độ cơ thể của anh chị; có bất kỳ sự căng thẳng, đau đớn, hay nhức mỏi nào không. Chỉ cảm nhận thôi, không bình luận gì trong tâm về chúng cả.
Một khoảng dừng, thế rồi Maurice lên tiếng – tôi nghĩ anh chàng trông tự nhiên cứ như đang ở trong quán bar vậy:
- Ý thầy nói “không bình luận” nghĩa là thế nào?
Nhà sư đáp:
- Đây chính là điều tôi muốn đề cập tới. Đúng thế, anh chị đang tập trung xem cơ thể mình cảm thấy thế nào, và khi làm như thế, anh chị cảm thấy đau ở sống lưng chẳng hạn. Anh chị liền nghĩ ngay “Ôi trời ơi, cái lưng của tôi lại giở chứng nữa rồi. Tôi rất mong chờ nó đừng tệ hơn trong chiều hôm nay cơ mà. Tôi thắc mắc tại sao nó lại tái phát? Chắc tại tôi căng kéo cơ bắp quá mức khi khiêng cái va li. Lẽ ra tôi phải cẩn thận hơn. Nếu nó đau nhức hơn nữa thì tôi phải xin cái hẹn với bác sĩ nắn xương quá. Lại tốn tiền nữa rồi, trời đất ơi! Mà tôi còn chưa trả hết thẻ tín dụng nữa kìa. Chả biết tiền của tôi cứ đi đằng nào ấy. Sao cái đất nước này tệ quá v.v…”.
Cả nhóm cười phá lên, nhưng nhà sư vẫn giảng tiếp: “Bình luận” là như thế đó.
Xong rồi thầy cũng cười lớn.
- Chúng ta cảm nhận ngay trong ví dụ tôi vừa nêu trên rằng bắt nguồn từ cảm giác đau lưng dây dắt tới sự trách cứ, chỉ trích bản thân – “Lẽ ra tôi phải cẩn thận hơn” – rồi tới nỗi sợ hãi điều tệ hơn sẽ xảy ra, lan qua đến mối lo về tiền bạc, sau đó lại quàng tới phàn nàn đất nước. Anh chị có thấy lời bình luận nội tại đã biến cơn đau lưng bình thường thành nhiều thứ như thế nào chưa? Tất cả chúng ta cứ luôn nghĩ ngợi miên man như thế, chả trách biết bao nỗi đau đều khởi phát từ những lời bình luận trong đầu.
- Làm sao để chúng ta không như thế nữa? – Maurice hỏi. Tôi tự hỏi anh đang kiếm sống bằng nghề gì, và tại sao lại ở đây.
Nhà sư trả lời:
- Ta tập trung vào cảm giác của mình ngay lúc này, và nếu có cơn đau, ta cảm nhận được liền, tuy nhiên đừng nghĩ về nó. Cứ để cơ thể cảm nhận cơn đau. Đừng chống lại nó. Đừng bình luận về nó. Đừng phán xét nó, cứ cho phép nó là thế, cứ ở cùng với nó.
- Chánh niệm có nghĩa là mang tâm trở lại khoảnh khắc hiện tại, và việc nhận ra cơ thể mình đang cảm thấy như thế nào sẽ mang chúng ta trở về khoảnh khắc hiện tại ngay lập tức. Tập trung – tập trung thật sự – vào việc ta đang làm ngay khoảnh khắc hiện tại cũng mang đến kết quả tương tự. Nhưng đừng tập trung tới mức gồng cứng người. Chánh niệm là nhận thức,giữ mình tỉnh táo, quan tâm, cởi mở và quan sát.
Chẳng hạn như, cảm nhận cây bút ở giữa hai ngón tay khi ta đang viết; cảm nhận thức ăn ở trong miệng, và nhai khi ta đang ăn; cảm nhận nước vã lên da khi ta đang tắm; cảm nhận vô lăng trong lòng bàn tay khi ta đang lái xe. Chúng ta chỉ tập trung vào cái gì đang là thật, cái gì đang diễn ra ngay lúc này, không để tâm dẫn ta đi tới nơi nào hết.
Nhà sư dừng lời một chút, nhìn quanh rồi giảng tiếp:
- Mỗi người chúng ta có một công cụ hoàn hảo để giúp mình làm điều này, để giúp mình chánh niệm. Anh chị có biết đó là gì không?
Thầy lại ngừng. Cả nhóm im lặng.
Đó là hơi thở. Mỗi hơi thở cho chúng ta một cơ hội chánh niệm để nối kết với khoảnh khắc hiện tại.
>> Kiến Phật kỳ 2: Cách hít thở đẹp, êm đềm và hồi phục sinh lực
Trích sách Kiến phật