Khuyến học - Vì sao Hoa hậu Mai Phương Thúy nói tuổi trẻ ‘nên sống điên rồ hơn một chút’?

09/12/2019 15:42
Khuyến học - Vì sao Hoa hậu Mai Phương Thúy nói tuổi trẻ ‘nên sống điên rồ hơn một chút’?

Là một đại sứ truyền cảm hứng của Hành trình Từ Trái Tim, Hoa hậu Mai Phương Thúy thấm nhuần các giá trị từ những cuốn sách mà Trung Nguyên Legend đem tặng thế hệ trẻ cả nước. Bài viết dưới đây sẽ lý giải cho câu nói của cô trong một lần tặng sách đầy ý nghĩa cùng Hành trình.

LTS: Chủ tịch Trung Nguyên Legend - Đặng Lê Nguyên Vũ trong "Thư ngỏ" mở đầu sách "Khuyến học" viết rằng: Nhật Bản có vị trí địa lý không thuận lợi (khan hiếm tài nguyên, nhiều thiên tai, thảm họa), diện tích không lớn, dân số không đông, nhưng nhờ có nền dân khí tốt đã trở nên hùng cường.

Tác giả Đào Trinh Nhất, trong sách "Nhật Bản duy tân 30 năm", ca ngợi: "Thử mở hết lịch sử nhân loại ra mà coi, đông tây kim cổ, có dân tộc nào rong ruổi 30 năm mà theo kịp người ta trên con đường văn minh người ta đã đi cả 3, 4 thế kỷ không? Ai cũng phải nói rằng không... Xưa nay chỉ duy nhất có một mình Nhật Bản làm được vậy mà thôi".

Với người Việt hiện nay, khi nhắc tới tính cách Nhật, ý chí Nhật, công nghệ Nhật... đa số chúng ta đều ghi nhận họ là một dân tộc rất đáng để nể phục, học hỏi nhiều điều.

Vậy "nền dân khí" mà Đặng Lê Nguyên Vũ nói đến đã bắt nguồn từ đâu, gồm có những gì? Cuốn sách "Khuyến học" ra đời cách đây 150 năm của Fukuzawa Yukichi chính là điểm khởi đầu đó. Nó đã thôi thúc cả dân tộc Nhật Bản tự nhận thức lại chính mình mạnh gì, yếu gì, và đặc biệt là cần tôi luyện những phẩm chất gì, để đưa đất nước trở nên hùng cường.

Điều vĩ đại của cuốn sách là ở chỗ, sau gần 2 thế kỷ, hầu hết những giá trị tư tưởng mà Fukuzawa Yukichi nêu ra cho người Nhật vẫn còn nguyên giá trị và vượt khỏi phạm vi nước Nhật. Đó chính là lý do vì sao Đặng Lê Nguyên Vũ đã vô cùng trân trọng, xếp đây là một trong 5 cuốn sách quý nền tảng đổi đời đem tặng hàng triệu thanh niên Việt Nam, với tâm nguyện rằng nó sẽ giúp giới trẻ Việt tự rèn luyện để tự cường, từ tư tưởng đến hành động.

Đồng hành với Hành trình Từ Trái Tim, loạt bài viết dưới đây sẽ tiết lộ NHỮNG BÍ MẬT VỀ NỀN DÂN KHÍ NHẬT BẢN mà Fukuzawa Yukichi đã truyền tải trong "Khuyến học". Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu tới quý độc giả loạt bài viết chắt lọc từ cuốn sách được xem là "kho báu" vô cùng quý giá của nước Nhật.

Bí mật thứ tám

LÒNG CAN ĐẢM

Nhắc đến Nhật Bản, không thể bỏ qua tinh thần Võ sĩ đạo Samurai. Tác giả Nitobe Inazo trong cuốn sách Võ sĩ đạo - Linh hồn của Nhật Bản (cuốn sách được coi là kinh điển về văn hóa Nhật Bản) đã chỉ ra: võ sĩ đạo được hiểu ngắn gọn là quy phạm đạo đức của võ sĩ, là con đường của võ sĩ đồng thời cũng là nguyên tắc hành động, nghĩa vụ của võ sĩ.

Trải qua hàng trăm năm hình thành và phát triển trong cuộc sống của võ sĩ, võ sĩ đạo dần trở thành một hệ thống có ảnh hưởng lớn tới đời sống tinh thần của người Nhật. Dù đã có thời điểm, tinh thần võ sĩ đạo bị bộ máy quân phiệt lợi dụng để phục vụ cho các cuộc chiến tranh đẫm máu, tạo nên hình ảnh phát-xít Nhật trong mắt bạn bè quốc tế. Các võ sĩ từng có lúc bị nghi ngờ, nhưng đến nay, những giá trị tích cực của hình tượng võ sĩ đạo vẫn luôn được ghi nhận. Đúng như Nitobe Inazo nhận định: "Võ sĩ đạo có thể sẽ tiêu tan, nhưng sức mạnh của nó sẽ còn mãi trên trái đất".

Đào Trinh Nhất, tác giả sách "Nhật Bản duy tân 30 năm" cũng viết: Võ sĩ đạo là tinh anh luân lý của Nhật Bản, chính nó hun đúc ra cái nguyên khí quốc dân. Vận nước nhờ đó mà rỡ ràng, thói dân nhờ đó mà cứng cỏi; nội những dấu tích gì sáng tỏ vẻ vang ở trong lịch sử Nhật Bản, đều do nguồn gốc võ sĩ đạo mà phát ra tất cả.

5 giá trị tinh thần đáng quý của võ sĩ đạo Samurai là: Nhân từ; Tôn trọng, Chân thành, Danh dự và Tận tâm.

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ phân tích chữ "Can đảm" - một tinh thần xuất phát từ võ sĩ đạo - đã được Fukuzawa Yukichi khơi dậy và củng cố thông qua cuốn sách Khuyến học.

Tầng lớp sẽ tiên phong khai mở nền văn minh

Yukichi cho rằng, văn minh của một quốc gia, không phải do Chính phủ sáng tạo từ trên xuống và cũng không phải do thường dân làm được từ dưới đưa lên. Văn minh của một quốc gia phải do tầng lớp giữa - giai cấp trung lưu - có tri thức, kiến thức, động não trước thời cuộc, suy nghĩ hợp lòng dân thực hiện.

Trên thế giới, điều này đã nhiều lần được chứng minh. Ví như đầu máy hơi nước là phát minh của Watt. Đường sắt là thành quả công phu của Stevenson. Người nghiên cứu và tìm ra nguyên lý kinh tế là Adam Smith. Họ đều thuộc tầng lớp giữa, không phải bộ trưởng trong nội các Chính phủ và cũng không phải là công nhân trực tiếp sản xuất. Họ thuộc giai cấp trung lưu, có tri thức, tìm tòi nghiên cứu, nhờ đó mà làm thay đổi bộ mặt xã hội.

Quan điểm khuyến khích tầng lớp tri thức bắt đầu cống hiến cho đất nước bằng việc không ngừng cải biến, sáng tạo trong nghề nghiệp của mình của TS Kinh tế Vương Quân Hoàng cũng là những điều mà Fukuzawa Yukichi trình bày trong cuốn Khuyến học.

Tuy nhiên, Yukichi cũng chỉ ra thực tế đáng buồn là xã hội vẫn còn nhiều trí thức rởm, gió chiều nào theo chiều ấy. Đa số các trí thức kiểu này luôn rình rập tìm kiếm lợi ích trước mắt, sa vào các chức vụ quản lý vặt vãnh, tiêu phí thời gian bằng những việc vô bổ. Những người trí thức như vậy là nỗi bất hạnh cho công cuộc văn minh đất nước.

Người trí thức thực sự phải can đảm nhận lãnh trách nhiệm mở mang, nuôi dưỡng văn minh, dù phải "đơn thương độc mã" trong xã hội hiện tại cũng vẫn tiếp tục vun xới, nuôi dưỡng tinh thần đúng đắn. Tầng lớp trung lưu phải can đảm đứng mũi chịu sào trong cơn cuồng phong, trong dòng nước chảy xiết, chống chọi với cả một trào lưu đang làm thoái hóa xã hội. Nhiệm vụ này thật khó khăn, và đòi hỏi giới trí thức phải có lòng quả cảm và tinh thần cương quyết.

Ví như Hội Keio (do Yukichi sáng lập ra) đã bất chấp khó khăn, gian khổ, nguyện đem hết tri thức kiến thức có được, xây đắp con đường phát triển văn minh. Để đi tới đó, họ không phân biệt, không từ nan bất kỳ lĩnh vực nào, ngành học nào. Hội Keio làm thương nghiệp, tranh luận luật pháp, chấn hưng công nghiệp, khuyến nông, viết sách, dịch sách, phát hành báo, tất cả những gì liên quan tới văn minh họ đều lao vào.

Can đảm để vượt qua vùng an toàn, không chấp nhận cuộc sống an nhàn

Trong hệ tư tưởng của các võ sĩ Samurai, trốn tránh nguy hiểm có nghĩa là không còn sống. Samurai đề cao tính sáng suốt và mạnh mẽ, họ lấy sự tôn trọng và thận trọng thay thế nỗi sợ.

Tinh thần này cũng là điều mà Yukichi dùng để khuyến khích người trẻ hãy can đảm, vượt qua vùng an toàn, dám lao vào chỗ mạo hiểm, làm những công việc khó khăn hơn để cống hiến được nhiều hơn cho đất nước.

Tác giả sách Khuyến học Fukuzawa Yukichi.

"Nếu tôi không nhầm thì việc nấu cơm, đun nước cũng là học vấn. Việc bàn luận về quốc gia đại sự cũng là học vấn. Nhưng lo cuộc sống của gia đình thì dễ hơn lo kinh tế, chính trị của một quốc gia. Hơn nữa trên đời này cái gì dễ kiếm thì ít được quý trọng, càng khó kiếm thì giá trị càng cao", Yukichi viết trong cuốn Khuyến học.

Vận hội sẽ mở ở những nơi phát huy được chí khí của mình - Fukuzawa Yukichi.

Những cụm từ ổn định, an toàn đã ăn sâu vào não nhiều người đến nỗi, không ít người trẻ chưa vào đời đã chỉ mải lo kiếm việc an nhàn, có đủ miếng cơm, manh áo phục vụ bản thân gia đình. Ví dụ, không ít người chỉ cần lùng sục và đọc qua các cuốn sách dịch đang bán chạy, đi đây đi đó để có chút thực tế, tích lũy thêm một ít thông tin trong và ngoài nước, gặp được dịp may là được chọn ngay vào làm việc trong các công sở nhà nước.

Trong một chuyến trao tặng sách cùng Hành trình Từ Trái Tim, Hoa hậu Mai Phương Thúy có phát biểu đầy ý nghĩa, cổ vũ tinh thần can đảm, dấn thân cho giới trẻ.

Lời khuyên của Hoa hậu Hương Giang cũng nói về tinh thần can đảm dám thách thức thất bại, dám vượt khỏi vùng an toàn để làm điều mình khát khao. Tất cả đều là những tinh thần đã được Yukichi chỉ ra cách đây 150 năm.​

Học hành theo kiểu đó, chi phí chẳng tốn kém là bao nhưng vẫn thành quan chức đàng hoàng và số thu nhập là khoản lãi ròng tròn trịa. Trên đời này không có cách kinh doanh nào lại lãi đến vậy, ngay cả những người sống chuyên bằng nghề cho vay nặng lãi cũng phải ghen tị.

Nếu hiện tượng này trở thành xu hướng, thành trào lưu trong xã hội thì học vấn sẽ mất đi bản chất đích thực và mục đích cao quý của nó.

Yukichi khuyến khích người trẻ nên nỗ lực tiếp thu kiến thức kỹ thuật thực hành, rồi hẵng đi làm. Người trẻ cũng không nên chỉ nghĩ đến những công việc an nhàn để rồi tiêu phí cuộc đời mà nên thách thức mình bằng những việc khó.

"Chỉ đến khi trên khắp mọi miền đất nước, nơi đâu cũng gặp những người vừa có tài, vừa có đức, ngày đêm rèn giũa và tích lũy thực lực thì ắt hẳn đến một ngày nào đó, chúng ta sẽ ngang hàng, sánh vai với nền văn minh của các cường quốc phương Tây", Yukichi viết.

Dám mạo hiểm làm những điều không ai làm cũng chính là con đường Đặng Lê Nguyên Vũ đã đi và điều này cũng đã được nhà sử học, đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc khẳng định. Tinh thần can đảm, tiên phong khai mở này cũng là điều được Fukuzawa Yukichi truyền tải trong cuốn Khuyến học và là điều Đặng Lê Nguyên Vũ muốn truyền đạt tới giới trẻ Việt.

Dù rất tự hào về tầng lớp võ sĩ vừa thừa nhận tinh thần can đảm của các võ sĩ đạo Samurai sẵn sàng hy sinh thân mình vì chính nghĩa nhưng Yukichi thẳng thắn cho rằng, con số võ sĩ thực thụ trong xã hội thật ít ỏi. Ông ước tính, dân số nước Nhật thời Minh trị là 30 triệu nhưng số nghĩa sĩ chỉ vào khoảng 14.000 người.

Vì thế, mỗi người dân Nhật Bản đều phải trở thành võ sĩ chính trực, có tinh thần can đảm để vươn lên, không thể ỷ lại bất cứ ai, kể cả tầng lớp võ sĩ hay chính phủ.

Nội dung loạt bài NHỮNG BÍ MẬT VỀ NỀN DÂN KHÍ NHẬT BẢN được rút ra từ sách "Khuyến học" của các tác giả Fukuzawa Yukichi, cùng nhiều tài liệu tham khảo khác. Đây là 1 trong 5 cuốn sách quý nền tảng đổi đời được Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ tự tay tuyển chọn, viết thư ngỏ, với mong mỏi sách sẽ đến tay tất cả các bạn trẻ và nhân dân cả nước, để hun đúc nền dân khí quốc gia, khát vọng cùng xây dựng đất nước hùng cường.

 T.N


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025