Khuyến học - Bí mật của đất nước khiến người Việt nể phục: 'Đừng tin những lời nói bậy của Chu Tử'

12/11/2019 11:03
Khuyến học - Bí mật của đất nước khiến người Việt nể phục: 'Đừng tin những lời nói bậy của Chu Tử'

​​​​​​​Việc không biết chọn cái gì để học hỏi đã khiến nền văn minh đất nước rối rắm, quốc gia đầy rẫy những thói hư tật xấu, gây ảnh hưởng đến nền độc lập, tự do - Fukuzawa Yukichi.

LTS: Chủ tịch Trung Nguyên Legend - Đặng Lê Nguyên Vũ trong "Thư ngỏ" mở đầu sách "Khuyến học" viết rằng: Nhật Bản có vị trí địa lý không thuận lợi (khan hiếm tài nguyên, nhiều thiên tai, thảm họa), diện tích không lớn, dân số không đông, nhưng nhờ có nền dân khí tốt đã trở nên hùng cường.

Tác giả Đào Trinh Nhất, trong sách "Nhật Bản duy tân 30 năm", ca ngợi: "Thử mở hết lịch sử nhân loại ra mà coi, đông tây kim cổ, có dân tộc nào rong ruổi 30 năm mà theo kịp người ta trên con đường văn minh người ta đã đi cả 3, 4 thế kỷ không? Ai cũng phải nói rằng không... Xưa nay chỉ duy nhất có một mình Nhật Bản làm được vậy mà thôi."

Với người Việt hiện nay, khi nhắc tới tính cách Nhật, ý chí Nhật, công nghệ Nhật... đa số chúng ta đều ghi nhận họ là một dân tộc rất đáng để nể phục, học hỏi nhiều điều.

Vậy "nền dân khí" mà Đặng Lê Nguyên Vũ nói đến đã bắt nguồn từ đâu, gồm có những gì? Cuốn sách "Khuyến học" ra đời cách đây 150 năm của Fukuzawa Yukichi chính là điểm khởi đầu đó. Nó đã thôi thúc cả dân tộc Nhật Bản tự nhận thức lại chính mình mạnh gì, yếu gì, và đặc biệt là cần tôi luyện những phẩm chất gì, để đưa đất nước trở nên hùng cường.

Điều vĩ đại của cuốn sách là ở chỗ, sau gần 2 thế kỷ, hầu hết những giá trị tư tưởng mà Fukuzawa Yukichi nêu ra cho người Nhật vẫn còn nguyên giá trị và vượt khỏi phạm vi nước Nhật. Đó chính là lý do vì sao Đặng Lê Nguyên Vũ đã vô cùng trân trọng, xếp đây là một trong 5 cuốn sách quý nền tảng đổi đời đem tặng hàng triệu thanh niên Việt Nam, với tâm nguyện rằng nó sẽ giúp giới trẻ Việt tự rèn luyện để tự cường, từ tư tưởng đến hành động.

Đồng hành với Hành trình Từ Trái Tim, loạt bài viết dưới đây sẽ tiết lộ NHỮNG BÍ MẬT VỀ NỀN DÂN KHÍ NHẬT BẢN mà Fukuzawa Yukichi đã truyền tải trong "Khuyến học". Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu tới quý độc giả loạt bài viết chắt lọc từ cuốn sách được xem là "kho báu" vô cùng quý giá của nước Nhật.

Bí mật thứ năm

TINH THẦN DUNG HÒA

Ở những bài trước, chúng ta đã biết rằng muốn đưa đất nước trở nên hùng cường, mỗi người trước hết cần có sự độc lập về tinh thần, tầm nhìn xa trông rộng, tiếp đến là khát vọng cầu học để cống hiến cho đất nước, mà muốn như vậy phải có phương pháp là đi vào thực học chứ không thể chỉ học để thi, tầm chương trích cú. Nhưng như vậy là chưa đủ.

Qua "Khuyến học", Fukuzawa Yukichi tiếp tục định hướng cho người Nhật đang ở buổi giao thời, choáng ngợp với văn minh phương Tây và mất niềm tin với văn minh phương Đông truyền thống, rằng: phải có tinh thần dung hòa! Dung hòa để học Tây mà không sùng bái Tây, thậm chí đặt mục tiêu vượt qua họ, và dung hòa để loại bỏ tính hủ nho, lạc hậu nhưng không báng bổ những giá trị cao quý của tiền nhân.

Bàn về tính dung hòa, tác giả Đào Trinh Nhất trong cuốn Nhật Bản duy tân 30 năm cho rằng, đây là tinh thần có từ thời lập quốc. Do phải thường xuyên giao thương với Trung Hoa đại lục, tự nhiên người Nhật chịu ảnh hưởng của Trung Quốc. Nho giáo, Đạo giáo, Phật giáo... tất cả đều được đón rước, tiếp thu về xứ mặt trời mọc. Tuy nhiên, người Nhật khéo léo dung hòa, lựa lọc chỗ hay của người cho thành chỗ riêng của họ chứ không nhắm mắt theo càn theo kiểu hễ văn hóa của người ta thế nào thì rước y về mà thờ không dám thay đổi chút nào!

Đây chính là tinh thần giúp người Nhật hội nhập quốc tế, học hỏi tinh hoa nhân loại nhưng không mất đi những giá trị tốt đẹp, tạo dựng được nền dân khí khác biệt và đạt đến đỉnh cao của sự thực học.

Học tập phương Tây nhưng không được quá sùng bái

Trong toàn bộ cuốn Khuyến học, Fukuzawa nhất quán quan điểm phải mở cửa, giao lưu với toàn thế giới, nhất là các nước phương Tây bởi họ tài giỏi, có nhiều cái hay đáng học tập. Trong bài viết trước khi phân tích về thực học, Yukichi cũng cho rằng, các trường học Nhật Bản phải lấy các trường tốt nhất ở thế giới để làm thước đo so sánh. Sự học không thể giới hạn ở một quốc gia mà phải có tầm nhìn xa trên bình diện quốc tế.

Nhưng ông cũng cho rằng, người Nhật không nên mặc cảm, tự ty vì như vậy thì sẽ không có tâm trí nắm bắt tình hình. Học phương Tây nhưng muốn vượt họ, người Nhật phải biết chọn lọc, tiếp thu những gì tinh túy nhất. Bởi văn minh phương Tây, không phải cái gì cũng hay và phù hợp cho con đường của nước Nhật.

Khi cuốn sách Khuyến học ra đời, Nhật Bản vừa trải qua mấy trăm năm bế quan tỏa cảng và chỉ vừa mở cửa vài năm. Trên đà trỗi dậy mạnh mẽ, nước Nhật cũng chịu ảnh hưởng ồ ạt từ phương Tây. Tất cả các công việc, từ cấp Chính phủ cho đến trường học, xí nghiệp... đều phải thuê người nước ngoài về chỉ dạy với mức lương cao và đãi ngộ hấp dẫn. Fukuzawa Yukichi gọi đó là quá trình nhập khẩu văn hóa.

"Đó cũng là điều khó tránh nhưng điều quan trọng mà tôi muốn nói là chúng ta không thể thuê vĩnh viễn người phương Tây làm thay chúng ta. Chúng ta ra sức học tập họ, nhưng không nên qua sùng bái, tôn thờ họ".

"Tập quán, cách suy nghĩ, tình cảm – những thứ đã hình thành và tồn tại cả nghìn năm ở con người trong mỗi xứ sở – đều không thể thay đổi một sớm một chiều. Vì thế, cần phải cân nhắc kỹ lưỡng, phải tiếp thu có chọn lọc khi du nhập những tập quán từ phương Tây".

Câu nói mà Chủ tịch Trung Nguyên đã nói với PGS.TS Trần Hữu Đức khi cho rằng, là người Việt, sống và làm việc ở môi trường trong nước mà chỉ biết nhất nhất áp dụng kiến thức học được ở nước ngoài là không ổn!

Ví như, chính sách "Phú quốc cường binh" của các quốc gia phương Tây rất tuyệt vời, nhưng không thể học và bắt chước luôn cả sự chênh lệch mức sống giữa người giàu và người nghèo trong xã hội phương Tây vào Nhật Bản.

Yukichi cho rằng, một mực tin tưởng hết vào phương Tây là hành động hết sức bộp chộp, thiếu thận trọng. Học hỏi văn minh phương Tây là điều tốt. Nhưng thà suốt đời không tin còn hơn là việc tin tưởng thiếu phê phán.

Khu bảo tảng tưởng niệm Fukuzawa Yukichi tại Nhật Bản.

Tư tưởng cốt yếu nhất của Fukuzawa Yukichi là muốn người Nhật phải có tinh thần đua tranh và vượt mặt phương Tây. Từ suy nghĩ đó, ông cho rằng, dù là văn minh phương Tây hay những tư tưởng Hán học, tất cả đều có điều hay, điều dở nên phải có tinh thần dung hòa (theo ý nghĩa đã giải thích ở trên).

Đừng tin những lời nói bậy của Chu Tử! Không phải mọi điều trong Luận ngữ đều đúng

Fukuzawa Yukichi sinh ra trong một gia đình võ sĩ cấp thấp, cha mất từ khi còn nhỏ, phải trở thành con nuôi trong gia đình chú ruột. Tuổi thơ ông chịu đựng nhiều nỗi bất công do chế độ phân biệt đẳng cấp của xã hội phong kiến gây ra.

Năm 14 tuổi, ông được học Hán học nhưng điều ấy chỉ càng làm ông thêm căm ghét chế độ phong kiến. Dù thừa nhận giá trị tốt đẹp của Nho giáo, Đạo giáo... nhưng Yukichi đã sớm nhận ra có những tư tưởng trong các đạo này có thể do trong quá trình truyền lại bị tam sao thất bản đã không còn đúng, vì thế kìm hãm sự phát triển của con người.

"Khuyến học là cuốn sách tạo cho con người ý chí phải chịu học, chịu đọc, chịu nghe để tổng kết thực tiễn. Con người sinh ra phải không ngừng học hỏi thì mới mong tiến bộ. Người thông minh nhất là người sớm phát hiện ra chỗ yếu kém của mình để sửa chữa nhanh nhất. Việc đó không thể tự dưng mà có, cần phải có quá trình học hỏi và đào luyện qua thực tiễn" - Nguyên Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông Lê Doãn Hợp.

Vì thế, trên con đường gìn giữ độc lập, tự do, trách nhiệm của mỗi công dân là không ngừng học hỏi, không ngừng chắt lọc bởi vì độc lập chính là không bị lệ thuộc vào bất cứ hệ tư tưởng nào của ngoại bang đem lại.

Chẳng hạn, Yukichi nhắc đến "thuyết Tam tòng" đối với phụ nữ. Theo như quan điểm này của Nho học, người phụ nữ khi lấy chồng thì nhất mực phải lệ thuộc vào họ. Dù người chồng đó có đổ đốn, xấu xa cỡ nào, người vợ vẫn phải nhịn nhục và chỉ có quyền duy nhất dù không muốn vẫn phải cố mà tươi cười với chồng. Ngoài ra, người phụ nữ cứ phải coi mọi việc xảy ra như duyên phận đã định và hãy mặc cho cuộc đời trôi đi.

Tư tưởng phong kiến còn áp đặt rằng, người phụ nữ nếu phạm 7 tội: không con, dâm dục, không kính thờ mẹ chồng, nói nhiều, trộm cắp, ghen tuông và có ác tật thì dù có bị chồng ruồng bỏ cũng không được oán trách. Rồi chuyện "trai 5 thê 7 thiếp, gái chính chuyên chỉ có một chồng"... tất cả đều là những chuyện không thể chấp nhận được!

Vì thế, Yukichi thậm chí dành hẳn một tựa đề trong một phần nhỏ của cuốn sách viết rằng: "Đừng tin những lời nói bậy của Chu Tử", để nhấn mạnh việc cần phải chọn lọc, dung hòa các tư tưởng.

Hoặc như chuyện về chữ "Hiếu", ông cho rằng, những tư tưởng như không có con nối dõi là bất hiếu thật nực cười. Ngoài ra, sách "Nhị thập tứ hiếu" của Quách Cư Nghiệp biên soạn cũng đầy rẫy những việc ngớ ngẩn.

Chẳng hạn, chuyện trong đêm hè oi bức, thương cha mẹ nghèo, lúc ngủ không có lấy tấm màn tránh muỗi, người con bèn cởi bỏ quần áo, ở trần truồng rồi lấy rượu đổ khắp lên người để muỗi nghe mùi bâu tới đốt mình, tránh cho cha mẹ bị đốt. "Thật vô lý, nếu có tiền để mua hàng lít rượu sao không lấy tiền đó mua mùng màn", Yukichi lật ngược vấn đề.

Tác giả cuốn Khuyến học - Fukuzawa Yukichi.

Theo Yukichi, ý tứ sâu xa của những câu chuyện như thế chỉ là nhằm nhấn mạnh vào khuôn phép giữa các thế hệ. Theo cách thuyết giáo trong "Luận ngữ", công ơn của cha mẹ rất sâu nặng. Nhưng Yukichi phản biện rằng, nào phải chỉ có loài người mới biết sinh đẻ và nuôi con? Các loài chim chóc, muông thú cũng vậy. Điểm khác biệt cơ bản là ở chỗ con người, ngoài việc lo cái ăn, cái mặc, còn biết giáo dục và dạy dỗ cho con cái biết giao tiếp, biết làm người.

Trong Khuyến học, tác giả Fukuzawa Yukichi nói rất nhiều về vấn đề xây dựng tư tưởng độc lập, không ỷ lại, không phó thác cho số mệnh và khuyên người Nhật thay đổi, tu sửa từng tính rất xấu nhỏ.

Đây là cuốn trong bộ sách nền tảng thứ 2, sau SGK mà thanh niên Việt nào cũng cần có. Các bạn hãy đọc nó để học được văn hóa của người Nhật và hiểu vì sao nước họ có thể thoát khỏi tình cảnh u tối, lạc hậu, vươn mình thành cường quốc khiến thế giới nể phục. Quan trọng nhất, hãy đọc để rèn luyện bản thân mình, hướng tới thực học và tu rèn đạo đức - Á hậu Hoàng My.

"Vậy mà có nhiều kẻ làm cha, làm mẹ, chỉ sòn sòn đẻ mà không biết giáo dục, dạy bảo con cái, tối ngày vùi đầu vào bài bạc, rượu chè, chơi gái… Kết cục là nợ nần chồng chất, gia đình tan nát. Cùng đường họ lại bắt con cái phải cung phụng, phải gánh chịu mọi hậu họa"?

Bên cạnh việc phê phán việc học hết những tư tưởng lạc hậu của Trung Quốc, Yukichi cũng chỉ ra nhiều giá trị tốt đẹp trong Nho giáo đã bị các nhà hủ nho hậu thế xuyên tạc.

Ví như câu nói của Khổng Tử rằng: "Đừng buồn vì người không biết ta mà hãy buồn vì ta không có gì để người biết", có nghĩa là con người phải biết lo lắng vì chẳng có tài, đức gì để người đời biết đến. Vậy mà giới hủ nho lại xuyên tạc thành, ở đời không cần ai phải biết đến, cứ thu mình lại là được. Họ sùng bái những học giả vô cảm, câm như hến. Không chỉ sai với mục đích giáo huấn tốt đẹp của Khổng Tử, quan niệm này còn kìm hãm sự phát triển xã hội.

Những hình ảnh về trường ĐH Keio do Yukichi sáng lập ngày nay.

Bằng những dẫn chứng cụ thể như vậy, Yukichi chỉ ra, việc không biết chọn cái gì để học hỏi đã khiến nền văn minh đất nước rối rắm, quốc gia đầy rẫy những thói hư tật xấu, gây ảnh hưởng đến nền độc lập, tự do. Nếu không sớm nhận ra, nhanh chóng bài trừ những thứ méo mó này thì đất nước không thể tiến lên vì người dân luôn ở trong tình trạng u u minh minh, không biết đâu là đạo lý đúng cần phải gìn giữ.

Làm thế nào để có được tinh thần dung hòa trọn vẹn?

Xuất phát từ tinh thần không tôn sùng vào các học thuyết của cả phương Tây và Trung Quốc cũng như việc phải xem xét lại những điều cổ hủ trong chính văn hóa Nhật, Yukichi đặt ra câu hỏi mang tính thời đại rằng: "Nên tin cái gì, hoài nghi cái gì".

Câu trả lời của ông là nên hoài nghi tất cả mọi thứ bởi vì, nguyên nhân của sự phát triển chính là thái độ hoài nghi. Ở phương Tây, văn minh cũng xuất phát sự hoài nghi. Ví như, Galile tìm ra thuyết Trái đất quay quanh Mặt trời vì nghi ngờ thuyết Mặt trời quay quanh Trái đất. Newton tìm ra quy luật vạn vật hấp dẫn từ việc quan sát trái táo rơi. Watt phát minh ra máy hơi nước do để ý tới hơi khói bốc ra từ phích nước.

Những câu nói bất hủ của Fukuzawa Yukichi trong cuốn Khuyến học.

Và không phải chỉ có khoa học tự nhiên, những tiến bộ của khoa học xã hội cũng vậy. Từ chỗ hoài nghi chế độ chiếm hữu nô lệ mới có đề xuất Luật cấm buôn bán nô lệ và về sau, Thomas Clark đã chấm dứt thảm cảnh này. Hoài nghi về Công giáo Roma, Martin Luther đã thực hiện cải cách tôn giáo. Nước Anh với học thuyết mậu dịch tự do được cả giới thừa nhận nhưng tại Hoa Kỳ, các học giả lại chủ trương bảo hộ mậu dịch, thể hiện lập trường coi trọng việc nuôi dưỡng và bảo vệ các ngành sản xuất trong nước.

Xã hội phương Tây không ngừng phát triển nhờ sự hoài nghi. Trong khi đó, Châu Á vẫn trong vòng mê muội. Người ta vẫn tin không một chút nghi ngờ vào tư tưởng của những thánh nhân từ hàng nghìn năm trước (Khổng Tử, Mạnh Tử), vẫn mê tín dị đoan, tin vào lời của các đồng cốt.

Quan điểm của Yukichi là để đạt tới chân lý, con người phải vượt qua được cuộc phản diện, phải bảo vệ được chính kiến của mình trước mọi ý kiến đối nghịch. Luôn hoài nghi chính là cách để củng cố tinh thần dung hòa, tức là luôn học hỏi cái hay, không ngừng cải biến những giá trị cũ cho phù hợp với thời đại, loại bỏ những thứ lạc hậu, lỗi thời để gìn giữ chí khí độc lập, bản sắc riêng của người Nhật Bản.

Năng lực lựa chọn của người Nhật được sinh ra từ đâu?

Trong thời buổi hỗn tạp giữa nhiều tư tưởng cũ - mới và sự du nhập ồ ạt văn hóa từ các nước khác, làm thế nào để người Nhật chọn được cái hay để học?

Yukichi cho rằng, để lựa chọn đúng, không còn cách nào khác là phải dùng đến sức mạnh của tri thức. Người dân cần đọc nhiều, suy nghĩ khách quan mọi sự vật, tìm kiếm sự thực tại thực địa. Cái mà vừa mới tin hôm qua, thì hôm nay phải hoài nghi suy xét lại coi có còn đúng hay không và tìm cách giải quyết vào hôm sau.

Khuyến học đã được hàng triệu học sinh, sinh viên cả nước đón nhận thông qua chương trình Hành trình Từ Trái Tim.

Trong bài trước bàn về thực học, chúng tôi đã bàn đến mục đích của học vấn. Với giá trị thực học đó, nếu người dân ai cũng sở hữu thì hẳn nhiên, họ sẽ có năng lực lựa chọn và hành động, phát huy được tinh thần dung hòa: Học cái mới mà không quên cái cũ và biết chọn cái hay để học.

Để có thể dung hòa các tri thức, Yukichi chỉ ra 3 con đường phải tiến hành song song:

"Quan sát sự vật, suy luận, đọc sách là cách để tích lũy tri thức.

Bàn bạc, tranh luận là cách để trao đổi tri thức.

Viết, diễn thuyết là cách để mở rộng tri thức".

Hành vi, hoạt động của con người thường hướng theo hai phía: trong và ngoài. Cần phải nỗ lực cả hai. Tức là có những tri thức có thể tự học, nhưng cũng có những tri thức phải thông qua bàn bạc, trao đổi, tương tác với người khác mới rút ra được. "Chỉ khi nào có kiến thức sâu như vực thẳm, tiếp xúc trao đổi với người khác như chim tung cánh rộng mở tự do tự tại trong không trung, mới đúng là học giả thực thụ".

Tinh thần luôn hoài nghi, tranh cãi qua diễn thuyết - phản biện, tái diễn và phản biện đối lập mà Yukichi đề cập trong Khuyến học cũng chính là nét văn hóa đặc trưng được khởi xướng từ Do Thái giáo của Israel. Điều đó một lần nữa minh chứng, cái gì đã thuộc về ánh sáng tri thức thì có khả năng rọi sáng trường tồn, vượt không gian, thời gian và khoảng cách địa lý.

Giữ lấy giá trị lõi

Thứ đầu tiên đáng được coi trọng trong văn hóa truyền thống theo Yukichi chính là tiếng mẹ đẻ. Trong cuốn Nhật Bản duy tân 30 năm, Đào Trinh Nhất cũng phân tích rất kỹ về việc người Nhật đã cố gắng cải biến chữ Hán để tạo ra chữ Nhật của riêng họ.

Tuy nhiên, Yukichi cho rằng, chữ viết là rất quan trọng nhưng trong việc truyền đạt thông tin trực tiếp, không gì hay hơn nói chuyện. Vì thế cần học nói cho trôi chảy, lưu loát, sinh động.

Ví như thầy giáo đứng trên bục giảng, để giải thích về một loại khoáng chất như "thạch anh mà nói rằng: "Các em hãy nhìn vào cái trên lòng bàn tay thầy và đoán xem nó là cái gì? Trông giống hòn bi phải không nào? Trong như thủy tinh phải không nào? Thực ra không phải là thủy tinh mà là một hợp chất được khai thác từ mỏ. Tỉnh Yamaken có rất nhiều. Người ta gọi nó là thạch anh"... thì bài giảng sẽ thú vị hơn rất nhiều.

Chưa hết, vì phong trào sính ngoại, nhiều người mới học được chút ngoại ngữ đã vội cho rằng tiếng Nhật thật bất tiện. Là người Nhật Bản mà họ không thể dùng trơn tru tiếng Nhật, phải vay mượn tiếng Anh trong giao tiếp hàng ngày khiến cho một câu nói lẫn lộn tiếng Anh, tiếng Nhật thì thật là tệ hại. Quan điểm của Yukichi là tiếng mẹ đẻ phải phát triển cùng với sự tiến bộ của văn minh.

Nội dung loạt bài NHỮNG BÍ MẬT VỀ NỀN DÂN KHÍ NHẬT BẢN được rút ra từ sách "Khuyến học" của các tác giả Fukuzawa Yukichi, cùng nhiều tài liệu tham khảo khác. Đây là 1 trong 5 cuốn sách quý nền tảng đổi đời được Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ tự tay tuyển chọn, viết thư ngỏ, với mong mỏi sách sẽ đến tay tất cả các bạn trẻ và nhân dân cả nước, để hun đúc nền dân khí quốc gia, khát vọng cùng xây dựng đất nước hùng cường.


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025