Khuyến học - Bí mật của đất nước khiến người Việt nể phục: Tinh thần công dân từ nhân dân và chính phủ

19/11/2019 09:25
Khuyến học - Bí mật của đất nước khiến người Việt nể phục:  Tinh thần công dân từ nhân dân và chính phủ

Trong nhân dân, có không ít người nhìn qua thì trung thực, chính trực, nhưng mỗi khi quan hệ với chính quyền thì nhân cách lại thay đổi, trở nên dối trá, ngụy biện - Fukuzawa Yukichi.

LTS: Chủ tịch Trung Nguyên Legend - Đặng Lê Nguyên Vũ trong "Thư ngỏ" mở đầu sách "Khuyến học" viết rằng: Nhật Bản có vị trí địa lý không thuận lợi (khan hiếm tài nguyên, nhiều thiên tai, thảm họa), diện tích không lớn, dân số không đông, nhưng nhờ có nền dân khí tốt đã trở nên hùng cường.

Tác giả Đào Trinh Nhất, trong sách "Nhật Bản duy tân 30 năm", ca ngợi: "Thử mở hết lịch sử nhân loại ra mà coi, đông tây kim cổ, có dân tộc nào rong ruổi 30 năm mà theo kịp người ta trên con đường văn minh người ta đã đi cả 3, 4 thế kỷ không? Ai cũng phải nói rằng không... Xưa nay chỉ duy nhất có một mình Nhật Bản làm được vậy mà thôi."

Với người Việt hiện nay, khi nhắc tới tính cách Nhật, ý chí Nhật, công nghệ Nhật... đa số chúng ta đều ghi nhận họ là một dân tộc rất đáng để nể phục, học hỏi nhiều điều.

Vậy "nền dân khí" mà Đặng Lê Nguyên Vũ nói đến đã bắt nguồn từ đâu, gồm có những gì? Cuốn sách "Khuyến học" ra đời cách đây 150 năm của Fukuzawa Yukichi chính là điểm khởi đầu đó. Nó đã thôi thúc cả dân tộc Nhật Bản tự nhận thức lại chính mình mạnh gì, yếu gì, và đặc biệt là cần tôi luyện những phẩm chất gì, để đưa đất nước trở nên hùng cường.

Điều vĩ đại của cuốn sách là ở chỗ, sau gần 2 thế kỷ, hầu hết những giá trị tư tưởng mà Fukuzawa Yukichi nêu ra cho người Nhật vẫn còn nguyên giá trị và vượt khỏi phạm vi nước Nhật. Đó chính là lý do vì sao Đặng Lê Nguyên Vũ đã vô cùng trân trọng, xếp đây là một trong 5 cuốn sách quý nền tảng đổi đời đem tặng hàng triệu thanh niên Việt Nam, với tâm nguyện rằng nó sẽ giúp giới trẻ Việt tự rèn luyện để tự cường, từ tư tưởng đến hành động.

Đồng hành với Hành trình Từ Trái Tim, loạt bài viết dưới đây sẽ tiết lộ NHỮNG BÍ MẬT VỀ NỀN DÂN KHÍ NHẬT BẢN mà Fukuzawa Yukichi đã truyền tải trong "Khuyến học". Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu tới quý độc giả loạt bài viết chắt lọc từ cuốn sách được xem là "kho báu" vô cùng quý giá của nước Nhật.

Hành trình Từ Trái Tim mang theo 5 đầu sách quý (Đắc nhân tâm, Nghĩ giàu làm giàu, Quốc gia khởi nghiệp, Khuyến học, Không bao giờ thất bại tất cả là thử thách) đến trao tặng ở mọi miền đất nước.

Bí mật thứ sáu

TINH THẦN CÔNG DÂN

Ngoài tinh thần độc lập, nhìn xa trông rộng, cống hiến, thực học và dung hòa, một chủ đề khác cũng được bàn xuyên suốt trong "Khuyến học" của nhà tư tưởng vĩ đại của Nhật Bản Fukuzawa Yukichi, đó là cách ứng xử cần có của một người công dân đối với chính quyền do mình góp phần tạo ra.

Tại sao điều này lại cần thiết? Bởi vì, lợi ích đặt trên tất cả luôn phải là lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia. Mọi sự học tập, lao động, cống hiến... của mỗi người tất nhiên là làm lợi cho chính người đó, nhưng cuối cùng và lớn lao hơn tất thảy, là phải làm lợi cho quốc gia. Bất kỳ công dân nào rời xa "đích" này, thì có thể vẫn có thành tựu trong đời sống cá nhân - nhưng chỉ là thành tựu nhỏ. Ngược lại, ai kiên trì "bám đích" đó thì trước sau gì sẽ đạt thành tựu lớn, thậm chí được Tổ quốc đời đời ghi công.

Có câu: "Khi ấn định đích đến, bạn sẽ có đường đi", và trong trường hợp này, tinh thần công dân chính là kim chỉ nam để mỗi người Nhật Bản, theo lời khuyên của Fukuzawa Yukichi, "bám đích" là đưa nước Nhật thoát nghèo hèn, trở nên hùng cường. Rời xa tinh thần đó thì rất dễ bị lợi lộc làm cho mờ mắt mà trở nên tham lam ích kỷ, hễ gặp gian khó là thối chí, sờn lòng.

Vì thế, khi nói đến tinh thần công dân trong "Khuyến học", Fukuzawa Yukichi cũng tích cực phản biện, chỉ ra rất nhiều mặt yếu kém, tồn tại trong xã hội Nhật Bản để người dân nước này soi vào đó mà sửa đổi.

Tinh thần công dân phải cả từ hai phía: nhân dân và chính phủ

Về mối quan hệ hai chiều nhân dân - chính phủ, Fukuzawa Yukichi chỉ ra một tệ trạng của nước Nhật khi đó là chính quyền và người dân có cách đối xử thiếu can đảm với nhau, và đó là một nguyên nhân quan trọng khiến đất nước chậm phát triển.

Nhiều người thì sợ hãi chính quyền như sợ quỷ; số khác, có không ít người nhìn qua thì trung thực, chính trực, nhưng không hiểu sao, mỗi khi quan hệ với chính quyền thì nhân cách lại thay đổi, trở nên dối trá, ngụy biện, trơ tráo, lừa dối cả chính quyền.

Ngược lại, phía chính phủ, trên cương vị cá nhân thì người nào cũng tỏ ra thông thái, nhưng hễ trở thành quan chức thì sự thông thái ấy lại biến đi đâu mất. Khi đứng một mình thì ai nói cũng hay cả, nhưng khi tập hợp nhau trong một tập thể thì cái cảnh trống đánh xuôi kèn thổi ngược thường xuyên xảy ra.

Theo Yukichi, nếu Chính phủ chỉ biết trị dân bằng uy quyền thì dân sẽ đáp lại bằng sự giả vờ chấp hành. Chính phủ lừa dối dân thì dân cũng sẽ tạo ra vỏ bọc hữu hiệu. Còn người dân nếu cứ xa lánh, sợ hãi chính quyền thì xã hội đó không làm sao phát triển.

Mối quan hệ này cần sự tinh thần công dân từ cả hai phía là nhân dân và chính phủ, đặc biệt là từ phía nhân dân.

Ông nói: "Chính quyền cũng là của Nhật Bản, người dân cũng là người dân Nhật Bản", cho nên hai bên phải hợp tác với nhau thì quốc gia mới vững mạnh.

Kháng nghị, tranh luận và không bạo động

Fukuzawa Yukichi nhấn mạnh, nếu người dân có gì bất mãn với chính quyền hiện tại thì phải kháng nghị, tranh luận một cách đường đường chính chính. Những kháng nghị hợp lòng dân, đúng đạo Trời, dù có phải đổi cả tính mạng cũng phải can đảm tranh đấu. Hơn nữa không bao giờ sử dụng vũ khí bạo lực, chỉ dùng đạo lý để kháng cáo với chính phủ.

Nếu người dân hở một chút là dùng sức mạnh đối địch với chính phủ thì chính phủ cũng sẽ đáp lại bằng việc đàn áp, bắt bớ, đất nước sẽ hỗn loạn. Từ việc nhỏ đến việc lớn, trước những lời lẽ đúng với đạo lý của những người chất vấn chính phủ trong hòa bình và sẵn sàng hi sinh thân mình vì đạo lý đó, nếu làn sóng này lan mạnh thì không có lý nào lại không thuyết phục được các quan chức chính phủ!

Hình ảnh Nhật hoàng Naruhito và Hoàng hậu diễu hành ra mắt người dân Nhật Bản. Kể từ khi lập quốc, gia tộc Thiên hoàng tại Nhật chưa từng một lần bị dòng họ khác soán ngôi. Điều đó phần nào thể hiện tinh thần đấu tranh nhưng không bạo động - một tinh thần truyền thống được Fukuzawa Yukichi khơi dậy lại thông qua cuốn Khuyến học.

Ông nhận định, chính phủ dù có tốt đến đâu cũng vẫn còn có khiếm khuyết cần hoàn thiện. Vì thế, dân không thể sợ chính quyền, càng không thể tôn chính quyền lên thành thánh để thờ.

Quốc dân nghe theo chính phủ không có nghĩa là tuân theo pháp luật do chính phủ soạn thảo. Cái mà người dân tuân theo chính là luật pháp do chính họ lập ra. Chúng ta phá luật tức là chúng ta tự xé bỏ những quy định do bản thân chúng ta đặt ra.

Yukichi cho rằng, chính phủ là chính phủ của đất nước mà nhân dân cũng là nhân dân của đất nước. Vì thế, người dân phải tiếp cận chính phủ, thân thiết và không nghi ngờ chính phủ. Có như vậy, khí chất nhu nhược cố hữu mới biến khỏi nhân dân. Người dân mới trở thành quốc dân, thành liều thuốc kích thích chính phủ phát triển hoàn thiện. Khi mà quyền lực của chính phủ và nhân dân cân bằng, đất nước mới duy trì được độc lập.

Tuân thủ luật pháp và đóng thuế

Yukichi ví một đất nước giống như công ty, nhân dân giống như nhân viên, mỗi người vừa đứng trên vị trí cai trị vừa đứng trên vị trí duy trì sự cai trị ấy, vừa là chủ vừa là khách.

Người dân lập ra chính phủ làm đại diện cho mình nên họ phải thực hiện đúng sự thỏa thuận với chính phủ, tuân thủ pháp luật, và thực hiện trách nhiệm đóng thuế.

Yukichi chỉ ra, luật pháp không thể tùy tiện thích thì theo, không thích thì vi phạm. Ngay cả việc đại sự như quyết định chiến tranh, hay ký các hiệp ước ngoại giao cũng đều thuộc thẩm quyền của chính phủ. Quyền hạn đó, vốn dĩ là thỏa thuận với quốc dân và họ đã trao cho chính phủ qua luật pháp. Vì thế, nếu không can hệ tới đại sự thì không nên tranh luận.

Yukichi nhấn mạnh, kể cả trường hợp cách xử lý của chính phủ trái hẳn với tôn chỉ mục đích của người dân đi chăng nữa, quốc dân cũng không nên tranh cãi tùy tiện, không thể xuất phát từ lợi ích nhỏ mà xóa bỏ thỏa thuận, bạo động khiêu khích gây ra chiến tranh với ngoại bang, như thế nền độc lập của nước nhà một ngày cũng không mong giữ nổi.

Điều này cũng giống như ví dụ về công ty thương mại, trong số 100 thành viên có 10 người được chọn vào hội đồng quản trị. Dù có bất mãn hay không hài lòng với cách làm của 10 người đó thì cũng không vì thế mà 90 người còn lại, tự ý làm theo suy nghĩ của riêng mình. Chẳng hạn 10 thành viên hội đồng quản trị muốn nhập rượu bán thì 90 người kia lại muốn nhập gạo về. Bàn bạc đôi co không ai chịu ai, rồi mạnh bên nào bên ấy làm thì thử hỏi việc kinh doanh của công ty sẽ ra làm sao? Chẳng phải là mọi sự chia rẽ đều dẫn tới tổn thất khiến cho tất cả 100 người đều phải gánh chịu đó sao?

Những hình ảnh đẹp về phong cảnh hùng vĩ ở xứ Phù Tang.

Ở góc độ quốc gia, Yukichi cho rằng, quốc dân thỏa thuận với nhau lập ra chính phủ, giao cho chính phủ thi hành luật pháp với tư cách là người thay mặt cho nhân dân thì người dân phải có lòng tin ở họ. Ngược lại, chính quyền được sự ủy thác của nhân dân thì phải dốc hết sức mình trong công vụ của đất nước, không được nghĩ tới cái lợi cho bản thân. Gốc gác của chính quyền là thay mặt cho nhân dân, thực hiện việc công cho cả xã hội, để cai trị toàn bộ đất nước.

Tinh thần công dân còn thể hiện bằng việc người dân phải đóng thuế. Yukichi dẫn ra ví dụ rằng một quan chức chính phủ mắc sai sót trong quá trình thực thi công vụ, làm tổn thất 3 vạn yên. Ngay cả tiền để đền bù tổn thất cho chính phủ, bản thân người đó cũng không có. Và đương nhiên quốc dân phải xuất ra khoản tiền bồi thường thiệt hại.

Nếu đem chia số tiền tổn thất là 3 vạn yên cho 30 triệu người – là tổng dân số Nhật Bản thời Minh Trị (PV) – thì mỗi người phải chịu 10 mon. Một quan chức chính phủ mười lần gây tổn thất như vậy thì số tiền mỗi quốc dân phải gánh chịu là 100 mon. Điều này cũng có nghĩa là một gia đình có năm nhân khẩu thì số tiền phải gánh chịu là 500 mon. Số tiền này đối với nông dân ở vùng quê tương đương với một bữa ăn tối ngon lành cho cả nhà gồm ông bà đến con cháu. Vậy là sự lỗi lầm của một quan chức vô hình chung đã cướp đi niềm vui của những người dân lương thiện phải làm việc cật lực cả ngày ngoài đồng!

Tháng 11.2018, hãng truyền thông quốc gia NHK cho biết chính phủ Nhật có thể chi tới 3 triệu Yên (27.000 USD) cho những người muốn tái định cư và làm việc ở nơi khác ngoài Tokyo. Điều này sẽ tiêu tốn một khoản lớn ngân sách nhưng lại được người dân cả nước khá ủng hộ do thể hiện quyết tâm lớn và cách làm nhân đạo của Chính phủ trong việc sắp đặt lại bản đồ dân số. Đây chỉ là một trong số nhiều chính sách thể hiện sự đồng lòng của người dân và chính phủ Nhật Bản.

Nhưng cũng chẳng còn cách nào khác, vì ngay từ đầu, quốc dân đã thỏa thuận và giao phó công việc chính trị, tài chính của đất nước cho chính phủ rồi, nên cũng không thể mỗi khi xảy ra những chuyện chẳng hay ho của các quan chức là chúng ta lại quá bận tâm luận bàn, bực bội. Điều quan trọng hơn là người dân phải giám sát mọi việc làm của chính phủ, nếu thấy các quan chức hành động sai trái thì phải tố cáo một cách trung thực với chính phủ, chứ đừng im lặng để mọi việc xảy ra rồi mới kêu ca.

Nhân dân là chủ nhân của quốc gia. Các khoản lương bổng của quan chức, chi tiêu việc công tuy cộng gộp lại thì khổng lồ nhưng nếu chia cho từng người thì không phải không thể chi trả. Và vì nhận được sự bảo hộ, làm việc phục vụ từ chính phủ nên người dân phải coi việc đóng thuế là lẽ đương nhiên.

Nội dung loạt bài NHỮNG BÍ MẬT VỀ NỀN DÂN KHÍ NHẬT BẢN được rút ra từ sách "Khuyến học" của các tác giả Fukuzawa Yukichi, cùng nhiều tài liệu tham khảo khác. Đây là 1 trong 5 cuốn sách quý nền tảng đổi đời được Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ tự tay tuyển chọn, viết thư ngỏ, với mong mỏi sách sẽ đến tay tất cả các bạn trẻ và nhân dân cả nước, để hun đúc nền dân khí quốc gia, khát vọng cùng xây dựng đất nước hùng cường.

T.N


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 3, 03/12/2024