Cách đây 80 năm, giới tâm lý học đã thực hiện một cuộc nghiên cứu thuộc hàng dài nhất và phức tạp chưa từng có trong lịch sử loài người. Công trình này tốn tới 50 năm để hoàn thành nhưng chúng đã làm rúng động cả giới học thuật.
Câu chuyện bắt nguồn từ quan điểm mỗi người có 1 tính cách khác nhau, trong đó có tính cách theo bản năng và có yếu tố do tác động của môi trường. Vấn đề là làm thế nào để chúng ta xác định được đâu là nhân cách bản năng và đâu là do môi trường tác động.
Năm 1936, hai nhà khoa học Gordon Allport và Henry Odbert đã thực hiện công trình nghiên cứu này để rồi vào thập niên 1960, họ phân loại tính cách con người thành 5 nhóm lớn. Bằng việc tiếp tục tìm những bằng chứng khẳng định luận điểm, giới tâm lý học thành công xác nhận 5 đặc điểm tính cách lớn của con người, hay còn gọi là "Big Five Personality Traits" vào thập niên 1990.
Ông Gordon Allport
Trong đó, tính cách "dễ chịu" (Agreeableness) được nghiên cứu và xác định rõ ràng nhất. Các nhà khoa học cũng có kết luận rằng những người có tính cách đối lập với đặc tính "dễ chịu" này thường thành công vượt trội so với những nhóm tính cách khác. Nói đơn giản hơn, những kẻ khó ưa, những gã khốn nạn lại thường kiếm được nhiều tiền hơn trong xã hội, nếu không muốn nói là rất nhiều tiền.
Có vẻ khó nghe khi chúng ta nói về những người thành công như vậy nhưng đừng vội phán xét trước khi bạn đọc đến hết bài.
Lý thuyết trò chơi của những gã khốn
Trong Đạo đức kinh của Lão tử có câu: "Thiên địa bất nhân, dĩ vạn vật vi sô cẩu" (Thiên địa vô nhân tính, coi vạn vật như chó rơm).
Rõ ràng, thế giới mà chúng ta đang sống chẳng hoàn hảo. Chúng đầy rẫy những tính toán, khắc nghiệt mà mỗi con người phải đương đầu trong quá trình mưu sinh. Bởi vậy để tồn tại, chẳng thể nào có cái gọi là thánh nhân hay người tốt hoàn toàn.
Như một hệ quả tất yếu, trở nên dễ thương, dễ chịu không có nghĩa bạn hoàn toàn là người tốt và trở nên khắc nghiệt, khốn nạn không có nghĩa bạn là kẻ xấu.
Nước trong quá thì không có cá. Một xã hội cần những kẻ khốn vừa phải, không thật sự tốt cũng chẳng xấu để cân bằng. Trên thực tế, để tồn tại trong xã hội mọi người cần trang bị những kỹ năng "khốn nạn" để có thể đương đầu với những thử thách khắc nghiệt để tồn tại.
Kỹ năng "khốn nạn" ở đây không bảo bạn phải vi phạm pháp luật hay đạo đức mà khiến bạn trở nên bớt dễ mến, chấp nhận bị người khác ghét ở một số phương diện, thậm chí có khả năng làm tổn thương đến những người xung quanh.
Đôi khi, việc làm tổn thương người khác hoặc chỉ đơn giản là chấp nhận khiến mình trở nên khó ưa là điều cần thiết để mưu sinh cũng như thành công trong sự nghiệp. Bạn không tin ư? Vậy hãy cùng đến với một ví dụ sử dụng lý thuyết trò chơi của nhà khoa học John Nash nhé.
Giả sử bạn có một thương vụ cực lớn sẽ đem lại cho bạn rất nhiều tiền. Sếp của bạn yêu cầu bạn phải đạt được thương vụ này bằng bất kỳ giá nào. Thật không may đối tác của bạn là người lọc lõi, khó ưa và chấp nhận trở thành gã khốn để thành công trong khi bạn là người dễ mến, ai cũng thích.
Vậy bạn nghĩ kết quả sẽ thế nào? Thông thường, những kẻ khốn sẽ giành được phần lợi hơn trong hợp đồng bởi họ sẵn sàng tổn thương người khác để đạt mục đích. Hãy kiếm tra hàng triệu ví dụ khác trong nhiều thập niên và bạn sẽ thấy những người thành công luôn khó chịu, khó ưa hay thậm chí là khốn nạn ở một số khía cạnh nào đó.
Tổng thống Mỹ Donald Trump có nhiều antifan, nhưng ông không phải là một nhà lãnh đạo tồi, thậm chí còn là một doanh nhân thành đạt
Lật ngược lại vấn đề, nếu đối tác của bạn cũng là người dễ mến và không muốn làm mất lòng mọi người, cả hai sẽ đi đến một thỏa thuận tạm ổn nhưng chẳng thực sự có lợi nhất cho một trong 2 bên. Nhiều khoản lợi ích sẽ bị mất và chẳng có ai sẽ được đánh giá cao hay thăng tiến trong thương vụ này. Bạn nghĩ rằng sếp sẽ đánh giá cao một nhân viên hoàn thành thương vụ một cách bình thường như bao người khác hay một người đem lại lợi ích lớn nhất về cho công ty?
Bây giờ, giả định bạn cũng là kẻ khốn nạn và đối tác của bạn cũng chẳng vừa. Cả hai đều sẽ làm mọi thứ để có lợi cho công ty mình. Mọi người đều không vui vẻ và cảm thấy bị thua thiệt nhưng trên thực tế hợp đồng lại khá ổn bởi cả 2 đều cố gắng mức cao nhất để đem lợi ích về cho công ty.
Vậy đó, những kẻ khốn mới là người thống trị thế giới. Thậm chí đôi khi việc chứng minh cho nhân viên hay cấp trên của mình rằng bản thân là gã khốn lại hay bởi "Anh/Cô ấy là đồ khốn, nhưng ít nhất là kẻ khốn tài giỏi của công ty chúng ta".
Rõ ràng, những cơ hội thành công thường sẽ đem lại cạnh tranh, qua đó thu hút sự liên quan cảm xúc của rất nhiều người. Cơ hội, lợi ích càng cao thì số lượng cảm xúc liên quan càng lớn và chúng ta chẳng thể làm hài lòng tất cả. Bởi vậy thay vì cố chiều lòng tất cả mọi người để làm hỏng việc, hãy đặt ưu tiên và chấp nhận là kẻ khốn trong mắt một số người.
Đúng vậy, khốn nạn là một phần của xã hội và bạn phải làm quen với điều đó, nhưng không phải cứ xung đột, làm mếch lòng ai đó là được. Để có thể cách thành công, bạn cần phải học hỏi và "khốn nạn" đúng cách.
Kẻ khốn | Người dễ mến | |
---|---|---|
Kẻ khốn | Hợp đồng tốt nhưng chả ai ưa nhau | Kẻ khốn được lợi |
Người dễ mến | Kẻ khốn được lợi | Hợp đồng bình thường, mọi người đều vui vẻ |
Kẻ khốn có lương tri
Đúng vậy, bạn không nghe nhầm. Xã hội có những người gọi là "kẻ khốn có lương tri". Họ là báu vật quốc gia bởi chính những người này sẽ bảo vệ chúng ta khỏi những "kẻ khốn vô nhân tính".
Nghe có vẻ khôi hài nhưng một người có lương tri làm sao trở thành kẻ khốn?
Với một số người, họ sinh ra đã là "kẻ khốn", hay nói đúng hơn họ cho rằng "con người sinh ra đã là xấu" (Nhân tri sơ, tính bản ác- Tuân Tử). Bởi vậy họ không quan tâm người khác có thích mình hay không. Cuộc đời họ nhắm đến thành công, cố gắng mưu sinh và quan tâm đến những người họ cho là quan trọng. Họ sống trong khuôn khổ luật pháp, đạo đức mà họ thấy là đúng và chấp nhận làm tổn thương tinh thần trong giới hạn đến những người khác nếu cần.
Những kẻ khốn này trên thực tế lại là người giữ cân bằng cho xã hội bởi họ dù không được nhiều người thích nhưng lại muốn giữ trật tự cuộc sống. Bất kỳ hành vi phá hoại luật pháp, đạo đức hay làm đảo lộn xã hội nào cũng sẽ bị những kẻ khốn lương tri này phản ứng lại bởi chúng sẽ làm ảnh hưởng tiêu cực đến họ.
Hãy tưởng tượng bạn có người sếp khó ưa, luôn ép deadline và nghiêm khắc trong công việc. Tuy nhiên lật lại vấn đề, họ là thiên địch với nạn lười biếng, với những hành vi phá hoại công ty. Những lần ép deadline hay nghiêm khắc trong công việc là để đem lại lợi ích chung cho mọi người, thúc đẩy sự nghiệp đi lên.
Vậy nếu bạn vốn là người dễ ưa, làm thế nào để trở thành một "kẻ khốn có lương tri"?
1. Xác nhận những mục tiêu nào quan trọng hơn đến cảm xúc của người xung quanh
Hãy thôi suy nghĩ bằng con tim, thôi dùng tình cảm đi suy xét sự việc. Hãy dùng cái đầu và lý trí để nghĩ, để xác định lý do to lớn đằng sau việc làm tổn thương tinh thần người khác. Liệu bạn có làm tổn thương giới hạn người khác để cứu gia đình đang chết đói của mình không? Liệu bạn có thể nghiêm khắc, khó ưa hay thậm chí là cư xử khốn nạn không nếu có kẻ lấy mất cần câu cơm của bạn?
Chìa khóa ở đây là bạn tìm được lý do để tổn thương người khác, để chấp nhận trở thành kẻ khốn.
Sự khác biệt giữa kẻ khốn có lương tri với kẻ khốn vô nhân tính là mức độ quan tâm đến lợi ích bản thân. Những kẻ khốn vô nhân tính chẳng quan tâm đến thứ gì khác ngoài bản thân bất chấp luật pháp, đạo đức trong khi những kẻ khốn lương tri tìm thấy lý do tốt đẹp khi làm tổn thương người khác. Đó có thể là một gia đình hạnh phúc hơn, tiền thuốc men cho người thân, tiền mua sữa cho con hay đơn giản là muốn nâng cao trình độ nhân viên.
2. Không phải người khác nghĩ gì mà là bạn cảm thấy như thế nào
Phần lớn người dễ mến khó thành kẻ khốn vì họ nghĩ rằng nếu làm thế, mọi người sẽ tổn thương. Trên thực tế, những người dễ mến khó làm tổn thương người khác bởi họ không chịu đựng được cảm giác tội lỗi, cắn rứt chứ chả liên quan gì đến mọi người.
Bởi vậy khi làm tổn thương người khác với lý do chính đáng, hãy nghĩ về những thành quả, những điều tốt đẹp mà chúng có thể mang lại. Khi gây sức ép lên đối tác hay nhân viên, đồng nghiệp, bạn hãy nghĩ đến thành quả công việc và những lợi ích chúng đem lại.
3. Khốn nạn suốt thành quen
Mới đầu chả ai cảm thấy thoải mái khi khiến người khác tổn thương. Bạn sẽ có cảm giác cắn rứt, tội lỗi một thời gian. Bởi vậy tốt nhất là chẳng nên nghĩ nhiều khi xác định làm một "kẻ khốn lương tri". Thời gian sẽ khiến bạn quen dần.
Tốt nhất bạn nên lập quy tắc nếu thấy cần thiết và quan trọng, cứ làm tổn thương tinh thần người khác và đừng nghĩ nhiều bởi trong dài hạn, những kết quả tích cực sẽ tới và bạn sẽ quen dần với điều đó. Thậm chí, theo nhà văn, blogger Mark Manson thì việc tự nhủ mình là kẻ khốn lương tri sẽ đem lại cảm hứng tích cực hơn trong việc làm tổn thương người khác với mục đích cao cả bởi "Bạn là một kẻ khốn, nhưng là kẻ khốn tài năng có ích cho những nạn nhân đó".
Nhà sáng lập quá cố Steven Jobs của Apple khá "khó ưa" trong công việc, nhưng ông lại là một doanh nhân thành công