Theo Dailymail, bức ảnh này vô tình được chụp bởi William Wood, thuyền trưởng tàu SS Etonian khi di chuyển qua khu vực Đại Tây Dương 2 ngày trước khi thảm kịch xảy ra với tàu Titanic khiến hơn 1.522 người thiệt mạng.
Ấn tượng với tảng băng khổng lồ và thích chụp ảnh, thuyền trưởng William đã lưu lại hình ảnh này.
Trong suốt 1 thế kỷ qua,có rất nhiều bức ảnh về các tảng băng trôi trong khu vực xảy ra thảm họa Titanic được chụp trước hoặc sau vụ tai nạn thế nhưng, bức ảnh về tảng băng khổng lồ của thuyền trưởng William rất khớp với các bản phác thảo và mô tả của nhân chứng về tảng băng mà tàu Titanic đâm trúng.
Thuyền trưởng William Wood còn cẩn thận ghi lại tọa độ địa lý (41°50N 49°50W) và thời gian chụp là 16h, ngày 12.4.1912, tức là hai ngày trước khi xảy ra vụ va chạm thảm khốc trên biển.
Với sự trùng khớp này, nhiều người cho rằng tảng băng này chính là thủ phạm chính gây vụ chìm tàu thảm khốc trong lịch sử.
Ngoài ra, khi đến New York, Mỹ, vị thuyền trưởng còn rửa ảnh và gửi cho cụ cố của mình với nội dung “Cháu gửi cho ông bức ảnh chụp ở biển. Tàu SS Etonian đã chạy qua tảng băng khổng lồ trước khi nó va chạm với tàu Titanic hai ngày sau đó. Thời điểm tàu của cháu chạy qua là ban ngày, vì thế mọi thứ nhìn rất rõ và cháu đã chụp bức ảnh này”.
Hiện bức ảnh và lá thư của vị thuyền trưởng quá cố này đang được nhà đấu giá Henry Aldridge & Son of Devizes đưa ra bán đấu giá vào ngày 20.6 tới. Bức ảnh hiếm này được dự đoán có giá 12.000 bảng (gần 350 triệu đồng).
Vào ngày 14.4.1912, chỉ 4 ngày sau chuyến khởi hành đầu tiên, xuất phát từ cảng Southampton Anh để tới New York, con Tàu Titanic huyền thoại đã chìm sau 3 giờ va chạm với tảng băng khổng lồ giữa Đại Tây Dương. Vụ va chạm đã cướp đi sinh mạng của 1.514 người trong số 2.224 hành khách và đội ngũ thủy thủ phục vụ.
Đã hơn 100 năm qua nhưng thảm kịch này vẫn là chủ đề được nhắc đến nhiều của báo giới và dư luận, là ví dụ điển hình cho sự thất bại công nghệ do sự chủ quan của con người. Con tàu Titanic khi băng qua Đại Tây Dương đã đến khu vực dày đặc tảng băng trôi do thời tiết ở khu vực biển bắc phù hợp để băng tập trung ở khu vực dòng hải lưu lạnh Labrador tiếp giáp với dòng hải lưu ấm Gulf Stream. Ngoài ra, sóng biển cũng là nguyên nhân đẩy những tảng băng về phía này. Tảng băng trôi mà tàu Titanic va chạm được cho là cao từ 4,5 đến 9 m so với mặt nước, dài từ 60 đến 120m. Thêm nữa, thuyền trưởng Smith trên tàu đã đi với tốc độ nhanh và không nhận được những cảnh báo đầy đủ, chính xác về những cảnh báo băng trôi.
Ngoài ra, theo NBC News hồi năm ngoái phân tích, trong thiết kế kỹ thuật trên tàu có nhiều thiếu sót như ống nhòm quan sát trên tàu đã bị khóa trong đêm xảy ra tai nạn; người cầm bánh lái đã điều hướng tàu về bên phải do nhận truyền tin sai lệch; thiết kế tàu không tối ưu: chân vịt không thể xoay dễ dàng khiến khả năng quay đầu của con tàu không linh hoạt, khó quay ngược và đinh tán lỏng lẻo…
Nhật Hạ