Khi còn nhỏ, tôi rất lười đọc sách. Nhưng bây giờ, mỗi lần đến tiệm cà phê cùng bạn bè tôi đều nhâm nhi cà phê và đọc sách.
Đó là một sự thay đổi tuyệt vời. Tôi đang đọc sách nhiều hơn bao giờ hết. Nhưng điều quan trọng không phải bạn đọc hết bao nhiêu quyển sách mà là bạn học được những gì sau khi đọc chúng.
Hầu hết những người tôi biết đều không đọc sách theo chiến lược cụ thể. Họ chỉ chọn bừa một cuốn sách và đọc nó. Tôi cũng từng như vậy, nhưng bây giờ tôi đã thay đổi cách đọc.
Bạn có thể đọc một cuốn tiểu thuyết để giải trí. Vậy tại sao bạn đọc một cuốn sách về người thật việc thật? Phải chăng bạn muốn đọc một thứ có thể giúp bạn áp dụng vào cuộc sống.
Tôi thường nhận được câu hỏi rằng: "Làm sao để bạn nhớ những thông tin đã đọc trong một cuốn sách?" Trong bài viết này, tôi sẽ chia sẻ với các bạn cách đọc sách của tôi.
1. Đọc có mục đích
Trước khi tôi đọc một cuốn sách, tôi nghĩ về việc mình muốn gì trước. Tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng nội dung của cuốn sách nên phù hợp với những điều đang diễn ra trong cuộc sống của mình. Tôi sẽ đưa cho bạn một ví dụ.
Khi tôi gặp một trong những người thầy của mình vào năm 2011, ông ấy giới thiệu tôi đọc cuốn sách có tựa "Flow" (tạm dịch: Dòng chảy) của tác giả Mihaly Csikszentmihalyi. Tôi đã nghe lời khuyên của ông và mua cuốn sách. Tôi bắt đầu đọc nhưng không thể hiểu nổi nội dung của cuốn sách vào thời điểm đó.
Điều này có nghĩa là "Flow" là một cuốn sách tệ ư? Thực tế là không. Gần đây, tôi đã đọc lại và hoàn toàn yêu thích cuốn sách này. Đây là cuốn sách nói về thói quen làm việc hay nhất mà tôi từng đọc.
Nhưng vào những năm 2011 tôi không hề nhận ra lợi ích mà nó mang lại. Tôi vừa tốt nghiệp và đang bắt đầu kinh doanh. Tôi bận rộn và chỉ nghĩ đến việc phát triển mô hình kinh doanh. Đó là lý do tại sao bạn cần có mục tiêu để đọc một cuốn sách.
Điều gì đang xảy ra trong cuộc sống của bạn? Bạn đang xây dựng một mô hình kinh doanh? Bạn đang trong khoảng thời gian khó khăn sau ly hôn? Hay bạn đang tìm kiếm một công việc mới và cố gắng thực hiện bước đi tiếp theo trong sự nghiệp của mình? Bạn có muốn hoàn thành nhiều việc hơn không?
Chỉ có đọc sách mới giúp bạn bạn biết cách để vượt qua những thử thách trong hiện tại.
2. Coi bản thân như một người giáo viên
Kiến thức chỉ tốt khi bạn biết cách áp dụng chúng, đúng không? Nhưng một điều quan trọng mà ít ai chú ý: Chia sẻ kiến thức cũng là cách ứng dụng kiến thức tuyệt vời. Bạn có thể không phải là giáo viên nhưng nếu bạn hành động như một giáo viên, bạn đang áp dụng kiến thức. Điều này sẽ thay đổi tư duy của bạn.
Đừng chỉ "đọc" một cuốn sách. Hãy "ngấu nghiến" và thảo luận về nó với những người khác. Hãy tự nói với bản thân: "Tôi phải tập trung đọc cuốn sách này bởi vì tôi phải chia sẻ những điều mình đọc được với người khác, tốt hơn hết tôi nên hiểu rõ nó."
3. Làm nổi bật và tạo liên kết bền vững
Bạn càng tạo nhiều liên kết giữa các thông tin trong não bộ thì bạn càng ghi nhớ tốt hơn. Tôi ghi chú rất nhiều khi đọc sách.
Nếu bạn nghĩ sách được tôn sùng và không nên đánh dấu hay viết lên đó, bạn sẽ không nhớ được nhiều sau khi đọc. Ghi chú, gấp trang, đánh dấu đoạn văn là cách đơn giản mà nhiều người sử dụng.
Đó là lý do tại sao tôi luôn mang bút dạ và bút bi theo người. Nếu bạn đọc sách điện tử, bạn chỉ cần đánh dấu những đoạn thú vị bằng ngón tay của mình.
Dưới đây là một vài mẹo khác sẽ giúp bạn tạo liên kết các thông tin dễ dàng hơn:
● Tôi có một thư mục "ghi chú sách" riêng trong ứng dụng ghi chú trên điện thoại.
● Khi tôi đánh dấu điều gì đó quan trọng, tôi thường chụp ảnh trang đó lại tải lên ứng dụng ghi chú.
● Sau đó tôi liền viết lý do tại sao điều đó quan trọng và tôi sẽ sử dụng nó như thế nào.
Tôi làm theo quy trình này vì tôi thường đánh dấu nhiều thứ nhưng mỗi lần xem lại, tôi tự hỏi: "Tại sao mình đánh dấu câu này nhỉ?"
Vì vậy, hãy luôn viết ra lý do tại sao bạn làm nổi bật điều gì đó. Bạn không cần ghi chú cho tất cả các mục được đánh dấu. Chỉ cần làm vậy với những phần bạn muốn sử dụng ngay.
Tôi cần viết lại những lời khuyên trong kinh doanh mà tôi có thể sử dụng. Khi tôi có ý tưởng cho 1 bài viết, tôi nghĩ ra tiêu đề và đính kèm hình ảnh với đoạn văn mình đã đánh dấu.
4. Hình dung và tưởng tượng
Một cách tuyệt vời khác để tạo liên kết trong não bộ là hình dung ra những điều bạn đang học. Chúng ta học bằng hình ảnh và não bộ chúng ta cũng sẽ ghi nhớ hình ảnh.
Đó là cách tôi đọc sách, tôi tưởng tượng ra cuộc đối thoại qua những gì vừa đọc. Tôi tưởng tượng mình đang ngồi với bạn bè và đang bàn về một chủ đề nào đó. Và khi tôi đọc được những lời khuyên hữu ích tôi hình dung đang thực sự làm điều đó.
Tôi nhớ rất rõ lần đầu tiên tôi đọc cuốn "Đắc nhân tâm" của tác giả Dale Carnegie. Một trong những lời khuyên Carnegie đưa ra là hãy thực sự quan tâm đến mọi người. Sau một thời gian dài, tôi vẫn nhớ sâu sắc những điều mình đọc được trong cuốn sách . Những lời khuyên chân thành và hữu ích của Carnegie.
Tôi hình dung bản thân mình có một cuộc đối thoại với một người lạ và thực sự chú ý những điều họ nói. Khi bạn hình dung một điều gì đó, nó dường như xảy ra thật sự. Sự hình dung là công cụ mà nhiều người thành công khác cũng áp dụng tự cải thiện bản thân.
Cầu thủ bóng rổ Paul Pierce mới nghỉ hưu gần đây cũng từng chia sẻ về cách anh ấy sử dụng trí tưởng tượng trước mỗi trận đấu: "Tôi tưởng tượng bản thân, tôi thực hiện những cú đánh trong trò chơi, cách tôi chơi phòng ngự, cách chúng tôi ngăn chặn thành viên của đội bạn…"
5. Áp dụng kiến thức mới ngay lập tức
Từ cuộc sống của bạn, hãy tự hỏi bản thân: Làm thế nào để tôi có thể phát triển? Có thể là về cá nhân, tài chính hay tinh thần?
Không phải tự nhiên mà bạn có thể phát triển, bạn cần nỗ lực và chăm chỉ. Học thêm nhiều kỹ năng mới, kiếm được nhiều tiền hơn và bạn sẽ có những mối quan hệ tốt. Nhưng bạn có thể khiến sự phát triển trở nên dễ dàng hơn rất nhiều nếu bạn áp dụng những điều đã học được trong sách.
Hãy nhớ rằng: Kiến thức không được áp dụng thì cũng vô ích. Không có gì đáng buồn hơn một người hay đọc sách lại tự giam mình trong bốn bức tường trong phòng của mình. Bạn phải ra ngoài và áp dụng những điều bạn học được.
Một khi bạn làm được điều đó, bạn sẽ phát triển. Không có nghi ngờ gì về điều này. Vì vậy, hãy luôn tự hỏi bản thân điều này sau khi bạn đọc xong một cuốn sách: "Điều gì tôi sẽ áp dụng sau khi đọc cuốn sách này?"
Bạn thấy đấy, đó là về những gì bạn làm với kiến thức của mình, không phải về số lượng bạn có. Đừng đọc thêm. Đọc thông minh hơn.
Theo MD