Flow - Dòng Chảy: Chuyến du hành qua các lãnh địa của tâm trí

25/01/2022 08:30
Flow - Dòng Chảy: Chuyến du hành qua các lãnh địa của tâm trí

Phải chăng vì định mệnh của nhân loại là phải luôn cảm thấy không toại nguyện, và con người phải luôn thèm muốn nhiều hơn những gì họ có thể có được?

Phải chăng nỗi muộn phiền tràn ngập thường xuất hiện ngay cả trong những khoảnh khắc quý giá nhất trong đời chúng ta là kết quả của việc tìm kiếm hạnh phúc sai chỗ? Ý định của quyển sách này, là dùng một số công cụ của tâm lý học hiện đại, để khám phá câu hỏi cổ xưa này: Khi nào thì mọi người cảm thấy hạnh phúc nhất? Nếu chúng ta có thể bắt đầu tìm thấy đáp án cho câu hỏi ấy, có lẽ chúng ta rốt cuộc cũng có thể thu xếp một cuộc sống mà hạnh phúc đóng vai trò chủ đạo trong đó. 

[...] 

Tuy nhiên, chúng ta không thể đạt được hạnh phúc bằng cách truy tầm nó một cách có chủ đích. “Tự hỏi chính mình có cảm thấy hạnh phúc không”, John Stuart Mill nói, “và bạn sẽ không còn hạnh phúc nữa”. Đó là bởi chúng ta cảm thấy hạnh phúc bằng cách hòa mình trọn vẹn, hết mình vào mọi khoảnh khắc của đời sống hàng ngày, dẫu chúng tuyệt vời hay tồi tệ, chứ không phải bằng cách cố gắng trực tiếp truy lùng hạnh phúc. Viktor Frankl, nhà tâm lý học người Áo, đã tóm tắt điều đó rất hay trong phần mở đầu của quyển sách Man’s Search for Meaning (Đi tìm lẽ sống) của ông, “Đừng nhầm đến thành công - bạn càng nhắm đến nó và biến nó thành một mục tiêu, bạn càng bỏ lỡ nó. Bởi vì thành công, cũng như hạnh phúc, không thể tìm kiếm mà có, nó phải được sản sinh ra như một tác dụng phụ không được dự tính trước từ sự phụng hiến cá nhân của một người cho một hành trình cao cả hơn chính bản thân người đó”.

Vậy làm thế nào chúng ta có thể đạt đến mục tiêu khó nắm bắt này trong khi chẳng thể đi đến nó bằng một lộ trình trực tiếp nào? Các nghiên cứu của tôi trong một phần tư thế kỷ qua, đã thuyết phục tôi rằng có tồn tại một con đường khác. Đó là một đường vòng, quanh co, bắt đầu từ việc kiểm soát được các chất liệu chứa đựng bên trong ý thức của chúng ta. 

Nhận thức của chúng ta về cuộc sống của mình là kết quả của nhiều lực tác động vốn định hình nên các trải nghiệm, mỗi lực tác động đều ảnh hưởng đến việc chúng ta cảm thấy tốt lành hay tồi tệ về cuộc sống. Hầu hết các lực tác động này nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Không có nhiều điều ta có thể làm để tác động lên ngoại hình, tính khí, hay thể chất của mình. Chúng ta không thể quyết định được - ít nhất cho tới hiện nay - rằng mình sẽ cao đến mức nào hay thông minh ra sao. Chúng ta không thể lựa chọn bố mẹ cũng như thời điểm chào đời và cả bạn lẫn tôi đều không có quyền hạn để quyết định có xảy ra một cuộc chiến tranh giữa các quốc gia hay một cơn trầm cảm liệu có ấp tới với mình hay không. Các thông tin được chứa trong gen di truyền của chúng ta, lực hút của trọng lực, lượng phấn hoa bay trong không khí, giai đoạn lịch sử mà ta được sinh ra - những điều đó và vô số những điều kiện khác - quyết định điều chúng ta nhìn nhận, cách ta cảm nhận và hành động ta làm. Chẳng có gì ngạc nhiên khi chúng ta thường được khuyên là nên tin rằng số phận của ta chủ yếu được định đoạt bởi các yếu tố bên ngoài. 

Tuy vậy, chúng ta đều từng trải qua những thời khắc mà thay vì bị vùi dập tơi tả bởi những lực tác động ẩn danh, chúng ta lại cảm thấy tự kiểm soát được các hành động của mình, làm chủ được số phận của chính mình. Trong những lần hiếm hoi mà chuyện đó diễn ra, chúng ta cảm nhận một trạng thái hưng phấn, một cảm giác sâu sắc của sự thích thú được ấp ủ từ lâu và trải nghiệm đó trở thành một bước ngoặt trong ký ức, thay đổi nhận thức của chúng ta về việc cuộc sống nên như thế nào. 

[...]

Giải phẫu học về ý thức

Qua nhiều thế kỷ tăm tối bất tận của sự tiến hóa, hệ thần kinh con người đã trở nên phức tạp đến mức giờ đây nó có thể tác động đến trạng thái của chính nó, khiến cho nó, ở một phạm vi chức năng nhất định, không còn phụ thuộc vào bản đồ di truyền và của môi trường khách quan nữa. Mỗi người có thể khiến bản thân trở nên vui vẻ hay khổ sở, bằng cách thay đổi nội dung của ý thức, bất chấp những gì thật sự đang xảy ra ở “bên ngoài”. Chúng ta đều biết có những cá nhân có thể biến những tình huống vô vọng thành những thử thách có thể vượt qua, chỉ bằng sức mạnh có trong cá tính của họ. Khả năng kiên trì bất chấp những trở ngại và thất bại này chính là phẩm chất mà mọi người ngưỡng mộ nhất ở một cá nhân và chỉ cần có vậy; đó có lẽ là đức tính quan trọng nhất, không chỉ để thành công trong cuộc sống, mà còn để thưởng thức cuộc sống một cách trọn vẹn. 

[...]

Sự rối loạn trong ý thức: Entropy tâm thần

[...] Một ví dụ về entropy tâm thần mang tính thường xuyên hơn là trường hợp của Jim Harris, một học sinh lớp mười một tài năng xuất sắc, một trong những người tham gia cuộc khảo sát của chúng tôi. Một buổi trưa thứ Tư ở nhà một mình, cậu dừng bước trước gương trong căn phòng tắm từng dùng chung với cha mẹ. Trên chiếc hộp dưới chân cậu, băng nhạc của nhóm Grateful Dead đang được bật và nó gần như đã phát không ngừng nghỉ trong suốt tuần qua. Jim đang thử một trong những bộ trang phục yêu thích của cha mình, một chiếc áo sơ mi da cừu màu xanh lá cây sẫm mà cha cậu vẫn mặc bất cứ dịp nào cả hai cùng đi cắm trại.

Đưa bàn tay lên mặt vải ấm áp, Jim nhớ lại cảm giác ấm cúng khi xích lại gần cha trong cái lều đầy khói, khi mà những chú chim lặn gavia cất tiếng kêu vang qua mặt hồ. Tay phải Jim đang cầm một cây kéo may cỡ lớn. Tay áo quá dài đối với cậu và cậu tự hỏi liệu mình có dám cắt ngắn chúng không. Hẳn là cha cậu sẽ giận dữ lắm… mà liệu ông có để ý không nhỉ? Vài giờ sau, Jim nằm trên giường của mình. Trên cái bàn đầu giường là một lọ aspirin giờ đã trống không, mặc dù không lâu trước đó vẫn còn tận bảy viên trong đấy.

Cha mẹ của Jim đã ly thân một năm trước và giờ thì họ đang ly hôn. Trong suốt những ngày phải đến trường trong tuần, Jim sống với mẹ. Vào những chiều thứ Sáu, cậu gói ghém đồ đạc để đến sống trong một căn hộ mới của cha ở ngoại ô. Một trong những vấn đề của sự dàn xếp này chính là cậu không bao giờ có thể được ở cùng bạn bè: những ngày trong tuần họ đều bận rộn và vào cuối tuần thì Jim lại bị kẹt ở vùng ngoại ô mà cậu chẳng quen ai. Cậu giết thời gian rảnh rỗi của mình trên điện thoại, cố gắng liên lạc với bạn bè. Hoặc cậu nghe những cuốn băng mà cậu cảm thấy nó cộng hưởng được nỗi cô đơn đang gặm nhấm bên trong mình.

Nhưng điều tồi tệ nhất mà Jim cảm thấy chính là cha mẹ cậu đang đấu đá nhau kịch liệt để có được tình cảm của cậu. Họ liên lục đưa ra những lời lẽ ác ý về nhau, cố gắng khiến Jim cảm thấy có lỗi khi cậu thể hiện bất kỳ tình yêu hay sự quan tâm với một trong hai người trước mặt người còn lại. “Cứu tôi!” là dòng chữ mà cậu viết nguệch ngoạc trong nhật ký vài ngày trước khi cố tự tử. “Tôi không muốn ghét mẹ mình, tôi không muốn ghét cha mình. Tôi ước gì họ đừng làm thế với tôi nữa”. 

[...]

Thuần hóa sự cô đơn

Mọi quy tắc đều có ngoại lệ của nó và mặc dù hầu hết mọi người đều sợ sự cô độc, vẫn có một số cá nhân lựa chọn sống một mình. “Bất cứ ai thích thú với sự cô độc", câu nói cổ xưa mà Francis Bacon đã lặp lại, “thì đó hoặc là một con thú hoang hoặc là một vị thần!”. Người ta không nhất thiết phải là một vị thần, nhưng đúng là để tận hưởng được việc ở một mình, một cá nhân phải xây dựng thói quen tinh thần của riêng mình, để anh ta có thể đạt được trải nghiệm dòng chảy mà không cần sự hỗ trợ của đời sống văn minh - không cần người khác, không cần việc làm, tivi, nhà hát, nhà hàng hoặc thư viện – để giúp anh điều hướng được sự chú ý.

Một ví dụ thú vị về kiểu người này là một người phụ nữ tên Dorothy, sống trên một hòn đảo nhỏ ở khu vực vắng vẻ thuộc vùng rừng hồ ở phía bắc bang Minnesota, dọc biên giới Canada. Xuất thân là một y tá ở một thành phố lớn, Dorothy chuyển đến nơi hoang dã này sau khi chồng bà qua đời và những đứa con của họ đã trưởng thành. Trong ba tháng hè, những ngư dân chèo thuyền ngang qua hồ của bà sẽ dừng lại ở đảo để chuyện trò đôi chút, nhưng trong mùa đông dài, bà hoàn toàn cô đơn trong nhiều tháng trời. Dorothy đã phải treo những tấm màn dày nặng nề trên cửa sổ căn nhà gỗ của mình, bởi vì bà đã quá mệt mỏi khi mỗi sáng thức dậy phải nhìn thấy lũ sói, khi chúng cứ tì mũi vào cửa sổ, nhìn bà bằng ánh mắt đói khát.

Giống như những người sống một mình ở nơi hoang dã khác, Dorothy đã cố gắng cá nhân hóa môi trường xung quanh của mình đến một mức độ phi thường. Có bồn hoa, thần lùn giữ vườn, những dụng cụ cũ kỹ nằm khắp nơi. Hầu hết cây cối đều có treo những tấm bảng, trên đó chứa đầy những bài vè, những câu chuyện xưa cũ, hoặc tranh vẽ vui nhộn chỉ vào những căn lều hay khu nhà phụ. Đối với một du khách thành thị, hòn đảo là hình ảnh thu nhỏ của lối nghệ thuật sến sẩm. Nhưng nhờ vào sự rộng mở về khiếu thẩm mỹ của Dorothy, những đồ “đồng nát” này đã tạo ra một môi trường thân thuộc, nơi tâm trí của bà có thể thư giãn. Giữa thiên nhiên hoang sơ, bà đã bày ra phong cách độc đáo của riêng mình, một nền văn minh của riêng mình. Bên trong, những món đồ yêu thích của Dorothy gợi nhắc lại những mục tiêu của bà. Bà đã đóng dấu sở thích của mình lên trên sự hỗn loạn. 

Trích bởi: Trần Ngân


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 5, 21/11/2024