Đường về tỉnh thức - Không phải cứ đàn ông là mạnh mẽ

FN19/09/2021 08:30
Đường về tỉnh thức - Không phải cứ đàn ông là mạnh mẽ

Sống tỉnh thức đòi hỏi chúng ta nhẹ nhàng khi liên kết tới những ý nghĩ, cảm xúc và cơ thể của mình. Đây chính là cách tốt nhất để học tập, nhưng nhiều người trong chúng ta thấy nó khó một cách đáng ngạc nhiên.

Có đúng là đàn ông phải mạnh mẽ?

Một số người cho rằng sự nhẹ nhàng là yếu đuối hoặc thụ động. Đặc biệt là với đa số đàn ông, họ thật sự cần hiểu rằng việc tử tế hơn với chính mình trong khi trải nghiệm những cảm xúc là điều hữu ích. Nó đi ngược lại câu chuyện văn hóa quen thuộc về định nghĩa một “đấng mày râu”. Bạn có biết, tự tử là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở đàn ông dưới năm mươi tuổi ở Anh Quốc, và là nguyên nhân tử vong thứ hai ở Hoa Kỳ. Điều này cho thấy rõ cần có một nhu cầu cấp thiết giúp thay đổi định kiến cho rằng “đàn ông là phải mạnh mẽ”. Nhiều bằng chứng cho thấy chánh niệm có thể ngăn ngừa chứng trầm cảm và là một cách giúp chúng ta ứng phó khi bị những cảm xúc tuyệt vọng và cô độc xâm chiếm.

Những người cầu toàn cho rằng nếu họ chỉ lơi lỏng một chút thì mọi việc đều hỏng. Sự mặc định này cần phải kiểm chứng lại. Một sinh viên của tôi có khuynh hướng này cuối cùng đã bị suy sụp. Sau ba tháng nghỉ bệnh kết hợp rèn luyện chánh niệm và quay trở lại công việc, cô quyết quan tâm nhiều hơn đến bản thân. Điều này bao gồm việc cô phải nhìn nhận thực tế về những thứ mình có thể kiểm soát được, đề ra những giới hạn, cũng như nhận ra và quyết tâm từ bỏ những thói quen cầu toàn khi chúng xuất hiện. Kết quả là cô có cuộc sống tốt hơn, cân bằng hơn, học tập và tư duy hiệu quả hơn, cũng như hoàn thành được nhiều việc hơn cả trước thời điểm bản thân bị ám ảnh bởi sự cầu toàn.

Món “súp cảm xúc”

Khi chúng ta còn bé, não bộ và tâm lý đang phát triển của chúng ta giống như những miếng xốp. Nơi chúng ta sống và những người xung quanh ta sẽ định hình trí não của chúng ta; điều này đặc biệt đúng đối với những vấn đề về cảm xúc và cách ta xử lý chúng. Câu thành ngữ nổi tiếng của người Anh “stiff upper lip” (đàn ông là phải mạnh mẽ) là một ví dụ về sự ảnh hưởng văn hóa, chỉ về thói quen luôn phải che giấu, đè nén những cảm xúc yếu đuối của nhiều nam giới tại quốc gia này nhằm duy trì một mặc định xã hội đã ảnh hưởng lên bản thân họ từ thơ bé rằng đàn ông là phải mạnh mẽ.

Ở một thái cực ngược lại tại châu Âu, đó là văn hóa La-tinh điển hình - luôn thoải mái bộc lộ những cảm xúc cá nhân, đôi khi còn phô bày quá mức. Tất cả đều là biến thể của các thói quen và phản ứng mang tính cảm xúc mà chúng ta đã đắm mình vào trong quá trình trưởng thành. Khi lớn lên với tư duy “đàn ông là phải mạnh mẽ” từ sự ảnh hưởng văn hóa như vậy, nếp nghĩ sâu đậm này có thể sẽ tác động đến cách họ đáp lại những cảm xúc và ý nghĩ của mình trong quá trình thực hành chánh niệm. Trong cả hai trường hợp nêu trên, việc thiếu sự cân bằng có thể tạo ra nhiều khó khăn khi tìm đến chánh niệm.

Ảnh hưởng còn lại là môi trường gia đình. Chúng ta nhìn vào những người lớn nổi bật quanh mình để hiểu cách thế giới vận hành và học cách làm chủ những cảm xúc. Những cách thức mà người lớn quanh ta phản ứng với những khó khăn đã tự động được lập trình vào trong bộ não đang phát triển của chúng ta từ khi chúng ta còn nhỏ. Tôi gọi đây là “món súp cảm xúc” của gia đình.

Suy ngẫm về những trải nghiệm này có thể giúp ta hiểu rõ hơn về cách chúng ta liên hệ với chính mình, cảm xúc của mình và những người khác trong quãng đời còn lại. Đôi khi, những thói quen này có thể sâu đậm đến mức chỉ khi nào gặp được những người khác từng lớn lên với một “hương vị súp cảm xúc” trái ngược ta mới nhận ra rằng có những thứ khác biệt với thế giới của mình.

quote-duong-ve-tinh-thuc-2.jpg

Khi chúng ta trưởng thành

Bây giờ, hãy dành chút thời gian để suy ngẫm trong chánh niệm về trải nghiệm cảm xúc của bạn đối với gia đình. Mọi thứ sẽ ra sao khi người thân của bạn buồn, giận dữ hoặc sợ hãi? Có thể bạn sẽ lại phản ứng theo thói quen cũ như lo lắng, bất an khi đang cố gắng không phản ứng và không phê phán những cảm xúc của chính mình trong lúc thực hành. Thực hành chánh niệm là một lời mời để thẩm nghiệm những thói quen cũ, xem liệu chúng có còn có ích cho mình không. Từ đó, bạn có thể tinh chỉnh lại những thói quen đó và làm cho chúng phù hợp theo một cách mới có ích hơn trong thời điểm hiện tại - khi chúng ta đã trưởng thành.

Một số người trong quá trình trưởng thành đã không có được một tấm gương của người lớn về sự dịu dàng, chấp nhận và cầu thị khi đối diện với những cảm xúc tiêu cực. Nếu bạn cũng rơi vào trường hợp này, một lời khuyên cho bạn là hãy suy nghĩ rộng mở hơn trong cuộc sống, đồng thời hãy chú ý đến những người biết cách làm chủ cảm xúc và xử lý những thách thức một cách khéo léo.

Quan sát những tấm gương như thế có thể rất có ích. Não bộ của bạn sẽ sử dụng cơ chế học tập bẩm sinh - đó là sự bắt chước. Không phải là bạn muốn trở thành phiên bản sao y của họ, chỉ là bạn có thể “nhái” lại những hành xử, tư duy tích cực đó cho đến khi bạn thuần thục, biết cách linh hoạt sử dụng ưu điểm của người khác như một sự hướng dẫn.

Cuối cùng, nếu bạn là người có tiền sử lâu dài kết nối với hiện tại, cơ thể, tâm trí mình hoặc người khác theo những cách rắc rối, thì bây giờ, bạn có thể hưởng lợi với nhiều sự hỗ trợ hơn khi dấn thân vào hành trình tự phát triển này. Bạn nên nhớ rằng chánh niệm không hề là một giải pháp nhanh. Để thật sự thay đổi những thói quen và để cảm thấy tĩnh tại hơn, hài lòng hơn về lâu dài, cứ từ từ và đều đặn là bạn sẽ chiến thắng.

Theo Đường về tỉnh thức


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 5, 21/11/2024