Đường về tỉnh thức - Cách sống trọn vẹn từng phút giây

25/08/2021 08:30
Đường về tỉnh thức - Cách sống trọn vẹn từng phút giây

Đường về tỉnh thức của tác giả - Tiến sĩ Tamara Russell là cuốn sách giúp bạn tiếp cận gần gũi nhất với chánh niệm, với những phút giây ở thực tại.

Gần đây có khá nhiều người đã từng nghe đến một thuật ngữ mới mà có lẽ phần ít người có thể hiểu được ý nghĩa của từ ngữ này, đó là chánh niệm. Thông qua cuốn sách này chúng ta sẽ có một kiến thức mới, một góc nhìn thấu đáo hơn về ý nghĩa nguồn gốc của chánh niệm và bạn sẽ học được cách sống trọn vẹn trong từng giây phút mình đang hiện hữu, mỗi phút giây bạn sống đều là những trải nghiệm tuyệt vời.

Thực hành chánh niệm giúp chúng ta gia tăng tần suất có mặt trong hiện tại một cách trọn vẹn và chú tâm đến những hành động của mình.  Nó giúp tinh chỉnh khả năng giữ các hoạt động theo đúng hướng và đồng điệu với những mục tiêu cũng như giá trị của người thực hành chánh niệm. Chúng ta sẽ ngày càng nhận biết được sự phong phú của những dữ kiện phát ra từ cơ thể, tâm trí và trái tim của mình.

Khám phá những điều nằm ngoài nhận thức thông thường

Trong một thế giới có nhiều chánh niệm hơn và nhiều người tỉnh thức hơn thì tất cả chúng ta sẽ có thêm nhiều cơ hội hơn để cùng nhau phát triển cuốn sách Đường về tỉnh thức bạn sẽ được khám phá:

  • Ý nghĩa và khái niệm về tỉnh thức

  • Phân biệt chánh niệm, trạng thái tỉnh thức với sự nhận biết thông thường

  • Nhận ra rằng bạn đã có sẵn chánh niệm để sống tỉnh thức bên trong mình 

  • Khám phá ra rằng sống tỉnh thức giúp ích cho cơ thể và tâm trí như thế nào

  • Hiểu rõ các hệ thống não bộ chủ yếu mà bạn sử dụng và phát triển khi thực hành chánh niệm

  • Làm quen với những kiểu chú tâm khác nhau và cách chúng ta có thể rèn khả năng chú tâm của mình

  • Hiểu rõ hơn về “tâm lang thang” của bạn và khai thác sức mạnh của nó sao cho phù hợp với những mục tiêu của mình

  • Học cách tiếp thu hiệu quả nhất 

  • Hiểu những lợi ích của việc cần thận trọng hơn và bớt phản ứng khi đối mặt với những thách thức của cuộc sống

  • Cải thiện sự hiểu biết của bản thân và sự nhận biết về những thói quen tâm lý của chính bạn

  • Cảm thấy tự tin rằng bạn có thể thực hành chánh niệm để tỉnh thức trong bất kỳ hoạt động nào

  • Hiểu được khả năng nhận biết đã phát triển như thế nào trong gen di truyền của chúng ta 

Và còn vô số những lý do khác mà bạn đọc có thể nhận ra, tiếp nhận bài học, kiến thức theo từng cách nhận thức và góc nhìn riêng của mỗi người. Cuốn sách Đường về tỉnh thức sẽ giúp cho bạn đi nhanh hơn về việc tìm về bản thể của sự thật, của chính bản thân bạn và sẽ làm cho cuộc hành trình tỉnh thức của bạn thêm phần sâu sắc, thú vị hơn.

Tại đây, ngay bây giờ và chính lúc này 

Đây chính là thời điểm tuyệt vời để bạn bắt đầu tìm hiểu và thực hành chánh niệm trên cuộc hành trình dài của mình, chúng ta gặp nhau tại đây trên bài viết này, thời điểm tốt đẹp để bạn đi trên một chặng đường mới đã đến. Chặng đường dài để đi đến tỉnh thức, chúng ta gặp được nhau thế này có lẽ cũng là một cái duyên cho cả bạn và mình, việc của chúng ta là giúp đỡ nhau để phát triển bản thân và con người mình và bạn ở đây để nắm bắt cơ hội cho chính bản thân bạn. Chỉ có bạn mới làm thay đổi được cuộc đời mình!

Về căn bản, chánh niệm chính là khả năng nhận biết sâu sắc, vẹn toàn những gì mình đang làm, đang thấy, đang chứng kiến như nó đang là. Hãy tập tận hưởng cuộc sống ngay tại đây và ngay bây giờ, khi niềm vui được xây dựng từ những chung dị đời thường, bạn không còn cần những thú vui ở bên ngoài để khỏa lấp cơn trống trải bên trong tâm hồn mình. Việc gì bạn làm cũng có thể vui, sự việc nào xảy ra đến với bạn cũng đều thật đáng quý vì nó đến trong thời điểm đó là tốt nhất đối với bạn, khi bạn tỉnh thức, bạn nhận biết được nó, khi đó bạn biết bạn đã có một bài học đáng quý trong cuộc sống của mình và việc của bạn cần làm là biết ơn số phận, biết ơn những gì mà mình nhận được lúc đó để phát triển được bản thân mình hơn trên con đường phía trước mà bạn phải đi qua.

Cách dùng thuật ngữ “tỉnh thức” gặp khá nhiều khó khăn trong việc tìm đúng từ để có thể diễn tả được đầy đủ ý nghĩa, việc mô tả trải nghiệm cảm giác của cơ thể và tâm trí vốn mang bản chất phi ngôn ngữ, là điều không hề dễ dàng. Tâm lý học hiện đại đã đưa ra nhiều định nghĩa khác nhau về chánh niệm và phần lớn đều đề cập đến yếu tố chú ý mạnh mẽ vào khoảnh khắc hiện tại mà không phê phán về những dòng chảy, những suy nghĩ của bản thân mình hay từ những tác động ngoại lực ở bên ngoài. Hiểu một cách đơn giản khi bạn sống chánh niệm là khi bạn ăn bạn biết là mình đang ăn, khi bạn đi bộ bạn biết là mình đang đi bộ và thưởng thức nó, khi bạn chú tâm vào một việc làm gì đó, bạn chỉ làm nó thôi và bạn biết, bạn nhận thức nó như nó đang là. Không suy nghĩ, không phán xét hay không phân tâm vào những chuyện khác.

 

Có bao giờ bạn tự đặt ra câu hỏi rằng: Tại sao trẻ con chúng lúc nào cũng có sự vui vẻ, chúng vui chơi tận hưởng những giây phút ở hiện tại của chúng, khi chúng buồn chúng sẽ oà lên khóc rồi quên ngay? Bởi vì đối với đứa trẻ, khoảnh khắc này là khoảnh khắc duy nhất, nó không có đắn đo nào khác, nó không suy nghĩ về quá khứ và cũng chẳng hề đau đầu khi nghĩ đến tương lai, chúng sống trong từng khoảnh khắc ở hiện tại. Ai trong chúng ta cũng đều trải qua những khoảng thời gian kỳ diệu đó, ai trong chúng ta cũng đều đã có những khoảnh khắc vô lo, vô nghĩ như vậy. Chúng ta sống trong cảm xúc của mình, được tự do làm những gì mình thích và được thoải mái với những sáng tạo và ước mơ. Vậy để thành người lớn chúng ta đã phải đánh đổi điều gì?

Nhận thức là thanh gươm hai lưỡi

Khi chúng ta lớn lên, chúng ta lại trở thành những con người đầy lý trí và quá nhiều suy nghĩ luôn xuất hiện trong đầu của chính mình. Thực tế như việc phản ứng với ngón tay bị con dao cứa vào khi đang sơ chế đồ ăn có thể kéo chúng ta ra khỏi khoảnh khắc hiện tại. Chúng ta có thể đi thẳng đến tương lai với suy nghĩ: “Không biết với cái tay đau này mình còn có thể chuẩn bị được bữa ăn không hay tối nay mình có thể viết bài được hay không?” và biết đâu rằng chúng ta lại suy nghĩ quay về quá khứ: “Tại sao mình lại có thể bất cẩn đến như vậy nhỉ, đúng là chân tay lóng ngóng”. Nếu điều này xảy ra, chúng ta hoàn toàn không có mặt ở hiện tại do sự phản ứng và phê phán đã chi phối chúng ta. Nếu bạn thực hành đúng với chánh niệm bạn có thể chọn buông bỏ phản ứng và cân nhắc làm thế nào để hướng sự chú ý của bạn theo cách tốt hơn.

Bạn có biết không bản chất của nỗi đau không nằm ở chính nó, mà nằm ở thái độ của bạn về nó, chuyện gì xảy ra lúc đó ắt là nó phải xảy ra, cuộc sống của chúng ta cũng có lúc vui và cũng có lúc buồn, có lúc rất may mắn và cũng có những khi không được như ý muốn của chúng ta nó lên và xuống như nhịp đập của trái tim, bạn có biết vì sao không? Là vì chúng ta đang sống và mọi chuyện xảy ra trong cuộc sống cũng là lẽ thường tình. Việc của chúng ta là rút tầm ảnh hưởng của nỗi đau, của vấn đề đó ra khỏi người, vấn đề và những nỗi đau đó sẽ mất đi sức mạnh. Nó sẽ biến mất vào hư không. Nhận biết được sự việc trong trạng thái tỉnh thức sẽ giúp bạn trải nghiệm nỗi đau theo một cách mới mẻ và tích cực hơn.

Sống với những nhận biết của chính mình, chúng ta thường quên đi những hạnh phúc nhỏ bé, giản dị trong đời thường. Đối với niềm vui của trẻ con chỉ với một vài hòn bi nhỏ hay một chậu nước đầy là có thể vui đùa chạy nhảy suốt cả ngày với nhau nhưng người lớn lại khác, họ cả thèm chóng chán, lại có thói quen bận rộn nên chẳng thể tập trung vào cái gì đó quá lâu. 

Càng lớn chúng ta lại càng suy nghĩ phức tạp, càng làm cho cuộc sống của mình thêm phần rối ren. Như những ngày còn thơ bé khi yêu thương vẫn còn trong sáng và ngô nghê ta yêu thương tất cả mọi người như nhau mà không bị dè chừng. Nhưng khi đã lớn rồi ta lại thường hay e ngại, ta không dám yêu bằng cả trái tim mình, cũng không dám thương người ta hết lòng vì một chữ sợ, bạn có biết không việc bạn sợ một thứ gì đó chỉ là cảm giác của bạn để bảo vệ chính bản thân mình nhưng hãy thử nghĩ xem nếu bạn sống trọn vẹn trong từng giây phút, bạn được yêu trong từng khoảnh khắc và được sống tỉnh thức, hạnh phúc với những phút giây hiện tại. Liệu những nỗi lo sợ đó có còn giằng xé bạn không? liệu trong trái tim bạn có còn đóng cửa không? Việc lo sợ không quan trọng bằng việc bạn làm cho nội tâm bạn trở nên hạnh phúc, trở nên vẹn toàn và sâu sắc.

Bạn hãy yêu như mới lần đầu biết yêu hãy trân quý những lần chúng ta gặp gỡ ở hiện tại vì bạn ở đây bạn chính là bản thể duy nhất, là chính bản thân bạn chứ không phải ai khác, đừng lo sợ và phải bó buộc mình trong một khuôn khổ nào cả, chúng ta cứ hãy chọn một cách sống vô tư, không tính toán thiệt hơn, chọn một cuộc sống hạnh phúc như một đứa trẻ. Thời gian và tuổi tác cũng chỉ là những con số mà con người tự đặt ra để đưa xã hội vào khuôn khổ. Hãy tự mình tháo nắp chiếc hộp và bước ra khám phá thế giới bên ngoài với bao khát khao và cách nhìn cuộc sống đầy hy vọng như một đứa trẻ.

Cái bạn biết đang che đi cái thấy của chính bạn. Bể học là mênh mông, bạn đừng bao giờ đưa mình vào trong chiếc hộp vô hình nào đó, còn vô số điều mà chúng ta chưa biết. Do đó, ta cần tránh những cái nhìn hẹp hòi, tránh những phán xét vô ích mà nên sống nhận biết tỉnh thức trong từng giây phút để học hỏi, mở rộng tầm nhìn và sẵn sàng trải nghiệm những điều mới mẻ.

Thực tại luôn đem đến những điều tốt nhất đến với bạn

Việc sống chánh niệm có thể kể được rất nhiều lợi ích đối với chúng ta, nếu như bạn vẫn còn khó chịu khi giờ tan tầm luôn bị kẹt xe, thì việc sống tỉnh thức sẽ giúp bạn cảm thấy ổn, ngay khi mọi việc diễn ra không như ta mong muốn hoặc có thể bạn sẽ giữ được bình tĩnh hơn, ngay cả khi chịu được áp lực, cũng có thể bạn sẽ tiếp cận một loại nhận thức mới bằng trực giác thông qua việc cảm nhận những thay đổi trong cơ thể và tâm trí mình, mình gọi đó là trí tuệ. Trí tuệ không phải là thông minh, không phải là kiến thức mình đã được học qua trường lớp, trí tuệ là một phẩm tính của tâm thức, là cách xử thế đúng mực, sự khôn ngoan và thận trọng. Với định nghĩa của Phật giáo, tuệ mang một cái tâm trong sạch thì trí mới sáng suốt, nếu mang trong mình một cái tâm chứa đầy lòng ganh ghét, đố kị, phán xét, hay khó chịu với chính mình và những gì xung quanh mình thì sự sáng suốt sẽ gặp trở ngại. Vậy nên hãy lấy tâm mình làm gốc các bạn nhé. 

Trong quá trình duy trì trạng thái tỉnh thức, việc biết cách kết nối bản thân với khoảnh khắc hiện tại bằng mọi giác quan sẽ làm phong phú trải nghiệm của chúng ta về thế giới xung quanh.

Chúng ta thường hay khó chịu khi thời tiết nóng bức, kêu than khi tiết trời lạnh giá. Vậy chúng ta đã bao giờ có những khoảnh khắc cảm nhận được những tia nắng ấm áp chạm vào da thịt mình, có bao giờ chúng ta cảm nhận được mùi hương của cỏ cây khi cơn mưa vừa đi qua, chúng ta có thể cảm nhận được những cơn gió mát lùa vào và nâng niu từng sợi tóc của chính mình, hay đơn giản như chúng ta cảm thấy vui khi được tận hưởng khoảnh khắc mình đi bộ và được sống tận hưởng với mọi thứ mà cuộc sống này đem lại cho chúng ta. Rồi khi chúng ta nhận ra rằng “Cuộc sống vốn dĩ đã tuyệt diệu thế này rồi sao, thế mà mình lại không nhận ra nó sớm hơn nhỉ”.

Việc hoà điệu với cơ thể, cũng như học cách thả lỏng và thư giãn để có mặt trong thực tại, giúp chúng ta nhận ra rằng trạng thái cảm xúc này thật là tuyệt vời biết bao, chúng ta không cần lo nghĩ đến tương lai và cũng không cần quay mặt nhìn về quá khứ. Chúng ta ở hiện tại và điều chúng ta đang tận hưởng là những thứ duy nhất hiện hữu bên ta ngay lúc này và nhờ vậy, ta cảm thấy khoẻ mạnh hơn và tự do hơn cả về thể chất lẫn tinh thần.

Chúng ta sống trong thời đại mà phải lăn xả, phải chủ động, phải giỏi giao tiếp mới gọi là chuẩn, là tốt, còn im lặng, khác biệt một chút so với quy chuẩn của xã hội thì mọi người sẽ cho là có vấn đề. Chúng ta đặt thành công trong sự nghiệp, ổn định về tài chính, có một người để yêu thương rồi sinh con là chuẩn mực của xã hội. Chúng ta ra bên ngoài tìm kiếm thứ gọi là tình yêu bản thân và tư duy tích cực nhưng chúng ta không biết rằng bên trong chúng ta có sẵn tất cả mọi thứ, có điều chúng ta có muốn phát triển cái mầm cây nhỏ đó hay không? Với những kỹ năng chú tâm được rèn luyện thông qua chánh niệm, khi tiếp xúc với người khác, bạn chỉ tập trung vào người đó, bạn sẽ nắm bắt được những gợi ý tinh tế, phi ngôn từ, giống như giọng cao của độ nói, mức độ tiếp xúc bằng mắt hay quan trọng hơn cả là những gì không được nói ra. Bạn cũng có thể nhận biết được nó trong đầu, cảm nhận bằng trái tim, trí tuệ của chính mình, cảm nhận được sự tiếp xúc giữa người với người nếu như bạn tập trung lắng nghe. Kiểu nhận thức xã hội này thật sự có thể giúp bạn cải thiện các mối quan hệ trong mọi lĩnh vực của cuộc sống.
Thường thì tốc độ phát triển của con người rất nhanh chóng, khiến cho mỗi con người chúng ta luôn phải làm việc, lao động nhiều việc cùng một lúc. Chẳng hạn như trên đi đến chỗ làm đầu óc chúng ta lại nghĩ xem trưa nay nên ăn gì, chúng ta đang ngồi với gia đình nhưng đầu thì lại mải miết nghĩ về công việc, tay thì kiểm tra mail vừa tới. Chúng ta giống như một cỗ máy, làm việc không ngừng nghỉ kể cả trong giấc mơ của mình, vậy thì đến bao giờ chúng ta mới có thể thư giãn, thảnh thơi ở giây phút hiện tại đây? Bao giờ chúng ta mới có thể cho đầu óc mình nghỉ ngơi mà không cần phải lo nghĩ? Tất cả đều dựa vào bạn. 

Lời kết

Hạnh phúc của bạn không nằm ở cuối con đường, hạnh phúc không có đích đến, hạnh phúc chính là những giây phút hiện tại này mà cuộc sống đã đem cho bạn. Hạnh phúc chính là con đường mà bạn đang đi, nó nằm ngay dưới chân bạn, chỉ cần bạn chậm lại quan sát và hít thở, bạn sẽ thấy rằng mọi thứ vẫn còn nguyên vẹn, ở bên cạnh bạn. Còn việc của bạn là tận hưởng nó và ôm trọn lấy nó mà thôi. 

Hãy tỉnh thức trong từng hơi thở của bạn, chỉ cần bạn còn thở, trái tim bạn vẫn còn đập thì bạn đã may mắn hơn rất nhiều người. Chỉ cần chúng ta còn sống, mọi thứ đều có thể!

Review chi tiết bởi: Thu Hoài - Hình ảnh: Thanh Thảo


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025