Đường mây trên đất hoa – Hòa thượng Hư Vân và tam bộ nhất bái báo ơn cha mẹ

12/08/2020 08:30
Đường mây trên đất hoa – Hòa thượng Hư Vân và tam bộ nhất bái báo ơn cha mẹ

Năm ta 43 tuổi, nghĩ mình đã xuất gia tu đạo hơn 20 năm mà đạo nghiệp vẫn chưa thành, nên rất xấu hổ. Ta muốn báo ân sinh thành dưỡng dục của cha mẹ nên định trở lại núi Phổ Đà nơi hướng đông, rồi từ đó đi về hướng bắc núi Ngũ Đài mà lễ bái.

           

Ngày đầu tháng Bảy, từ am Pháp Hoa núi Phổ Đà, ta khởi hương, rồi đi ba bước lạy một lạy (tam bộ nhất bái), trực chỉ đến thẳng núi Ngũ Đài. Ngày đi đêm nghỉ, gió mưa sáng tối, cứ như thế mà đi, cứ như thế mà lạy; khổ vui đói khát, không quên chánh niệm.

Tháng Chạp năm đó, ta lạy đến bến Thiết Tá nơi sông Hoàng Hà. Ngày đầu, ta ngủ tại lữ xá, ngày thứ hai ta băng qua sông nhưng đi được một lúc thì trời sập tối nên không dám đi nữa. Nơi ấy rất hoang vắng, bốn bề không người, chỉ có một túp lều tranh nhỏ nằm bên đường lộ. Ta tạm dừng chân nơi đây, ngồi kiết già thiền tọa.

Tối đến, trời lạnh thấu xương, tuyết rơi dầy đặc. Hôm sau, mở mắt ra thấy tuyết dầy cả thước, bồn bề trắng xóa như thế giới lưu ly, không còn thấy đường đi nữa nên ta đành ngồi niệm Phật. Vì chòi tranh không có vách che, gió thổi lạnh buốt, nên ta đành cố thu mình ngồi trong góc nhỏ cho đỡ lạnh. Tuyết tiếp tục rơi, gió tiếp tục thổi, nhưng ta làm chủ hơi thở, giữ vững chánh niệm.

Ba ngày ba đêm trôi qua, tuyết vẫn rơi như thế, giá lạnh cũng như thế, dần dần ta rơi vào trạng thái hôn mê. Trưa ngày thứ sáu, tuyết ngừng rơi, thấy bóng mặt trời mờ mờ, nhưng vì đã kiệt sức nên ta không đứng dậy được. Sáng ngày thứ bảy, có một người hành khất đi đến, thấy ta nằm trên tuyết bèn hỏi han vài câu, nhưng ta không trả lời được. Biết ta nhuốm bệnh nặng, ông gạt tuyết ra, lấy rơm nhóm lửa, nấu cháo bằng gạo vàng cho ta ăn. Ta ăn xong, mình toát mồ hôi, khí lực bình phục lại. Người hành khất hỏi:

- Ngài đi lễ lạy danh sơn để mong cầu điều chi?

- Thưa, khi vừa sinh ra thì không còn mẹ nên nay muốn lễ lạy danh sơn để hồi hướng công đức báo ân sinh thành của mẹ hiền.

- Đường còn xa mà trời thì lạnh, vai mang hành lý nặng thế kia thì bao giờ mới đến được Ngũ Đài? Ta khuyên ngài hãy bỏ cuộc, chớ bái lạy như vậy nữa làm chi.

- Xin cám ơn ông khuyên bảo, nhưng thệ nguyện đã định trước rồi, không thể bỏ được.

- Thệ nguyện như ngài khó ai lập được. Hiện nay tuyết vẫn chưa tan, không thể nào tìm đường được đâu. Ngài hãy tạm theo dấu chân của ta mà đi khoảng bốn mươi dặm nữa sẽ đến Bồng Huyện. Nơi đó có chùa để nghỉ ngơi.

Chúng ta chia tay tạm biệt. Vì tuyết dầy không thể lạy, nên ta chỉ quay lưng lại, lễ bước chân của mình.

Mồng ba tháng Giêng, ta đến phủ. Vì không biết nghỉ qua đêm nơi nào, nên ta ra ngoài thành ngủ bên lề đường. Tối đó, bụng ta đau dữ dội. Sáng hôm sau, ta cũng cố lễ bái nhưng đến chiều, thân ta bị cảm lạnh rất nặng rồi bắt đầu bị kiết lỵ. Những ngày kế tiếp, ta vẫn ráng lễ lạy, cho đến ngày mười ba thì đến Hoàng Sa Lĩnh. Trên đỉnh núi hoang vắng, chỉ trơ trọi một ngôi miếu hoang tàn, không có mái nóc.

Khi đó ta đã kiệt sức, không thể đi được nữa nên đành ghé vào đó tạm trú, cứ thế đi cầu cả chục lần, người yếu dần rồi không sao cử động được. Vì am miếu ở trên đỉnh núi, không người qua lại, nên ta đành nhắm mắt chờ chết, tuy thế thâm tâm ta không hề hối hận. Khuya ngày mười lăm, ta chợt thấy phía tây miếu có ai đang đốt lửa, nhìn kỹ lại thì nhận ra người ấy chính là Văn Cát, người hành khất lúc trước, ta mừng rỡ gọi: “Tiên sinh Văn Cát”. Văn Cát cầm đuốc tới hỏi:

- Đại sư phụ! Sao ngài vẫn còn ở đây?

Ta kể lại cho ông nghe những việc đã xảy ra. Người hành khất ngồi xuống bên cạnh, an ủi và đưa một bát nước cho ta uống. Đêm đó, gặp được Văn Cát, thâm tâm ta rất yên ổn.

Ngày mười bảy, bệnh của ta thuyên giảm rất nhiều, sau khi ăn hai chén cháo gạo vàng thì mồ hôi ta túa ra như tắm, qua hôm sau thì khỏi. Ta bèn cảm tạ Văn Cát. Người hành khất nói:

- Ta quan sát ngài từ tháng Chạp đến giờ. Sức của ngài cũng không được khỏe, chắc khó mà lễ lạy được nữa. Theo ý ta, ngài không nên lễ lạy tam bộ nhất bái nữa mà đi thẳng lên núi Ngũ Đài có hơn không?

- Tiên sinh có ý tốt, tôi rất cảm ơn, nhưng vì lúc chào đời không được nhìn thấy mặt mẹ. Mẹ vì sinh ra tôi nên mới qua đời. Còn cha chỉ được một mụn con, mà tôi lại bỏ trốn đi tu. Do đó, cha từ quan, buồn rầu giảm tuổi thọ mà mất. Trời cao lồng lộng, ân cha nghĩa mẹ bao la, bao năm trằn trọc không an, nên mới phát nguyện triều bái, cầu Bồ Tát gia hộ, nguyện cho cha mẹ được thoát khổ, sớm về cõi Tịnh Độ. Được thế thì chẳng quản chi trăm ngàn gian lao trước mắt, nếu không đến được thánh cảnh, thì chết cũng không dám thối nguyện.

Sau đó, Văn Cát lo cho ta cả bốn ngày liền. Bệnh tình ta thuyên giảm rất nhiều. Ngày mười chín, tuy còn yếu nhưng ta vẫn khởi hương tiếp tục lễ bái. Việc mang hành lý và ăn uống đã có Văn Cát lo giùm. Từ sáng đến tối, lễ lạy được khoảng bốn mươi dặm, nhưng ta không cảm thấy mệt nhọc chút nào.

Tháng Hai, ta đến chùa Ly Tướng thuộc huyện Thái Tục. Vị tăng tri khách nhìn thấy ta và Văn Cát liền hỏi: “Vị này là ai?”. Ta thuật lại đầu đuôi sự việc xảy ra trên đường. Nghe xong, vị tăng tri khách nổi giận:

- Thầy ra ngoài hành cước mà không biết thời cuộc, chắc thầy phải là một đại quan nên mới có người theo hầu cận như vậy. Đã muốn hưởng phước, cần gì phải ra ngoài lễ lạy như thế. Thầy xem có ai đi hành hương tam bộ nhất bái mà có người thế tục xách bị theo hầu không?

Thấy vậy, Văn Cát lên tiếng:

- Từ đây đến Ngũ Đài cũng không còn xa lắm. Ta sẽ trở về núi trước, còn ngài cứ từ từ mà đi.

Ta cố giữ Văn Cát lại nhưng không được, lại đưa tiền cho, Văn Cát cũng không nhận rồi từ biệt mà đi.

Cuối tháng Năm, ta đến chùa Hiển Thông, đi khắp nơi hỏi thăm tung tích Văn Cát nhưng không ai biết cả. Sau đó, ta thuật lại sự tình cho một lão tăng nghe. Vị ấy liền chắp tay nói: “Đó chính là hóa thân của Bồ Tát Văn Thù đấy. Ngài thường hiện thân thành người hành khất để giúp đỡ những kẻ hành hương”. Nghe thế ta liền đảnh lễ cảm tạ Bồ Tát.

Hôm sau, ta khởi hương lạy qua Đông Đài, khởi hương lạy lên đỉnh Hoa Nghiêm, rồi lạy qua Tây Đài trước khi trở về chùa Hiển Thông. Ngày thứ bảy, ta lạy qua Nam Đài và thiền thất ở nơi đây. Ngày mười lăm, ta trở về chùa Hiển Thông. Đến đây, lời nguyện bái hương ba bước một lạy trong ba năm để cầu cho cha mẹ được siêu thoát đã hoàn mãn.

Theo Đường mây trên đất hoa - Nguyên Phong

Nhập mã MGG5FN giảm thêm 5% khi mua sách "Đường mây trên đất hoa" tại: https://bit.ly/duongmaytrendathoa-fhs. Thời gian sử dụng đến ngày: 15/8/2020.


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 3, 03/12/2024