Người ta ước tính rằng trong vài năm tới, 60% tổng số việc làm trên toàn cầu sẽ được tái định nghĩa bởi những công nghệ mới, có tính đột phá.
Trước kia, các công ty từng phụ thuộc vào con người, những người không chỉ là nguồn lao động mà còn là khách hàng có nhu cầu sử dụng sản phẩm của họ (từ đó thúc đẩy nhu cầu cần thêm lao động mới của các công ty). Trong thời đại của Big Tech, những đơn vị quảng cáo và doanh nghiệp bỏ tiền ra để mua các phân tích dữ liệu và số lượt xem mới là khách hàng, còn con người là sản phẩm. Theo cách hiểu này, Google và big data chính là đại diện tiêu biểu cho những gì đã “phá vỡ” chủ nghĩa tư bản của quá khứ.
Đó là một sự thay đổi gần như không thể nhận thấy, khi chúng ta chuyển từ nền kinh tế dựa trên những thứ hữu hình sang nền kinh tế dựa trên những thứ vô hình. Nhưng đó có lẽ là một sự thay đổi không thể tránh khỏi, khi chúng ta tiến vào kỷ nguyên mới của chủ nghĩa siêu tư bản theo hướng khai thác dữ liệu.
Nhiều thập niên trước, trong quyển The Great Transformation (tạm dịch: Đại biến chuyển), nhà sử học Karl Polanyi đã nêu ba “giả định” cần được duy trì để các nền kinh tế thị trường của cuộc cách mạng công nghiệp có thể phát triển mạnh mẽ. Thứ nhất là cuộc sống con người có thể được tái nhận định như một dạng lao động. Thứ hai là tự nhiên có thể được tái nhận định như bất động sản. Thứ ba là việc tự do trao đổi hàng hóa và dịch vụ có thể được tái nhận định như tiền.
Năm 2015, nhà nghiên cứu công nghệ và khoa học Shoshana Zuboff đã đưa ra giả định thứ tư về thời đại của Big Tech, theo đó bản thân thực tế cũng đang trải qua một sự biến đổi tương tự. Bà nhận định: “Dữ liệu về hoạt động của cơ thể, tâm trí cũng như sự vật đang được lưu trữ trong một bảng chỉ mục động, phổ quát và theo thời gian thực của các vật dụng thông minh, trong mạng lưới vô hạn và trải khắp toàn cầu của những thứ được kết nối với nhau. Hiện tượng mới này tạo điều kiện khả dĩ cho việc điều chỉnh sự việc và hành vi của con người để giành lợi nhuận và quyền kiểm soát”. Ngày nay, chúng ta đang sống trong thế giới đó, dưới sự thống trị của các “chúa tể” Big Tech.
“Đừng trở nên xấu xa” - một bản cáo trạng về cách mà các công ty công nghệ lớn nhất hiện nay đang chiếm đoạt dữ liệu, sinh kế, phá vỡ kết cấu xã hội và hủy hoại tâm trí của chúng ta từ biên tập viên kinh tế của Financial Times và nhà phân tích kinh tế toàn cầu cho CNN - Rana Foroohar.