Số tiền Google và Facebook nhận được cho dịch vụ quảng cáo chiếm khoảng 90% chi tiêu quảng cáo mới của thế giới. Hệ điều hành của Google và Apple đang chạy trên 99% tổng số điện thoại di động toàn cầu. Apple và Microsoft cung cấp 95% hệ điều hành máy tính cho cả thế giới. Amazon chiếm 50% tổng doanh số thương mại điện tử của Mỹ. Danh sách những con số ấn tượng cứ thế tiếp nối. Mọi thứ trong Big Tech hoặc duy trì không đổi hoặc trở nên lớn mạnh, và một khi đã bắt đầu lớn mạnh, rất có thể nó sẽ càng lớn mạnh hơn.
Nhưng trong khi các công ty này ngày càng lớn mạnh, phần còn lại của nền kinh tế ngày càng bị ảnh hưởng nặng nề. Khoảng hai mươi năm trở lại đây khi Big Tech liên tục phát triển, hơn một nửa số công ty đại chúng đã biến mất. Khi nền kinh tế trở nên tập trung hơn, tính năng động và tinh thần tự chủ của doanh nghiệp không ngừng giảm.
Nếu đã theo dõi ngành tài chính từ năm 2007 đến nay, bạn sẽ nhận ra nhiều điểm tương đồng thú vị giữa hiện tại với quá khứ. Chúng ta đang chứng kiến một ngành công nghiệp mới to lớn đến mức không thể sụp đổ và phức tạp đến mức không thể quản lý, một ngành công nghiệp đang phát triển nhanh như cỏ dại ngay trước mắt chúng ta. Nó có nhiều tài sản hơn và có giá trị vốn hóa thị trường lớn hơn bất kỳ ngành nào khác trong lịch sử, nhưng lại tạo ra ít việc làm hơn so với những gã khổng lồ trong quá khứ. Nó tái định hình nền kinh tế và lực lượng lao động theo những cách sâu sắc, biến mọi người thành sản phẩm thông qua việc thu thập và kiếm tiền từ dữ liệu cá nhân của họ, nhưng lại không bị ai kiểm soát. Và tương tự hệ thống ngân hàng vào thời điểm năm 2008, nó cũng vận dụng sức mạnh về cả kinh tế lẫn chính trị để đảm bảo mọi thứ được giữ nguyên theo cách nó muốn.
Trong cuốn sách “Đừng trở nên xấu xa”, khi tác giả Rona Foroohar nghiên cứu kỹ hơn về Big Tech – những công ty vốn đang bị công kích sau vụ lùm xùm về kết quả bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, bà bắt đầu thấy được nhiều điều hơn thế. Trong cuốn sách này, bà đã những luận điểm được củng cố bởi ý kiến của các chuyên gia, số liệu từ kết quả nghiên cứu thực tế cũng như chia sẻ của người trong cuộc. Bạn đọc có thể tìm hiểu thêm những luận điểm đó qua cuốn sách “Đừng trở nên xấu xa” để thấy được cách mà các công ty công nghệ lớn nhất hiện nay đang chiếm đoạt dữ liệu, sinh kế, phá vỡ kết cấu xã hội và hủy hoại tâm trí của chúng ta.