Từ góc nhìn đầu tiên của Paul Lever, nước Đức luôn là một dân tộc quật cường khi chấp nhận gầy dựng lại tất cả trên đống đổ nát chỉ một thời gian rất ngắn. Những gì Hitler làm, người Đức muôn đời sau sẽ không cho phép lặp lại, đến nay điều đó đã được minh chứng rõ ràng và bền bỉ.
Ở Đức có ngày gọi là Ngày tưởng nhớ Holocaust, vào ngày này Nghị viện Đức (Bundestag) triệu tập hàng trăm chính trị gia cho cuộc họp đặc biệt: “Lãnh đạo tất cả đảng phái chính trị có bài phát biểu với nội dung gợi lại và bày tỏ sự hối tiếc với những gì mà nước Đức đã gây ra cho dân tộc Do Thái và nạn nhân khác”. Họ cũng thể hiện quyết tâm không bao giờ để điều tương tự bám rễ.Ở vai trò của người đứng đầu chính phủ, các thủ tướng Đức lãnh đạo đất nước vì lợi ích quốc gia chứ không vì một học thuyết hay chủ nghĩa ý thức hệ nào.
Thời kỳ chiến tranh lạnh lần nữa đặt nước Đức vào số phận éo le khi phân cách hai miền bằng một bức tường.Áp lực thống nhất quốc gia đeo đuổi trong thâm tâm người Đức hàng thập kỷ.Nhưng sau thống nhất, sự hoài nghi về nước Đức mới lộ rõ.
Trong tập sách này, tác giả đã nêu ra chi tiết rằng, người Tây Đức luôn sẵn sàng đóng một mức thuế cao hơn để đảm bảo cho sự hoà hợp và tái thiết, song song là các chính sách đào tạo việc làm, vấn đề an sinh cũng được hoạch địch rõ ràng. Sau hơn 20 năm thống nhất, người Đức hai miền sống không khoảng cách.Hiện nay thủ tướng của Đức, bà Angela Merkel với 13 năm cầm quyền thành công cũng là người đến từ miền Đông.
Khi nước Đức cùng với Pháp và một số quốc gia thúc đẩy thành lập EU và sau đó họ thống trị luôn tổ chức này, nguyên nhân được cho là vì Đức có một nền kinh tế phát triển ổn định, Đức cũng có dân số đông nhất liên minh với 80 triệu dân. Tác giả tìm ra bốn đặc trưng làm kinh tế Đức trở nên độc đáo:
“1/ Kinh tế Đức dựa trên sản xuất. Đức làm ra hàng hoá mà người ta muốn mua: họ mua hàng vì chất lượng, độ tin cậy và có tính sáng tạo kỹ thuật chứ không vì giá cả.
2/ Đức đặc biệt thành công trong xuất khẩu, bao gồm xuất khẩu tới các cường quốc mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ, Nga và Brazil.
3/ Tài chính công ổn định.Thặng dư thương mại cao trong khi thâm hụt và nợ công thấp.
4/ Thành công kinh tế của Đức được bồi đắp bởi sự đoàn kết xã hội và an ninh cao độ”. Vì nước Đức là quốc gia nghèo tài nguyên, nền kinh tế phát triển hoàn toàn bằng yếu tố con người. Doanh nghiệp của Đức có nhu cầu tuyển dụng cao, ví dụ tại các tập đoàn xe hơi, các lãnh đạo của họ đều có thể lắp ráp thành thạo một chiếc xe. Kỹ sư và công nhân Đức có tay nghề cao nhất thế giới…
Cách của người Đức: Con đường từ Berlin đến EU được xuất bản lần đầu bằng tiếng Anh vào đầu năm 2017. Công ty First News – Trí Việt ấn hành bản tiếng Việt tháng 10.2018.Sách dày 374 trang, phát hành trên toàn quốc.
Lê Hữu Nam (theo TGTT)