Giống như việc chúng ta đặt hẹn với bác sĩ và nha sĩ ngay cả khi sức khỏe không có vấn đề gì, bạn cũng nên lên lịch “khám tổng quát định kỳ” cho định hướng nghề nghiệp của mình.
Hãy đặt lịch nhắc nhở để hỏi chính mình những câu hỏi then chốt hai lần mỗi năm. Bạn bắt đầu có hứng thú với công việc bạn đang theo đuổi từ lúc nào, và bạn đã thay đổi ra sao kể từ lúc đó? Bạn đã đạt tới giai đoạn bão hòa - không có gì mới để học hỏi thêm - trong vai trò hay nơi làm việc hiện tại chưa, và phải chăng đã đến lúc cần cân nhắc một sự chuyển hướng?
Trả lời những câu hỏi kiểm tra định kỳ này là một cách để kích hoạt “vòng lặp tái tư duy” đều đặn. Nó giúp bạn duy trì sự khiêm nhường về năng lực dự đoán tương lai của mình, suy tư về những hoài nghi với kế hoạch của bản thân, và luôn giữ mức tò mò đủ để khám phá những khả năng mới hay cân nhắc lại những lựa chọn mà bản thân từng bỏ qua trước đó.
“Tái tư duy”, theo nhà tâm lý học Adam Grant, là suy nghĩ lại, cân nhắc hay nhìn nhận lại quan điểm hay định kiến của bản thân, trong một số trường hợp cũng có thể hiểu là thử suy nghĩ khác đi hay ra khỏi lối mòn suy nghĩ.
Tương tự như định hướng nghề nghiệp, một mối quan hệ thành công đòi hỏi tái tư duy đều đặn; những kế hoạch cuộc sống khác của chúng ta cũng vậy: sống ở đâu, giữ vai trò nào, thuộc về cộng đồng nào…
Mỗi năm, bạn cũng nên một hai lần lắng lại suy nghĩ về việc những khát vọng của chúng ta đã thay đổi ra sao. Khi xác định được những hình dung trong quá khứ về cuộc sống của mình đã không còn phù hợp với tương lai, chúng ta có thể bắt đầu tái tư duy về những kế hoạch cuộc đời.
“Dám nghĩ lại” được The Washington Post bình chọn là cuốn sách phi hư cấu hay nhất năm 2021. Sách cũng lọt nhiều danh sách bình chọn uy tín, như The New York Times, Wall Street Journal, và Bloomberg.
“Adam Grant tin rằng cởi mở trong tư duy là một kỹ năng có thể học được. Và không ai có thể dạy bạn kỹ năng vô giá này tốt bằng Adam Grant”, đó là lời khen ngợi mà Daniel Kahneman, người từng đoạt giải Nobel Kinh tế, dành cho tác phẩm.