Trong thời gian đầu đại dịch Covid-19 bùng phát, chi tiêu cho đồ xa xỉ của người tiêu dùng đã giảm mạnh. Tuy nhiên, nhu cầu khoe các món hàng xa xỉ vẫn chưa bao giờ thuyên giảm.
Điều đó là một trong những nguyên nhân giải thích cho sự trỗi dậy kì lạ của thị trường túi và vỏ đựng hàng hiệu của các thương hiệu nổi tiếng. Theo Refinery29, từ hơn một năm trước, người bán đã không chỉ đăng các mẫu túi xách, giàu, trang phục thiết kế riêng hay phụ kiện đắt tiền mà còn chào mời mua vỏ hộp, túi chống bụi hay túi tote (loại túi xách cỡ lớn, có 2 quai song song nối từ 2 bên thành túi) – những thứ vốn để đựng các sản phẩm xa xỉ.
Theo Money, một nhà môi giới tín dụng ở Anh, hoạt động này không chỉ ngày càng phổ biến mà còn sinh lời đáng kể. Tháng 4 vừa qua, Money đã đưa ra phân tích về xu hướng trên sau khi đánh giá những chiếc túi đựng hay vỏ hộp rỗng chuyên đựng các món đồ cao cấp được bán trên eBay.
Theo báo cáo của Money, hộp đựng đồng hồ từ những thương hiệu như Rolex, Omega, Tag Heuer và Seiko có giá bán lại trung bình khoảng 178 USD. Một chiếc đồng hồ Tag Heuer thường có giá từ 1.300 USD trở lên còn hộp đựng có giá chung là 200 USD và gần như không thay đổi.
Túi và hộp đựng giày từ các thương hiệu thời trang đình đám như Louis Vuitton, Gucci, Dior và Chanel cũng thu hút đông đảo người mua trên eBay và Poshmark. Ví dụ, nếu mua một đôi bốt giá 1.170 USD của Louis Vuitton (giống đôi mà nữ diễn viên Sophie Turner từng diện), bạn có thể bán lại hộp đựng với giá trung bình là 104 USD.
Giả sử bạn gần đây đã mua một đôi bốt có giá 1.170 đô la, bạn có thể bán chiếc hộp mà chúng mang theo với giá trung bình là 74 bảng Anh hoặc 104 đô la, theo Money.
Bất kể mua mẫu giày nào của Louis Vuitton, bạn đều nhận được một chiếc hộp khá sang trọng. Nếu mua một đôi giày khác (cũng của Louis Vuitton) với giá 500 USD và bán lại hộp đựng với giá khoảng 100 USD, tính ra, bạn sẽ chỉ mất 400 USD.
Hoặc nhẹ nhàng hơn, bạn có thể mua một chai nước hoa Gucci giá 85 USD và bán lại chiếc chai rỗng với giá 22 USD khi dùng hết.
Nike, Christian Louboutin, Saint Laurent, Fendi, Breitling và Cartier là những thương hiệu lọt vào danh sách 20 thương hiệu có phần packaging (đóng gói bên ngoài) được săn lùng nhiều nhất của Money.
Theo Christian Bendsten, một sinh viên Toán - Kinh tế tại Đan Mạch, xu hướng trên không phải chuyện hiếm gặp, đặc biệt là trong thời buổi dịch bệnh khiến một bộ phận không nhỏ người yêu thích đồ hiệu phải thắt chặt chi tiêu như hiện nay.
Bendsten đang rao bán một chiếc túi tote của Rick Owens – vật phẩm được tặng miễn phí khi mua bất kỳ sản phẩm nào của thương hiệu, với giá 97 USD trên Grailed.
Anh nói rằng xu hướng trên bắt đầu với những chiếc móc áo in biểu tượng của Chanel. Kể từ đó, nhiều thứ liên quan đã được rao bán và ngày càng trở nên phổ biến.
Bendsten cho biết trên Grailed, móc khóa đi kèm với túi Dior, Louis Vuitton hay túi đựng trang phục của Carol Christian Poell hay nhãn dán của Supreme là những món đồ được chào bán nhiều nhất. Một số mặt hàng có thể được dùng hàng ngày như chiếc túi tote Rick Owens của anh trong khi nhãn dán hay móc treo không thực sự có nhiều công dụng.
Anh nói: "Điều mang lại giá trị cho những mặt hàng này trên thị trường đồ cũ là vì chúng gắn với các thương hiệu nổi tiếng. Không ít bạn trẻ không đủ tiền để mua hàng hiệu nhưng vẫn muốn khoe khoang đã tìm đến phương án ít tốn kém hơn là mua túi đựng hay vỏ hộp. Việc dùng túi tote Rick Owens hay chụp ảnh túi mua sắm của Chanel rồi đăng lên mạng xã hội sẽ tạo cảm giác bạn đã mua hàng của những nhãn hàng xa xỉ đó".
Stephanie C., một người bán trên Poshmark nói rằng nhu cầu mua sắm trên gia tăng một phần là do các KOL trên mạng xã hội. "Việc để những chiếc túi hay hộp đựng hàng hiệu làm nền khiến bức ảnh của họ trở nên hợp thời trang, ngay cả khi họ chưa từng mua sắm món đồ đó", cô cho biết.
Nguồn: Refinery29
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị