Tình yêu nảy nở trên tuyến đầu
Với hơn 200 bệnh nhân Covid-19, trong đó có không ít ca diễn tiến nặng phải thở máy, chạy ECMO, lực lượng y tế trực chiến tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang phải hoạt động vượt quá 100% công suất.
Vậy nhưng ở nơi "chiến trường" không tiếng súng này, vẫn còn đó tinh thần lạc quan và niềm vui bình dị của những người lính áo trắng.
Với bác sĩ Nguyễn Hải Yến, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, giai đoạn 2020 - 2021 có lẽ là khoảng thời gian đáng nhớ nhất từ khi chị bước chân vào ngành y. Không chỉ bởi những trận đánh với Covid-19, mà còn vì trong những ngày tháng đặc biệt này, chị đã bén duyên với "một nửa" của đời mình.
"Tôi và chồng có nhiều điểm chung. Cả hai cùng học ở Đại học Y, cùng học nội trú 3 năm tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, rồi cùng ở lại công tác tại nơi này. Khi dịch bệnh ập đến, chúng tôi cùng trực tiếp điều trị cho bệnh nhân Covid-19", bác sĩ Yến mở đầu câu chuyện về cuộc hôn nhân của mình.
Trên tuyến đầu, tình yêu của họ không nảy nở từ những lần hẹn hò, mà là từ những lời động viên sau mỗi ca trực căng như dây đàn. Để rồi đến ngày 1/5, hai bác sĩ đã về chung một nhà.
Làn sóng thứ tư của dịch ập đến, đôi vợ chồng son lại tạm gác hạnh phúc riêng để bước vào cuộc chiến mới với nhiều khó khăn, thử thách. Họ còn gọi vui chuyến đi lên tuyến đầu này là "tuần trăng mật khó quên".
"Chúng tôi không xa mà cũng chẳng gần. Hai vợ chồng làm việc có khi chỉ cách nhau vài bước chân, nhưng hầu như suốt thời gian qua chẳng thể gặp mặt vì tuân thủ nguyên tắc "khoa cách ly với khoa" để phòng chống lây nhiễm chéo", BS Yến bộc bạch.
"Tuần trăng mật" đặc biệt giữa sóng Covid-19
Những ngày đầu tháng 6 nắng như đổ lửa, khối lượng công việc quá lớn cùng với sự bí bách của bộ áo quần phòng hộ đã bào mòn nhanh chóng sức lực của các nhân viên y tế.
Bác sĩ Yến cho biết, đợt dịch thứ 4 này nguy hiểm hơn các đợt dịch trước. Số ca bệnh tăng mạnh, tỉ lệ lớn bệnh nhân có bệnh nền. Có những ngày bệnh nhân nặng nhập viện dồn dập vì bệnh viện còn "chia lửa" cho nhiều tỉnh thành tại miền Bắc đang là điểm nóng của dịch.
Kết thúc mỗi ca trực kéo dài nhiều giờ đồng hồ, hình ảnh chung của các y bác sĩ là ướt như tắm vì mồ hôi, trên gương mặt lại chằng chịt những vết hằn đỏ do khẩu trang để lại, còn tay chân, theo cách mô tả của bác sĩ Yến, như "đi mượn".
Nữ bác sĩ chia sẻ: "Ở đây chúng tôi quên mất khái niệm thời gian, ngày nghỉ cuối tuần lại là thứ gì đó rất xa xỉ, bởi toàn đội luôn phải trực chiến 24/24h, để phản ứng kịp thời khi bệnh nhân trở nặng. Nhiều đêm dù hết ca trực, chúng tôi vẫn thức trắng để hỗ trợ đồng nghiệp vòng trong khi có bệnh nhân suy hô hấp, mệt mỏi".
Với chị, khoảng thời gian bình yên và quý giá nhất giữa cuộc chiến, chính là những cuộc trò chuyện tranh thủ giữa giờ nghỉ qua điện thoại cùng chồng.
"Tôi may mắn hơn nhiều đồng nghiệp là có chồng cùng đứng trên một chiến tuyến. Do đó, cả hai đều có sự đồng cảm và thấu hiểu cho sự vất vả của nhau hơn. Cả một ngày dài đôi khi cũng chỉ trò chuyện với nhau được vài phút nhưng với chúng tôi lúc này như vậy đã là đủ", chị nói.
Hỏi về dự định của hai vợ chồng khi dịch bệnh qua đi, nữ bác sĩ cười nói: "Chúng tôi cũng hay bàn với nhau đầu tiên sẽ hoàn thành nghĩa vụ của "tân lang, tân nương" là về thăm bố mẹ hai bên. Tuy nhiên, ngày đó chắc vẫn còn khá xa".
"Trước mắt dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Chúng tôi chọn ngành truyền nhiễm, đây vừa là nghĩa vụ, trách nhiệm với Tổ quốc, vừa là đam mê với công việc. Cả hai luôn tự nhủ phải đặt nhiệm vụ chữa trị cho bệnh nhân lên hàng đầu, còn chuyện cá nhân tạm gác lại phía sau", bác sĩ Yến tiếp lời.
Minh Nhật