BTV Vân Hồng: Anh từng là du học sinh Nga, rồi sang Ba Lan làm việc, có sự nghiệp và gia đình ổn định ở nước ngoài. Lý do gì anh lại về nước và đi theo con đường khí công – có phải yếu tố sức khỏe khiến anh rẽ ngang bất ngờ?
Ông Trần Hoài Văn: Đối với sức khỏe thì không ai có thể nói trước được điều gì.
Khi cuộc sống của tôi đang vô cùng thuận lợi, kiếm ra được rất nhiều tiền thì bất ngờ bị đổ bệnh. Đúng là trời không cho ai tất cả, khi tôi có cuộc sống vật chất đầy đủ thì sức khỏe lại biến mất, trở thành một người gần như vô dụng, phải đối mặt với một tương lai không có lối thoát, có thể phải ngồi xe lăn cho đến hết đời.
Đó cũng là lý do tôi trở về Việt Nam và có cơ duyên đến với bộ môn khí công.
Thời đang ở đỉnh cao của sức khỏe và thành công trong công việc, kiếm tiền dễ trong giai đoạn được mệnh danh là "cơn mưa vàng ở Đông Âu". Sáng ngủ dậy mở mắt ra cái là trong túi đã có khoảng dăm trăm đô/ngày. Thời những năm 90 thì đó là một số tiền không nhỏ.
Đến năm 1995 thì tôi gặp rắc rối về sức khỏe: chân tay, các khớp đau mỏi, nhất là trong thời tiết lạnh buốt, tuyết rơi. Tôi được chẩn đoán mắc bệnh viêm đa khớp, sưng ở khắp mọi nơi trên cơ thể. Mới đầu tôi nghĩ rằng mình bị cước, cho rằng nó không phải vấn đề lớn. Sau đó đi viện thì được phát hiện bị viêm đa khớp. Thời tuổi trẻ có sức khỏe cực kỳ tốt và lại là người vận động nhiều nên nghĩ rằng bệnh này cũng thường thôi.
Đến khoảng 1 năm sau (1996) thì tình trạng bệnh trở nên nặng hơn, chỉ kéo dài sang năm tiếp theo đó (1997) thì bệnh trở nên tồi tệ, các khớp đều sưng hết lên. Thậm chí còn đau ở cả khớp hàm, đau cứng hàm không há mồm ra để ăn cơm được.
Thật khó tin khi triệu chứng bệnh ban đầu thì rất đơn giản, chỉ nóng nóng, sưng tấy, ngứa ngứa đôi chút nên tôi chủ quan. Vì mình mới chỉ hai mấy tuổi, rất coi thường bệnh tật. Sau 2 năm thì đau khủng khiếp không thể chịu được nữa nên mới quyết tâm đi chữa.
Lúc đó, vì mình cũng là người có tiền nên đã tìm đến những bác sĩ, giáo sư giỏi nhất ở Ba Lan để nhờ họ. Chỉ cần người có danh tiếng về bệnh đó, hết bao nhiêu tiền tôi cũng chữa đến cùng. Khi đi khám thì họ cho thử máu, kiểm tra bao nhiêu thứ, rồi cho thuốc về uống.
Theo thời gian, tôi nhận ra rằng trong loại thuốc mình uống có thành phần corticoid, nó được khuyến cáo là có thể có nguy cơ làm mềm xương, hỏng dạ dày, suy thận, suy gan, tùy vào từng người bệnh. Đó là một thông tin khủng khiếp, nhưng tôi vẫn chữa bệnh theo kiểu đó ròng rã cho đến khi 2004 (khoảng 7-8 năm).
Thời điểm đó, tôi gặp một giáo sư ngành xương khớp ở Vacsava, bà nói rằng, thôi bệnh này nếu chỉ chữa theo Tây y thì chưa ai khỏi cả, nó chỉ giúp bạn đỡ đau hơn thôi. Còn nói thật là sẽ không khỏi hẳn được, chỉ tốn thời gian và tiền bạc.
Khi tôi nghe đến đó, biết rằng bà ấy đã nói thật rồi, khuyên tôi nên uống thuốc lá, với ý rằng tôi là người phương Đông, nên thử tìm đến thuốc Nam, thuốc Bắc xem sao. Lời khuyên đó vừa làm cho tôi tuyệt vọng nhưng rồi cũng cho tôi hy vọng, giống như cho mình một lối thoát, tôi như tìm thấy chiếc phao cứu sinh, nhìn thấy đường sống.
BTV Vân Hồng: Vậy là anh đã chọn việc bỏ lại tất cả những "danh tiếng và tiền bạc" ở trời Âu để trở về Việt Nam chữa bệnh?
Ông Trần Hoài Văn: Trong cuộc đời mình, đôi khi chỉ cần một lời khuyên đó mà khiến tôi hoàn toàn thay đổi. Bà ấy nói rằng, với tư cách là một giáo sư, tiến sĩ y học Tây học, bệnh này không chữa khỏi, càng chữa càng hại dạ dày và gan.
Tôi trao đổi lại với bà ấy rằng liệu có cách nào nữa không vì tôi đã ở đây (Ba Lan) ổn định cuộc sống, vợ con đều đã quen với cuộc sống ở đây rồi nên nếu trở về VN sẽ rất khó khăn. Nhưng bà ấy nói mình phải tự chọn.
Khi đó, mặc dù vợ chồng tôi người Việt nhưng do sống ở nước ngoài nên 3 đứa con tôi không thực sự nói tốt tiếng Việt, nếu về nước sẽ rất khó khăn. Vợ con cũng quen với cuộc sống sung túc ở bên đó rồi. Thế nhưng, thu nhập dù cao, cuộc sống có tiền nhưng mình có bệnh mà nằm ra đó mãi cũng không ổn.
Tôi thuyết phục vợ con trở về nước với hy vọng có thể chữa được bệnh bằng Đông y. Mặc dù đã quen với cuộc sống ở bên đó, nhưng khi hiểu rằng đây là cơ hội cuối cùng để tôi có thể chữa bệnh, vợ tôi và các con đã đồng ý hồi hương.
Về nước, tôi lao vào tìm cách chữa bệnh. Vì đã phải bỏ ra hơn ba chục ngàn đô la (số tiền thời đó có thể mua được một ngôi nhà trong ngõ) để chữa theo tây y mà không khỏi, nên tôi chuyên tâm vào điều trị theo hướng đông y.
Tôi đi gặp các vị danh tiếng nhất, thầy thuốc giỏi trong nam ngoài bắc để cắt thuốc. Cả cái ngõ tôi ở nói vui rằng, cái ông này từ hồi về nước đã biến khu này thành phố Lãn Ông vì đun thuốc có mùi suốt ngày. Sau 2 năm uống thuốc, bã thuốc bắc đổ ra chắc phải bằng cả một chiếc xe chở rác, nhưng bệnh không khỏi.
Khi đã tìm hết các cửa để chạy chữa, cả từ thầy thuốc có học hàm học vị đến những ông lang vườn, thuốc dân tộc nhưng không khỏi. Chân tay vẫn sưng tấy các khớp, muốn đi đâu đều phải uống thuốc giảm đau. Đi khám tổng thể thì bác sĩ nói dạ dày loét, thận yếu, gan có vấn đề.
Đến một hôm, có người nói, hay là đi học khí công đi. Vậy là tôi lại bắt đầu tìm hiểu những người giỏi nhất xem họ ở đâu để đến tìm thầy chữa bệnh. Tôi cũng đã học với một số vị thầy. Mặc dù các thầy rất giỏi, nhưng bệnh tôi vẫn không khỏi…
Thật tình cờ, năm 2007, khi tôi đang đi ra ngoài, dáng đi "chấm phẩy" vì chân đau thì không may quẹt vào một người làm họ rơi ca-tap xuống đất. Thật có duyên, đó chính là sư phụ của tôi sau này.
BTV Vân Hồng: Có bệnh thì phải "vái" tứ phương. Khi cánh cửa này đóng lại thì có vẻ như lại có cánh cửa khác mở ra với anh?
Ông Trần Hoài Văn: Ngay khi tôi nhặt cặp đưa lên và xin lỗi thì ông bắt chuyện, bảo rằng "Trong người cậu có bệnh". Ông nói thêm nhiều thứ tôi thấy đúng quá nên mừng rỡ thầm nhủ: Cao nhân mình cần tìm đây rồi.
Trong thời gian sư phụ từ Ấn Độ về nước (ông đã có thời gian dài sinh sống và tu tập ở một số bang miền đông bắc Ấn Độ, nằm trên dãy Himalaya) tôi đã xin được thầy dạy cho một số bài khí công. Thầy bảo tôi về nhà tự tập xem có cải thiện bệnh tình hay không. Nếu tập khoảng 100 ngày mà thấy đỡ thì tức là có duyên, không đỡ có nghĩa là "vô duyên".
Ông bảo: "Nếu không chuyển biến gì thì nên tìm cái khác mà học, đừng mất nhiều thời gian, vì cuộc đời là hữu hạn, ngắn lắm".
Tôi tập đều được khoảng hơn 1 tháng thì thấy bệnh giảm đi. Ngày trước thì rất đau nhưng tập xong thì đỡ hơn, mặc dù biết là chưa khỏi được ngay. Cả cường độ và tần suất cơn đau đều giảm. Sau khoảng 100 ngày Sư Phụ gọi điện. Tôi vui mừng báo kết quả khả quan. Ông bảo rằng "vậy là có duyên đấy! Hãy tiếp tục tập".
Mỗi năm sư phụ từ Ấn Độ về nước khoảng 3-4 lần thì tôi đều được thầy dành thời gian chỉ dạy thêm nhiều bài khác, nâng cấp bài mới.
Vốn từ bé là dân tập luyện nên tôi tập rất chăm. Sư phụ tôi nói, "Con cứ tập đi, tùy theo sức của mình mà tập". Tôi thì rảnh, đau vậy nên cũng ở nhà không làm gì, nhưng cái chân đi còn không được thì đâu có tập được nhiều, chỉ 10-15 phút, sau đó kéo dài 30 phút rồi cả 1 tiếng mà không đau. Chỉ biết cố gắng trong khả năng. May là chỉ sau khoảng 1 năm tập luyện như vậy thì bệnh đỡ dần và khỏi hẳn, trở thành người bình thường.
Năm 2008 tôi chính thức khỏi bệnh. Đi làm mà không phải lê đôi chân "chấm phảy" cà nhắc nữa. Cũng năm đó, tôi thi đỗ kì thi công chức của Đài THVN, làm việc với chức danh biên tập viên.
Đến 2010 thì Sư Phụ khuyến khích tôi bắt đầu hướng dẫn thiện nguyện (mà ông vẫn gọi là đi dạy "công quả") các bài khí công cho mọi người; Giống như một cách trả ơn đời vì nhờ môn phái mà mình đã khỏi bệnh. Đến 2013 thì Sư Phụ nói rằng tôi nên mở lớp dạy đi vì sắp mất việc rồi. Tôi thoáng không tin lời thầy nói, vì công việc ở VTV đang trên đà đi lên, nhưng lần nào thầy nói gì tôi cũng thấy đúng.
Quả nhiên sau đó, tôi vừa đi làm vừa đi dạy, rất bất tiện, vì học trò ở nhiều nơi đến, thậm chí từ Sài Gòn ra, từ nước ngoài về, nên không thể vì mình bận đi công tác mà để học viên chờ được. Khi bắt buộc phải chọn giữa công việc ở Đài và Khí công, tôi đã xin nghỉ việc, chọn khí công vì tình yêu và sự biết ơn quá lớn.
BTV Vân Hồng: Khi dịch Covid-19 bùng phát, chúng ta phải ở nhà trong thời gian dài, tôi thấy nhiều người post facebook khoe thành quả nhờ chăm chỉ tập khí công mấy tháng mà khỏe lên bất ngờ. Đó là lý do tôi tìm gặp anh, môn này có gì đặc biệt?
Ông Trần Hoài Văn: Khí công Himalaya là môn tập luyện dưỡng sinh rất tốt cho sức khỏe, đã được Liên hiệp các hội Unesco Việt Nam công nhận và kết nạp trở thành thành viên vào năm 2016.
Khí công là công phu tập luyện về hơi thở, tập khí công là tập cách thở sao cho đúng và làm chủ được hơi thở của mình. Khí công Himalaya là sự giao thoa giữa khí công – Yoga Tây Tạng, Ấn Độ và cả khí công Trung Hoa.
Do đó, Khí công Himalaya đặc biệt hơn các môn dưỡng sinh khác ở chỗ: Có hệ thống bài tập rất phong phú, logic, khoa học nhưng lại giản dị, dễ tập, an toàn và mang lại hiệu quả rất cao trong thời gian ngắn.
Môn này không giống như khí công võ thuật, không cho con người ta có những công năng đặc dị để làm những điều khác thường, mà chỉ giúp cho bạn sống đúng nghĩa là một người bình thường.
Khí công Himalaya giúp thông khí huyết, cân bằng âm dương, làm mạnh lục phủ ngũ tạng, đem đến cho người tập một cơ thể khoẻ mạnh và trí óc minh mẫn.
Với các tư thế, động tác vô cùng phong phú nhưng lại giản dị, dễ tập, toàn bộ cơ thể (bao gồm cả các cơ quan bên trong) được mát-xa, được cung cấp đầy đủ dưỡng khí, trong đó có các tuyến quan trọng đối với sức khỏe như: Tuyến yên, tuyến giáp, tuyến thượng thận, tuyến tuỵ và cả những bộ phận liên quan đến khoái cảm tình dục…
Thông qua tập luyện, cơ thể được phục hồi năng lượng và làm chậm lại quá trình lão hoá, cải thiện chức năng sinh lý.
Khí công Himalaya giúp người tập lấy lại vóc dáng thon thả một cách khoa học và ít tác dụng phụ. Các bài tập cũng giúp mọi người có một giấc ngủ sâu, vực dậy tinh thần vui khoẻ, mang lại độ săn chắc và sức sống cho da, kích thích tuyến bã nhờn nằm dưới da chiết xuất dầu tự nhiên, gia tăng tuần hoàn máu, giữ một làn da tươi trẻ.
Bởi vậy, không ít những người tìm đến với Khí công Himalaya vốn là "đầu ra" của các bệnh viện, nhưng khi đã chuyên tâm tập luyện, đều được cải thiện về sức khỏe và tìm thấy sự bình yên trong những tháng năm gắn bó cùng môn phái.
BTV Vân Hồng: Đối với những người bình thường, nên tập khí công bao lâu thì có hiệu quả, cơ thể thay đổi ra sao, thưa anh?
Ông Trần Hoài Văn: Hiện tại, vì đam mê và thói quen nên mỗi ngày tôi tập khoảng 2 tiếng trở lên. Còn thực ra bình thường thì chỉ cần tập 45 phút - 1 tiếng là đủ. Ai mà tập trọn vẹn một buổi tôi dạy duy trì khoảng 90 phút thì người đó có một nền tảng thể lực rất tốt!
Về thời lượng tập khí công, các bậc thầy thường khuyên rằng, nếu mỗi ngày mình dành ra tổng bao nhiêu thời gian để ăn uống thì mình cũng nên dành ra từng đó thời gian để vận động, tập thể dục. Trừ những người muốn giảm cân, nhịn ăn thì không tính.
Như vậy thông thường mỗi ngày chúng ta ăn ba bữa hết khoảng 1 tiếng thì sẽ tập khoảng 1 tiếng. Tập luyện chính là 1 cách ăn, không phải ăn bằng miệng, mà ăn sang trọng hơn, sạch sẽ hơn, chính là ăn năng lượng. Khi mình ăn qua đường miệng, cơ thể phải tiêu hóa, chuyển hóa thức ăn thành chất dinh dưỡng để nuôi sống các tế bào.
Nhưng không phải ai cũng có thể có sức khỏe để ăn uống và tiêu hóa theo quy trình đó. Có những người ăn kém, ăn không ngon miệng, ăn vào không tiêu hóa được, từ đó gây ra rất nhiều bệnh. Do vậy, nếu chúng ta tập luyện được, sẽ làm cho lục phủ ngũ tạng khỏe lên. Tất cả hệ tiêu hóa, tuần hoàn, bài tiết, hô hấp… đều khỏe mạnh lên.
Nói như vậy không có nghĩa là người tập luyện khí công không cần ăn uống như người bình thường. Vẫn phải ăn uống mới có đủ dưỡng chất. Còn "ăn năng lượng" nghĩa là thúc đẩy tốt quá trình trao đổi năng lượng giữa cơ thể và năng lượng vũ trụ ở bên ngoài. Ngoài ra, nếu hàng ngày chúng ta tập luyện được trong vòng 1 tiếng thì khí huyết thông suốt, âm dương cân bằng, các cơ quan trong cơ thể sẽ được nâng cấp, hoạt động tốt hơn, mạnh mẽ, dẻo dai hơn. Tập luyện xong thì sẽ ăn ngon hơn, ngủ ngon hơn, làm việc cũng hiệu quả hơn. Tập luyện sẽ giúp chúng ta khỏe một cách toàn diện.
Khí công bản chất là cách tập về hơi thở, mà hơi thở sẽ giúp cơ thể chúng ta vận hành, cung cấp thêm ôxy. Hơi thở gắn liền với không khí, dưỡng khí.
Mặc dù hít thở là việc chúng ta thực hiện hàng ngày, nhưng khi thở có ý thức với các bài tập khí công, chúng ta có thể lấy được ôxy ở mức dồi dào nhất, bên cạnh đó cơ thể tống ra hết chất thải, thán khí ra ngoài. Tạo ra sự cân bằng trong cơ thể.
Khi ôxy vào cơ thể một cách dồi dào tới từng các tế bào, môi trường giàu ôxy sẽ tốt cho các tế bào khỏe mạnh phát triển. Ôxy chính là sự sống. Một môi trường dồi dào ôxy thì tốt cho tế bào khỏe mạnh, là khắc tinh của tế bào xấu, tế bào ung thư.
Ngược lại, một môi trường thiếu ôxy, thiếu dưỡng khí, lại chính là khắc tinh của tế bào khỏe mạnh, là môi trường tốt cho các tế bào xấu hoạt động. Khi cơ thể được cung cấp ôxy dồi dào thì sẽ khỏe mạnh lên, giảm lão hóa, đồng nghĩa với việc trẻ lâu hơn.
Tôi bây giờ có cảm giác mình còn khỏe hơn thanh niên, nhờ vào việc tập luyện đó. Khi tôi đi dạy được một thời gian thì sư phụ giao cho tôi quyền chưởng môn, đứng đầu môn phái Khí công Himalaya ở Việt Nam. Trong những năm qua, tôi có khoảng hơn 1 vạn học trò theo tập môn này, đào tạo trực tiếp.
BTV Vân Hồng: Chúng ta vẫn hay nghe câu "Nhất thanh nhì sắc" hoặc "Vượng khí". Hai khái niệm này có liên gì tới khí công không?
Ông Trần Hoài Văn: Đương nhiên là có liên quan tới khí công, nhưng chính xác hơn là liên quan tới sức khỏe con người. Sở dĩ ông bà mình từ ngày xưa đã có câu: "Nhất thanh, nhì sắc" là bởi: Trước khi nhìn thấy (sắc diện) một ai đó, chỉ cân nghe âm thanh/tiếng nói của họ sẽ có thể đoán biết được tình trạng sức khỏe của họ như thế nào. Nếu nghe người nào nói lý nhí, thều thào thì không thể gọi là khỏe. Còn nếu mình nghe thấy một người có âm lực vang, to, rõ, dồi dào, mạnh mẽ thì gần như chắc chắn đó là người có thể lực rất tốt.
Qua âm thanh/giọng nói cũng có thể nhận biết tốt/xấu về tính cách của con người. Nghe tiếng nói của người ta cũng có thể phân biệt được loại người đểu giả, cương trực, nóng nảy, mềm mại…
Bản thân tôi, từ ngày tập khí công, giọng nói khỏe hơn, hơi dài hơn. Đặc biệt là những bài tập liên quan tới trung tâm năng lượng vùng họng giúp cho mình có giọng hát "đỡ chán đời" hơn để có thể nghêu ngao thỏa cái thú đàn ca sáo nhị... Nhưng tất nhiên chỉ là so với chính mình thôi, chứ không thể so với dân được học hành bài bản, chuyên nghiệp.
Còn nói về phần "nhì sắc", thì cũng các cụ nhà mình có câu: "Trông mặt mà bắt hình dong/Con lợn có béo cỗ lòng mới ngon" với hàm ý: Nhiều khi chỉ cần nhìn bên ngoài, hiểu được bên trong. Không chỉ về tính cách, tư cách, đạo đức mà còn về sức khỏe.
Thậm chí, đối với những người có kinh nghiệm về đông y, khí công và một số phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc, thì nhìn sắc mặt có thể nhận biết người đó bị bệnh ở bộ phận nào, nặng hay nhẹ… Bởi khuôn mặt con người phản ánh, phản chiếu tình trạng của các cơ quan lục phủ ngũ tạng bên trong. Vùng nào sáng, vùng nào tối trên mặt cho biết thông tin của những tạng phủ tương ứng…
Với khái niệm "Vượng khí" thì lại càng gắn bó với khí công. Thường trong giao tiếp, người Việt chúng ta vẫn hay nói "Dạo này trông anh/chị vượng khí nhỉ?". Điều này có nghĩa là từ khuôn mặt, sắc diện người đó toát lên vẻ khỏa mạnh, tự tin, tràn đầy sinh lực.
"Vượng khí" nhiều khi còn đồng nghĩa với việc ngoài sức khỏe tốt, thì công việc làm ăn cũng thuận lợi. Có thể nói, qua sự cảm nhận về khí sắc có thể nói lên được khá nhiều điều về người đối diện. Kể cả trước đó mình chưa biết họ là ai? Đây cũng là một lợi thế của khí công khi có thể cảm nhận được năng lượng (khí cảm) của người khác.
BTV Vân Hồng: Trên mạng có những clip chia sẻ của người tập khí công về việc họ đã khỏi hoặc giảm nhẹ những căn bệnh nan y một cách thần kỳ. Phải tập đến thế nào mới có kết quả như vậy?
Ông Trần Hoài Văn: Tôi đã lập một nhóm kín trên mạng và có khoảng hơn 13 ngàn thành viên là học viên đang tập khí công. Trong số họ có rất nhiều người từng có bệnh hoặc đang điều trị bệnh hiểm nghèo, bị bệnh viện trả về và họ coi khí công như một cơ hội cuối để cứu vớt cuộc đời.
Trong nhóm FB đó có rất nhiều ví dụ người thật việc thật về quá trình họ đến với khí công, tập luyện và hồi phục như thế nào, điều này thì những người tập đều cảm nhận được rất rõ tác dụng của việc tập luyện.
Có nhiều người bị bệnh ung thư, tất nhiên đều phải đến gặp bác sĩ. Nhưng khi không chữa được, họ đến với khí công với tâm thế "còn nước còn tát", trong tình trạng sức khỏe dặt dẹo, ốm yếu, bệnh tật, tóc tai hay lông mày lông mi đều đã rụng hết.
Tôi rất mừng vì tỉ lệ học viên bị bệnh đến với tôi xong thì kết quả mang lại vô cùng khả quan. Bệnh tật là cơn hỏa hoạn, hãy coi việc tập luyện như là bình cứu hỏa. Chúng ta biết rằng, chỉ có thể cứu hỏa được khi ngọn lửa còn nhỏ, mới cháy, còn khi đã bùng phát cao độ thì không còn cách nào khác ngoài sự đổ sập và bị thiêu rụi.
Trong Câu lạc bộ khí công Himalaya, lượng học viên bị ung thư khá đông. Có nhiều người đã tập khoảng 5-6 năm, và bệnh tình đã thuyên giảm. Mỗi lần đi khám bệnh định kì, các chỉ số xét nghiệm đều có những biến chuyển rất tích cực.
Những người mà không bị bệnh, họ gần như không đến với khí công. Nên đa số những người tìm đến gặp tôi thì ít nhiều trong người đều có bệnh. Mặc dù trên đời này, không có ai là không có bệnh, chỉ là chưa biết là mình có bệnh mà thôi.
Người nhẹ nhất thì cũng hoa mắt chóng mặt, tiền đình, đau vai gáy cổ. Năng hơn chút thì bắt đầu thoái hóa, thoát vị đĩa đệm. Nặng chút nữa thì chèn lên dây thần kinh, không nhấc được tay, không đi được, thậm chí không ngồi được mà ăn bữa cơm cho tử tế… Nhưng nhiều người trong số họ sau một thời gian tập luyện đã sinh hoạt trở lại bình thường, thậm chí quay trở lại với bộ môn khiêu vũ yêu thích…
Đó là các bệnh về xương khớp, ngoài ra, còn nhiều vấn đề khác liên quan tới tim, gan, thận, phổi, đại tràng… và những bệnh nan y, ung thư các kiểu… Nếu nói khí công Himalaya chữa được bách bệnh thì là lộng ngôn, vì trên đời này không có loại thuốc tiên nào như vậy cả. Nhưng kiểu gì khi tập luyện đúng phương pháp, thì sức khỏe cũng sẽ tăng lên. Mà sức khỏe tăng lên thì bệnh tật phải giảm. Bởi sức khỏe và bệnh tật là hai đại lượng luôn tỉ lệ nghịch với nhau! Do đó, tôi tự tin mà nói, sau khi tập luyện, sức khỏe tốt lên, thì bệnh tình sẽ thuyên giảm.
Nên việc điều trị cái gốc của bệnh quan trọng hơn rất nhiều thay vì chỉ đi chữa phần ngọn. Vì thế, tập các bài tập khí công tổng thể có tác dụng quan trọng lên sức khỏe. Chỉ những người có bệnh mới tập các bài khí công chuyên biệt cho căn bệnh đó.
Có những người hiếm muộn, khi tập khí công xong cũng đã có con, đó là những ví dụ có thật.
BTV Vân Hồng: Là một người khỏe mạnh, rồi vì coi nhẹ sức khỏe nên đã đánh mất nó, anh phải dành thời gian và tiền của để làm lại từ đầu. Nhìn rộng ra, anh có thấy nhiều đàn ông hiện cũng đang đi theo vết xe đổ của mình?
Ông Trần Hoài Văn: Tôi trả lời câu này một cách trung thực nhất bởi tôi chính là một trong số họ. Tôi thấy rằng đàn ông Việt bên cạnh một số đức tính tốt, thì có không ít tính xấu. Một trong số những tính xấu phổ biến mà chúng tôi hay nói vui là "ngu", đó là: Không có nhiều sự hiểu biết, quan tâm chăm sóc sức khỏe, thậm chí còn tàn phá cơ thể. Vâng, rất thiếu hiểu biết về mặt tự chăm sóc sức khỏe cho bản thân mình.
Chế độ ăn uống, dinh dưỡng không hợp lý, ăn nhậu tràn lan. Đi làm ngày nào đi nhậu ngày đó, quá nhiều bia rượu, ăn uống không đâu vào đâu.
Ý thức tập luyện, giữ gìn sức khỏe của đàn ông Việt rất kém, thua xa đàn ông nước ngoài, nên kết quả là nhiều người bị "hỏng" thật sự. Sức khỏe sa sút, xập xệ. Nhiều người mới chỉ 30 -40 tuổi đã bị bệnh mãn tính, mỡ máu, tiểu đường, đau viêm ở các cơ quan nội tạng…
Đây là nguy cơ rất lớn của đàn ông hiện tại. Chưa kể, nhiều người còn có tính vũ phu, đánh chửi vợ con. Tất nhiên, đàn ông trên thế giới có nhiều nơi cũng đắm chìm trong ma men, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta cũng phải giống họ. "Nam vô tửu, kỳ vô phong". Làm thằng đàn ông cũng phải có cốc bia chén rượu… Nhưng cái gì cũng cần có mức độ, có điểm dừng.
Đối với công việc làm ăn cũng vậy. Làm gì thì làm, dù có say mê đến mấy, kể cả kiếm được rất nhiều tiền, thì vẫn phải dành chút thời gian để quan tâm đến sức khỏe. Bởi có rất nhiều người kiếm được cả đống tiền, nhưng lại không còn cơ hội để tiêu những đồng tiền đó, để hưởng thụ thành quả lao động của mình trước khi bị mất sức và chết đi. Chúng ta, những người đàn ông Việt nếu không biết cách chăm sóc sức khỏe, chỉ hùng hục kiếm tiền, nhậu nhẹt vô độ… Thì không cẩn thận chỗ tiền kiếm được chỉ để mua một cái thứ rất đắt có tên gọi GIƯỜNG BỆNH!
Cho nên từ những kinh nghiệm đau đớn của bản thân, tôi thấy rằng: cần dành thời gian để chăm sóc sức khỏe. Chú ý đến chế độ dinh dưỡng, ăn uống, làm việc nghỉ ngơi hợp lý, tập luyện đúng cách.
Con người ta muốn khỏe mạnh, trước hết phải có chế độ dinh dưỡng khoa học. Nhiều khi bệnh tật là do những thứ ăn vào miệng (bệnh từ miệng vào). Chỉ cần biết rằng bạn ăn như thế nào thì sẽ biết bạn có khả năng mắc những bệnh gì trong tương lai. Bạn nạp những chất gì thì cơ thể sẽ nhận cái đó.
Sau ăn uống thì phải đến chế độ làm việc, nghỉ ngơi hợp lý. Nếu làm việc quá mức thì không thể khỏe mạnh được về lâu dài, thậm chí còn dẫn đến lao lực, kiệt sức...
Thứ nữa mới là đến luyện tập. Mà đây chỉ là một phương tiện hỗ trợ. Làm việc, lao động, nghỉ ngơi hợp lý rồi thêm tập luyện nữa để khỏe mạnh.
Còn đối với những người đã có bệnh, thì ngoài chuyện dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lí, tập luyện có thể giúp mình vực dậy được nhanh hơn so với không tập.
BTV Vân Hồng: Giả sử tôi đang tập một môn thể thao khác, anh có thể thuyết phục để tôi chuyển sang tập khí công?
Ông Trần Hoài Văn: Tôi sẽ không bao giờ thuyết phục ai tập khí công cả.
Có nhiều học viên từng hỏi tôi rằng, họ đã tập yoga 5-6 năm rồi, giờ muốn tập khí công thì môn nào tốt hơn? Tôi phải nói ngay rằng, để rèn luyện sức khỏe thì tập môn nào cũng tốt (trừ những thứ tà đạo, tà giáo). Quan trọng là bạn phù hợp với môn nào, tập với ai và mục đích mà bạn cần khi tham gia theo đuổi nó.
Sở dĩ nói đến yếu tố "Học với ai và học như thế nào", vì bản thân Yoga là một môn kỳ diệu, tuyệt vời, nhưng rất tiếc, những người đi dạy yoga hiện nay không phải ai cũng nắm được cái "hồn cốt" của yoga, có khi họ chỉ dạy được phần "xác" của môn này bằng những động tác asana thông thường. Trong khí công cũng vậy. Người thầy có kinh nghiệm sẽ giúp bạn chóng đạt được kết quả hơn là những người bản thân tập còn chưa ra gì đã tự xưng "thầy cô" để đi dạy người khác…
Nếu bạn tập yoga với thầy giỏi, thì bạn cứ nên tiếp tục tập. Thời gian của đời người là hữu hạn, không cần phải đứng núi nọ lên núi kia. Tôi nhìn yoga với một sự kính trọng lớn, nhưng các bậc chân sư thường không nhiều. Nếu bạn đang tập mà thấy tốt lên thì tiếp tục tập, còn tập vài ba năm mà không nhìn thấy tác dụng, hoặc tác dụng quá ít, thì đó cũng chính là câu trả lời.
Tóm lại là tập môn nào cũng tốt cả, quan trọng là tập với ai, tập như thế nào, cảm nhận sức khỏe ra sao sau khi tập. Những thay đổi về sức khỏe của người tập sẽ là câu trả lời chính xác nhất, thuyết phục nhất chứ không nên hứa hẹn, phóng đại điều gì. Ví dụ, có nhiều người bị ung thư, câu đầu tiên hỏi tôi là "Có bài khí công nào chữa bệnh ung thư (đại tràng, vú, buồng trứng…) được không?
Tôi luôn trả lời họ rằng: Khí công không phải là thuốc tây y theo kiểu đau đâu chữa nấy, bệnh gì uống nấy… Hãy cứ tập luyện cho sức khỏe tốt lên, cụ thể là thông khí huyết, cân bằng âm dương, làm mạnh lục phủ ngũ tạng thì bệnh tật sẽ đỡ đi.
Tôi đã nói những điều đó với học viên một cách rất thật. Bởi vì khí công thì có từ rất xa xưa từ mấy nghìn năm rồi, hồi đó bệnh ung thư còn chưa được biết đến, chưa được đặt tên, thì làm sao mà có thể chữa được. Khi chưa biết bệnh ung thư thì không thể sáng tạo ra một bài tập chữa ung thư được. Đó là nói phét.
Và sự thật nó cũng chỉ giản dị như vậy. "Thông thì bất thống, thống là bất thông". Khí cơ thể thông thì sẽ ít đau bệnh. Khi tập khí công, mọi kinh lạc đều được tác động, được cân bằng âm dương, khí huyết thông suốt, không quá nóng hay quá lạnh, thì tự nhiên cơ thể khỏe lên thôi.
Quay trở lại một điều được coi là chân lí mà tôi đã nói phần trên: sức khỏe và bệnh tật là hai thứ đối trọng nhau, là đại lượng tỉ lệ nghịch với nhau. Sức khỏe mà càng nhiều thì bệnh tật càng ít và ngược lại. Khi tập đều đặn, cơ thể khỏe lên thì bệnh tật sẽ giảm đi. Ăn ngon, ngủ ngon, tiêu hóa tốt, đào thải tốt thì khỏe lên, bệnh giảm dần.
Tự nhiên ban cho con người và vạn vật có một cơ chế rất tuyệt vời đó là khả năng tự hồi phục và tự chữa lành. Nhưng càng về sau, cuộc sống càng đầy đủ, sung túc thì con người càng trở nên lười nhác, bị đánh mất khả năng trời cho đó dần đi. Trong khi con vật ở những nơi hoang dã, thì nó có khả năng thích ứng với tự nhiên rất cao. Khả năng thích ứng với tự nhiên càng cao, khả năng tự chữa lành càng tốt.
Cũng trong loài vật, khi con vật đó ở cùng với con người thì dần dần nó sẽ kém thích nghi hơn. Và cuối cùng cũng bị mất khả năng tự hồi phục, tự chữa lành. Hơi tí là bác sĩ thú y…
Đối với con người cũng vậy. Muốn khỏe mạnh, ngoài chuyện ăn uống, nghỉ ngơi khoa học, hợp lí, phải chịu khó tập luyện và được tập những bài tập tốt. Tôi đã chứng kiến nhiều người bệnh khi đến với khí công Himalaya ở trong tình trạng có thể nó là tuyệt vọng. Nhưng nhờ phối hợp tốt các yếu tố chữa bệnh, dinh dưỡng, nghỉ ngơi, tập luyện, họ đã hồi sinh.
Tôi gọi đó là sự kỳ diệu.
Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này.
Vân Hồng
Đỗ Linh
Riverside
Trí thức trẻ