Bí quyết trường thọ cùa người Nhật: Để những ngày cuối đời vẫn 'ngát hương'

12/10/2018 08:00
Bí quyết trường thọ cùa người Nhật: Để những ngày cuối đời vẫn 'ngát hương'

Trong một ngôi nhà chăm sóc cuối đời ở thành phố Hirazuka thuộc Nhật Bản, những bức tranh đã gieo cho mỗi bệnh nhân một niềm hy vọng sống lớn lao với mong mỏi được ngắm những chiếc lá đỏ mùa thu, hoa anh đào nở rộ thêm lần nữa trong đời.

Khi bên ngoài trời vừa chớm xuân, trong nhà đã có những tranh phong cảnh thực vật xanh um, khi thu vừa đến, tranh cây phủ tuyết trắng được treo dọc hành lang, hay mùa đông vừa chạm ngõ, tranh hoa anh đào đã phủ kín các bức tường Những bức tranh đã gieo cho mỗi bệnh nhân một niềm hy vọng sống lớn lao với mong mỏi được ngắm những chiếc lá đỏ mùa thu, hoa anh đào nở rộ thêm lần nữa trong đời.

“Con người cần phải được hỗ trợ bằng hy vọng sống cho đến khoảnh khắc cuối cùng” – những dòng chữ viết năm 90 tuổi của bác sĩ người Nhật Hinohara không phải để yêu cầu y học hiểu tầm quan trọng của sự sống mà thay vào đó là để nhắc nhở bất cứ ai, dù là bác sĩ, người bệnh hay thân nhân, rằng hy vọng sống là điều duy nhất có thể chữa lành cả thể xác lẫn tâm hồn cho con người.

Lần giở theo từng trang trong cuốn sách Bí quyết trường thọ của người Nhật do bác sĩ Hinohara viết là một cảm giác bình yên, thanh thản đến lạ. Lạ bởi với hơn 60 năm trong nghề y, tình yêu văn chương thời trẻ của ông vẫn còn nguyên vẹn để cuốn sách được viết nên như một lời động viên dành cho người bệnh và cho những bác sĩ trẻ.

Có lẽ, không ít người đọc sẽ mong mỏi bác sĩ Hinohara chỉ ra các phương pháp chăm sóc sức khỏe tiến bộ, chế độ ăn dinh dưỡng hay những bài tập dẻo dai để có thể kéo dài cuộc sống đến hơn 70, 80 tuổi như nhan đề Bí quyết trường thọ của người Nhật. Gần 200 trang của cuốn sách lại kể với người đọc một câu chuyện hoàn toàn khác, về ông lão Hinohara đã chứng kiến 4.000 bệnh nhân giã từ cuộc sống, muốn nói với người đọc ý nghĩa của sống hạnh phúc, sống sôi nổi và chết không nuối tiếc.

“Lâm bệnh, gặp sự cố, tai nạn nhưng nếu ta biết đón nhận hiện thực đó thì xem như đã có được phân nửa hy vọng. Biết mình là bước đầu để nắm trọn hy vọng. Chúng ta không sống bằng khát vọng mà sống trong hy vọng, bởi vì ở đâu có hy vọng, ở đó có hạnh phúc. Chuyện cũng giống như sự tĩnh lặng trong lòng một người luôn tin rằng dù bây giờ cơn dông tố đang hoành hành, nhưng khi nó qua đi thì sau lớp mây đen dày che phủ kia là bầu trời xanh.”

Trong những lời tâm sự của bác sĩ Hinohara, ông cho rằng cái chết rồi sẽ đến với tất cả chúng ta theo một lẽ nào đó, vì già yếu hay bởi cơn bạo bệnh, như một chiếc lá dần héo úa. Ông nhắc lại nhiều lần cụm từ nổi tiếng mình đã từng khởi xướng “bệnh do thói quen sinh hoạt” với ý muốn hướng những người trẻ đến việc cải thiện chế độ sinh hoạt. Thế nhưng, kể cả khi có một cuộc sống lành mạnh, con người cũng phải đối mặt với bạo bệnh.

Phần lớn cuốn sách Bí quyết trường thọ của người Nhật được bác sĩ Hinohara dành tâm huyết để chuẩn bị cho người đọc sự an lạc trong tinh thần để bước vào giây phút cuối. Nhiều người bệnh của ông đã thay đổi cuộc đời, rẽ sang một hướng khác trong những năm tháng cuối cùng. Từ một doanh nhân trở thành một họa sĩ tài danh, một người vượt qua bệnh tật để được trở về với phím đàn. Hàng ngàn cụ ông, cụ bà trong tổ chức “Người già thời đại mới” do ông sáng lập hoạt động sôi nổi trong phong trào tình nguyện mỗi ngày để trao truyền văn hóa cho thế hệ trẻ.

Vươn ra khỏi những chia sẻ thân tình giữa một chuyên gia y khoa với người bệnh, Bí quyết trường thọ của người Nhật còn là lời tâm sự của tác giả Hinohara với các bác sĩ trẻ. “Bác sĩ không được quên rằng trước mặt mình không phải là những bộ phận nhiễm bệnh mà là người mắc bệnh. Phải luôn ghi nhớ rằng người bệnh trước mặt mình là người quan trọng không thể thiếu trong đời.” – Ông nhắn nhủ.

Cuốn sách của Hinohara là một cuộc đối thoại gần gũi, phá vỡ một khoảng cách được bao trùm trong im lặng nhiều năm qua bởi sự xa cách, thiếu thông cảm của các vị bác sĩ và nỗi sợ hãi bệnh tật vô hình của bệnh nhân. Bác sĩ Hinohara cho rằng chỉ có sự thấu hiểu, tin cậy mới giúp người bệnh và bác sĩ “thoát khỏi vị trí đối mặt, trở thành một đội để đưa ngành y tế phát triển”.

Trong những phút lâm chung của người bệnh, bác sĩ Hinohara đã mở những bản nhạc đã gắn với cuộc đời họ như một sự an ủi, bản thân ông cũng yêu cầu bản Requiem của Gabriel Urbain Fauré khi bước vào ga cuối cuộc đời.

Cuộc đời bác sĩ Hinohara và của những người bệnh trong tập sách, họ đã chuẩn bị cho cái chết không phải với sự buông xuôi mà là một nỗ lực không ngừng nghỉ để được sống như bông hồng cuối cùng của ngày cuối hạ, dẫu biết chiều mai nhụy sẽ tàn nhưng chiều nay vẫn tỏa hương thơm ngát. Và thoát khỏi “cái bóng” của nhan đề, Bí quyết trường thọ của người Nhật đã trở thành một cuốn sách dạy chúng ta sống đẹp hơn là sống lay lắt chờ ngày ra đi.


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 5, 21/11/2024