Dùng con số tròn 700 năm cũng chưa chính xác, mà phải là 740 niên/tuổi. Đền Mõ (xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng), thờ công chúa Quỳnh Trân - con vua Trần Thánh Tông, chị vua Trần Nhân Tông - là nơi rất linh thiêng. Đặc biệt nhất tại di sản văn hóa quốc gia này là sân đền có cây gạo (mộc miên) xứng danh đại lão thụ mộc bởi đến nay đã thuộc hàng U thiên tuế, chính xác là 740 tuổi (trồng năm Giáp Thân 1284).
Giữa tháng 3.2018, trước khi có dịch Covid, tôi về quê, hai lần lọ mọ sang đền Mõ, cách nhà tôi chưa đầy 3 cây số. Chỉ để ngắm hoa gạo. Nhưng có nhẽ duyên mình còn nhạt, hay là tại thời tiết khí hậu năm ấy nhiều thay đổi, nên sắc đỏ rụt rè chậm muộn, mới chỉ lơ thơ. Ngước lên khoảng trời xám xịt bàng bạc mưa xuân, thấy những thân nhánh, cành gỗ nâu mốc già gân guốc tuổi đã gần 740 năm điểm những nụ hoa gạo, như những dấu chấm đỏ chi chít trên tờ trời khổng lồ. Không được chiêm ngưỡng hoa gạo lúc mãn khai, kể cũng tiếc.
Hồi tôi còn nhỏ, thày (bố) tôi còn bảo nó có tên tàu là mộc miên. Cây mộc miên, hoa mộc miên. Nghe những cái tên chữ Hán, đầy vẻ phú quý nhưng xa lạ. Thày tôi giải nghĩa, người T.à.u gọi nó như vậy bởi quả gạo chứa sợi bông trắng. Sau khi bông gạo đỏ rụng xuống thì quả gạo to dần, tới lúc khô cũng tách vỏ ra, trong chứa đầy sợi bông. Miên, chữ Hán nghĩa là sợi bông. Mộc miên là cây gỗ (mộc) cho sợi bông (miên). Ngày xưa người ta tận dụng sợi bông của quả gạo để dệt, để làm gối làm nệm. Thì ra nó giống cây gòn của miền Nam, cây gòn cũng là một thứ mộc miên của đồng bằng Nam Bộ.
Lần nào thăm đền, việc đầu tiên của tôi là kính cẩn chiêm bái, ngước nhìn tít lên vòm cao xanh của đại lão thụ mộc. Phía trên sự khoáng đạt mà rậm rạp kia đã hơn 700 năm mây trắng bay qua. Bảy thế kỷ, thật dài, biết bao đời người. Hồi tôi còn ở nhà, mấy trận bão lớn, nhất là trận cuồng phong năm 1967 và năm 1972 đã quật ngã biết bao cổ thụ ở nhiều xã trong vùng, riêng cụ gạo đền Mõ vẫn trụ vững trơ trơ, chỉ gãy mất ít cành phía nam.
Nghe kể rằng bão tan, những người đến thu dọn cành gãy vừa dọn vừa khóc, họ không nỡ (hoặc không dám) bỏ chung những khúc mẩu lịch sử đó vào chung đống củi cành nhãn cành bàng tạp nham, mà để riêng chỗ đất trống phía sau đền cho mục dần. Một cách ứng xử cực kỳ văn hóa với di sản tiền nhân.
Cụ gạo đền Mõ sinh sắc nhất, đẹp nhất là cữ tháng hai âm lịch. Không gian đỏ rực, hoa gạo bay xoay rải kín vùng rộng cả ngàn mét vuông, lúc chập chờn trong mờ ảo mưa xuân, lúc như tấm áo choàng đỏ phủ tràn hết sân vườn, mái đền mái chùa.
Hơn 7 thế kỷ trước, khi quét những bông gạo đầu mùa, liệu sư bà - công chúa Quỳnh Trân (người lập ra hệ thống chùa-đền này, người bổ nhát cuốc đào hố thiêng trồng cây gạo non) có hình dung được cả mấy chục đời sau cháu chắt chút chít của người vẫn tiếp nối quét nhặt những dấu ấn lịch sử nóng hổi do tổ tiên để lại. Liệu có bông gạo nào từ thời chúa bà còn sót lại. Tôi vẫn định ngỏ với cụ từ đền Mõ rằng cứ mỗi mùa hoa gạo, xin cụ hãy nhặt những bông gạo tươi tắn lành lặn nhất xếp đầy một đĩa dâng lên bàn thờ bà. Con cháu luôn nhớ ơn bà - người khai hoang mở đất, dựng xây đất nước.
Mấy ngày đầu tháng 9.2004, nghe đài khí tượng dự báo siêu bão Yagi đang luẩn quẩn ở biển Đông có thể vào miền Bắc, vào đất Phòng quê nhà, tôi cũng lo nhưng vẫn chắc mẩm đinh ninh cùng lắm như mấy trận cuồng phong mình đã trải qua trong đời. Ai dè người tính không bằng trời định. Hôm 7.9 thì không dám nghĩ gì nữa bởi quá sức tưởng tượng. 4 ngày sau, khi điện và mạng được phục hồi, đứa cháu tôi gửi cho bức ảnh cụ đại lão thụ mộc với chú thích ngắn gọn “cậu ơi, buồn quá”. Nó gắn bó với cụ mộc miên tuổi 7 thế kỷ bởi cụ ngự gần con đường mà nó nhiều năm thường xuyên qua lại về nhà chồng.
Nhìn ảnh cụ gạo 700 tuổi chỉ còn trơ đúng thân vâm mấy người ôm, cành to cả vòng tay người nhớn cũng bị gãy rời như người ta bẻ chiếc bánh đa, chỉ còn đôi nhánh cành sót lại, trơ khấc thân già, thì hiểu trận cuồng phong suốt 5 tiếng đồng hồ đã hành hạ cây gạo yêu quý của người đời từng tồn tại 2/3 thế kỷ như thế nào. Tự dưng có cảm giác lúc ấy cụ bình tĩnh chống chọi và đau đớn lắm. Cũng như con người vậy, khi vận số đã hết, sinh hạn tới cùng, thì phải ra đi, không cưỡng lại được.
Trên đời, cả cây cối lẫn con người, đều không có gì là vĩnh viễn. Như cụ mộc miên, đại lão thụ mộc tưởng sẽ thiên tuế kia, đã hơn 700 năm ngó xuống cõi nhân sinh, vậy mà ra đi trong thoáng chốc. Không còn chi nữa, chỉ sót lại gốc gạo già chất chứa nỗi niềm đau.
Đọc xong tin nhắn của đứa cháu, tôi vội biên mấy chữ ghi lại nỗi buồn không thể tả này, với cách diễn đạt xưa phù hợp: “Mõ từ mộc miên đại lão thụ mộc tử vong tại cuồng phong, chính ngọ thì, thất nhật, cửu nguyệt, nhị không nhị tứ niên, trọng thu Giáp Thìn, thượng hưởng 740 chu niên” (cây gạo già đền Mõ bị chết bởi gió mạnh, vào giờ ngọ, ngày 7 tháng 9 năm 2024, giữa mùa thu năm Giáp Thìn, thọ 740 năm tròn). Thương thay.
Tới lúc này, có nhẽ tôi rải mắt đọc chưa hết, nhưng không thấy báo chí thông tin về nỗi đau thương không thể nào cứu trợ. Cụ đến lặng lẽ cùng chủ nhân Quỳnh Trân công chúa, rồi cụ lại lặng lẽ ra đi chẳng muốn làm phiền đến người đời.
Giờ nếu về quê, tôi không dám sang đền Mõ nữa, bởi biết sang, ngó cảnh tang thương thể nào cũng khóc. Giọt nước của người già vốn đã hiếm hoi.
Nhớ khi xưa sau lần thăm chiêm ngưỡng cụ, tôi về tập tọng viết bài tự gọi là thơ.
LỜI CÂY GẠO ĐỀN MÕ
Bao triều đại đã chìm vào quá khứ
Những đền đài thành quách đã nên rêu
Cả những bậc quân vương từng ngạo nghễ
Chẳng để lại gì hơn một nấm cỏ tiêu điều
Ta sống với nhân dân giữa xanh tươi đồng ruộng
Bảy trăm năm như chớp mắt, sá gì
Hoa vẫn nở tháng ba từ dạo ấy
Thuở Quỳnh Trân công chúa rủ ta đi.
Gốc có vững mới mong dân thờ cúng
Nén hương thơm, thơm ngát cả bốn mùa
Trăm trận bão có khi cành tan tác
Càng thương cụ từ già thao thức suốt đêm khuya.
Trung thu Giáp Thìn 2024