Trong cuốn sách "Ai Lấy Miếng Pho Mát Của Tôi? Phiên Bản Dành Cho Độc Giả Trẻ", Spencer Johnson đã đóng gói lại tác phẩm kinh điển dành người lớn của mình sao cho phù hợp hơn với khán giả trẻ tuổi. Sự khác biệt trong cách tiếp cận mới này nằm ở cách câu chuyện được kể như thế nào và bởi ai. Một ngày, do có một biến cố lớn xảy ra, bảy bạn trẻ gặp nhau trong căng tin để thảo luận về sự thay đổi trong học kỳ tới sẽ ảnh hưởng đến họ như thế nào.
Sau khi giải tỏa những bức bối cá nhân về sự chuyển biến đột ngột, đám bạn không thể không nhận thấy cách Chris, người kể chuyện của chúng ta, dường như xử lý tình huống tốt hơn nhiều so với các bạn đồng trang lứa. Khi được hỏi về sự bình tĩnh lạ lùng này, Chris kể lại một câu chuyện mà chú cậu đã học được tại nơi làm việc và chia sẻ lại với cậu.
Chris khẳng định rằng câu chuyện ngụ ngôn đơn giản này đã thay đổi to lớn cách cậu nhìn nhận mọi thứ trong cuộc sống và giúp cậu đối mặt dễ dàng hơn với nhiều thách thức trong cuộc sống hàng ngày. Trước sự thuyết phục của hội bạn, Chris đã truyền lại câu chuyện về "Ai Lấy Miếng Pho Mát Của Tôi?" để lan tỏa bài học về cách đối phó với những biến cố “không mời mà đến”.
Cậu giới thiệu với 4 nhân vật, bao gồm hai chú chuột (Sniff, kẻ cảm nhận được sự thay đổi và Scurry, kẻ sống là hành động) và hai người tí hon (Hem, kẻ kháng cự lại sự thay đổi và Haw, kẻ học cách thích nghi và tiến lên phía trước). Tất cả đều đang tìm kiếm pho mát trong một mê cung và phản ứng với thay đổi theo những cách hoàn toàn khác biệt. "Pho mát" ở đây là biểu tượng cho bất cứ thứ gì quan trọng trong cuộc đời. Đặc biệt với độ tuổi thanh xuân thì nó là việc thi đỗ đại học, giải quyết mâu thuẫn với cha mẹ, dũng cảm bày tỏ cảm xúc với người mình thích… hay bất cứ thứ gì mà một bạn trẻ coi là xứng đáng để cố gắng tới cùng.
Kết thúc phần bài học minh họa, những người bạn thử áp dụng các nguyên tắc từ câu chuyện này vào các tình huống của cá nhân họ. Khi chuông reo và tất cả đều đi vào lớp của mình, rõ ràng là mỗi người đã bị tác động bởi câu chuyện theo một cách riêng biệt. Mặc dù không tiết lộ giải pháp cụ thể, nhưng họ cảm thấy bản thân đã được trang bị tốt hơn để đối phó với những thay đổi của cuộc sống và rất nóng lòng gặp lại nhau để tiếp tục bàn luận về chủ đề này. Chris bước ra khỏi cuộc gặp mặt thân mật và tò mò các bạn mình sẽ xử lý như thế nào với kiến thức mới học được này. Nhưng có một điều cậu chắc chắn là thái độ ứng xử trước sự thay đổi của hội bạn đã khác đi.
Mỗi nhân vật của câu chuyện này đều có những nỗi sợ hãi khác nhau về sự thay đổi. Khi bạn nghe kể về tất cả những vất vả mà chúng đang phải đương đầu, điều đó sẽ giúp bạn thay đổi theo. Ví dụ, một đứa trẻ trong chuyện đã phải chịu đựng cuộc ly hôn của cha mẹ khi còn rất nhỏ. Nó đã chọn không chịu thích ứng với cú sốc đó và điều này chỉ làm cho tình hình tồi tệ hơn. Một ví dụ khác là một cô gái không bao giờ muốn thay đổi và điều đó khiến cô ấy đau khổ hơn. Mỗi nhà mỗi cảnh, và mỗi nhân vật đều có những khó khăn riêng, nhưng họ đều phải chấp nhận một bài học rằng: Cách duy nhất để vượt qua những thay đổi đó là đối mặt, thay vì tránh né chúng.
Thay đổi là một trong những nghịch cảnh trong cuộc đời mà nhiều người phải vật lộn để đối phó, chứ chưa nói đến việc vượt qua. Cho dù ở trường học hay công sở, với gia đình hoặc đồng nghiệp, sự thay đổi có thể xuất hiện ở bất cứ đâu và luôn hiện diện trong cuộc sống của chúng ta.
Hơn thế nữa, với thế hệ trẻ, thay đổi là thứ chúng phải thực hiện mỗi ngày. Chúng ta đi học, tập gym, đọc sách, chơi thể thao... tất cả đều hy vọng sẽ khiến bản thân khác đi và tốt lên. Nhưng thay đổi cũng là thứ khiến con người sợ hãi nhất, vì không thay đổi nào lại không đi kèm với mất mát. Vì khác đi là mất đi và mất đi là khác đi, bạn chống cự lại sự thay đổi với nỗi sợ của mình. Bởi vậy, thông điệp cốt lõi của cuốn sách là hãy đón nhận sự thay đổi và học cách tư duy tích cực hơn. Chấp nhận để sự thay đổi diễn ra và bạn sẽ thấy cuộc đời mình thay đổi thế nào.
Trạm Đọc tổng hợp