Ai lấy miếng pho mát của tôi - Câu chuyện ngụ ngôn kinh điển về sự thích nghi

11/03/2021 08:30
Ai lấy miếng pho mát của tôi - Câu chuyện ngụ ngôn kinh điển về sự thích nghi

Phát hành lần đầu tiên vào năm 1988, các phiên bản của cuốn "Ai lấy miếng pho mát của tôi?" và sau đó là phần 2 "Đào thoát khỏi Mê Cung", đã truyền cảm hứng cho hàng triệu người trên thế giới…

Trong loạt truyện "Ai lấy miếng pho mát của tôi?" và "Đào thoát khỏi mê cung", tác giả Spencer Johnson đã có những chỉ dẫn thiết thực và toàn diện để thích nghi với mọi sự thay đổi: Từ cách nhận diện sự thay đổi đang diễn ra quanh mình, đến việc chấp nhận sự thay đổi, vượt qua khó khăn và đạt được thành quả.

Phát hành lần đầu tiên vào năm 1988, các phiên bản khác nhau của cuốn sách "Ai lấy miếng pho mát của tôi?" và sau đó là phần 2, "Đào thoát khỏi Mê Cung", đã thay đổi cuộc sống của hàng triệu người. Trong hơn 20 năm, sách xuất bản hơn 40 triệu bản và dịch ra 42 ngôn ngữ, liên tục lọt vào danh sách best-seller của The New York Times, Wall Street Journal, Business Week…

Câu chuyện của bộ sách này rất đơn giản: Hai chú chuột có tên là Đánh Hơi và Nhanh Nhẹn cùng hai con người tý hon có tên là Ù Lì và Chậm Chạp cùng sống với nhau trong một mê cung và pho mát là nguồn thức ăn chính. Đột ngột một ngày, Đánh Hơi và Nhanh Nhẹn phát hiện pho mát trong kho đã hoàn toàn cạn kiệt.

Câu chuyện ngụ ngôn kinh điển về sự thích nghi - 1

Bìa sách.

Đối mặt với sự thay đổi, hai chú chuột Nhanh Nhẹn và Đánh Hơi nhanh chóng chạy đi tìm pho mát mới, trong khi đó Ù Lì và Chậm Chạp thì chần chừ, than vãn và kỳ vọng số pho mát có thể quay trở lại.

Trong câu chuyện này, pho mát chính là hình ảnh ẩn dụ của niềm hạnh phúc, ý nghĩa và tất cả những gì chúng ta muốn trong đời. Còn mê cung chính là nơi chúng ta có thể tìm kiếm thứ mình muốn: Nhà trường, gia đình, xã hội, nơi ta sinh sống và làm việc, những mối quan hệ…

Qua hình ảnh ẩn dụ trên, Spencer Johnson làm rõ tại sao việc thích nghi với hoàn cảnh mới lại khó khăn đến thế. "Miếng pho mát càng quan trọng, chúng ta chần chừ, càng muốn giữ chặt nó lại nhiều bấy nhiêu", ông chỉ ra. Tuy nhiên, nếu không chịu thay đổi, ta sẽ bị đào thải và không bao giờ có được miếng "pho mát" mới.

Trong phần 1, "Ai lấy miếng pho mát của tôi?", Spencer Johnson đưa ra những "thủ thuật" để đối mặt với thay đổi, chiến thắng chính mình: Đặt ra câu hỏi mình có thể làm gì nếu không sợ hãi, tập thói quen tìm kiếm cơ hội và sự thay đổi, tạo động lực vượt lên bằng cách tưởng tượng ra việc mình đạt được thành, hay việc tập thay đổi những thứ nhỏ trước khi thay đổi những thứ lớn hơn...

Còn trong phần 2, "Đào thoát khỏi mê cung", tác giả tập trung vào câu chuyện riêng của Ù Lì - nhân vật cuối cùng bị kẹt lại trong mê cung. Chủ ý của ông là để hướng tới lý giải sự thay đổi ở một mức độ sâu hơn và hỗ trợ những độc giả đặc biệt gặp khó khăn với sự thay đổi. Qua câu chuyện và góc nhìn của Ù Lì, ông phân tích lý do tại sao đa phần chúng ta khó có thể bắt đầu sự thay đổi, tại sao có những sự thay đổi mang lại tích cực, có khi lại không và làm thế nào để ta thích nghi nhanh và dễ dàng hơn với cuộc sống bằng những nhận định sâu sắc.

Về tổng thể, "Ai lấy miếng pho mát của tôi?" và "Đào thoát khỏi mê cung" có những triết lý không quá mới, nếu không muốn nói là phổ quát, đặc trưng của dòng sách "self-help" cổ điển. Nhưng sức hút của loạt truyện nằm ở chỗ, tác giả đã tìm được cách truyền tải đơn giản nhưng dễ hiểu đến bất ngờ.

Là một bác sĩ tâm lý, Spencer Johnson viết câu chuyện ngụ ngôn, giàu hình ảnh ẩn dụ, giúp người đọc có thể dễ dàng ghi nhớ toàn bộ những bài học và chỉ dẫn về sự thay đổi mà không gặp nhiều khó khăn.

Hai cuốn sách mỏng đã chuyển tải một thông điệp hoàn chỉnh và sâu sắc về sự thay đổi, phù hợp với nhiều đối tượng độc giả: Từ người trưởng thành, thanh thiếu niên cho đến các em nhỏ.

Những năm cuối đời, Spencer Johnson đã mắc phải căn bệnh ung thư tuyến tụy. Áp dụng những triết lý trong "Ai lấy miếng pho mát của tôi?" và "Đào thoát khỏi Mê Cung", ông vẫn luôn chọn cách sống chủ động trước mọi hoàn cảnh, tích cực và tràn đầy yêu thương với bạn bè, người thân.

Spencer Johnson (1938-2017) là một nhà văn và là tiến sĩ tâm lý học người Mỹ. Ông là một trong những tác giả nổi tiếng nhất với các tác phẩm khám phá cuộc sống và cách sống được hàng triệu độc giả trên toàn thế giới yêu thích, hâm mộ.

Những tác phẩm của ông được biết đến là những cuốn sách nhỏ đầy ý tưởng độc đáo đã và đang thuộc hàng bestselling do The New York Times bình chọn như: "Quà tặng diệu kỳ", "Có nên hay không - Những quyết định thay đổi cuộc sống", "Phút nhìn lại mình", "Phút dành cho cha", "Phút dành cho mẹ", "Phút dành cho thầy", "Ai lấy miếng pho mát của tôi"…

Thanh Huyền

 


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 3, 19/03/2024