Đào thoát khỏi Mê cung: Cuộc sống sẽ không đổi thay nếu chúng ta không thay đổi chính mình

06/02/2021 08:30
Đào thoát khỏi Mê cung: Cuộc sống sẽ không đổi thay nếu chúng ta không thay đổi chính mình

Đã bao giờ bạn mắc kẹt trong những suy nghĩ tiêu cực và đánh mất niềm tin vào bản thân chưa? Suy nghĩ đó bào mòn bạn mỗi ngày, bạn tin rằng mình chẳng thể làm được điều gì tốt đẹp và mọi thứ sẽ là như vậy mãi mãi? “Đào thoát khỏi mê cung” sẽ là cuốn sách hữu ích, phù hợp với bất kỳ ai đang cảm thấy bế tắc và mong muốn tìm thấy lối đi cho mình.

 

“Đào thoát khỏi Mê cung” là phần tiếp theo của “Ai lấy miếng Phô mát của tôi?” - ấn phẩm từng làm mưa làm gió trên toàn thế giới với hơn 28 triệu bản được bán ra.

2 cuốn sách do First News phát hành

Trong đoạn kết của “Ai lấy miếng Pho mát của tôi?”, Ù Lì là người duy nhất còn mắc kẹt tại kho Pho mát cạn kiệt. Những người bạn đồng hành của cậu là Chậm Chạp, Đánh Hơi và Nhanh Nhẹn đều đã chấp nhận sự thay đổi, lao vào Mê cung tìm kiếm kho Pho mát mới. Và cả ba đều tìm thấy nhiều hơn cả những gì họ mong đợi. Tuy nhiên cái kết này vẫn khiến độc giả đặt ra nhiều câu hỏi: Tại sao đôi khi ta phải thuận theo chiều gió? Làm thế nào để ta thích nghi nhanh hơn và dễ dàng hơn với thế giới ẩn chứa vô vàn sự đổi thay? 

Chính vì vậy, tác giả Spencer Johnson quyết định mở rộng câu chuyện Pho mát thêm một nấc nữa. Nếu như “Ai lấy miếng Pho mát của tôi" đã chỉ ra cho người đọc phương hướng thích nghi với thay đổi trong cuộc sống thì “Đào thoát khỏi Mê cung" sẽ cung cấp cho người đọc những công cụ cần thiết để khởi hành; không chỉ dừng lại ở việc thích nghi với thay đổi mà còn có thể thay đổi suy nghĩ của chính mình.

“Đào thoát khỏi Mê cung" kể tiếp câu chuyện về Ù Lì, một người tí hon lạc lõng trong Mê cung của chính mình. Cậu ở lì tại kho Pho mát trống không trong nhiều ngày. Cậu vẫn kỳ vọng rằng mỗi ngày sẽ có thêm Pho Mát xuất hiện, và khi điều đó không xảy ra thì cậu lại trở nên tức giận. Cậu chắc mẩm nếu mình kiên trì chờ đợi, mọi việc sẽ thay đổi. Nhưng không. Chẳng có sự thay đổi nào diễn ra.

Ù Lì quẩn quanh trong những suy nghĩ tệ hại cho đến khi cậu quyết định rằng mình không thể ngồi yên và chờ đợi nữa. Cậu biết Mê Cung rất nguy hiểm, vì trong đó có nhiều góc tối và ngõ cụt. Cậu chỉ có thể dựa vào bản thân mình. Nhưng nếu không chấp nhận rủi ro và bước tiếp, cậu sẽ chết đói. 

Ù Lì và hành trình đi tìm Pho mát

Hành trình đi tìm Pho mát của Ù Lì sau đó không dễ dàng. Cậu tìm thấy những kho trống trơn không còn lại vụn Pho mát nào. Cậu lại tự gặm nhấm mình bằng câu hỏi “Tại sao mình không đi với Chậm Chạp?”. Ù Lì vốn dĩ luôn nghĩ rằng mình thông minh, là bộ não của cả nhóm nhưng đến giây phút này, cậu không chắc vào điều đó nữa. Cậu cạn kiệt năng lượng và cạn kiệt cả niềm tin. Cậu cảm thấy mình thật tệ hại, “Chắc số phận của mình là phải chạy vòng vòng trong Mê Cung mãi mãi".

“Cứ bám vào những niềm tin cũ sẽ không thể nào dẫn chúng ta tới được kho Pho mát mới", Ù Lì nhìn thấy ghi chú của người bạn mình. Cậu lại tự hỏi tại sao mình lại rơi vào tình thế này, cô độc trong Mê cung tăm tối - nơi từng là cả thế giới tuyệt vời với cậu.

Sau đó, Ù Lì gặp người bạn mới tên là Hy Vọng. Hy Vọng không nói rằng cậu nên làm gì nhưng luôn hỏi cậu “Vì sao cậu lại cảm thấy như vậy?” “Tại sao cậu không tin vào những điều khác?”. Ù Lì đã phủ nhận mọi ý kiến khác với suy nghĩ của cậu. Cậu thậm chí từ chối ăn một quả táo vì cậu tin rằng mình chỉ ăn được Pho mát. Với cậu, chỉ Pho mát mới là thức ăn. 

Trong hành trình đồng hành với người bạn mới, Ù Lì đã dần nhận được sự ảnh hưởng tích cực, đó là tư duy “thinking out of the box". Cậu hiểu rằng chỉ khi cậu từ bỏ sự cố chấp, bắt đầu mở lòng và đón nhận những điều mới lạ, cuộc sống sẽ trở nên đáng sống hơn. Và khi cậu học cách tin tưởng, mọi điều “không thể" sẽ trở thành “có thể”. Cậu hiểu rằng cuộc sống sẽ không đổi thay nếu cậu không học cách thay đổi chính mình trở nên tốt hơn mỗi ngày.

Sau cùng, liệu Ù Lì có thể tìm thấy lối ra cho chính mình? Liệu cậu có gặp lại những người bạn cũ hay không? Hãy cùng tìm hiểu qua cuốn sách “Đào thoát khỏi Mê cung" của nhà Tâm lý học Spencer Johnson.

Vân Nguyễn

 


Gửi bình luận
(0) Bình luận