4 Tips cần nhớ để có một bài review sách xuất sắc

07/11/2020 10:30
4 Tips cần nhớ để có một bài review sách xuất sắc

Review Sách là gì nhỉ? Viết review thì viết cái gì, viết như thế nào? Review có khó không? Làm sao để có một bài review hay, hấp dẫn người đọc?… Đó có lẽ là băn khoăn của rất nhiều người khi mới bắt đầu viết review sách. Bài viết này sẽ chia sẻ những tips mình đã tích lũy cũng như học được để có một bài review sách xuất sắc nhất.

I. Trước hết, chúng ta cần hiểu “Review sách” nghĩa là gì?

Review là từ không còn mấy xa lạ với chúng ta, bạn đã vô tình nghe ở đâu đó rồi, nhưng bạn đã bao giờ tìm hiểu kĩ ý nghĩa của từ review chưa? Theo từ điển Cambridgereview có thể hiểu đơn giản là:

Một danh từ: có nghĩa là sự xem xét lại.

Một nội động từ: có nghĩa là viết một bài phê bình về cuốn sách, vở kịch, phim,...

Một ngoại động từ: có nghĩa là hồi tưởng lại, xem lại,...

Viết review sách hay còn gọi là nhận xét, đánh giá về một cuốn sách là một cách cung cấp thông tin của cuốn sách đó. Bạn không nên xem review là quảng cáo sách vì bài review được viết khi người viết đã đọc và có những cảm nhận riêng, họ có đủ thông tin để có thể đưa ra những lời nhận xét chính xác nhất. Bài review thể hiện cái nhìn trung thực về cuốn sách được đề cập tới.

 

 

II. Nguyên tắc khi viết review sách là gì?

Để có một bài review tốt, chúng ta cần một nội dung tốt và một kỹ thuật tốt. Nội dung tốt thì có thể dễ dàng tạo dựng. Đa số mọi người không nhận ra, nhưng sau khi đọc một cuốn sách thì mình chắc rằng ai cũng có những điều thú vị để nói. Kỹ thuật tốt lại khó hơn – nó dường như khá trừu tượng và đó thường là thứ làm nên hoặc phá hỏng một bài viết. Bạn có thể tự đặt ra cho mình những nguyên tắc riêng khi viết một bài review sách. Nhưng, cái riêng vẫn cần dựa trên cơ sở của những chuẩn mực chung. Có 5 nguyên tắc mà mình đã áp dụng khi viết một bài review và mình tin rằng ai cũng cần phải ghi nhớ 5 nguyên tắc đó:

 1. Bài review sách không phải là một bài quảng cáo.

Điều đó đồng nghĩa với việc bài viết sách sẽ không mang mục đích thương mại, chèo kéo người đọc mua cuốn sách mà bạn đang đề cập tới. Hãy xác định rõ mục tiêu mình cần có với 3 câu hỏi: “Viết cho ai?”, “Viết để làm gì?”, “Nếu vậy thì viết như thế nào?”.

 2. Bài review cần phải “đúng”.

“Đúng” ở đây là thế nào? Đó chính là sự chính xác khi bạn đề cập đến nội dung, tư tưởng chủ đạo của cuốn sách. Nên nhớ rằng, sẽ không ai tốn cả chục phút chỉ để ngồi đọc một bài review dài cả vài nghìn từ nhưng lại luyên thuyên, nhảm nhí, không đi đúng trọng tâm khi nội dung sách một đằng mà bạn lại “bẻ lái” sang một kiểu được đâu.

 

3. Bài review cần phải đảm bảo yếu tố rõ ràng, mạch lạc.

Làm thử một ví dụ nhỏ. Hai đoạn văn sau đây bạn muốn đọc đoạn nào hơn?

- Đoạn văn không tách đoạn:

Mưu cầu và đạt được hạnh phúc cuối cùng có thể là mục tiêu cả đời của nhiều người. Nhưng làm sao để có thể hạnh phúc dài lâu? Mình cho rằng có 3 yếu tố quan trọng. Một là sự phát triển nhận thức. Tự nhận thức nôm na là biết bạn là ai, nhận thức rõ ràng về tính cách, điểm mạnh yếu của bản thân. Là hiểu mình muốn gì, suy nghĩ ra sao, có niềm tin gì, động lực nào,v.v.

Vẫn là đoạn đó, nhưng đã được tách đoạn:

Mưu cầu và đạt được hạnh phúc cuối cùng có thể là mục tiêu cả đời của nhiều người. Nhưng làm sao để có thể hạnh phúc dài lâu? Mình cho rằng có 3 yếu tố quan trọng:

Một là sự phát triển nhận thức.

Tự nhận thức nôm na là biết bạn là ai, nhận thức rõ ràng về tính cách, điểm mạnh yếu của bản thân…

 

Mình chắc chắn rằng, có tới 99% người được hỏi sẽ chọn đọc đoạn văn thứ 2. Vì sao ư? Câu trả lời là: chẳng ai có đủ kiên nhẫn để ngồi đọc một “bài sớ” dài dằng dặc rồi tự tìm ra ý mà bạn muốn nói cả. Bởi vậy, khi viết bất cứ thứ gì, dù là luận văn, viết báo hay viết review, hãy luôn cố gắng làm sao để ý tứ của bạn rõ ràng, mạch lạc nhất. Đừng ngại ấn “enter” để tách đoạn, chia tách bài viết hợp lý, bố cục mạch lạc. Nó sẽ giúp người đọc có trải nghiệm đọc thoải mái hơn. Phần hiển thị nhìn sạch sẽ, rõ ràng hơn thì người đọc cũng có xu hướng đọc lâu hơn và nhiều hơn.

 4. Làm nổi bật giá trị cốt lõi của cuốn sách.

Nói cách khác, bài review của bạn cần có chiều sâu, có điểm nhấn riêng. Một trong những điều tệ nhất trên bài viết là nó chẳng nói lên điều gì cả. Chúng tầm thường một cách bất ngờ. Cho nên thường người ta viết những thứ vớ vẩn. Một bài viết thể hiện được cái tôi riêng của bạn sẽ tạo hứng thú cho người đọc và thôi thúc họ đọc tiếp.

 

5. Luôn hướng tới người đọc.

“Tại sao tôi phải đọc bài viết này của bạn?”“Hãy cho tôi một lý do để đọc nó?”,… Sẽ có những thời điểm mà bạn phải cho độc giả thấy được lý do để họ phải dành thời gian đọc bài viết của bạn, đặc biệt khi bạn đang viết một bài khá dài. Bạn hãy nhớ rằng, bạn có ít thời gian, còn họ thì có nhiều sự lựa chọn.

III. Những tips mình đã áp dụng để có một bài review sách hay:

 

Đôi điều cho những ai mới bắt đầu…

Khi mới bắt đầu viết review, mình đã chọn cuốn sách mà mình thích nhất. Mình nghĩ rằng, một cuốn sách bạn thích sẽ giúp bạn có nhiều bút lực hơn để viết một bài thật hay đấy. Bởi vậy, mình có một lời khuyên cho những ai mới bắt đầu là: hãy chọn một cuốn sách mà bạn tâm đắc nhất nhé. Không cần là một quyển sách “vang bóng một thời” đâu, tốt nhất nên là quyển để lại ấn tượng sâu sắc với bạn. Đừng cố buộc mình phải review một cái tên best seller khi trong đầu của bạn kiến thức về nó chỉ là con số 0. Để có một khởi đầu “thuận buồm xuôi gió”, hãy viết cuốn sách mà bạn tâm huyết (Dĩ nhiên khi đã lên tay thì có thể “lấn sân” sang sách của nhiều lĩnh vực khác nhau, lúc đó cũng chưa phải là muộn đâu nhé).

 

Sau hơn 40 bài viết* thì mình cũng học hỏi và tích lũy được kha khá kinh nghiệm để có một bài review thú vị. Dưới đây là những tips mà mình đã áp dụng:

1. Title rất quan trọng, hãy luôn để mắt tới nó nhé!

Ông cha ta có câu: “Miếng trầu là đầu câu chuyện”. Tiêu đề cũng giống như miếng trầu, nó là khởi đầu của 1 câu chuyện bất kì. Nó quyết định liệu độc giả sẽ dừng lại đọc bài viết của bạn hay lướt qua một cách vô tình. Một nội dung dù hay đến đâu mà không chuẩn bị tiêu đề hấp dẫn thì có nghĩa là bạn đã thất bại ngay từ “vòng gửi xe”.

Vậy làm sao để có một tiêu đề thú vị? Câu trả lời là: Hãy tư duy khi đặt tiêu đề. Title là thứ bắt đầu bài viết của bạn. Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn phải cắm bút để viết tiêu đề luôn đâu. Hãy cứ sáng tạo nội dung của bạn trước đã. Trong khi chia sẻ cảm nhận về cuốn sách, mình tin rằng, ít nhiều bạn cũng sẽ nảy ra ý tưởng để có một cái tên hấp dẫn cho bài viết của mình.

Có 3 quy tắc mà mình áp dụng khi viết một title:

#1. Vừa viết nội dung vừa lên ý tưởng cho tiêu đề.

Có thể bạn sẽ nghĩ ra rất nhiều title cho bài viết của mình, nhưng hãy cứ hoàn thành bài viết trước đã. Sau đó, hãy xem xét lại và chọn ra một title đắt nhất, xứng đáng nhất.

 #2. Áp dụng mô hình 5W-1H, sử dụng những con số, những từ ngữ mạnh,…

5W-1H là mô hình quen thuộc của những người làm SEO và content nói chung. Bạn có thể tìm hiểu mô hình này trên các mạng và học hỏi để vận dụng một cách hiệu quả cho bài viết của mình. Bạn cũng có thể đưa ra những con số, những từ ngữ mang tính thách thức, hoài nghi (Có thể là “Bí mật”, “Sự thật”, “Phương pháp”,…), lối nói so sánh,… Có rất nhiều cách để bạn có thể làm title của mình trở nên thú vị và thu hút người đọc.

Ví dụ về một số title hay khi review sách:

- “Project 333 – Tối Giản Trong Ăn Mặc”: Thử Thách 3 Tháng Với 33 Món Đồ Cơ Bản => Title sử dụng những con số.

- “Giết Con Chim Nhại”: Có Cuộc Đấu Tranh Nào Là Vô Nghĩa? => Title sử dụng câu hỏi.

- "999 Lá Thư Gửi Cho Chính Mình": Hãy Sống Xứng Đáng Với Tuổi Trẻ Của Mình => Title sử dụng từ ngữ mang ý nghĩa kêu gọi, thách thức,…

#3. Cố gắng để có một title ngắn gọn nhưng hay – đúng – trúng vấn đề được đề cập tới trong cuốn sách.

Điều này không có mục đích phủ nhận rằng, một title dài sẽ không hay. Nhưng sự ngắn gọn, cô đọng, súc tích vẫn được đa số người đọc ưu tiên hơn. Khi mới bắt đầu viết review, mình thường viết tiêu đề rất dài. Ví dụ như:

- [Review Sách] “Deep Learning - Cuộc Cách Mạng Học Sâu“: Từ Một Lĩnh Vực Học Thuật Phức Tạp Trở Thành Một Công Nghệ Đột Phá Trong Nền Kinh Tế Thông Tin

- [Review Sách] “Messy - Sáng Tạo Từ Sự Lộn Xộn”: Cú Hích Thôi Thúc Bạn Chọn Sự Bề Bộn Khi Gọn Gàng Vẫn Đang Chiếm Thế Thượng Phong

Đó là những tiêu đề quá dài (lên tới 18 – 21 từ), điều này không tốt chút nào. Một lời khuyên cho bạn là hãy đặt title ngắn gọn (khoảng từ 6 -15 từ là hợp lý nhất) và cố gắng nghĩ ra nhiều ý tưởng khi viết để có một title thật hay nhé!

“Nội dung không phải vậy nhưng mình cứ viết một chiếc title thật bá đạo, thật chất, thật kêu đi, nào có sao!” – cứ có tư tưởng như vậy đi nếu bạn muốn độc giả chẳng bao giờ click chuột để đọc những bài viết tiếp theo của bạn nữa?!

Đừng như vậy, tuyệt đối tránh tình trạng đặt tiêu đề chỉ với mục đích “giật tít”, “câu views” còn nội dung thì rỗng tuếch! Đặc biệt là với tư cách của một người đi chia sẻ nội dung hữu ích và giá trị (ở đây là một người review sách). Hãy nói thật và làm thật, nội dung bên trong phải phản ánh đúng những điều đã hứa hẹn trong tiêu đề bạn nhé!

2. Hãy cố gắng tạo ra một phần dẫn nhập thật hay.

Phần dẫn nhập hay chính là phần mở đầu của một bài review. Mục đích của phần này là giúp người đọc có cái nhìn tổng thể về nội dung cuốn sách mà bạn đề cập tới. Nếu bạn đã khiến người đọc phải click chuột vào bài viết của mình thì có thể coi như title của bạn đã chiếm được “cảm tình” của họ. Phần dẫn nhập này chính là bước quan trọng tiếp theo, quyết định xem họ sẽ đọc thêm hay không.

 

Cũng giống như làm một bài văn, có hai cách để bạn viết một đoạn dẫn nhập cho bài review sách của mình. Đó là: Trực tiếp và Gián tiếp.

Ví dụ cho 2 kiểu dẫn nhập:

a/ Kiểu dẫn nhập trực tiếp:

“Cảm giác Hygge của Meik Wiking đã phác họa cho chúng ta hạnh phúc là gì và những điều bí mật khác của quốc gia hạnh phúc nhất thế giới - Đan Mạch. Không ngẫu nhiên mà Cảm giác Hygge trở thành một hiện tượng xuất bản trên thế giới, tác giả cho thấy rằng hygge không phải là điều người Đan Mạch mới có. Bạn cũng có thể tìm thấy hygge để cho vào công thức hạnh phúc của chính mình.”

(Trích bài review: “Cảm Giác Hygge”: Cẩm Nang Hạnh Phúc và Những Điều Bí Mật Khác của tác giả Tuyết Sơn)

- Ưu điểm: Kiểu dẫn nhập này sẽ đánh trúng luôn vấn đề, nội dung chủ đạo của cuốn sách, giúp bạn có cái nhìn tổng quan nhất về nội dung bạn sẽ đọc phía sau.

- Nhược điểm: ít tạo được sự lôi cuốn cho người đọc và có thể dễ khiến bạn bị cạn ý tưởng cho những phần sau nếu như bạn hiểu chưa sâu về cuốn sách.

b/ Kiểu dẫn nhập gián tiếp:

Chúng ta mang nỗi sợ thời đại FOMO (Fear Of Missing Out) – hội chứng sợ bị lãng quên – và gần như lúc nào cũng phập phồng lo lắng ngoài kia có thể có những thứ tốt hơn, vui hơn mình chưa làm, có những người thông minh hơn, tài năng hơn, xinh đẹp hơn, trẻ trung hơn mà mình chưa được gặp. “Tôi muốn chia sẻ với mọi người về nỗi sợ của mình – nỗi sợ bị lãng quên”, nhân vật Augustus trong cuốn sách The fault in our stars của tác giả John Green đã bắt đầu câu chuyện về những vì sao sai lối bằng một nỗi sợ như thế.

(Trích bài review: “The Fault In Our Stars”: Hãy Sống Hạnh Phúc Và Đừng Lo Sợ Bị Lãng Quên của Kim Chi)

- Ưu điểm: Khơi gợi sự tò mò, hứng thú, từ đó tạo nên sự hấp dẫn, lôi cuốn cho bài viết của bạn. Bản thân mình ưu tiên sử dụng kiểu dẫn nhập này hơn vì nó giúp mình tiết kiệm được nhiều vốn từ, đồng thời có thêm nhiều bút lực hơn để “phóng bút” cho những nội dung tiếp theo.

- Nhược điểm: Gây sự nhàm chán, mơ hồ cho người đọc nếu bạn viết một phần dẫn nhập quá dài nhưng nội dung lại chẳng đi đến đâu.

Mỗi kiểu dẫn nhập đều có ưu – nhược điểm riêng của nó. Tùy từng trường hợp mà bạn quyết định viết theo kiểu nào cho phù hợp và hãy luôn nhớ 4 yếu tố cần có cho một phần dẫn nhập hay: Ngắn gọn – Đầy đủ - Độc đáo – Tự nhiên.

 

3. Trình bày nội dung thật sâu sắc, rõ ràng, ngắn gọn và mạch lạc.

Thông thường, khi tiếp cận một cuốn sách, điều chúng ta quan tâm đầu tiên là nội dung cuốn sách là gì, tác giả là ai? Đó là những mục bạn nên có khi viết bất cứ bài review nào. Tuy nhiên, mỗi thể loại chúng ta lại có những cách triển khai vấn đề khác nhau. Để thuận tiện nhất, hãy quan tâm tới thể loại sách. Có rất nhiều cách chia sách. Để dễ dàng cho việc viết review, mình thường chia sách thành 2 thể loại chính: Sách hư cấu (Fiction) và Sách phi hư cấu (Non-Fiction). Trong đó:

- Sách hư cấu gồm các thể loại nhỏ như: Tiểu thuyết, Truyện ngắn/dài, Thơ, Kịch,…

- Sách phi hư cấu: là những cuốn sách Self-help, Sách khoa học, Sách kinh tế, Tiểu sử, Các bài nghiên cứu/đánh giá,…

Để triển khai nội dung cho một bài review của từng thể loại, mình thường làm như sau:

a/ Đối với sách hư cấu:

Các tác phẩm tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện dài thường không có những chương, phần rõ ràng như các loại sách kinh tế. Để nắm bắt được nội dung thể loại này, bạn buộc phải đọc hết tác phẩm. Với những cuốn sách dạng này, bạn nên có những mục sau:

- Tóm tắt ngắn gọn nội dung cuốn sách.

- Chia sẻ những gì bạn nhận được từ cuốn sách đó (hãy trình bày luận điểm, câu chủ đề thật rõ ràng ở phần này. Điều này vừa khiến bài viết của bạn mạch lạc hơn, vừa giúp ích cho người đọc khi họ muốn tìm hiểu nội dung cuốn sách).

Ví dụ: Với cuốn sách “Ông già và biển cả”, mình sẽ triển khai luận điểm như sau:

1. Santiago – người anh hùng với ý chí kiên cường trước những thử thách của cuộc đời.

2. Con cá kiếm – hình tượng cho những ước mơ của con người.

3. Đàn cá mập – những khó khăn của cuộc sống.

b/ Đối với sách phi hư cấu:

Sách phi hư cấu thường có những chương, phần rõ ràng. Bởi vậy, bạn có thể triển khai luận điểm theo từng phần của cuốn sách đã được chia tách sẵn. Nhưng nếu cuốn sách quá dài, quá nhiều chương thì phải làm sao? Câu trả lời là hãy tìm ra những luận điểm lớn, gộp những phần có nét tương đồng vào một chủ điểm và bắt đầu viết thôi nào!

 

Những điều cần nhớ để có một bài review xuất sắc:

#1. Thêm vào những câu trích dẫn.

Trích dẫn các câu văn hay trong sách luôn là một cách hữu hiệu để minh họa cho những gì bạn viết. Ví dụ khi bạn viết review về một nhân vật rất hài hước, việc trích một câu thoại dí dỏm sẽ giúp độc giả hình dung chính xác sự hài hước của nhân vật mà bạn nói đến. Tuy nhiên, những đoạn trích dẫn quá dài hay quá nhiều trích dẫn sẽ chiếm hết sự chú ý của người đọc và làm lu mờ bài review của bạn. Vì vậy, để độc giả chú ý vào những cảm nhận của bạn về cuốn sách thì tốt nhất là bạn nên chọn những câu trích dẫn ngắn thôi.

#2. Hãy cố gắng tạo cho mình những giọng văn riêng với nhiều sắc thái khác nhau phù hợp với những loại sách khác nhau.

Mình rất thích một câu nói của nhà văn I. Turgenev:

Cái quan trọng trong tài năng văn học là tiếng nói của mình, là cái giọng riêng biệt của chính mình không thể tìm thấy trong cổ họng của bất kì người nào khác.

Giả sử bạn có ý đấy, có từ đấy nhưng vẫn lúng túng viết chưa thành câu, hoặc câu văn có thành thì tẻ nhạt, bởi vì bạn đang thiếu cái quan trọng nhất: thiếu khẩu khí, thiếu hơi văn, chưa có ngữ điệu, giọng điệu thích đáng. Trong câu tục ngữ “Ăn không nên đọi, nói không nên lời” thì “nói không nên lời” chính là một sự đau khổ của con người. Hãy cố gắng tìm ra cho mình một giọng văn riêng nhé! Bên cạnh đó thì bạn hãy chú ý thể hiện những sắc thái khác nhau với những thể loại sách khác nhau: Với những cuốn sách hài hước, bạn nên viết với một giọng văn hóm hỉnh, dí dỏm để người đọc thấy được sự thú vị của cuốn sách. Với những cuốn sách kinh tế, sách khoa học, bạn cần một giọng văn tinh tế, sắc bén. Với những cuốn self-help, hãy dùng giọng văn như tâm tình, trò chuyện với độc giả,…

 

#3. Triển khai một nội dung ngắn gọn, súc tích và ý nghĩa nhất.

Khi mới bắt đầu viết review, mặc dù hoàn cảnh hơi xô đẩy chút xíu nhưng mình đã “vượt lên số phận” ** và mình mắc một “tật xấu” đó chính làm: tham dài. Bản gốc những bài review sách ban đầu của mình có thể gọi là quá dài, nó thường dừng lại ở 4000 – 5000 từ có khi lên tới 6000 từ (!). Khi đó, kĩ thuật design ảnh của mình khá tệ, bởi vậy mà, để cân đối, mình đã phải ngồi lại để cắt bớt nội dung và chỉnh sửa lại sao cho hợp lý. Điều này quả thật không tốt chút nào. Bạn thấy đấy, một bài viết ngắn chúng ta có thể dễ dàng “đắp thêm thịt” để nó trở nên dài hơn. Nhưng! Một bài viết dài cần rút ngắn lại thì rất khó bởi bỏ đi thì thiếu ý, cắt đi chỗ nào cũng thấy không hợp lý. Cho dù đã chỉnh sửa khá nhiều, nhưng có những bài viết số từ vẫn ở con số khá lớn (hơn 4700 từ - đó là số từ sau khi mình đã chỉnh sửa để hoàn thành bài review sách Bí mật của người kể chuyện). Bên cạnh những lý do khác thì mình nhận ra rằng, những bài review đó sẽ không được đánh giá cao.

Tại sao lại như vậy? Tiếp cận nhiều bài viết hay đã giúp mình hiểu được rằng: Viết dài là một điều rất dễ, bởi ai cũng có thể làm được. Nhưng ngắn gọn, hàm súc, cô đọng mà vẫn tạo ra cái hay, sức nặng cho bài viết mấy ai đã có? Sự dài dòng đôi khi lại là cái chết của nghệ thuật bởi mình nhận ra viết dài đồng nghĩa với “viết dai”, “viết dại”: lời văn nông cạn, ý tứ chưa sâu (điều này không có nghĩa là mình hoàn toàn bác bỏ những bài viết dài nhưng chất lượng. Nhưng thực sự, những bài viết dài mà vẫn đạt đến độ tinh tế thì rất ít).

Anton Chekhov – người được xem là nhà viết truyện ngắn vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại từng nói một câu rất hay rằng: “Ngắn gọn chính là bà chị của thiên tài”. Vậy nên, khi viết review, hãy cố gắng làm sao để bài viết của bạn thật cô đọng, hàm súc mà vẫn thật ý nghĩa nhé! Theo quan điểm cá nhân mình, độ dài hợp lý nhất cho một bài review sách là khoảng từ 1500 – 3000 từ. Sự thật thì ngắn hay dài là tùy ở bạn, nhưng hãy để tâm tới tip này của mình nhé, mình chắc rằng, bạn sẽ nhận ra lợi ích của cách viết này!

 #4. Đừng quên thêm những bức ảnh thật xinh vào bài review nhé!

Sẽ thật nhàm chán khi đọc một bài viết mà chỉ toàn chữ là chữ! Hãy thêm vào những hình ảnh liên qua đến nội dung của sách để tạo sự chú ý và thu hút bạn đọc. Điều này không chỉ giúp bài viết của bạn sinh động hơn mà nó còn giúp người đọc dễ dàng tiếp cận để hiểu trọn vẹn cuốn sách mà bạn đem đến cho họ.

#5. Kiểm tra lại một lần nữa.

Sẽ thật khó chịu khi đọc một bài viết mà có quá nhiều lỗi sai chính tả. Có thể, người đọc vẫn sẽ hiểu được ý bạn muốn nói. Nhưng chắc chắn rằng, bài viết của bạn sẽ không bao giờ được đánh giá cao. Mình từng bị hủy bài bởi bài viết có quá nhiều lỗi sai. Việc nhận sửa lỗi chính tả cho người khác giúp mình nhận ra rằng: sai chính tả không chỉ làm người đọc “tụt mood” khi đọc bài viết của bạn mà nó còn khiến bạn trông thiếu chuyên nghiệp hơn trong cảm quan của họ. Mình cũng đã từng “down vote” một bài viết mình đã đọc đơn giản bởi ý tứ lủng củng và một điều quan trọng nữa là nó sai chính tả quá nhiều. Cho nên, đừng vội vàng, viết xong, hãy soát lại bài ít nhất 2 lần nhé!

 

4. Viết một lời kết “đi vào lòng người”.

Lời kết có nhiệm vụ tổng kết, đánh giá vấn đề đặt ra ở phần dẫn nhập và đã giải quyết khi bạn triển khai nội dung cuốn sách. Phần này góp phần tạo tính hoàn chỉnh, trọn vẹn và tạo dư âm cho bài viết của bạn. Hãy cố gắng sáng tạo một lời kết thật hay, một lời kết có sức nặng và “đi vào lòng người” nhé!

 Để làm được điều này, bạn cần…

Luyện tập, luyện tập và luyện tập. Luyện tập tạo nên sự hoàn hảo. Bạn có thể tự viết những bài review về những cuốn sách mà bạn thích, cũng có thể ứng tuyển vào cộng đồng những người yêu thích sách như Bookademy chẳng hạn. Mình tin rằng, sự luyện tập ấy sẽ đem tới cho bạn thành quả xứng đáng.

Lời kết:

Gấp lại một cuốn sách, ai cũng có những điều thú vị để nói. Bạn có nhiều điều để nói hơn bạn nghĩ – thế giới thì luôn cần những nội dung ý nghĩa, thuyết phục để truyền tải và giúp mọi người hiểu biết hơn. Hãy tạo nên điều đó! Chúc bạn thành công!

Trò chuyện bằng âm nhạc: Vượt qua ranh giới Đông và Tây - ảnh 4

 (*)...40 bài viết: so với rất nhiều người review sách nói chung và với các thành viên của Bookademy nói riêng thì con số ấy chỉ như "một giọt nước" giữa đại dương mà thôi. Nhưng nó khiến mình thấy vui vì đã vượt qua được giới hạn của bản thân. Và điều tuyệt vời nhất là mình đã học được rất nhiều bài học từ những điều đó, và giờ mình ở đây để chia sẻ với mọi người.

 (**)...mình đã “vượt lên số phận”: Sau khi apply thành công vào Bookademy, hoàn thành xong bài review đầu tiên thì đó cũng chính là lúc mình gặp một vấn đề rất lớn: vì "1 phút lầm lỡ", mình đã phải "tiễn 2 chiếc máy tính" ra đi trong "màu nước mắt". Bởi vậy mà 3 tháng sau đó chính là một cực hình khi mình phải viết bài, design ảnh trên điện thoại và mượn lap để đăng bài. Từ sự việc này, mình có một lời khuyên nhỏ xinh cho các bạn là: Làm gì thì làm, không làm được thì thôi, đừng phá nhé:)!

Tác giả: Kim Chi – Hình ảnh: Kim Chi 


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025